• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Sinh hoạt CLB giảng viên trẻ trường Chính trị Yên Bái tháng 9/2016. Chủ đề: mối quan hệ giữa lý luận Nhà nước và pháp luật với các khoa học chuyên môn
Ngày xuất bản: 06/10/2017 3:53:00 CH
Lượt đọc: 24821

I. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ BỘ MÔN  LÍ LUẬN NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT

Lý luận Nhà nước và pháp luật là môn học quan trọng trong hệ thống khoa học pháp lý. Dựa trên cơ sở học thuyết Mác – Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta cũng như tri thức chung của nhân loại về nhà nước và pháp luật, môn học này trình bày, chứng giải một cách khoa học các vấn đề cơ bản về hiện tượng nhà nước và pháp luật.

 Là một bộ môn khoa học chuyên nghiên cứu những vấn đề có tính lý thuyết về Nhà nước và pháp luật, Lý luận nhà nước và pháp luật với nhiệm vụ nghiên cứu một cách cơ bản và toàn diện về Nhà nước và pháp luật nhằm làm rõ những thuộc tính bản chất của Nhà nước và pháp luật, phát hiện và giải thích những quy luật và những vấn đề có tính quy luật về sự ra đời, tồn tại và phát triển của Nhà nước và pháp luật, hệ thống hóa những tri thức lý luận Nhà nước và pháp luật.

1. Đối tượng nghiên cứu:

Đối tượng nghiên cứu của lí luận nhà nước và pháp luật là những quy luật đặc thù của sự ra đời, hình thành và phát triển, những đặc tính chung và những biểu hiện quan trọng nhất của Nhà nước và pháp luật.

2. Phương pháp nghiên cứu:

Phương pháp nghiên cứu là những nguyên tắc và cách thức hoạt động khoa học nhằm đạt tới chân lý khách quan dựa trên cơ sở của sự chứng minh khoa học.

- Phương pháp chung: Lý luận nhà nước và pháp luật có cơ sở phương pháp luận là các phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

- Phương pháp riêng:

+ Phương pháp phân tích và tổng hợp

+ Phương pháp tiếp cân hệ thống

+Phương pháp trừu tượng hóa khoa học có vai trò rất quan trọng trong lý luận Nhà nước và pháp luật.

+ Phương pháp lịch sử và logic

+ Phương pháp xã hội học

+ Phương pháp so sánh

3. Cấu trúc của lý luận Nhà nước và pháp luật.

Cấu trúc của lí luận nhà nước và pháp luật gồm những bộ phận kiến thức cơ bản dưới đây:

- Những kiến thức lý luận chung về Nhà nước: Nguồn gốc, bản chất, đặc điểm, hình thức nhà nước, kiểu Nhà nước, chức năng, vai trò của Nhà nước…

- Những kiến thức lý luận chung về pháp luật: Nguồn gốc, bản chất, chức năng, kiểu, hình thức pháp luật, quy phạm pháp luật, quan hệ pháp luật, ý thức pháp luật, thực hiện pháp luật, vi phạm pháp luật, trách nhiệm pháp lý, hệ thống pháp luật, pháp chế xã hội chủ nghĩa….

- Những kiến thức lý luận ứng dụng về Nhà nước và pháp luật

Trên cơ sở những kiến thức lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, lý luận Nhà nước và pháp luật đi sâu phân tích thực tiễn về các mô hình Nhà nước và pháp luật đã, đang tồn tại và phát triển ở những khu vực và các nước trên thế giới nhằm kiểm chứng và làm rõ những khía cạnh bản chất, những đặc điểm chung, riêng, chứng minh tính phong phú, đa dạng của các hình thức biểu hiện của Nhà nước và pháp luật trong thực tiễn.

- Những kiến thức lý luận Nhà nước và pháp luật Việt Nam:

Đây là bộ phận có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm phân tích và làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn có tính đặc thù về mô hình Nhà nước và pháp luật Việt Nam; luận chứng về cơ sở khoa học, thực tiễn, tính đúng đắn và sự vận dụng sáng tạo các tinh hoa kiến thức lý luận Nhà nước và pháp luật vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

II. MỐI QUAN HỆ GIỮA LÍ LUẬN NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT VỚI CÁC KHOA HỌC XÃ HỘI  KHÁC.

Mối quan hệ giữa lý luận Nhà nước và pháp luật với các khoa học xã hội khác được xét ở hai khía cạnh cơ bản đó là: luận Nhà nước và pháp luật là bộ môn khoa học xã hộilý luận Nhà nước và pháp luật là bộ môn khoa học pháp lý.

Thứ nhất: Lý luận nhà nước và pháp luật là bộ môn khoa học xã hội.

Trong hệ thống các khoa học xã hội lý luận Nhà nước và pháp luật góp phần xây dựng hệ thống khái niệm và cung cấp các kiến thức lý luận chuyên sâu về nhà nước và pháp luật, tạo cơ sở cho sự nhận thức thống nhất trong các khoa học xã hội về những vấn đề thuộc lĩnh vực nhà nước và pháp luật lý luận Nhà nước và pháp luật có quan hệ với nhiều bộ môn khoa học xã hội như triết học, sử học, xã hội học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học…

* Đối với triết học:

Lý luận nhà nước và pháp luật có mối quan hệ mật thiết với triết học:

Khía cạnh thứ nhất: Triết học là cơ sở phương pháp luận của lý luận Nhà nước và pháp luật.

