• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
TÌM HIỂU VAI TRÒ CỦA LẬP PHÁP TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Ngày xuất bản: 19/10/2021 2:17:00 CH
Lượt đọc: 13994

 

Từ lâu, trong lịch sử chính trị pháp lý thế giới, vấn đề lập pháp, vị trí của quyền lập pháp trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước, quyền lực nhân dân đã được rất nhiều nhà tư tưởng bàn tới mà điển hình là quan điểm của Rouseau, Montesquieu. Đặc biệt trong cuốc Bàn về tinh thần pháp luật, Montesquieu đã viết: “Trong một nước tự do, mọi người đều được xem như có tâm hồn tự do, thì họ phải được tự quản; như vậy, tập đoàn dân chúng phải có quyền lập pháp. Nhưng trong một nước lớn thì không thể mỗi công dân đều làm việc lập pháp. Trong một nước nhỏ, việc này cũng rất khó khăn; cho nên dân chúng thực hiện quyền lập pháp bằng cách giao cho các đại biểu của mình làm mọi việc mà cá nhân công dân không thể tự mình làm lấy được”. Theo đó “quyền lập pháp thể hiện ý chí chung của quốc gia”.

Ở Việt Nam, lập pháp được định nghĩa trong Từ điển Luật học như sau: “Lập pháp: một trong ba chức năng của nhà nước, cùng với quyền hành pháp và quyền tư pháp hợp thành quyền lực nhà nước. Lập pháp, hiểu theo nghĩa rộng hơn, trong mối quan hệ với quyền lực nhà nước, bao gồm vừa làm Hiến pháp và sử đổi Hiến pháp, vừa làm luật và sử đổi luật, nhưng xét trong khuôn khổ, phạm vi của ngành luật Hiến pháp, tức là hiểu theo nghĩa hẹp, thì quyền lập pháp chủ bao gồm làm luật và sửa đổi luật còn làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp thuộc quyền lập hiến.

Với cách tiếp cận trên, có thể hiểu “lập pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một bộ phận của quyền lực nhà nước, bao gồm thể chế, thiết chế và hoạt động của thiết chế đó, thực hiện nhiệm vụ làm Hiến pháp và sử đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật, nhằm bảo đảm chủ quyền nhân dân, thực thi quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và lợi ích chung của toàn xã hội”. [1] Lập pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có vai trò hết sức quan trọng, thể hiện ở những nội dung cụ thể sau đây:

Một là: Lập pháp có vai trò quan trọng nhất trong việc tạo nên nền tảng, hành lang pháp lý cho toàn xã hội và tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bên cạnh đó, lập pháp còn thiết lập nên những chuẩn mực pháp lý cho hoạt động của hai bộ phận còn lại là quyền hành pháp và quyền tư pháp, góp phận thực hiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước. Đặc biệt đối với quyền hành pháp – quyền quản lý, điều hành xã hội theo quy định của pháp luật, hoạt động lập pháp có chất lượng cao sẽ góp phần quan trọng hình thành nên một hệ thống pháp luật toàn diện, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với cuộc sống. Đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm chất lượng và hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ. Đồng thời, hoạt động lập pháp cũng là căn cứ, thước đo, chuẩn mực để Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp – quyền xét xử, đưa ra các bản án, các quyết định, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ  lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức.

Hai là, lập pháp có vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa các định hướng, chủ trương lãnh đạo về chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, bảo đảm cho các chủ trương, định hướng đó được chuyển hóa thành những chuẩn mực, các quy tắc xử sự cụ thể, được thực hiện thường xuyên và đầy đủ trong đời sống xã hội. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam thành pháp luật chính là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, bởi lẽ sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội đó là sự lãnh đạo hợp với lòng dân, vì dân, vì nước, hướng tới mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện pháp triển toàn diện.

Ba là, lập pháp giữ vai trò chủ đạo thực thi và bảo đảm chủ quyền nhân dân. Trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân” tức là Nhân dân là chủ thể gốc của quyền lực trong xã hội, nhưng nhân dân không thể trực tiếp và tự mình thực hiện tất cả quyền lực của mình mà phải thông qua cơ quan đại diện do Nhân dân bầu ra. Và với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, Quốc hội được Nhân dân ủy quyền lập pháp. Thông qua các hoạt động như tiếp xúc cử tri, tiếp nhận ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, Quốc hội thể hiện ý chí, nguyện vọng đó trong HIến pháp và các đạo luật.

Bốn là, lập pháp góp phần cân bằng lợi ích Nhân dân, cử tri và quốc gia. Ở Việt Nam, Hiến pháp quy định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp. Như vậy, thiết chế thực hiện quyền lập pháp ở Việt Nam là Quốc hội. Quốc hội do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc “phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín”, đại diện cho cử tri, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của cử tri trong cả nước đồng thời ban hành luật, nghị quyết mang lại lợi ích tốt nhất cho cử tri và lợi ích quốc gia. Thông qua việc lấp ý kiến Nhân dân, thảo luận trong quá trình lập pháp, Quốc hội có vai trò tìm giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong việc ban hành các văn bản luật, nhất là những văn bản liên quan đến thuế, ngân sách và văn bản liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Năm là, trong hệ thống quyền lực nhà nước thống nhất, quyền lập pháp là môt quyền tương đối độc lập, đồng thời nó là bộ phận quyền lực cao nhất, thực hiện nhiệm vụ quyết định những vấn đề quan trọng nhất, hệ trọng nhất và có tầm ảnh hưởng trên quy mô rộng lớn nhất trong đời sống xã hội của quốc gia. Từ cách tiếp cận này có thể khẳng định rằng lập pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng với hành pháp và tư pháp góp phần phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Lập pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một bộ phận của quyền lực nhà nước - quyền lập pháp, bao gồm thể chế, thiết chế và hoạt động của thiết chế đó, thực hiện nhiệm vụ làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp, làm luật và sửa đổi luật, nhằm bảo đảm chủ quyền Nhân dân, thực thi quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và lợi ích chung của toàn xã hội. Xuất phát từ quan điểm của Đảng đối với hoàn thiện lập pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cần xác định rõ những định hướng cơ bản sau đây:

- Hoàn thiện thể chế lập pháp: Quy định rõ phạm vi thẩm quyền của các cơ quan của Quốc hội trong quy trình lập pháp; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc lấy ý kiến nhân dân đối với các dự thảo luật, pháp lệnh. Xây dựng căn cứ pháp lý rõ ràng hơn cho hoạt động phân tích chính sách, đánh giá tác động của văn bản pháp luật tới cuộc sống. Quy định rõ ràng chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động lập pháp.

- Đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội bảo đảm: Quốc hội cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho cử tri cả nước; bảo đảm tính chuyên nghiệp và hiện đại trong mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội. Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội. Tăng cường hỗ trợ về nhân lực, kỹ thuật, thông tin, cơ sở vật chất cho hoạt động của đại biểu Quốc hội.

- Tiếp tục hoàn thiện hoạt động lập pháp thông qua việc tăng cường ban hành luật, giảm thiểu việc ban hành Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chú trọng phân tích chính sách, đánh giá tác động; tổ chức việc tham vấn công chúng một cách khoa học, thực chất, hiệu quả; nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa của các ban soạn thảo; chú trọng kiểm soát quyền lực; kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Xây dựng đội ngũ chuyên viên giúp việc cho hoạt động lập pháp có trình độ, có năng lực tổng hợp và rà soát kỹ thuật của văn bản.

 

Âu Phương Thảo

Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật