• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận và sự vận dụng vào công tác vận động nông dân ở tỉnh Yên Bái trong thời gian qua
Ngày xuất bản: 16/06/2022 2:57:00 CH
Lượt đọc: 9088

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng về dân vận - một bộ phận hết sức quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho Đảng và Nhân dân các dân tộc ở nước ta. Có thể nói, tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh không những chứa đựng tinh thần trọng dân, thương dân, hết lòng chăm lo lợi ích của nhân dân, nhận rõ sức mạnh của Nhân dân, mà còn chỉ ra nội dung và phương thức vận động, tập hợp Nhân dân.Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn luôn xác định rõ vai trò, vị trí quan trọng của công tác dân vận đối với sự nghiệp cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dùng thuật ngữ “công tác quần chúng” và “dân vận” để chỉ một lĩnh vực công tác của Đảng. Vấn đề dân vận có nhiều khái niệm khác nhau và cho đến nay vẫn chưa có khái niệm nào xúc tích, dễ hiểu, lại độc đáo như khái niệm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong bài “Dân vận”.Người viết: Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho. Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân.

Như vậy, công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải có đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời; phải làm cho người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách và việc thực hiện chủ trương, chính sách sẽ đưa lại lợi ích cho nhân dân và do Nhân dân thực hiện, không ai làm thay dân được; phải sâu sát nhân dân, sâu sát cơ sở, bàn bạc với dân, với cơ sở về kế hoạch thực hiện chủ trương, chính sách cho phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương, từng cơ sở, phù hợp với khả năng của Nhân dân và phải hướng dẫn nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách; trong và sau khi thực hiện cần phải theo dõi, đôn đốc kiểm tra, rút kinh nghiệm để kịp thời bổ sung, uốn nắn những thiếu sót, lệch lạc, sai lầm trong chủ trương, chính sách, trong tổ chức thực hiện, đồng thời để khen thưởng và phê bình.

Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị về công tác dân vận. Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII năm 2016, Tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái đã lãnh đạo các cấp uỷ đảng triển khai, sơ kết, tổng kết nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng về công tác dân vận. Việc triển khai, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết góp phần làm chuyển biến rõ nét nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên về công tác dân vận của Đảng. Công tác dân vận của các cấp uỷ đã đi vào các vấn đề cụ thể như đề ra các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội phải hợp với tâm tư, nguyện vọng của đa số Nhân dân, được Nhân dân phấn khởi đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó các cấp uỷ đảng còn dành nhiều thời gian đối thoại trực tiếp với nhân dân và chủ động phân công cán bộ, đảng viên bám sát cơ sở.

Các cấp chính quyền và các ngành trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức đối với công tác dân vận. Vì vậy, trong 5 năm (2015 - 2020), Yên Bái đã phát huy được nguồn lực to lớn trong Nhân dân đề xây dựng các công trình phúc lợi như điện, đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá...

