• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
SỰ PHÙ HỢP GIỮA PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM VỀ QUYỀN TỰ DO ĐI LẠI, TỰ DO CƯ TRÚ TRONG CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ
Ngày xuất bản: 29/06/2021 9:39:00 SA
Lượt đọc: 15051

 

Quyền về tự do đi lại, tự do cư trú là một trong những quyền con người cơ bản, được xếp vào nhóm quyền dân sự. Quyền này được ghi nhận tại Điều 13 của Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền (UDHR) năm 1948: “ Mọi người đều có quyền tự do đi lại và tự do cư trú trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia. Mọi người đều có quyền rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình, cũng như có quyền trở về nước mình”. Tiếp đó, quy định này đã được tiếp tục khẳng định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966, cụ thể tại Điều 12 và Điều 13 của Công ước. Điều 12 Công ước quy định: “Bất cứ ai cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia điều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó. Mọi người đều có quyền tự do rời khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình. Những quyền trên đây sẽ không phải chịu bất kỳ hạn chế nào, trừ những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác, và phải phù hợp với những quyền khác được Công ước này công nhận. Không ai bị tước đoạt một cách tùy tiện quyền được trở về nước mình”. Như vậy Điều này đã đề cập bốn dạng tự do cụ thể có mối liên hệ với nhau, bao gồm: Tự do lựa chọn nơi sinh sống trên lãnh thổ quốc gia; tự do đi lại trong phạm vi lãnh thổ quốc gia; tự do đi khỏi bất kỳ nước nào, kể cả nước mình; tự do trở về nước mình. 

Điều 13 Công ước đề cập đến quyền tự do cư trú của người nước ngoài trên một lãnh thổ quốc gia khác, trong đó có việc bị trục xuất. Cụ thể, điều này quy định “một người nước ngoài cư trú hợp pháp trên lãnh thổ một quốc gia thành viên Công ước chỉ có thể bị trục xuất khỏi nước đó theo quyết định phù hợp pháp luật, và trừ trường hợp có yêu cầu khác xuất phát từ lý do chính đáng về an ninh quốc gia; người bị trục xuất phải được phép đệ trình những lý lẽ phản đối việc trục xuất, được yêu cầu nhà chức trách có thẩm quyền, hoặc một người hoặc những người mà nhà chức trách có thẩm quyền đặc biệt cử ra, xem xét lại trường hợp của mình, và được có đại diện khi trường hợp của mình được xem xét lại”.

Như vậy, tự do đi lại là điều kiện không thể thiếu đối với sự phát triển tự do cá nhân. Quyền tự do đi lại từ nơi này đến nơi khác của quốc gia và được sinh cơ lập nghiệp ở nơi mà mình lựa chọn. Việc bảo đảm quyền tự do đi lại và tự do lựa chon nơi sinh sống không phụ thuộc vào mục đích hay lý do của việc đi lại hay của việc lựa chọn nơi cư trú. Quyền tự do đi lại không chỉ được áp dụng với các công dân của đất nước mình mà còn với người nước ngoài đang cư trú hợp pháp trên lãnh thổ nước khác. Tuy nhiên, khi một người nước ngoài đã được phép nhập cảnh vào lãnh thổ một nước thành viên thì người đó phải được coi là hợp pháp trong phạm vi lãnh thổ của nước này. Khi đó người nước ngoài này có tư cách hợp pháp và được bảo vệ quyền ghi nhận tại Điều 12 ICCPR. Quyền tự do cư trú còn bao hàm sự bảo vệ khỏi tình trạng bị bắt buộc di dời chỗ ở trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, cũng như khỏi bị ngăn cấm không được đến hoặc sinh sống ở một khu vực nhất định trên lãnh thổ quốc gia, ngoài trừ những trường hợp được quy định tại Điều 12 khoản 3.

Quyền tự do đi khỏi bất cứ nước nào, kể cả nước mình được áp dụng không phụ thuộc vào nước đến. Quyền này bao hàm cả quyền ra nước ngoài để học tập, làm việc, thăm quan hay cư trú lâu dài. Trường hợp một người nước ngoài bị trục xuất có quyền được lựa chọn nước đến nếu có sự đồng ý của nước đó. Thông thường việc đi lại giữa các nước thường có đòi hỏi có những giấy tờ thông hành nên quyền được đi khỏi một nước nào đó sẽ bao hàm cả quyền có được những giấy tờ thông hành. Do vậy, việc từ chối cấp hoặc từ chối gia hạn hộ chiếu cho một người đồng nghĩa với việc tước đoạt quyền được rời khỏi nước mà họ đang sinh sống để đi đến nơi khác, bao gồm cả quyền được trở về nước mình.

Quyền được trở lại nước mình không chỉ là quyền của một người được trở lại sau khi rời đất nước mình mà còn quyền của một người có quốc tịch nước đó sinh ra ở nước ngoài lần đầu tiên trở về nước mình mang quốc tịch. Nó cũng hàm ý về quyền của một người được ở lại nước mình và cấm việc di dân bắt buộc hoặc cưỡng chế người dân đến các nước khác. Trong mọi trường hợp, cá nhân không thể bị tước đoạt một cách trái pháp luật quyền trở về nước mình, bất kể sự tước đoạt đó từ cơ quan nhà nước nào và kể cả khi một nhà nước đã ra quyết định tước quốc tịch của một cá nhân hoặc trục xuất một cá nhân đến một nước thứ ba thì cũng không được ngăn cản cá nhân này được trở về đất nước của mình nếu không có lý do chính đáng. Lưu ý, Điều 13 ICCPR chỉ áp dụng cho những người nước ngoài cư trú hợp pháp trên lãnh thổ một quốc gia chứ không áp dụng cho những người nước ngoài có tư cách bất hợp pháp và không được phân biệt đối xử giữa những người nước ngoài khác nhau khi áp dụng Điều 13 này.