Khía cạnh thứ hai: Triết học thông qua Chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng đã giải thích các quy luật phát sinh, phát triển chung nhất của xã hội và các bộ phận của nó, trong đó có nhà nước và pháp luật. Lý luận nhà nước và pháp luật là bộ môn khoa học cụ thể hơn, đi sâu nghiên cứu những quy luật phát sinh, phát triển đặc thù của Nhà nước và pháp luật. Những quy luật đó đều nằm trong các quy luật vận động và phát triển chung của xã hội. Vì vậy, để nhận thức được các quy luật riêng của nhà nước và pháp luật, phải vận dụng tri thức về các quy luật, phạm trù của chủ nghĩa duy vật lịch sử (như hình thái kinh tế – xã hội, giai cấp và đấu tranh giai cấp, nhà nước và tổ chức chính trị – xã hội…)

* Đối với sử học:         

Lý luận nhà nước và pháp luật có mối quan hệ mật thiết với sử học. Sử học là bộ môn khoa học nghiên cứu về sự tồn tại và phát triển của nền văn minh nhân loại với toàn bộ sự phong phú, đa dạng của nó. Nhà nước và pháp luật là những thiết chế cụ thể, kết quả quá trình phát triển lịch sử nhân loại, vì vậy nó cũng là đối tượng nghiên cứu của sử học.

Dựa trên những cứ liệu lịch sử, lý luận Nhà nước và pháp luật có điều kiện đi sâu phân tích, luận chứng về các quy luật phát triển đặt thù, về những thuộc tính bản chất, bản chất của các mô hình Nhà nước và pháp luật và những hình thức biểu hiện nhiều vẻ của chúng. Đồng thời, kết quả nghiên cứu lý luận Nhà nước và pháp luật sẽ góp phần bổ sung và phát triển các kiến thức lịch sử về các vấn đề có liên quan đến Nhà nước qua các thời kì lịch sử. 

* Đối với kinh tế chính trị học:

lý luận Nhà nước và pháp luật có mối quan hệ mật thiết với kinh tế chính trị học. Kinh tế chính trị học nghiên các quy luật của hạ tầng cơ sở. Để làm sáng tỏ bản chất của Nhà nước và pháp luật, giải thích mối quan hệ có tính chất quyết định của quan hệ sản xuất đối với Nhà nước và pháp luật; Lý luận Nhà nước và pháp luật phải vận dụng các khái niệm và quan điểm của kinh tế chính trị học. Tuy nhiên, lý luận Nhà nước và pháp luật nghiên cứu các quy luật của nhà nước và pháp luật với tư cách là hai hiện tượng của kiến trúc thượng tầng, không nghiên cứu các quy luật của hạ cơ sở hạ tầng nhưng lại căn cứ vào các tri thức về cơ sở hạ tầng để làm rõ mối quan hệ giữa đời sống kinh tế - xã hội với Nhà nước và pháp luật.

* Đối với chủ nghĩa xã hội khoa học:

Lý luận Nhà nước và pháp luật cũng có mối quan hệ mật thiết với chủ nghĩa xã hội khoa học, vì hai bộ môn khoa học cùng nghiên cứu sự phát triển của nhà nước và pháp luật trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, nếu chủ nghĩa xã hội khoa học nghiên cứu một cách đồng thời các quy luật chung của nhà nước và pháp luật với các quy luật khác thì lý luận Nhà nước và pháp luật nghiên cứu một cách cụ thể hơn các quy luật đặc thù của Nhà nước và pháp luật. Trong quá trình nghiên cứu, lý luận Nhà nước và pháp luật vận dụng các quan điểm và kết luận của chủ nghĩa xã hội khoa học để giải thích các vấn đề thuộc đối tượng nghiên cứu của mình.

Như vậy, lý luận nhà nước và pháp luật luôn dựa trên cơ sở của các môn khoa học nói trên và vận dụng các quan điểm của khoa học đó để giải thích các vấn đề về nhà nước và pháp luật. Mặt khác lý luận Nhà nước và pháp luật góp phần làm sáng tỏ và bổ sung vào hệ thống tri thức khoa học xã hội nói chung, những vấn đề cốt yếu của đời sống xã hội như: hệ thống chính trị, nhà nước, dân chủ, pháp luật, pháp chế…

2. Lý luận nhà nước và pháp luật là bộ môn khoa học pháp lí.

Trong hệ thống các khoa học pháp lí (Hiến pháp, hình sự, dân sự…), lý luận Nhà nước và pháp luật giữ vai trò là môn khoa học pháp lí cơ sở có tính chất phương pháp luận để tìm hiểu đối tượng nghiên cứu, đảm bảo tình thống nhất trong khoa học pháp lý. Các môn khoa học pháp lý chuyên ngành khi nghiên cứu những vấn đề cụ thể của ngành luật nhất định luôn dựa trên cơ sở các quan điểm chung đã được lý luận nhà nước và pháp luật giải thích và kết luận bởi vì lý luận Nhà nước và pháp luật là cái chung còn các khoa học pháp lý là cái riêng, cụ thể, chuyên sâu. Ngược lại Khoa học pháp lý lại là minh chứng, kiểm nghiệm tính đúng đắn, khoa học mà lý luận Nhà nước và pháp luật đã xây dựng nên.

Nguyễn Thị Mai

Khoa Nhà nước và Pháp luật