• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TÌM HIỂU VỀ NỘI DUNG LÝ LUẬN NHẬN THỨC TRONG TÁC PHẨM “BÚT KÝ TRIẾT HỌC” CỦA V.I.LÊNIN
Ngày xuất bản: 11/12/2021 6:55:00 CH
Lượt đọc: 27246

 

Bút ký triết học có ý nghĩa lý luận và chính trị hết sức to lớn và là nền tảng lý luận của một giai đoạn phát triển tư tưởng triết học mác-xít được mệnh danh là giai đoạn Lênin. Bút ký triết học chứa nhiều nội dung từ lịch sử triết học, chủ nghĩa duy vật, phép biện chứng, lý luận nhận thức, logic học, chủ nghĩa duy vật lịch sử,... Một trong những nội dung sâu sắc nhất trong Bút ký triết học là lý luận nhận thức. Trong Bút ký triết học, Lênin đã làm rõ và phong phú thêm lý luận nhận thức của chủ nghĩa Mác, từ đó nó có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng để nghiên cứu các quy luật xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa, phục vụ cuộc đấu tranh chống triết học tư sản, chống chủ nghĩa giáo điều. Quan điểm đó được thể hiện trên các nội dung sau:

Thứ nhất, nhận thức là quá trình con người phản ánh giới tự nhiên

Lênin cho rằng: “Nhận thức là sự phản ánh giới tự nhiên bởi con người”, nhưng sự phản ánh của con người không phải là đơn giản, tiêu cực mà có tính năng động, sáng tạo. Lênin viết: “Nhưng đó không phải là một phản ánh đơn giản, trực tiếp, hoàn chỉnh, mà là một quá trình cả một chuỗi những sự trừu tượng, sự cấu thành, sự hình thành ra các khái niệm, quy luật ... - và chính các khái niệm, quy luật này... (tư duy, khoa học = “ý niệm lôgíc”) bao quát một cách có điều kiện, gần đúng tính quy luật phổ biến của giới tự nhiên vĩnh viễn vận động và phát triển”[1].

Con người thông qua khái niệm, quy luật, phạm trù để phản ánh quy luật khách quan của giới tự nhiên. Nhưng Hêghen lại cho rằng, quy luật của giới tự nhiên là do ý niệm tuyệt đối sinh ra, đã thần bí hoá quy luật. Lênin đã làm rõ đối tượng của nhận thức của con người là giới tự nhiên. Lênin viết: “Ở đây, thật sự và về khách quan có ba vế: 1) giới tự nhiên; 2) nhận thức của con người, = bộ óc của người (với tư cách là sản phẩm cao nhất của giới tự nhiên đó) và 3) hình thức của sự phản ánh giới tự nhiên vào trong nhận thức của con người; hình thức này chính là những khái niệm, những quy luật, những phạm trù ….”[2].

Có thể thấy, Lênin đã đứng trên lập trường duy vật khẳng định đối tượng nhận thức là giới tự nhiên tồn tại một cách khách quan, nhận thức của con người là sự phản ánh là tính thứ hai mà giới tự nhiên là tính thứ nhất.

Lênin còn chỉ ra, nhận thức của con người là một quá trình ngày càng đi sâu vào thế giới tự nhiên, chứ không thể nhận thức một cách đầy đủ ngay được. Lênin viết: “Con người không thể nắm được = phản ánh = miêu tả toàn bộ giới tự nhiên một cách đầy đủ, “tính chỉnh thể trực tiếp” của nó, con người chỉ có thể đi gần mãi đến đó, bằng cách tạo ra những trừu tượng, những khái niệm, những quy luật, một bức tranh khoa học về thế giới v.v. và v.v.”.

Bằng các khái niệm, quy luật, phạm trù, con người ngày càng phản ánh giới tự nhiên sâu sắc và đầy đủ hơn. Quá trình đó không bao giờ kết thúc, con người ngày càng tiếp cận đến giới tự nhiên mà thôi vì bản thân giới tự nhiên luôn luôn vận động và phát triển. Trong quá trình nhận thức đó, con người bằng các khái niệm, quy luật, tạo ra bức tranh khoa học về thế giới, bức tranh đó ngày càng được mở rộng, ngày càng sâu sắc hơn để phản ánh giới tự nhiên.