Xuất phát từ chủ quyền quốc gia, quyền tự do đi lại của các cá nhân cư trú trên lãnh thổ của một quốc gia nhất định, dù là công dân của nước đó, công dân nước ngoài hay người không quốc tịch đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc gia sở tại. Mỗi nước có thẩm quyền riêng biệt trong việc xác định chế độ pháp lý về đi lại cho các bộ phận dân cư sinh sống trên lãnh thổ của mình. Khi xây dựng chế độ pháp lý nói trên, mỗi quốc gia cũng tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế và các điều ước quốc tế mà nước đó là thành viên.

Tại Việt Nam, Quyền tự do đi lại, cư trú của công dân đã được khẳng định tại Điều 23 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”. Những quy định pháp luật về việc đi lại, cư trú của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam cũng được quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư, Luật Cư trú và các văn bản pháp luật khác có liên quan… và ngày càng được bổ sung, sửa đổi theo hướng cởi mở, tự do nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cộng đồng quốc tế. Khi luật cư trú ra đời đã đáp ứng được những quy định về quyền tự do đi lại và tự do cư trú của công dân theo quy định quốc tế. Cụ thể, tại Điều 8, luật Cư trú năm 2020 đã quy định: Lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của luật và các quy định khác của pháp luật có liên quan; được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, thông tin về hộ gia đình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật; được khai thác thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; được cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của mình xác nhận thông tin về cư trú khi có yêu cầu; được cơ quan đăng ký cư trú cập nhật, điều chỉnh thông tin về cư trú của mình trong Cơ sở dữ liệu về cư trú khi có thay đổi hoặc khi có yêu cầu; được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú của mình khi có yêu cầu; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền tự do cư trú; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Liên quan đến vấn đề xuất, nhập cảnh, tùy theo quy định của pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, công dân Việt Nam được cấp hộ chiếu hoặc giấy thông hành. Đối với người nước ngoài, Hiến pháp năm 2013 quy định, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam, trong đó có quyền tự do đi lại. Ngoài ra, người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hòa bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì có thể được Nhà nước xem xét cho nhập cảnh và cư trú.

Như vậy các nguyên tắc được hiến định trong Hiến pháp 2013 là tương đồng với văn bản về quyền con người của luật pháp quốc tế. Quy định về đi lại, cư trú của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam được đề cập cụ thể tại Bộ luật Dân sự, Luật Quốc tịch, Luật Đầu tư, Luật Cư trú và các văn bản pháp luật khác liên quan. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã ký kết 78 hiệp định và thỏa thuận song phương về miễn thị thực cho công dân các nước và vùng lãnh thổ, hiệp định biên giới các nước láng giềng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân qua lại. Quan trọng hơn, trong đại dịch Covid-19, dù gặp nhiều khó khăn, song Đảng, Nhà nước đã, đang và sẽ nỗ lực hết mình đảm bảo những cam kết, nghĩa vụ quốc tế đó. Đầu tiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, quyết định tiến hành giãn cách xã hội toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 1-30/4 là cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam và đảm bảo quyền tự do đi lại của người dân. Về mặt luật pháp quốc tế, điều 12 Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 có ghi nhận rằng quyền tự do đi lại có thể phải chịu “…những hạn chế do luật định và là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội hoặc các quyền tự do của người khác”. Về mặt luật pháp Việt Nam, khoản 2, điều 14 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Quyền tự do đi lại là thành tố quan trọng trong quyền con người và trong bối cảnh “sức khỏe cộng đồng” bị đe dọa bởi đại dịch Covid-19, quyết định của Thủ tướng Chính phủ là kịp thời và cần thiết, ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Mặt khác, Đảng và Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm và đã có biện pháp quản lý chặt công tác xuất nhập cảnh trong thời gian có dịch. Theo đó, ngày 17/3, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Việt Nam tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong 30 ngày, bắt đầu kể từ 0 giờ ngày 18/3. Điều này là phù hợp với luật pháp quốc tế, khi theo Bình luận chung số 27 của Ủy ban Nhân quyền năm 1999 về Cụ thể hóa điều 12 ICCPR, việc cho phép nhập cảnh và tư cách “hợp pháp” của người nước ngoài trên lãnh thổ quốc gia phụ thuộc vào quy định pháp luật và nghĩa vụ quốc tế của quốc gia đó. Về mặt luật pháp Việt Nam, điều này là hoàn toàn khả thi khi quyền tự do đi lại không phải là quyền tuyệt đối và có thể bị hạn chế “trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.  Ngoài ra, thời gian vừa qua Nhà nước ta đã và đang tích cực đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn về nước an toàn. Hành động này không chỉ tuân thủ cam kết đảm bảo quyền nhập cảnh của mỗi công dân, được đề cập trong Hiến pháp năm 2013 và các văn bản luật pháp quốc tế, mà còn thể hiện tinh thần nhân văn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với những người con xa xứ.

Nhìn chung, quy định về quyền tự do đi lại và cư trú trong pháp luật Việt Nam hiện đã phản ánh các nguyên tắc cơ bản phù hợp với tinh thần của luật nhân quyền quốc tế, đó là nguyên tắc bình đẳng và nguyên tắc về sự hạn chế quyền.

 

Bùi Thị Bích Ngọc

Khoa Nhà nước và pháp luật