• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Trao đổi về vấn đề “Dân chủ” trong buổi tọa đàm Câu lạc bộ Giảng viên trẻ Trường Chính trị tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 06/10/2017 2:34:00 CH
Lượt đọc: 26723

Câu lạc bộ Giảng viên trẻ Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm với rất nhiều chủ đề bổ ích, thiết thực, khiến nhiều giảng viên trẻ vẫn tiếp tục quan tâm tìm hiểu sau khi buổi tọa đàm kết thúc. Một trong những vấn đề khiến các hội viên đặc biệt quan tâm sau buổi tọa đàm do khoa Nhà nước và pháp luật chủ trì đó là câu hỏi: Chế độ một đảng, nhất nguyên chính trị thì có mất dân chủ hay không? Thực hiện đa nguyên, đa đảng có dân chủ hơn chế độ một đảng, nhất nguyên chính trị không?

Để có thể giải đáp vấn đề này và đấu tranh với những luận điệu sai trái, những quan điểm xuyên tạc của các thế lực chống phá, thì mỗi giảng viên phải có nhận thức đúng và đưa ra được những luận điểm khoa học để bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng trước sự tấn công của các thế lực phản động. Trong khuôn khổ một môn học không thể lý giải thấu đáo, cặn kẽ, cần phải kết hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực: Triết học, pháp luật, lịch sử Đảng, xây dựng Đảng,  Đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước Việt nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội.....Qua tìm hiểu các môn học đó trong chương trình Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính, tôi nhận thấy để có thể giải đáp được các câu hỏi trên cần phải nắm rõ và giải quyết các vấn đề sau:

Thứ nhất, cần hiểu được “Dân chủ” là gì?

Phạm trù Dân chủ có từ nguyên Hy Lạp là Democratos (được ghép bởi hai từ: demos = dân và cratos = quyền lực, tức là quyền lực của nhân dân. 

Trong buổi đầu mới hình thành cộng đồng người, trong xã hội công xã nguyên thủy, con người đã biết liên kết với nhau và cùng thống nhất bầu ra một tổ chức tự quản để quản lý mọi việc trong thị tộc, bộ lạc. Tổ chức đó bao gồm những người có phẩm chất, năng lực, được đa số tin tưởng và nếu không làm tốt nhiệm vụ mà cộng đồng giao cho thì sẽ bị phế bỏ. Đó là biểu hiện đầu tiên của việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân tuy còn ở trình độ rất sơ khai.

Kết thúc chế độ công xã nguyên thủy là một trang khác của lịch sử xã hội với các chế độ có giai cấp kế tiếp nhau ra đời. Lúc ấy, xã hội do dân làm chủ và cả bộ máy mà dân bầu ra đã bị biến đổi về chất. Tổ chức tự quản ấy được “nâng cấp” thành Nhà nước với nhiều bộ phận khác nhau, nhằm duy trì sự tồn tại và tăng thêm quyền lực cho chính tổ chức đó. Quyền lực ấy không phải để bảo vệ toàn thể người dân trong xã hội mà để bảo vệ một giai cấp nhất định - giai cấp nhân danh nhà nước đề ra pháp luật, bộ máy cưỡng chế thi hành pháp luật.....để thống trị đại đa số các giai cấp, tầng lớp còn lại. Như vậy, dân chủ đã không còn nguyên nghĩa, dân chủ giờ đây gắn với giai cấp, giai cấp nào thống trị xã hội thì giai cấp đó làm chủ, giai cấp thống trị ban hành pháp luật quy định ai là dân, dân có quyền đến mức nào thì dân được “dân chủ” đến đó. VD: Xã hội Chiếm hữu nô lệ không coi nô lệ là “dân” nên nô lệ không có quyền dân chủ.

Trong quan niệm của các nhà kinh điển, dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ thể sáng tạo lịch sử. Nhân dân tự quy định, tự quyết định lấy cuộc sống và vận mệnh của mình. C. Mác và Ph. Ăng-ghen cho rằng, dân chủ là hình thái biểu hiện của quyền lực nhà nước mà nhân dân phải tổ chức và kiểm soát được. V.I. Lê-nin đặc biệt nhấn mạnh sự tham gia của quần chúng vào công việc quản lý nhà nước.

Hồ Chí Minh đưa ra một luận đề rất ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, nêu lên được bản chất đích thực của dân chủ. Theo Người, dân chủ có nghĩa là dân là chủ và dân làm chủ. Người khẳng định đồng thời vị thế và năng lực của dân trong tư cách chủ thể, là người chủ xã hội, chủ nhà nước. Người nhấn mạnh, trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trên thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Người còn nhấn mạnh, dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân. Nhà nước chỉ là chủ thể đại diện cho chủ thể ủy quyền là dân.

Như vậy, Dân chủ được hiểu là một hình thức chính trị - nhà nước của xã hội. Dân chủ là chính quyền thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ thể quyền lực của nhà nước. Nhà nước dân chủ là nhà nước thừa nhận và bảo đảm các quyền tự do và bình đẳng của công dân.

Những hiện tượng nhà nước đứng trên xã hội, đứng trên nhân dân; quan liêu xa rời nhân dân, ngăn cản quyền tự do dân chủ của nhân dân, lạm quyền, cửa quyền, tham nhũng là những hiện tượng phản dân chủ hoặc chỉ có dân chủ cho một thiểu số trong xã hội. Ngược lại một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là nhà nước của một chế độ dân chủ.

Thứ hai, thực hiện quyền dân chủ như thế nào? (hay các hình thức thực hiện dân chủ)

Như ở trên đã nói, trong hình thái kinh tế xã hội đầu tiên của loài người (công xã nguyên thủy), các thành viên của cộng đồng cử ra một tổ chức để thay mình thực hiện quyền làm chủ và có nhiệm vụ tổ chức, quản lý các mặt khác nhau của đời sống xã hội. Để người dân có thể thực hiện quyền làm chủ thì nhân dân phải là chủ thể quyền lực của tổ chức được chính họ lập nên đó - tổ chức đó sau phát triển thành Nhà nước trong xã hội có giai cấp. Thông qua tổ chức bộ máy nhà nước, các thiết chế chính trị, xã hội, các hình thức pháp lý nhất định, nhân dân biểu thị ý chí của mình. Ý chí của dân được Nhà nước cụ thể hóa thành đường lối, chính sách, pháp luật và đưa ý chí đó thực thi trong cuộc sống nhằm phục vụ chính người dân. Có nhiều quan điểm khác nhau về số lượng, tên gọi các hình thức thực hiện dân chủ, tuy nhiên về cơ bản có hai hình thức để dân có thể thực hiện quyền làm chủ là như sau:

Hình thức dân chủ đại diện: Là hình thức mà qua đó nhân dân thực hiện sự “ủy quyền”, giao quyền lực của mình cho người, tổ chức mà nhân dân trực tiếp bầu ra. Những người và tổ chức ấy đại diện cho nhân dân, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Đây là hình thức dân chủ phổ biến trên thế giới hiện nay và được coi là khoa học về tổ chức lao động quyền lực. Hình thức dân chủ đại diện chủ yếu là việc thực hiện quyền lực nhân dân thông qua nhà nước. Dân chủ vì vậy luôn gắn với một chế độ nhà nước nhất định. Hình thức chính thể của nhà nước là thước đo của nền dân chủ.

Hình thức dân chủ trực tiếp: Là hình thức qua đó nhân dân bằng hành vi của mình trực tiếp thực hiện quyền là chủ nhà nước và xã hội. Đó là việc thực hiện các quyền được thông tin về hoạt động của Nhà nước, được bàn bạc về các công việc của nhà nước và cộng đồng dân cư, được bàn và quyết định những vấn đề ở cơ sở, nhân dân trực tiếp kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước nhất là ở cơ sở.

Thứ ba, sự khác nhau căn bản giữa nền Dân chủ tư sản và Dân chủ XHCN

Đa nguyên chính trị, đa đảng trong nền dân chủ tư sản.

