• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TÌM HIỂU VỀ PHƯƠNG PHÁP BẢN ĐỒ TƯ DUY VÀ ÁP DỤNG TRONG GIẢNG DẠY
Ngày xuất bản: 10/12/2020 2:57:00 CH
Lượt đọc: 16332

          

Phương pháp giảng dạy là một trong những yếu tố quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học. Một phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp sẽ tạo điều kiện để giảng viên, và người học phát huy hết khả năng của mình trong việc truyền đạt, lĩnh hội kiến thức và phát triển tư duy. Trong giai đoạn hội nhập cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ hiện nay, nguồn tài liệu học tập nghiên cứu ngày càng phong phú và đa dạng như: sách, tạp chí, báo, các trang thông tin điện tử trong và ngoài nước,… Cho nên, trong quá trình dạy và học, để tiếp cận tốt cần có phương pháp giúp hệ thống lại các kiến thức. Và một trong những phương pháp đó là phương pháp Bản đồ tư duy (phương pháp Mindmap).

Bản đồ tư duy là phương pháp được đưa ra như là một phương tiện mạnh để tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh của bộ não. Đây là cách để ghi nhớ chi tiết, để tổng hợp, hay để phân tích một vấn đề ra thành một dạng của lược đồ phân nhánh.

Bản đồ tư duy được phát triển vào cuối thập niên 60 (thế kỷ 20) bởi Tony Buzan (1942 – 2019) – nhà nghiên cứu, nhà giáo dục người Anh. Bản đồ tư duy khai thác khả năng ghi nhớ và liên hệ các dữ kiện lại với nhau. Bằng cách sử dụng màu sắc, một cấu trúc cơ bản được phát triển rộng ra từ trung tâm, chúng dùng các đường kẻ, các biểu tượng, từ ngữ và hình ảnh theo một bộ các quy tắc đơn giản, cơ bản, tự nhiên và dễ hiểu. Đây là cách để ghi nhớ chi tiết, để tổng hợp, hay để phân tích một vấn đề ra thành một dạng của lược đồ phân nhánh. Phương pháp này giúp não bộ phát huy tối đa khả năng ghi nhớ, giúp người tư duy tìm ra phương pháp hữu hiệu nhất để giải quyết vấn đề một cách tối ưu.

Phương pháp Bản đồ tư duy được thực hiện theo trình tự các bước sau:

Bước 1: Xác định từ khóa

Đọc nội dung chủ đề và xác định vấn đề được đề cập đến là gì? Đối tượng chính là ai? Từ những câu hỏi này, sẽ xác định từ khóa (key word) cho bản đồ tư duy.

Bước 2: Vẽ chủ đề trung tâm

Chuẩn bị một từ giấy trắng khổ lớn đặt nằm ngang hoặc có thể sử dụng bảng thông minh, bảng phấn. Chủ đề chính sẽ được vẽ ở chính giữa bằng chữ hoặc hình hoặc kết hợp cả hình và chữ. Từ đây, các ý có thể phát triển ra xung quanh chủ đề trung tâm. So với các ý kiến xoay quanh, chủ đề trung tâm cần có kích thước lớn hơn để gây sự chú ý.

Bước 3: Vẽ thêm các tiêu đề phụ (nhánh cấp 1)

Các tiêu đề phụ nên được viết bằng chữ in hoa nằm trên các nhánh để làm nổi bật và nên gắn liền với trung tâm. Tiêu đề phụ nên vẽ theo hướng chéo góc chứ không nên theo hướng nắm ngang để có thể tỏa ra một cách tối đa.

Bước 4: Vẽ các nhánh cấp 2, cấp 3…

Ở bước này, vẽ nối tiếp nhánh cấp 2 vào nhánh cấp 1, nhánh cấp 3 vào nhánh cấp 2… để tạo ra sự liên kết tư duy. Đối với các nhánh này, nên vẽ nhiều nhánh cong hơn đường thẳng, để tạo sự mềm mại, dễ nhớ. Đồng thời, nên sử dụng các từ khóa và hình ảnh ở mỗi nhánh, nhưng mỗi nhánh nên dùng một từ khóa khác nhau. Ngoài ra có thể sử dụng các biểu tượng hoặc cách viết tắt để tiết kiệm không gian và thời gian. Tất cả các nhánh của một ý nên tỏa ra từ một điểm và cùng một màu (nếu có thể).

