• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Quan điểm Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị và sự vận dụng quan điểm đó trong nâng cao vị trí, vai trò của đội ngũ giảng viên trường Chính Trị tỉnh Yên Bái hiện nay.
Ngày xuất bản: 21/11/2017 4:20:00 CH
Lượt đọc: 26578

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về công tác giáo dục lý luận có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Người thường xuyên quan tâm tới công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, Người đã sớm nhìn thấy vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị đối với sự nghiệp Cách mạng, cũng như đối tượng trước hết phải học tập lý luận chính trị chính là cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể, cán bộ các ngành chuyên môn của chính quyền; và yêu cầu “Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình”(1). Quan điểm của Hồ Chí Minh về học tập lý luận chính trị không bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn cho con người, mà có tính bao quát, sâu xa, nhưng vô cùng sinh động, thiết thực, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”, có tri thức, lý tưởng, đạo đức, sức khoẻ, thẩm mỹ... Người nói: “Thiện, ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu, phần lớn đều do giáo dục mà nên”, giáo dục có vai trò hết sức to lớn trong việc cải tạo con người cũ, xây dựng con người mới. Đặc biệt, đối với sự nghiệp cách mạng, công tác giáo dục lý luận chính trị phải làm tốt vai trò định hướng nhận thức tư tưởng, mục tiêu và con đường đi lên của các dân tộc. Trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh” Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng mới làm nổi cách mệnh tiên phong(2).

Xuất phát từ quan điểm của Hồ Chí Minh, Đảng đưa ra khái niệm giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận cơ bản trong công tác tư tưởng của Đảng, thực hiện việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác giáo dục lý luận chính trịnhằm hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học, nhận thức tư tưởng, bản lĩnh chính trị, niềm tin và năng lực hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ phát triển của đất nước.

Theo Người, mục đích của giáo dục và học tập lý luận chính trị chính là “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Ðoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(3). Học lý luận chính trị trước hết mang đến tư tưởng đúng;bởi khi con người có tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc.

Học lý luận để có hành động, thái độ nghiêm túc, tự giác trong tu dưỡng đạo đức cách mạngđây là đức tính không thể thiếu của mỗi người cách mạng. Có đạo đức cách mạng thì mới dám hi sinh, tận tuỵ với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng. Suốt đời, Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng một xã hội mới về chất, cao hơn hẳn xã hội cũ, đó là xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản Chủ nghĩa. Muốn vậy “trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”, người cán bộ vừa “hồng”vừa “chuyên” … và người cán bộ, giảng viên, học viên phải có thái độ học tập đúng đắn, khắc phục bệnh giáo điều trong nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, không nên coi chủ nghĩa Mác - Lênin là kinh thánh, là những công thức có sẵn, cứng nhắc. Tư tưởng này của Hồ Chí Minh cho tới nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

Học lý luận để tin tưởng; người cách mạng được trang bị tri thức về lý luận chính trị cũng giống như có kim chỉ nam định hướng khi lạc đường. Có kiến thức về lý luận chính trị, người cách mạng càng tin vào đoàn thể, tin vào nhân dân, vào tương lai của dân tộc…

Học lý luận để áp dụng vào thực tiễn (học đi đôi với hành); Hồ Chí Minh chưa bao giờ tự nhận mình là một nhà lý luận,nhưng những việc làm thiết thực, những bài viết ngắn gọn, súc tích của Người đã hàm chứa các phương pháp giáo dục lý luận mẫu mực. Người lấy nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn làm nguyên tắc cơ bản cho việc xây dựng các phương pháp về giáo dục. Nguyên tắc này được Người sử dụng trong việc giáo dục cán bộ, đảng viên, thanh thiếu niên, công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, học sinh, sinh viên… Nó được coi như “kim chỉ nam” để lồng dẫn nhận thức, hành động và bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho tất cả mọi người.

Song song với việc xác định rõ ràng mục đích học tập lý luận, nội dung giáo dục lý luận chính trị được Người đặc biệt quan tâm. Xuất phát từ bài học kinh nghiệm xây dựng Nhà nước Nga - Xô viết; học lý luận chính trị mang 3 nội dung chính, cụ thể:

Một là, tư tưởng giáo dục lý luận chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa, tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo từ các tiền đề; nhưng tiền đề quan trọng nhất, cải tạo nên sự phát triển về chất trong tư tưởng giáo dục lý luận chính trị Hồ Chí Minh là Chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ thống học thuyết, các tri thức khoa học mang giá trị thực tiễn cao. Do đó, theo Hồ Chí Minh, phải dạy Lý luận Mác Lênin cho mọi người vì lý luận Mác Lênin là tri thức, là tổng kết kinh nghiệm của lịch sử loài người cho nên giáo dục Mác Lênin tác động trực tiếp đến con người, đến tư tưởng, đạo đức và khả năng thực hiện của mỗi người. Học chủ nghĩa Mác Lênin là học tập tinh thần chủ nghĩa Mác Lênin để xử lý mọi công việc.