Đa nguyên chính trị xuất hiện vào đầu thế kỷ XVIII, khi giai cấp tư sản còn là giai cấp tiến bộ trong đấu tranh bảo vệ sự đa dạng và bình đẳng của các nhóm xã hội có lợi ích khác nhau, phát triển quyền tự do dân chủ tư sản, chống chế độ chuyên chế phong kiến. Đó là một khuynh hướng xã hội - triết học, tuyệt đối hóa sự đa dạng đối kháng của các nhóm đảng phái, tổ chức chính trị khác nhau trong xã hội. Giai cấp tư sản trong giai đoạn này giương cao khẩu hiệu “tự do, dân chủ” để tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng thể tấn công vào thành trì phong kiến đã tồn tại hàng nghìn năm. Trong thời kỳ đó, giai cấp tư sản đã có công lớn trong việc chấm dứt sự chuyên chế của phong kiến, mở rộng cho con người một số quyền cơ bản. Có thể thấy, nền dân chủ tư sản tiến bộ hơn nền quân chủ chuyên chế ở chỗ: Quản lý xã hội bằng pháp luật, thực hiện nguyên tắc phổ thông đầu phiếu để thành lập nghị viện và các cơ quan đại diện khác, tuyên bố nguyên tắc “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”; quyền tư hữu tài sản là bất khả xâm phạm.....Không thể phủ nhận vai trò lịch sử của nền dân chủ tư sản, trong bước tiến của nhân loại vươn tới xây dựng một nền dân chủ thực sự.

Hệ thống đa đảng là hệ thống mà ở đó có nhiều đảng chính trị có khả năng giành quyền điều hành chính phủ một cách độc lập hay liên minh với nhau. Trong các quốc gia có thể chế chính trị đa đảng, một đảng nào đó chiếm được đa số (sau thắng lợi bầu cử), nhưng chưa đạt đến mức độ tuyệt đối thì phải liên minh với một số đảng khác, tạo thành một liên minh cầm quyền. Khi đó giữa các đảng có sự dàn xếp với nhau, điều hòa về các vị trí chủ chốt trong nội các, điều hòa về chính sách và quyền lực. Đảng nào chiếm số lượng cử tri đông nhất thì đảng đó có nhiều đại biểu trong quốc hội, có nhiều ghế trong chính phủ, chiếm nhiều vị trí chủ chốt trong chính quyền nhà nước.

Tuy nhiên, dân chủ tư sản thực chất là dân chủ bị cắt xén, dân chủ hình thức. Dân chủ giành cho giai cấp nắm quyền thống trị về kinh tế và chính trị trong xã hội - giai cấp tư sản. Trong lịch sử, khi chủ nghĩa tư bản phát triển đến giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, thì tất cả các khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” chỉ còn là những cụm từ nằm trong các văn bản của Hiến pháp. Giai cấp tư sản nói rằng họ có dân chủ nhưng trên thực tế dân chủ ấy không giành cho đại đa số giai cấp, tầng lớp nghèo khổ trong chính nước họ, mà lại càng không giành cho nhân dân ở các nước thuộc địa.

Ngày nay, đa nguyên chính trị, đa đảng nhưng thực chất là nhất nguyên chính trị, là độc đảng - Đảng của giai cấp tư sản. Ở Mỹ, có 112 Đảng, ngoài hai đảng Dân chủ, Cộng hoà, nước Mỹ còn nhiều đảng khác như: Đảng Xanh, Nước Mỹ, Hiến pháp, Nước Mỹ độc lập, Xã hội chủ nghĩa và tự do, Hoà bình và tự do, Cựu chiến binh, Xã hội, Lao động thế giới, Cộng sản..., thậm chí có những Đảng mang tên rất thú vị như Đảng Trà, Dinh dưỡng, Cấm uống rượu... Trải qua 44 đời Tổng thống của nước Mỹ, chỉ có tổng thống đầu tiên George Washington không thuộc về chính đảng nào, 43 đời tổng thống còn lại đều là đại diện cho các chính Đảng lớn. Trong đó, Đảng Cộng hòa có 18 vị Tổng thống, Đảng Dân chủ có 15 vị Tổng thống. Hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa trong nhiều thập kỷ trờ lại đây luân phiên nhau thống trị nước Mỹ. Đa nguyên, đa đảng về cơ bản cũng chỉ là hình thức.