Bước 5: Bổ sung các hình ảnh minh họa

Bước này nên bổ sung thêm nhiều hình ảnh để giúp các ý được nhấn mạnh tầm quan trọng và giúp cho người học dễ hình dung, dễ nhớ hơn, bởi não bộ có khả năng tiếp thu hình ảnh cao hơn chữ viết.

Có thể thấy, bản đồ tư duy là công cụ lý tưởng cho việc giảng dạy. Bản đồ tư duy giúp người dạy tập trung vào vấn đề cần trao đổi cho người học, cung cấp một cái nhìn tổng quan về chủ đề mà không có thông tin thừa. Như vậy, người học sẽ không phải tập trung vào việc đọc nội dung trên Slide, thay vào đó sẽ lắng nghe những gì giảng viên diễn đạt, từ đó hiệu quả giảng bài của giảng viên sẽ được tăng lên.

Để vận dụng phương pháp Bản đồ tư duy vào quá trình giảng dạy một cách hiệu quả, cần chú ý những nguyên tắc sau đây:

Thứ nhất, kết hợp chặt chẽ sơ đồ tư duy với các phương pháp dạy học hiệu quả, phát huy tính tích cực của sinh viên. Sơ đồ tư duy là một phương tiện dạy học. Phương tiện dạy học chỉ thực sự phát huy tác dụng khi nó gắn với một phương pháp dạy học tích cực, hiệu quả. Vì vậy, giảng viên cần phải chú ý đến phương pháp trước, tránh nhầm lẫn giữ việc sử dụng phương tiện hiện đại là đổi mới phương pháp dạy học. Hơn nữa, giảng viên phải thật vững kiến thức chuyên môn để hoàn toàn làm chủ được nội dung giảng dạy và xử lý những tình huống sư phạm có thể xảy ra. Bên cạnh đó, giảng viên phải có kỹ năng sử dụng phương pháp dạy học để tổ chức tốt các hoạt động dạy học làm cho việc sử dụng sơ đồ tư duy mềm mại, uyển chuyển, hiệu quả, phát huy được tính tích cực tự giác của sinh viên.

Thứ hai, luôn đảm bảo được tính khoa học và thẩm mỹ trong sử dụng sơ đồ tư duy. Để tạo ra được một sơ đồ tư duy đảm bảo các yếu tố khoa học, hiệu quả, thẩm mỹ, …yêu cầu người giảng viên phải đầu tư trí tuệ và thời gian. Một sơ đồ tư duy khoa học phải phản ánh rõ nét nội dung của bài giảng, mối quan hệ giữa những nội dung đó, từ khóa ngắn gọn chính xác, hình ảnh đơn giản dễ hiểu. Bên cạnh tính khoa học, giảng viên cần có năng lực thẩm mỹ nhất định để thiết kế sơ đồ tư duy đẹp về mặt hình thức, các hình ảnh minh họa của từng nội dung thật sự tiêu biểu. Một sơ đồ tư duy của giảng viên thiếu tính khoa học và thẩm mỹ có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả của cả bài giảng thậm trí dẫn đến lối tư duy hời hợt, đơn giản, máy móc trong học tập của học viên.

Thứ ba, không lạm dụng sơ đồ tư duy trong giảng dạy. Sơ đồ tư duy không phải là công cụ vạn năng cho hoạt động dạy và học, vì vậy không nên quá lạm dụng sơ đồ tư duy trong dạy học. Trong quá trình dạy học, tùy thuộc vào nội dung môn học và loại hình học tập để áp dụng linh hoạt phương pháp bản đồ tư duy sao cho mang lại được hiệu quả cao nhất.

Bản đồ tư duy do Tony Buzan đề xuất được mệnh danh là “công cụ vạn năng cho bộ não”, là phương pháp ghi chú đầy sáng tạo. Vận dụng sơ đồ tư duy trong giảng dạy là việc làm rất cần thiết nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo hiện nay. Vì vậy, cần nắm vững các nguyên tắc cơ bản để nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp này trong thực tế.

                                                                    Lương Thị Hải Yến

Khoa Lý luận cơ sở