• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Ngày xuất bản: 22/02/2021 9:59:00 SA
Lượt đọc: 12963

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, một danh nhân văn hóa thế giới, Người đã sáng lập và lãnh đạo Đảng ta. Trong công tác xây dựng Đảng, Người đặc biệt coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Hồ Chí Minh gọi tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức của Đảng, là nguyên tắc cơ bản nhất để xây dựng Đảng Cộng sản thành một tổ chức chiến đấu chặt chẽ, vừa phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân, vừa phát huy sức mạnh của tập thể phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng cách mạng đã đề ra.

1. Nguyên tắc tập trung dân chủ theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh cho rằng dân chủ và tập trung là hai mặt có quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau trong một quá trình tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay từ khi thành lập Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản, có vai trò trực tiếp chỉ đạo toàn bộ quá trình xây dựng, tổ chức, sinh hoạt và hoạt động lãnh đạo của Đảng; quy định cơ cấu, hình thức tổ chức, thiết lập chế độ các cơ quan lãnh đạo, đồng thời xác lập nguyên tắc giải quyết các mối quan hệ trong nội bộ Đảng. Người khẳng định, Đảng phải là khối thống nhất ý chí và hành động: “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”[1]

Tập trung dân chủ phải được quán triệt và thực hiện trong từng đảng viên, trong các tổ chức đảng để Đảng ta hoàn thành sứ mệnh lịch sử của một Đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, cùng với nguyên tắc tập trung dân chủ, Người còn đề cập tới nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đây là biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ trên phương diện lãnh đạo, quản lý.

Hồ Chí Minh khẳng định: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung”[2]. Theo Hồ Chí Minh thì một người dù tài giỏi đến mấy cũng không thể nào thấy hết mọi mặt của một vấn đề, càng không thể thấy hết được mọi việc, hiểu hết được mọi chuyện. Vì vậy, để lãnh đạo được sát, đúng cần phải có sự tham gia ý kiến của nhiều người. Nhiều người thì nhiều kiến thức, người thấy mặt này, người thấy mặt kia, do đó hiểu được toàn diện, mọi vấn đề. Khi tập thể đã bàn bạc kĩ lưỡng, kế hoạch đã được định rõ thì giao cho một người phụ trách chính. Làm như vậy thì kế hoạch mới được thực hiện đầy đủ, tránh dựa dẫm, chồng chéo nhau, công việc mới đạt kết quả cao. Khi đánh giá công việc mới có cơ sở để biểu dương những người làm giỏi, phê bình những người làm kém, mới xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân. “Lãnh đạo mà không tập thể thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không có cá nhân thì sẽ đi đến tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”[3].

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập đến nay luôn luôn tuân thủ và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, hoạt động và sinh hoạt đảng. Chính điều đó đã tạo nên sức mạnh để Đảng ta khi mới 15 tuổi với 5.000 đảng viên đã lãnh đạo nhân dân ta làm Cách mạng Tháng Tám thành công. Cùng với sức mạnh đó Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân ta làm nên những chiến công hiển hách đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, và hiện nay đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải luôn hiểu rõ bản chất và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng chính là làm cho Đảng ta luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, trung thành và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, góp phần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay.

2. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam

Suốt chặng đường gần một thế kỷ qua, Đảng Cộng sản Việt Nam trong từng giai đoạn cách mạng và mỗi nhiệm vụ cụ thể, nguyên tắc tập trung dân chủ luôn được đặc biệt coi trọng trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng. Qua các kỳ Đại hội, căn cứ vào tình hình thực tiễn, nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ không ngừng được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta đã thông qua Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó nêu rõ: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”

Cụ thể hơn, tại Điều 9 Chương II, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã quy định:

“Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là:

Một là, cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách (tuy cấp ủy cấp trên có quyền chỉ định nhưng không được quá 1/3 số lượng do Đại hội bầu).

Hai là, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội Đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là Đại hội Đại biểu hoặc Đại hội Đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là Ban Chấp hành Đảng bộ, Chi bộ (gọi tắt là cấp ủy).

Ba là, cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.

Bốn là, tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng; thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội Đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành
Trung ương.

Năm là, nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội Đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.

Sáu là, tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên”[4].

3. Đề xuất giải pháp đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Để thực hiện nghiêm và giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần thực hiện mốt số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của đội ngũ đảng viên về nguyên tắc tập trung dân chủ. Chỉ khi nào hiểu đủ về nội hàm của nguyên tắc tập trung dân chủ thì mới có thể thực hiện đúng, tránh được tình trạng không hiểu hoặc hiểu “nửa vời” dẫn đến những biến dạng trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ như dân chủ hình thức, trong cuộc họp không đưa ra ý kiến nhưng ra ngoài lại bàn tán không đồng tình; hay dân chủ cực đoan, quá dựa dẫm vào dân chủ mà thiếu tính tập trung, không khai thác được sức mạnh của tập thể.

Thứ hai, tăng cường hiện thực hóa nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng thông qua các chủ trương, đường lối, nghị quyết, quyết định, chính sách, chương trình hành động,... Đưa tập trung dân chủ không còn là “những câu chữ trên giấy” hay “những lời phát biểu lý thuyết” mà thực sự trở thành nguyên tắc cốt lõi, xương sống trong tổ chức và hoạt động của Đảng ta trên thực tế.

Thứ ba, cá nhân mỗi đảng viên cần phát huy hơn nữa tính tiên phong, gương mẫu, tự giác, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong hoạt động. Kiên quyết phản đối các hình thức dân chủ hình thức hoặc dân chủ cực đoan; nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình trên tinh thần phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau.

Thứ tư, các cấp ủy đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; nghiêm túc phê bình hoặc có các biện pháp xử lý kỷ luật hợp lý các đảng viên không tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc lợi dụng tập trung dân chủ vì mục đích không chính đáng. Kiên quyết đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ.

Thứ năm, mỗi đảng viên là tế bào cấu thành nên tổ chức Đảng. Chính vì vậy, để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng Đảng ta luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức; “thực sự là đạo đức, là văn minh”, mỗi đảng viên phải thật sự hiểu đúng bản chất và nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn trong công tác tổ chức và hoạt động./.

 

Ths. Phạm Thị Ngọc Ánh

Khoa Xây dựng Đảng



[1]. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.553.

[2]. Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr.505.

[3]. Hồ Chí Minh, Sđd, tập 5, tr.505.