• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TỪ NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẾN QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG TRONG CÔNG TÁC TUYỂN CHỌN CÁN BỘ Ở ĐỊA PHƯƠNG
Ngày xuất bản: 26/04/2022 8:37:00 SA
Lượt đọc: 8705

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”[1]. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, Đảng ta khẳng định “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng”[2]. Đội ngũ cán bộ chính là lực lượng tham gia xây dựng, hoàn thiện và giữ vai trò quyết định trong tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật. Trong tổ chức, cán bộ vừa là thành viên vừa là người tham gia vào sắp xếp, kiện toàn và nâng cao chất lượng của tổ chức đồng thời cũng chính đội ngũ cán bộ là người tổ chức thực hiện các công việc, trực tiếp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức. Trong mối quan hệ với Nhân dân, cán bộ là cầu nối, đưa chủ trương chính sách đến với Nhân dân, làm công tác tư tưởng, công tác dân vận để hiện thực hóa các chủ trương, chính sách đó trong thực tiễn.

Công tác cán bộ là khâu “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ hàng đầu quan trong, là công việc hệ trọng của Đảng. Đầu tư cho xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho sự phát triển lâu dài và bền vững. Trong công tác cán bộ lại gồm nhiều khâu liên hoàn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau thì khâu tuyển chọn cán bộ được phải xác định là khâu đầu tiên quyết định đến việc đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, đề bạt và thực hiện các chính sách cán bộ. Việc tuyển chọn cán bộ đúng sẽ làm cho các khâu khác của công tác cán bộ đúng góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ. Thực tiễn cho thấy, ở đâu tiến hành tốt công tác tuyển chọn cán bộ tốt thì ở đó sẽ xây dựng được một đội ngũ cán bộ tốt, tạo hiệu quả cao trong thực hiện các mặt hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương. Những cán bộ được tuyển chọn là người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác sẽ đóng góp được sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Với vai trò quan trọng như vậy, nếu cấp ủy và các tổ chức, cơ quan đơn vị coi nhẹ khâu tuyển chọn có thể dẫn tới các sai lầm. Cán bộ được lựa chọn sai dẫn đến việc bố trí, sử dụng sai làm cho chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, chủ trương và kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị không được quán triệt, thể chế hóa, cụ thể hóa hoặc quán triệt, thể chế hóa, cụ thể hóa không hiệu quả, về lâu dài dẫn đến mất vai trò, uy tín của đội ngũ cán bộ, của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cơ quan đơn vị. Cán bộ được lựa chọn sai thì dù có quan tâm, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện các chính sách cán bộ sẽ không thể tránh được việc gặp nhiều khó khăn, trở ngại, lãng phí thời gian và nguồn lực con người, vật chất cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Khâu tuyển chọn cán bộ bị coi nhẹ, không quan tâm, chủ động thực hiện có thể dẫn đến tình trạng hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, mất tính kế thừa và không tạo được sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ cán bộ.

Xuất phát từ việc xác định đúng đắn tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ, trong đó có công tác tuyển chọn cán bộ thì trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và các cá nhân đối với công tác tuyển chọn cán bộ sẽ được nâng lên. Các cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các khâu của công tác cán bộ, đảm bảo thực hiện nghiêm và nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý thống nhất đội ngũ cán bộ, bám sát các quan điểm được đề ra trong các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị. Đồng thời, tất cả các bên từ những cá nhân được lựa chọn, người giới thiệu, tiến cử, người bầu, người ra quyết định cuối cùng đều xác định phải chịu trách nhiệm về hành động của mình trong lựa chọn cán bộ, khắc phục tình trạng rũ bỏ trách nhiệm, cánh hẩu, kéo bè phái, lợi ích nhóm… trong tuyển chọn cán bộ. Cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định một cách dân chủ trên cơ sở phát huy trách nhiệm và quyền hạn của từng thành viên, nhất là người đứng đầu. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đơn vị nghiêm túc, trách nhiệm trong phát hiện, đề xuất, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức và tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể về công tác cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ. Các cá nhân đề xuất, cơ quan tham mưu thẩm định, tập thể Đảng ủy quyết định và chịu trách nhiệm về đề xuất, thẩm định, quyết định của mình.

Xuất phát từ nhận thức rằng đội ngũ cán bộ được tuyển chọn, bổ nhiệm, sử dụng là người đại diện cho Đảng, Nhà nước đảm bảo cho chủ trương, đường lối, chính sách được hiện thực thông qua bộ máy tổ chức của cả hệ thống chính trị, là người thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý Nhà nước trên thực tế, là một trong các nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển của đất nước. Do đó, trong tuyển chọn phải thực hiện nghiêm tiêu chuẩn cán bộ và khung tiêu chí đánh giá từng lại cán bộ được ban hành theo Quy định 89-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ban hành ngày 04/8/2017 quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đó là cơ sở, là thước đo tin cậy cho việc cấp ủy địa phương chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc quy định phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ; quy định về tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức; phân cấp rõ ràng, cụ thể từng chức danh cán bộ thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, tập thể lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành ủy… để thống nhất thực hiện. Đồng thời, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và nghiêm túc đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị để tuyển chọn đúng người, đúng lúc, đúng chỗ, đúng sở trường, thực hiện “vì việc tìm người”, đảm khách quan, công bằng, không thiên tư, thiên vị. Mỗi lĩnh vực đòi hỏi những người cán bộ tương xứng và phù hợp nên các tiêu chuẩn tuyển chọn, nguyên tắc, yêu cầu, quy chế tuyển chọn được cụ thể hóa, công khai hóa, đảm bảo quyền bình đẳng người dự tuyển và quyền dân chủ của các thành viên trong hội đồng tuyển chọn.

Tùy theo yêu cầu của từng loại cán bộ, từng vị trí, mỗi loại công việc và cán bộ, các cấp ủy đã quyết định tuyển chọn một vòng hay nhiều vòng và hình thức tuyển chọn phù hợp. Các phương thức tuyển chọn cán bộ như thi tuyển cạnh tranh hay bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm… theo trường hợp cụ thể được sử dụng linh hoạt nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý thống nhất đội ngũ cán bộ. Việc đó cũng phải gắn liền với đề cao dân chủ, công khai, minh bạch trong tuyển chọn và sàng lọc cán bộ. Tăng cường kỷ luật và kiểm tra, giám sát đối với những người làm công tác cán bộ. Công tác cán bộ được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, thường xuyên lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ Nhân dân.

Giảng viên: Phạm Thị Lý

Khoa: Nhà nước pháp luật

 



[1] Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, t.5, tr. 309, 313.