Những ứng cử viên tranh chức tổng thống thuộc hai Đảng này luôn được sự ủng hộ rất lớn về mặt tài chính trong vận động tranh cử. Số tiền các ứng cử viên tiêu tốn trong mỗi cuộc tranh cử ngày một tăng cao. Nhóm nghiên cứu Trung tâm phản hồi chính trị (CRP) cho biết, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 là cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử Mỹ khi ứng viên và các đảng đã chi hơn 6,6 tỷ USD. Việc ủng hộ tài chính cho các ứng cử viên tổng thống cũng tựa như một cuộc mặc cả, trao đổi về những hứa hẹn thực hiện các chính sách có lợi cho các tập đoàn kinh tế tư nhân đã ửng hộ họ. Với cách thức như vậy, thử hỏi đâu là cái gọi là dân chủ cho nhân dân? Bởi đại đa số người dân không bao giờ có đủ điều kiện, mà điều kiện quan trọng nhất là tài chính để tham gia tranh cử. Và những người đắc cử cũng không được tự chủ trong các quyết định của họ khi bị ràng buộc bởi “món nợ” mà họ đã nhận trước khi trở thành người đứng đầu đất nước.

Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Các nước XHCN đều theo chế độ nhất nguyên chính trị với một đảng cầm quyền duy nhất là Đảng Cộng sản.

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là Chế độ dân chủ đã được xác lập ở các nước đã hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ và bắt đầu tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đặc trưng của dân chủ xã hội chủ nghĩa là quyền dân chủ của công dân không ngừng được mở rộng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, của xã hội mà cơ bản nhất là dân chủ về kinh tế. Trên lĩnh vực chính trị xã hội, quyền tham gia quản lý nhà nước của nhân dân và các đoàn thể quần chúng ngày càng được mở rộng về phạm vi, về độ sâu và phong phú đa dạng về các hình thức. Mục tiêu của dân chủ xã hội chủ nghĩa là nhằm xóa bỏ tệ nạn người bóc lột người và tạo ra ngày càng nhiều điều kiện để thực hiện triệt để công bằng xã hội, công lí cho mọi người, bình đẳng thực sự giữa nam với nữ, giữa các dân tộc, tạo cơ hội cho mọi công dân mưu sinh và mưu cầu hạnh phúc. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ của xã hội loài người tiến bộ trong tương lai.

Vậy, sự khác nhau căn bản giữa Dân chủ Tư sản và Dân chủ Xã hội chủ nghĩa là:

Một là, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ cho đại đa số nhân dân lao động; còn nền dân chủ tư sản là nền dân chủ cho thiểu số, phục vụ lợi ích cho thiểu số - đó là giai cấp tư sản.

Hai là, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa có cơ sở kinh tế của nó là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội; còn chế độ dân chủ tư sản có cơ sở kinh tế của nó là chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất.

Ba là, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền dân chủ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, quản lý xã hội bằng nhà nước xã hội chủ nghĩa; còn nền dân chủ tư sản là nền dân chủ đặt dưới sự lãnh đạo của các đảng tư sản - tổ chức chính trị đại biểu cho lợi ích của các tập đoàn tư bản, thông qua nhà nước tư sản với nhiều hình thức tổ chức cụ thể khác nhau.

Bốn là, mục tiêu của dân chủ xã hội chủ nghĩa là hướng tới giải phóng con người, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân. Thực hiện một nền dân chủ thực sự trên mọi mặt đời sống xã hội. Còn mục tiêu của dân chủ tư sản là nhằm duy trì, thiết lập, bảo vệ lợi ích, sự áp bức bóc lột của giai cấp tư sản, sự bất công trong xã hội, sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc, kìm hãm sự tiến bộ, văn minh của nhân loại. Thực hiện một nền dân chủ giả hiệu, giả dối và cắt xén.

Thứ tư, Việt Nam có cần thực hiện đa nguyên, đa đảng không?

Thực tiễn lịch sử đã phủ định đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam và khẳng định vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng cộng sản.

