• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Tăng cường quản lý hoạt động học tập của học viên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 14/03/2025 2:28:00 CH
Lượt đọc: 683

 

Quản lý hoạt động học tập của học viên là một trong những hoạt động quan trọng, mang tính thường xuyên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường Chính trị nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Bởi vì, kết quả học tập của học viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; động cơ, thái độ, phương pháp học tập của học viên, trong đó có vai trò quan trọng của công tác quản lý học viên. Chính vì vậy, việc quản lý, theo dõi quá trình học tập và rèn luyện của học viên có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy vai trò chủ động của người học từ đó nâng cao chất lượng và kết quả học tập.

 Trong thời gian qua, Đảng ủy, BGH Trường Chính trị tỉnh Yên Bái luôn chú trọng đến nâng cao chất lượng công tác quản lý học tập của học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong Nhà trường, góp phần không nhỏ vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động quản lý học tập của học viên hiện nay còn tồn tại những mặt hạn chế như: một số học viên đi muộn, về sớm, nghỉ học nhiều, còn có hiện tượng bỏ ra ngoài trong giờ học.... Để công tác quản lý học tập của học viên đạt hiệu quả cao nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế quản lý đào tạo Trung cấp lý luận chính trị do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành. Trên cơ sở các quy chế đó, Nhà trường có thể nghiên cứu và ban hành các văn bản cụ thể hóa các nội dung quản lý đào tạo cho phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

Thứ hai, về công tác chiêu sinh. Đối với các lớp hiện nay mặc dù vẫn thực hiện các quy chế quản lý đào tạo số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về việc ban hành Quy chế quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương song trong chiêu sinh vẫn phải chú ý một số nội dung:

 Trong chiêu sinh, tuyển sinh phải đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn trên cơ sở quy hoạch cán bộ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực hiện tốt công tác tuyển sinh sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho công tác quản lý học tập của học viên.

Thứ ba, nêu cao vai trò trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, thực sự là cầu nối giữa học viên với nhà trường. Chất lượng, kết quả học tập của lớp học tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: nội dung giảng dạy, giảng viên, giáo trình, học viên, cơ sở vật chất... nhưng trong đó không thể không nói đến vai trò của người quản lý trực tiếp lớp học - Đó là giáo viên chủ nhiệm lớp. 

Giáo viên chủ nhiệm lớp có vai trò quan trọng trong việc quản lý, hỗ trợ quá trình học tập và rèn luyện của học viên. Với đối tượng học viên hiện nay khác nhau về tuổi tác, trình độ, nghề nghiệp... Vì thế, giáo viên chủ nhiệm lớp cần phải nghiêm túc, thận trọng, tế nhị trong xử lý công việc, phải luôn bám sát lớp học, nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng, kết quả học tập rèn luyện của học viên. Nhắc nhở uốn nắn kịp thời những hành vi vi phạm nội quy, quy chế của học viên lớp mình quản lý.

Thứ tư, phát huy vai trò của giảng viên giảng dạy trong phối hợp quản lý học viên. Mặc dù giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ quản lý, điều hành lớp học, nắm tình hình học tập và rèn luyện của học viên, song việc quản lý học viên trong giờ học cần phải có sự phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm và giảng viên giảng dạy vì giảng viên giảng dạy là người nắm rõ nhất ý thức, thái độ học tập của học viên trong giờ học.

            Thứ năm, đối với những học viên nghỉ học quá thời gian quy định, không đủ điều kiện thi hết phần học thì Nhà trường kiên quyết thực hiện đúng quy chế. Việc tổ chức học bổ sung kiến thức trước khi thi cho học viên phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và đảm bảo chất lượng, tránh làm qua loa, chiếu lệ, hình thức để đảm bảo tính công bằng trong học tập và đánh giá kết quả học tập của học viên.

            Thứ sáu, đối với các lớp học mở tại các địa phương hiện nay đang thực hiện cơ chế đồng chủ nhiệm để quản lý lớp học. Do đó, cần thiết phải đề cao vai trò quản lý của cán bộ tại nơi mở lớp làm nhiệm vụ đồng chủ nhiệm và giảng viên trực tiếp giảng dạy. Song giáo viên chủ nhiệm của Nhà trường cũng phải thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình học tập, rèn luyện hàng ngày của học viên. Sau khi kết thúc từng phần học, giáo viên chủ nhiệm cần trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với đồng chí đồng chủ nhiệm, khoa chuyên môn để có những thông tin chính xác về tình hình giảng dạy và học tập của lớp học để báo cáo Hội đồng xét điều kiện dự thi cho học viên đảm bảo chính xác, khách quan.

Tóm lại, quản lý hoạt động học tập của học viên được xem là vừa mang tính khoa học, lại vừa mang tính nghệ thuật. Nếu quản lý tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, đánh giá đúng thực chất kết quả học tập. Ngược lại, quản lý không tốt thì kết quả học tập, chất lượng học tập sẽ được đánh giá không chính xác. Chính vì vậy cần phải tăng cường quản lý hoạt động học tập của học viên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng./.

Ths. Lê Ánh Tuyết

   Phó Trưởng phòng TC, HC, TT, TL