• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ LIÊN MINH GIAI CẤP CÔNG NHÂN, GIAI CẤP NÔNG DÂN VÀ ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM
Ngày xuất bản: 06/01/2021 8:42:00 SA
Lượt đọc: 27286

 

Trong mỗi thời đại lịch sử, mỗi một giai cấp, tầng lớp đều có vị trí và vai trò nhất định trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, song do nhu cầu của cuộc sống, đặc biệt là trong các cuộc cách mạng xã hội giữa các giai cấp và tầng lớp thường nảy sinh những nhu cầu và lợi ích chung. Điều này khiến cho họ phải tìm cách liên minh lại với nhau để thực hiện những nhu cầu và lợi ích chung đó. Trong đó, liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức (GCCN với GCND và ĐNTT) là một yêu cầu tất yếu của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Liên minh GCCN với GCND và ĐNTT là sự đoàn kết, hợp lực, hợp tác, liên kết... của GCCN với GCND và ĐNTT nhằm thực hiện nhu cầu và lợi ích của mỗi lực lượng và của cả khối liên minh; đồng thời góp phần thực hiện lợi ích chung của cả dân tộc, của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH).

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, liên minh GCCN, GCND và ĐNTT là một tất yếu lịch sử khách quan, được chế định bởi các cơ sở xã hội hiện thực và được hiện thực hóa qua đường lối tập hợp lực lượng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong Khối liên minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: GCCN là giai cấp lãnh đạo cách mạng, thông qua chính đảng của mình là Đảng Cộng sản để đề ra đường lối cách mạng, những chủ trương lớn nhằm thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng thành công CNXH. Bằng hành động và chính sách thực tiễn, GCCN thu hút mọi tầng lớp lao động, trước hết là GCND và ĐNTT đứng về phía mình, cùng với họ xây dựng CNXH. Đặc biệt là trong việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Đây là điều kiện để GCCN củng cố vai trò chính trị tiên phong của mình.

Về GCND, do địa vị kinh tế - xã hội và bản chất giai cấp của mình, GCND tự nguyện liên kết với GCCN. Nếu không liên kết với GCCN, ĐNTT thì họ sẽ bị các giai cấp bóc lột lợi dụng, lôi kéo trở lại cuộc sống nô lệ, bị áp bức, bóc lột.

Về ĐNTT, là một tầng lớp xã hội đặc biệt có đặc trưng nổi bật là lao động trí óc sáng tạo. Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì công nhân, nông dân rất cần đến trí thức. GCCN và GCND tạo nên những cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt và làm việc cần thiết, đặt ra các nhu cầu làm động lực cho sự tìm tòi sáng tạo, hoạt động nghiên cứu của ĐNTT. Ngược lại, các lĩnh vực hoạt động của công nhân, nông dân sẽ là môi trường để trí thức đem khoa học kỹ thuật vào quá trình lao động sản xuất và phục vụ nhu cầu của cuộc sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Khi nước ta bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH đã có những chuyển biến quan trọng về vị thế của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là khối liên minh GCCN, GCND và ĐNTT. Trong đó, GCCN là người chủ tập thể của các xí nghiệp, là giai cấp lãnh đạo nước nhà. GCND không còn là nô lệ của địa chủ. GCND là người chủ tập thể của hợp tác xã và là người bạn trung thành nhất của GCCN trong sự nghiệp xây dựng CNXH. ĐNTT là những người lao động trí óc, luôn luôn hòa mình với công - nông và cùng công - nông ra sức xây dựng xã hội mới.

Người khẳng định, CNXH là một xã hội có nền kinh tế công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, có nền văn hoá, khoa học - kỹ thuật tiên tiến. Chính sự gắn bó khách quan giữa công nghiệp và nông nghiệp trong một nền kinh tế thống nhất với sự phát triển của văn hoá, khoa học - kỹ thuật là tiền đề khách quan tạo nên sự gắn bó mật thiết giữa GCCN, GCND và ĐNTT trong quá trình phát triển.

Nền kinh tế XHCN chính là cơ sở vững chắc của liên minh GCCN, GCND và ĐNTT. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khoẻ và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích. Thế là thực hiện liên minh công - nông để xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no sung sướng cho Nhân dân”(1). Người nhấn mạnh, liên minh là phải giúp đỡ nhau thực sự, chứ không phải chỉ liên minh cửa miệng.

Trong xây dựng CNXH, GCCN không chỉ cần liên minh với GCND mà còn phải liên minh với ĐNTT, vì sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá và khoa học - kỹ thuật. “Cách mạng cũng cần có lực lượng của trí thức (chúng ta quen gọi là lao động trí óc). Thí dụ: Cần có thầy thuốc để săn sóc sức khoẻ cho Nhân dân; cần có thầy giáo để dạy văn hoá và đào tạo cán bộ; cần có kỹ sư để xây dựng kinh tế, v.v… Vì lẽ đó, trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có vai trò quan trọng và vẻ vang; và công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra cơ sở khách quan của mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa trí thức với toàn thể nhân dân lao động. Dưới chế độ XHCN, khoa học là tài sản chung của toàn dân. Bởi vậy, đội ngũ trí thức phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để Nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của Nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt. Đó là nhiệm vụ vẻ vang của đội ngũ trí thức. Đội ngũ trí thức “phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hoá và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài, góp sức để cải biến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho Nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của Nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang”(3).

Quan hệ giữa GCCN, GCND và ĐNTT là yếu tố nội tại trong kết cấu xã hội - giai cấp của CNXH. Xu hướng hợp tác giữa các giai cấp và tầng lớp đó dựa trên những cơ sở khách quan, không chỉ xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của riêng GCCN mà của cả GCND, ĐNTT và do đòi hỏi của sự nghiệp phát triển công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại và sự phát triển văn hóa, khoa học, công nghệ tiên tiến.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, liên minh GCCN, GCND và ĐNTT là sự cố kết của các giai cấp, tầng lớp trong một chỉnh thể thống nhất, nhằm giúp đỡ lẫn nhau phát triển. Mỗi thành tố có vị trí, vai trò đặc thù do bản chất, vai trò của mỗi giai cấp và tầng lớp trong cách mạng và xã hội quy định. Sức mạnh và chất lượng của khối liên minh phụ thuộc vào chất lượng của từng thành tố trong đó. Vì thế, củng cố, tăng cường khối liên minh GCCN, GCND và ĐNTT gắn liền chặt chẽ với quá trình xây dựng, phát triển của mỗi giai cấp, tầng lớp do Đảng lãnh đạo, tạo thành nhân tố bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Liên minh GCCN, GCND và ĐNTT là hạt nhân, là cơ sở của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, thu hút mọi lực lượng yêu nước, tiến bộ vào một mặt trận chung thống nhất vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng liên minh GCCN, GCND và ĐNTT theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về liên minh GCCN với GCND và ĐNTT luôn được Đảng ta quán triệt sâu sắc trong các chặng đường cách mạng. Trong tình hình mới, Đảng ta khẳng định rõ: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản lãnh đạo”(4).

Ths. HOÀNG THỊ LÊ

KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