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, của các đoàn thể Nhân dân bước đầu được đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, chỉ đạo có mục tiêu, địa chỉ rõ ràng; coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đổi mới cách tổ chức các phong trào thi đua, gắn các hoạt động của mỗi tổ chức với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương. Nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động đã đảm bảo tính bền vững, hoạt động có hiệu quả. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá có tác dụng thiết thực ở khu dân cư. Các phong trào giúp nhau xoá đói giảm nghèo, nhân đạo từ thiện, xoá nhà tranh, nhà dột nát và xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở được triển khai thực hiện có kết quả rõ nét. Các đoàn thể nhân dân đã tập hợp được đông đảo quần chúng, góp phần tăng cường sức chiến đấu của hệ thống chính trị . Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp tham gia sâu rộng hơn vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Quy chế Dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chỉ trở thành hiện thực khi được đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận của Đảng tuyên truyền, giải thích, cổ vũ nhân dân thực hiện. Bởi vì, theo Hồ Chí Minh "cán bộ là gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém"; dân tin vào Đảng, vào chế độ; chính sách mang lại lợi ích thiết thực cho dân, phải thông qua cái "gốc" là người cán bộ. Thấm nhuần quan điểm đó, Ban Dân vận tỉnh luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận. Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận ở các cấp, các ngành trong tỉnh được củng cố, từng bước nâng cao năng lực công tác. Tác phong công tác và lề lối làm việc của đội ngũ này đã có nhiều đổi mới, sâu sát cơ sở, tinh thần và trách nhiệm được tăng lên. Trong 5 năm qua, đã có 1.500 cán bộ dân vận các cấp uỷ được bồi dưỡng công tác dân vận ở các Trung tâm Chính trị huyện, thị, Trường Chính trị tỉnh, trong đó Trường Chính trị tỉnh đã mở được 8 lớp bồi dưỡng cán bộ dân vận với số lượng 692 người tham gia.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương, Ban Dân vận tỉnh đã hướng dẫn Ban Dân vận các cấp tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng; tổ chức phát động đợt thi đua "75 ngày thi đua cao điểm dân vận khéo". Đợt thi đua được các cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở tích cực hưởng ứng. 9/9 huyện, thị, thành phố có kế hoạch hướng dẫn thi đua; các chi bộ, chi hội, chi đoàn lồng ghép các phong trào, chọn việc, chọn công trình, đăng ký giao ước thi đua cụ thể. Qua các phong trào, biểu dương 1.300 việc làm dân vận khéo tiêu biểu; ở huyện, thị, thành phố biểu dương 15 tập thể, 45 cá nhân tiêu biểu. Thừa uỷ quyền của Ban Dân vận Trung ương, Ban Dân vận tỉnh trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân vận” của Đảng cho 75 đồng chí, trong đó 42 đồng chí cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Việc này có tác dụng động viên cán bộ phấn đấu trong công tác dân vận.

Đội ngũ tham mưu cho các cấp uỷ đảng về công tác dân vận tiếp tục được củng cố, phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng. Các cấp uỷ kiện toàn, củng cố Ban Dân vận các cấp, lập khối dân vận cơ sở. Tỉnh ủy phân công các đồng chí Thường vụ cấp uỷ làm Trưởng Ban, đồng chí Uỷ viên Thường trực làm Trưởng Khối. Thường vụ Tỉnh uỷ thành lập ba phòng chuyên môn thuộc Ban Dân vận Tỉnh uỷ. 159/159 xã, phường, thị trấn lập Khối Dân vận cơ sở; 1.521 đồng chí là thành viên tham mưu cho cấp uỷ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận.

           Bên cạnh những kết quả đạt được, trong những năm qua, công tác dân vận của Yên Bái còn nhiều hạn chế, yếu kém: chưa nhận thức đầy đủ quan điểm của Đảng về công tác dân vận; chưa vận dụng nhuần nhuyễn, đồng bộ giữa lý luận và thực tiễn; tư tưởng xem nhẹ công tác dân vận vẫn chưa được khắc phục; một số cấp ủy đảng chưa thực sự quan tâm đến công tác dân vận; có cán bộ chính quyền còn biểu hiện quan liêu, chậm giải quyết ý kiến, khiếu nại, tố cáo của công dân; cá biệt có nơi cán bộ còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy….

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác vận động nông dân ở tỉnh Yên Bái cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận đến mọi cấp, mọi người dân.

Hai là, phải thực thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở Thực hiện và phát huy dân chủ cơ sở vừa là mục tiêu vừa là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội, tập hợp và phát huy được sức mạnh của quần chúng. Mọi lúc, mọi nơi phải thực hiện đúng các nội dung của Quy chế. Việc nào dân được biết thì phải công khai để dân biết; việc nào dân được bàn thì phải đưa ra công khai để dân bàn; việc nào dân được kiểm tra thì phải để dân kiểm tra. Phải để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Do vậy, cần có những quy định cụ thể về thực hiện dân chủ, về trưng cầu dân ý, về chức năng giám sát, về bầu cử..., làm sao quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân được thực hiện và phát huy.

Ba là, nâng cao trình độ dân trí, khoa học, công nghệ cho nông dân.

Bốn là, công tác nông vận ở cơ sở cần được phối hợp giữa các lực lượng, giữa các tổ chức.

Tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh đã được tuyên truyền, giáo dục cho toàn thể cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Thấm nhuần tư tưởng của Người, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Ban Dân vận của tỉnh Yên Bái đã vận dụng, đưa những chỉ dẫn về dân vận của Người vào thực tiễn hoạt động cách mạng, biến những tư tưởng của Người thành những phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, nhất là trên địa bàn nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Dương Thị Thuý Tài

Khoa Nhà nước và Pháp luật