Lênin khẳng định một nguyên lý trong quá trình nhận thức là, giới tự nhiên và con người phải kết hợp lại chứ không phải tách rời ra. Lênin tán thành sự phê phán của Hêghen đối với Cantơ, vì Cantơ cho rằng “vật tự nó” là không thể nhận thức được, ông đã tách nhận thức với tồn tại, con người với giới tự nhiên. Lênin viết: “Ở Cantơ, nhận thức chia rẽ (tách rời) giới tự nhiên và con người; thật ra, nó nối liền hai cái đó với nhau”[3].

Thứ hai, về ba giai đoạn của quá trình nhận thức

Lênin cho rằng, nhận thức là một quá trình phát triển biện chứng qua nhiều giai đoạn. Lênin nói: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn - đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức thực tại khách quan”[4].

“Trực quan sinh động” là giai đoạn đầu của nhận thức, đó chính là nhận thức cảm tính bước đầu tiên con người tiếp xúc với giới tự nhiên khách quan. “Tư duy trừu tượng” là giai đoạn thứ hai, trên cơ sở của nhận thức cảm tính khái quát lên thành những khái niệm, quy luật, đó cũng chính là giai đoạn lý tính. Tiếp sau đó, “tư duy trừu tượng” trở về với thực tiễn, để kiểm tra sự nhận thức của con người có đúng đắn không. Thực tiễn ở đây là giai đoạn thứ ba trong quá trình nhận thức. Song, chúng ta không quên rằng thực tiễn là cơ sở của toàn bộ quá trình nhận thức, do đó nó không phải chỉ có mặt ở giai đoạn thứ ba, mà nó liên quan chặt chẽ với các giai đoạn trước đó.

Cantơ cho rằng, thế giới khách quan bên ngoài là không thể nhận thức được, do đó tri thức của con người chỉ là tri thức về bên trong của tinh thần, còn cái “vật tự nó” do không thể nhận thức được, đã trở thành đối tượng của niềm tin. Nhà triết học duy tâm khách quan Hêghen thì đề cao vai trò của tri thức, nhưng tri thức đó là tri thức về “Thượng đế”, về tinh thần tuyệt đối, vì thế mà tri thức đó không đúng đắn. Chỉ có chủ nghĩa duy vật biện chứng mới thực sự đề cao tri thức, khẳng định con người nhận thức được giới tự nhiên, mới thật sự tôn trọng tri thức. Lênin viết: “Cantơ hạ thấp tri thức để dọn sạch đường cho lòng tin; Hêghen đề cao tri thức, quả quyết rằng tri thức tức là tri thức về Thượng đế. Người duy vật đề cao tri thức về vật chất, giới tự nhiên, tống Thượng đế và những bọn triết học đê tiện bảo vệ Thượng đế vào hố rác”[5].

Cantơ chủ trương trước khi con người nhận thức thì cần phải làm rõ năng lực của lý trí có thể nhận thức được thế giới hay không. Hêghen phê phán rằng, như vậy là Cantơ muốn biết bơi trước khi nhảy xuống nước. Lênin tán thành sự phê phán này của Hêghen: Muốn hiểu biết thì phải bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu, từ kinh nghiệm mà đi đến cái chung; muốn tập bơi phải nhảy xuống nước.

Nhận thức cảm tính phân biệt với nhận thức lý tính. Nhận thức cảm tính là sự nhận thức đối với sự vật đơn nhất, cá biệt, nhận thức lý tính (tư duy) rút ra được cái chung từ trong sự vật đơn nhất. Lênin đặt vấn đề nhận thức cảm tính, biểu tượng so với nhận thức lý tính, tư duy, cái nào tiến gần tới sự vật hơn, và Lênin trả lời: “So với tư duy, biểu tượng có gần thực tại hơn không? Có và không. Biểu tượng không thể nắm được vận động trong chỉnh thể của nó, chẳng hạn, nó không nắm được sự vận động với tốc độ 300.000 cây số một giây, trái lại tư duy nắm được và phải nắm được. Tư duy được rút ra từ biểu tượng, cũng phản ánh thực tại”[6].

Lênin tiếp tục giải thích nhận thức của con người gồm có hai hình thức là cảm tính và lý tính là do đặc tính của bản thân thế giới khách quan quyết định. Đó là: “Giới tự nhiên thì vừa là cụ thể vừa là trừu tượng, vừa là hiện tượng vừa là bản chất, vừa là khoảnh khắc vừa là quan hệ”[7].

Thứ ba, về vai trò của thực tiễn trong quá trình nhận thức

Thực tiễn là mục đích của sự nhận thức

Bàn đến vai trò của thực tiễn trong quá trình nhận thức, Lênin chỉ ra thực tiễn là mục đích của sự nhận thức, nhận thức của con người là nhằm phục vụ thực tiễn: Thế giới không thoả mãn con người và con người quyết định biến đổi thế giới bằng hành động của mình.

Con người thông qua hoạt động thực tiễn nhằm đạt tới mục đích của mình. Để làm được như vậy, con người phải nhận thức được bản chất và quy luật của thế giới hiện thực, dùng nhận thức đó để chỉ đạo hành động của mình. Như vậy, nhận thức của con người phải lấy thực tiễn làm mục đích. Thực tiễn còn có vai trò to lớn, như Lênin nói: “Thực tiễn cao hơn nhận thức (lý luận), vì nó có ưu điểm không những của tính phổ biến, mà cả của tính hiện thực trực tiếp”[8].

Lênin nêu lên đặc điểm của hoạt động thực tiễn so với lý luận. Lý luận có tính phổ biến vì nó phản ánh được quy luật khách quan của hiện thực. Hoạt động thực tiễn cũng chịu sự chi phối của quy luật khách quan đó, song hoạt động thực tiễn là sự tác động trực tiếp của con người vào thế giới khách quan nên nó còn có “tính hiện thực trực tiếp”.

Hoạt động thực tiễn của con người đều hướng tới một mục đích nhất định. Mục đích đó, chủ nghĩa duy tâm cho là do thần thánh mang lại hoặc là do từ trong tư tưởng của con người nảy sinh ra. Đó là cách giải thích sai lầm. Lênin đã chỉ ra: “Mục đích của con người là do thế giới khách quan sản sinh ra, và lấy thế giới khách quan làm tiền đề”[9]. Con người thông qua hoạt động thực tiễn để đạt mục đích của mình. Hoạt động thực tiễn của con người dựa trên quy luật nhân quả và những quy luật của thế giới hiện thực. Lênin cho rằng, những quy luật của thế giới bên ngoài, của giới tự nhiên... là những cơ sở của hoạt động có mục đích của con người. Lênin khẳng định: “Kỹ thuật cơ giới và hoá học phục vụ mục đích của con người, chính là vì tính chất của nó... là ở chỗ nó được những điều kiện bên ngoài (những quy luật của giới tự nhiên) quy định”[10].

Thực tiễn còn có vai trò là tiêu chuẩn khách quan của chân lý

Lênin viết: “Con người chứng minh bằng thực tiễn của mình sự đúng đắn khách quan của những ý niệm, khái niệm, tri thức của mình, của khoa học của mình”[11]. Lênin chỉ ra rằng, chân lý là một quá trình, con người thông qua hoạt động thực tiễn mà làm cho tri thức của mình tiến tới chân lý khách quan. Lênin viết: “Trong khi kiểm nghiệm và áp dụng sự đúng đắn của những phản ánh ấy vào thực tiễn của mình và trong kỹ thuật, con người đạt tới chân lý khách quan”[12].

Lênin khẳng định, nhận thức là một quá trình phát triển biện chứng, chân lý cũng là một quá trình. Lênin viết: “Tư tưởng... không nên hình dung chân lý dưới dạng một sự đứng im chết cứng, một bức tranh (hình ảnh) đơn giản, nhợt nhạt (lờ mờ), không khuynh hướng, không vận động, y như một thần linh, một số, một tư tưởng trừu tượng”. Lênin khẳng định, quá trình nhận thức là không có giới hạn: “Nhận thức là sự tiến gần mãi mãi và vô tận của tư duy đến khách thể”[13].

Quá trình nhận thức luôn luôn vận động, nảy sinh mâu thuẫn và khắc phục mâu thuẫn, đó cũng là một quá trình biện chứng, nhưng về hình thức biểu hiện thì quá trình biện chứng này có những đặc điểm khác với quá trình biện chứng của thế giới khách quan. Không những quá trình nhận thức của nhân loại trên tiến trình lịch sử là biện chứng mà quá trình nhận thức của con người cá biệt cũng là một quá trình biện chứng. Ví dụ như từ cảm giác phát triển lên tư tưởng là sự nhảy vọt về chất. Lênin viết: “Không những sự chuyển hoá từ vật chất đến ý thức mà cả từ cảm giác đến tư tưởng v.v…. cũng là biện chứng”.[14]

Thứ tư, tác động trở lại của tư tưởng con người

Nhận thức là một quá trình biện chứng, cũng có nghĩa là nhận thức của con người là một quá trình năng động, không phải là sự phản ánh đơn giản, tiêu cực. Lênin viết: “Tư tưởng về sự chuyển hoá từ cái quan niệm thành cái thực tại là một tư tưởng sâu sắc”[15].

Lênin cho đây là một vấn đề rất quan trọng trong tiến trình lịch sử của nhân loại và cũng có ý nghĩa đối với đời sống của mỗi con người. Đây là điều mà chủ nghĩa duy vật tầm thường không nhìn thấy. Lênin chỉ ra cơ sở lý luận của tính năng động của tư tưởng là: Sự phân biệt giữa cái quan niệm và cái vật chất cũng không phải là tuyệt đối, không phải là vô hạn. Sự tác động trở lại của ý thức, tư tưởng đối với vật chất, thế giới khách quan phải thông qua con người, hoạt động thực tiễn của con người. Lênin viết: Thế giới không thoả mãn con người, và con người quyết định biến đổi thế giới bằng hành động của mình. Ở một chỗ khác Lênin cũng đề cập đến ý thức phải thông qua hoạt động của con người mới phát huy tác dụng: Hoạt động của con người tự tạo cho mình một bức tranh khách quan về thế giới, nó làm biến đổi hiện thực bên ngoài.

Lênin quan tâm bàn đến vấn đề căn nguyên nhận thức luận của chủ nghĩa duy tâm. Căn nguyên của chủ nghĩa duy tâm có thể nêu lên là căn nguyên xã hội, đó là do một giai cấp, một lực lượng xã hội nào đó hình thành và phát triển chủ nghĩa duy tâm nhằm phục vụ lợi ích của mình; căn nguyên lịch sử của chủ nghĩa duy tâm có thể nêu lên là do sự ngu muội kém hiểu biết của con người tiền sử mà sinh ra tôn giáo, chủ nghĩa duy tâm ban đầu của loài người. Nhưng đi sâu phân tích về nguồn gốc nhận thức luận của chủ nghĩa duy tâm thì Lênin là người đặt ra vấn đề và nghiên cứu sâu vào vấn đề này. Tuy cũng có thể thấy Phơbách phần nào tiếp xúc tới vấn đề này khi ông nói đến sự ra đời của Thượng đế, hơn nữa Mác và Ăngghen cũng có bàn đến, nhưng chưa đi sâu phân tích một cách hệ thống.

Khi đọc tác phẩm Siêu hình học của Arixtốt, Lênin đã nêu lên nguồn gốc nhận thức luận của chủ nghĩa duy tâm. Đó là người ta đem những khái niệm, ý niệm chung biến thành những cái tồn tại độc lập, tách khỏi bộ óc của con người. Lênin viết: Chủ nghĩa duy tâm nguyên thuỷ: cái chung (khái niệm, ý niệm) là một tồn tại cá biệt. Điều đó hình như kỳ lạ, vô lý một cách quái dị (nói đúng hơn: một cách ấu trĩ). Nhưng chủ nghĩa duy tâm hiện đại, Cantơ, Hêghen, ý niệm về Thượng đế, chẳng phải là cũng cùng một loại đấy sao (đúng là cùng một loại)?. Trước khi phân tích sâu vào nguồn gốc nhận thức luận của chủ nghĩa duy tâm, Lênin đã khẳng định chủ nghĩa duy tâm nguyên thuỷ và chủ nghĩa duy tâm hiện đại về bản chất là như nhau, chúng có cùng một nguồn gốc về nhận thức luận. Sau đó, Lênin phân tích vào nguồn gốc đó:

Những cái bàn, những cái ghế và ý niệm về bàn và về ghế; thế giới và ý niệm về thế giới (Thượng đế); vật và “numen”, “vật tự nó” không nhận thức được; mối liên hệ của mặt trời và trái đất, của giới tự nhiên nói chung - và quy luật, lôgôxơ, Thượng đế. Sau khi nêu ra những ví dụ về sự “phân đôi” của nhận thức như vậy, Lênin chỉ ra khả năng đi đến chủ nghĩa duy tâm trong quá trình nhận thức là: Sự phân đôi của nhận thức của con người và tính khả năng của chủ nghĩa duy tâm (= của tôn giáo) đã có trong cái trừu tượng đầu tiên, tối sơ “cái nhà” nói chung và những cái nhà cá biệt.

Lênin chỉ ra rằng, trong khái niệm đơn giản về cái bàn, cái nhà đã là một sự trừu tượng, và trong đó đã bao hàm một phần ảo tưởng thoát ly khỏi cái bàn, cái nhà cụ thể. Lênin còn gợi ý đi sâu vào một phần ảo tưởng trong sự trừu tượng của nhận thức bằng khái niệm. Lênin nhắc đến Pixarép. Ông này nói về hai loại ảo tưởng, đó là “về mơ ước có ích coi như là kích thích cho hành động” và một loại ảo tưởng khác là “về sự mơ màng trống rỗng”. Mơ ước có ích là sự mơ ước của chủ quan con người phù hợp với xu thế khách quan của sự vật, có tác dụng động viên con người vươn lên trong cuộc sống; còn sự mơ màng trống rỗng là sự ảo tưởng thuần tuý chủ quan, không có tác dụng tích cực trong cuộc sống.

Lênin đặc biệt quan tâm đến sự phát triển lý luận nhận thức trong triết học Mác. Lênin đã nêu ra một cương lĩnh và những nhiệm vụ để thực hiện vấn đề này. Đó là: lịch sử triết học; lịch sử của các môn khoa học riêng biệt; lịch sử của sự phát triển trí lực của trẻ con; lịch sử của sự phát triển trí lực của động vật; lịch sử của ngôn ngữ...

Với những vấn đề quan trọng được đề cập trong tác phẩm, đặc biệt là nội dung lý luận nhận thức, mặc dù đã qua gần một thế kỷ nhưng Bút ký triết học vẫn có giá trị lớn về mặt lý luận cũng như thực tiễn để chúng ta tìm hiểu và giải đáp nhiều vấn đề của thế giới hiện đại.

 

Nguyễn Thu Hương

Khoa Lý luận cơ sở

 



[1] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.29, tr.192-193

[2] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr 193.

[3] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.100.

[4] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.179.

[5] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.179.

[6] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.247.

[7] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr.223.

[8] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr. 230.

[9] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr. 201

[10] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr. 200.

[11] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr. 203.

[12] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr. 215.

[13] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr. 207.

[14] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, t.29, tr. 303.