Đầu thế kỷ XX có nhiều phong trào yêu nước xuất hiện đấu tranh chống thực dân xâm lược theo các khuynh hướng phong kiến hoặc dân chủ tư sản nhưng đều thất bại, do nhiều nguyên nhân: Thiếu đường lối cách mạng đúng đắn, sai lầm trong lựa chọn biện pháp cách mạng, không tập hợp được quần chúng....Trong bối cảnh đó, do yêu cầu cấp bách của cách mạng giảng phóng dân tộc, phong trào công nhân, phong trào yêu nước sôi nổi khắp nơi trên cả nước, đòi hỏi phải có một đảng cách mạng với đường lối chính trị đúng đắn soi đường để lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Cùng với việc xuất hiện ba tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản đảng, Đông Dương Cộng sản liên đoàn, An Nam Cộng sản đảng hoạt động riêng rẽ, tranh giành ảnh hưởng, gây chia rẽ quần chúng......đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến trình đấu tranh cách mạng của dân tộc. Chính trong hoàn cảnh đó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc sau nhiều năm tham gia hoạt động đấu tranh cách mạng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã cùng với hội Việt nam cách mạng thanh niên tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị về mặt tư tưởng và tổ chức cho việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930). Kể từ đây, nhân dân Việt Nam đã có một Đảng cách mạng với lý luận khoa học là chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường.

Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc. Năm 1945, Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo toàn dân tộc đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền, thiết lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Đảng Cộng sản việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, họp Hội nghị lần thứ nhất tại Hồng Kông từ ngày 14 đến 31 tháng 10 năm 1930; sau nhiều lần đổi tên đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, được tổ chức vào năm 1976 Đảng ta lấy tên Đảng Cộng sản Việt nam từ đó cho đến nay). Đặt quyền lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết nên trong những ngày đầu gìn giữ chính quyền và nền độc lập dân tộc, Đảng ta đã tự tuyên bố giải tán và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã mở rộng thành phần cho mọi tổ chức, chính đảng cùng tham gia lãnh đạo đất nước. Song, trong quá trình cách mạng, các tổ chức đảng phái hoặc phản động, hoặc có đường lối không đúng đắn, không vì quyền lợi của quốc gia, dân tộc đã lần lượt bị chính nhân dân loại bỏ, chỉ còn lại duy nhất Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo có đường lối cách mạng đúng đắn, vì quyền lợi của toàn thể nhân dân lao động, vì nền độc lập và sự phát triển của đất nước đã được nhân dân lựa chọn là chính đảng duy nhất đại diện cho quyền lợi của mình. Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh đánh đổ hai đế quốc lớn là đế quốc Mỹ và thực dân Pháp. Lãnh đạo nhân dân ta thực hiện công cuộc Đổi mới xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội nhằm mục tiêu xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là do yêu cầu của lịch sử, phù hợp với quy luật khách quan của sự phát triển của lịch sử, lãnh đạo nhân dân ta giành lấy quyền tự do, độc lập, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đây mới chính là dân chủ thực sự của nhân dân.

Việt Nam không cần đa đảng, không cần đa nguyên chính trị nhưng lại đem lại dân chủ thực sự cho nhân dân. Thông qua việc không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, tạo mọi điều kiện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ. Thông qua hai hình thức thực hiện dân chủ là dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, nhân dân có thể đề đạt nguyện vọng, đóng góp ý kiến cho các cơ quan công quyền. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trở thành quy chế, thiết chế dân chủ trong các tổ chức chính trị - xã hội, trong các hoạt động của xã hội; là phương châm hành động của người dân trong xây dựng hệ thống chính trị; là yêu cầu ứng xử của cán bộ trong tiếp xúc, quan hệ với dân và chăm lo đến dân. Nhân dân lao động là chủ thể mọi quyền lực; quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ luôn gắn bó chặt chẽ với nhau.

Lênin đã nói: Dân chủ vô sản là dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản. Điều đó là hoàn toàn đúng đắn và đang được thực tiễn ngày càng chứng minh. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, sẽ có đôi chỗ, đôi nơi việc nhận thức về dân chủ và thực hiện dân chủ vẫn còn một số hạn chế. Nhưng với quyết tâm của Đảng và Nhân dân ta trong việc phát huy quyền làm chủ và thực thi dân chủ thì nền dân chủ xã hội chủ nghĩa sẽ ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện phát triển toàn diện con người, đưa đất nước xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Nhân dân ta.

Ths. Nguyễn thu Hương

Khoa Lý luận Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh