Phương pháp giảng dạy là một trong những yếu tố quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Một phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp sẽ tạo điều kiện để giảng viên và người học phát huy hết khả năng của mình trong việc truyền đạt, lĩnh hội kiến thức và phát triển tư duy. Một phương pháp giảng dạy khoa học sẽ làm thay đổi vai trò của người thầy đồng thời tạo nên sự hứng thú, say mê và sáng tạo của người học.
1. Khái quát về nội dung chương trình và một số vấn đề khi giảng dạy thực tiễn phần học kinh tế chính trị Mác-Lênin trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái
Học phần Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin bao gồm ba phần cơ bản. Phần thứ nhất: Triết học Mác-Lênin gồm 11 bài với 2 nội dung: Nội dung cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và Nội dung cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử. Phần thứ hai: Kinh tế chính trị Mác-Lênin gồm 6 bài với 2 nội dung: Kinh tế chính trị về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và Kinh tế chính trị thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Phần thứ ba: Chủ nghĩa xã hội khoa học bao gồm 7 bài với 2 nội dung: Nội dung cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học; Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, xin tập trung bàn đến phần thứ hai – Kinh tế chính trị Mác-Lênin.
Về mặt kiến thức, phần học Kinh tế chính trị Mác-Lênin trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị tập trung giúp người học nắm được những nguyên lý, quy luật kinh tế về chủ nghĩa tư bản giai đoạn tự do cạnh tranh và độc quyền và những lý luận cơ bản về thời kỳ qua độ ở Việt Nam. Tạo cơ sở để người học có cái nhìn bao quát về các hoạt động kinh tế cơ bản trong thực tiễn xây dựng, phát triển nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Về mặt kỹ năng, sau khi nghiên cứu và học tập, đây là phần học sẽ giúp người học nắm vững phương pháp phân tích đánh giá các vấn đề kinh tế theo phương diện kinh tế chính trị Mác-Lênin, từ đó xây dựng tư duy khoa học trong nhận thức và vận dụng trong tổ chức thực hiện, đánh giá các chính sách kinh tế của địa phương/ngành; tham mưu các quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước các cấp vào xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhận diện, phê phán quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch về kinh tế chính trị Mác-Lênin và mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Về mặt tư tưởng: Góp phần củng cố niềm tin vào đường lối, chính sách phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng và Nhà nước ta; đồng thời tăng cường tính tích cực, chủ đông học tập, nâng cao nhận thức lý luận và vận dụng vào thực tiễn của đội ngũ cán bộ quản lý.
Với những yêu cầu cần đạt được về mặt kiến thức, kỹ năng, tư tưởng như vậy, trong quá trình giảng dạy thực tế phần học này, có thể nhận thấy một số vấn đề sau:
- Đây là một phần học mang tính lý thuyết cao đồng thời nội dung mang tính trừu tượng.
- Thời lượng phần học ít, bao gồm tổng số 64 tiết nhưng lại chứa đựng khối lượng kiến thức nhiều.
- Giảng dạy phần lớn tập trung vào kỹ năng tư duy phân tích, nghĩa là dạy cho người học cách hiểu các khái niệm, thảo luận theo phương pháp định sẵn, loại bỏ những hướng đi không đúng, tìm ra câu trả lời đúng nhất.
- Thái độ học tập của học viên vẫn còn thụ động, chưa phát huy được năng lực tự nghiên cứu, sáng tạo.
- Cơ sở vật chất tại nhà trường đã đảm bảo nhưng ở các đơn vị liên kết còn thiếu, xuống cấp (ví dụ: bảng nhỏ, hệ thống loa đài kém...). Vì vậy, gây khó khăn cho giảng viên và học viên trong quá trình học tập.
Với những vấn đề trên, từng giảng viên giảng dạy môn Kinh tế chính trị Mác-Lênin đã không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong đó, coi việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập môn Kinh tế chính trị Mác-Lênin là một yêu cầu khách quan, một nhu cầu tất yếu và không thể thiếu được của người giảng viên để đáp ứng được yêu cầu của người học. Chính vì thế giảng viên phải tìm ra các phương pháp mới, trong đó phương pháp dạy học nêu vấn đề trong giảng dạy kinh tế chính trị là một phương pháp phù hợp với đối tượng học viên của nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay theo hướng “lấy người học làm trung tâm”.
2. Vận dụng hiệu quả phương pháp dạy học nêu vấn đề vào giảng dạy nội dung kinh tế chính trị tại trường chính trị tỉnh Yên Bái
Dạy học nêu vấn đề là phương pháp dạy học đặt người học trước một nhiệm vụ nhận thức và kích thức người học tự lực giải quyết nhiệm vụ nhận thức đó một cách sáng tạo.
Như vậy, có thể hiểu, thực chất của kiểu phương pháp này là giảng viên giao những vấn đề dưới hình thức một bài tập có tính chất nghiên cứu còn người học tự làm. Trong quá trình tự nghiên cứu, người học sẽ dần dần tiếp thu nội dung cụ thể của bài học.
Có thể áp dụng các hình thức dạy học nêu vấn đề trong giảng dạy kinh tế chính trị Mác-Lênin theo hướng sau:
Thứ nhất, trình bày nêu vấn đề: Trong quá trình giảng dạy, giảng viên có thể diễn đạt vấn đề dưới dạng nghi vấn, gợi mở hoặc đưa những câu hỏi để lôi cuốn sự chú ý của học viên.
Ví dụ: khi nói về nội dung “Điều kiện ra đời của sản xuất hàng hóa” (Bài 12: Nền sản xuất hàng hoá và quy luật giá trị trong nền sản xuất hàng hoá), nếu diễn đạt theo phương thức thuyết trình thông thường, chúng ta có thể nói: “Trong lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội có hai hình thức tổ chức kinh tế rõ rệt là kinh tế tự nhiên và kinh tế hàng hóa. Kinh tế tự nhiên là hình thức sản xuất tự cung, tự cấp.., kinh tế hàng hoá sản xuất ra hàng hóa để bán..” thì từ đó, có thể chuyển thành hình thức trình bày nêu vấn đề: “Trong lịch sử phát triển của nền sản xuất xã hội có hai hình thức kinh tế rõ rệt là kinh tế tự nhiên và kinh tế hàng hóa. Vậy thế nào là kinh tế tự nhiên? Nêu đặc trưng cơ bản của nó?”.
Như vậy, thông qua hình thức trình bày nêu vấn đề nhằm tạo cho người học phát huy tính chủ động trong học tập môn kinh tế chính trị.
Thứ hai, nêu vấn đề một phần: Giảng viên trình bày bài giảng theo cách nêu vấn đề nhưng chỉ tập trung vào một phần nhất định nào đó hoặc chỉ giải quyết vấn đề trong một chừng mực nhất định, còn lại tiếp tục tổ chức cho học viên tự giải quyết.
Ví dụ 1: Trong nội dung “Tiền” (Bài 12: Nền sản xuất hàng hoá và quy luật giá trị trong nền sản xuất hàng hoá) gồm 2 mục nhỏ: Nguồn gốc và bản chất của tiền; Chức năng của tiền. Ở mục “Nguồn gốc và bản chất của tiền”, sau khi giới thiệu lịch sử ra đời và các hình thái giá trị, có thể nêu vấn đề: Bản chất tiền tệ là gì? Hoặc trong mục “Chức năng của tiền”, ở chức năng phương tiện cất trữ giảng viên có thể nêu câu hỏi: Tiền gửi vào ngân hàng có phải thực hiện chức năng phương tiện cất trữ không? Bằng những kiến thức lý luận và thực tiễn học viên sẽ tìm tòi, suy nghĩ nhằm giải quyết vấn đề được đặt ra.
Ví dụ 2: khi giảng nội dung "Sản xuất giá trị thặng dư là quy luật của chủ nghĩa tư bản" (Bài 13: Sản xuất hàng hoá tư bản chủ nghĩa), giảng viên có thể nêu các tình huống có vấn đề bằng các câu hỏi như: Tiền có phải là tư bản không? Khi nào thì tiền trở thành tư bản? Tại sao nhà tư bản bóc lột được giá trị thặng dư mà không vi phạm quy luật giá trị?... Thông qua thảo luận, trao đổi học viên sẽ nhanh chóng lĩnh hội được kiến thức sâu sắc hơn về các phạm trù như: Tư bản, hàng hóa sức lao động, tư bản bất biến, tư bản khả biến, giá trị thặng dư... và quy luật giá trị thặng dư, quy luật tích lũy tư bản chủ nghĩa...
Như vậy, quá trình giảng dạy được thống nhất với quá trình nhận thức có tính chất nghiên cứu của học viên.
Thứ ba, nêu vấn đề toàn phần: Nêu vấn đề toàn phần mang tính điển hình nhất của dạy học nêu vấn đề, về thực chất giảng viên tổ chức cho học viên nghiên cứu bài giảng một cách sáng tạo. Giảng viên nêu ra vấn đề cùng hệ thống các câu hỏi chính, câu hỏi phụ, gợi mở… để dẫn dắt học viên độc lập giải quyết vấn đề và đi đến kết luận.
Phương thức nêu vấn đề đảm bảo phát huy tới mức tối đa khả năng cao nhất tư duy của học viên, đảm bảo cho học viên nắm vững tri thức, kỹ năng, kỹ xảo làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học và có niềm say mê, hứng thú trong học tập. Để thực hiện thành công bài giảng nêu vấn đề toàn phần đòi hỏi giảng viên phải chuẩn bị chu đáo về nội dung và phương pháp tiến hành, trình độ của học viên phải đồng đều cùng với ý thức tự giác, chủ động trong học tập.
Thứ tư, nêu vấn đề có tính giả thuyết: Giảng viên đưa vào bài học một số giả thuyết hoặc quan điểm có tính chất mâu thuẫn với vấn đề đang nghiên cứu nhằm xây dựng tình huống có vấn đề thuộc loại giả thuyết. Với hình thức dạy học nêu vấn đề này người học phải lựa chọn quan điểm đúng và phải có lập luận vững chắc về sự lựa chọn của mình. Đồng thời, học viên phải đánh giá chính xác, khách quan những quan điểm không đúng đắn.
Ví dụ 1: khi giảng nội dung “Chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ được thay thế bằng chế độ kinh tế - xã hội mới tiến bộ hơn” (Bài 15: Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa từ trình độ phát triển kinh tế lạc hậu), giảng viên đưa ra quan điểm của một số người cho rằng kinh tế của các nước tư bản phát triển mạnh và vững hơn kinh tế của các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa để học viên luận giải, chứng minh, phê phán, đấu tranh và bác bỏ.
Ví dụ 2: Khi nói về “Tư bản” (Bài 13: Sản xuất hàng hoá tư bản chủ nghĩa), có thể nêu vấn đề có tính giả thuyết sau: Trong những quan niệm sau đây về tư bản:
+ Tư bản là tiền
+ Tư bản là các yếu tố sản xuất
+ Tư bản là quan hệ sản xuất cơ bản của chủ nghĩa tư bản.
Quan điểm nào đúng hoặc sai? Vì sao?
Thứ năm, nêu vấn đề mang tính chất so sánh, tổng hợp: Đây là hình thức dạy học nêu vấn đề gắn với việc sử dụng số liệu thống kê để phân tích và rút ra kết luận. Phương thức này có ưu thế rõ rệt, thông qua các số liệu, dữ kiện thống kê phản ánh ngắn gọn quá trình và sự phát triển kinh tế xã hội. Mặt khác, góp phần làm tăng tính chính xác, thuyết phục của vấn đề; đồng thời tạo điều kiện rèn luyện cho sinh viên biết phân tích, khai thác những tri thức thực tiễn.
Với các hình thức trên của phương pháp giảng dạy nêu vấn đề, khi áp dụng vào đặc thù của phần học Kinh tế chính trị Mác-Lênin là khoa học trực tiếp cung cấp hệ thống tri thức về phương pháp luận, phạm trù và quy luật kinh tế. Cho nên chứa nhiều nội dung lý thuyết và mang tính trừu tượng hóa, khái quát hóa cao sẽ phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học kinh tế chính trị Mác-Lênin cũng như chất lượng đào tạo của Nhà trường.
Ths. Lương Thị Hải Yến
GV Khoa Lý luận cơ sở
Tin khác