Hai là, giáo dục các chuẩn mực đạo đức cách mạng (hồng) và các nguyên tắc rèn luyện các chuẩn mực đóđây là tiền đề để người cách mạng giữ vững được chủ nghĩa mình theo, lý tưởng mình chọn, con đường mình đi. Với mục tiêu xây dựng chính Đảng là đạo đức, là văn minh; ngay từ rất sớm Người đã thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng đạo đức cách mạng trong cán bộ, chiến sỹ. Người chỉ rõ: phải bồi dưỡng giảng viên lý luận cho các chi bộ. Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình. Bởi Hồ Chí Minh coi đối tượng học tập lý luận chính trị trước hết là cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể, cán bộ các ngành chuyên môn của chính quyền, của quần chúng nhân dân. Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành, đồng thời đem tình hình của quần chúng báo cáo cho Đảng để đặt chính sách cho đúng, cán bộ là gốc của mọi công việc; và do đó huấn luyện cán bộ cũng là công việc gốc của Đảng.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947) Người nói về đạo đức cách mạng: “... Người đảng viên, người cán bộ muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít, mà những tính tốt như sau ngày càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có 5 điều: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm(4).

Ba là, theo Hồ Chí Minh, giáo dục chính trị là giáo dục các quan điểm, giáo dục đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, không chỉ mang tính chất định tính trong nhận thức lý luận cho cán bộ, đảng viên mà còn định hướng, hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên hành động; cũng chính là một biểu hiện của nội dung gắn liền lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành. Chỉ khi nào các cá nhân được trang bị những kiến thức về chính trị thì lúc đó họ mới ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của người công dân.

Tiếp thu, quán triệt sâu sắc nội dung quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị; ngày nay Đảng ta không ngừng quan tâm, chú trọng đến công tác dân vận nói chung, và công tác giáo dục lý luận chính trị nói riêng. Xuất phát từ thực tiễn khách quan, do tính chất, đặc thù, môi trường làm việc trong hệ thống nhà trường của Đảng; cán bộ, giảng viên lý luận trường Chính trị tỉnh Yên Bái tất yếu phải là những Đảng viên gương mẫu; có nền tảng lý luận và vốn thực tiễn phong phú, nói cách khác; đó là sự am hiểu lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước; để truyền đạt được với học viên Mục đích học để vận dụng, chứ không phải học vì lý luận”.

Để chuẩn bị cho năm học mới, 8/8/2017 Học Viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh đã phát động phong trào Thi đua của các Trường Chính trị, Trường bộ, ngành năm học 2017 – 2018 với chủ đề “Đột phá – Sáng tạo – Chất lượng – Hiệu quả” (gồm 5 nội dung) song song với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung Ương Khóa XII; “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý” theo tinh thần Nghị quyết số 32-NQ/TW (26/5/2014) cuả Bộ Chính trị (Khóa XI). 5 nội dung cơ bản của chủ đề cũng chính là định hướng thực hiện mục tiêu nhằm nâng cao vai trò, vị thế của người giảng viên lý luận chính trị nói chung, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Yên Bái nói riêng thực sự là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận lý luận chính trị góp phần tích cực trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; góp phần thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thực tiễn những năm trở lại đây, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường, đội ngũ giảng viên, đặc biệt giảng viên trẻ đã có những bước chuyển tiến bộ về trình độ, tác phong, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học của thực tiễn đặt ra. Cụ thể, qua hơn một năm thực hiện thông báo kết luận Hội thảo cấp Trường về“Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng bài giảng, gắn lý luận với thực tiễn, phù hợp với đối tượng giảng dạy, các bộ môn và nội dung chương trình ở Trường Chính trị tỉnh Yên Bái” đã thu được những thành quả bước đầu. Cùng với đó là việc thành lập “Câu lạc bộ giảng viên trẻ Trường Chính trị tỉnh Yên Bái” và sự định hướng của Ban Giám hiệu trong hoạt động của Câu lạc bộ Giảng viên trẻ, từng bước từng cá nhân giảng viên đã trưởng thành. Để phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, điều quan trọng nhất phụ thuộc chính vào bản thân mỗi giảng viên; cá nhân mỗi giảng viên phải có nhận thức đúng đắn để tự thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với tinh thần tự giác, trách nhiệm, phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.

Đất nước Việt Nam của chúng ta đang ngày càng đổi mới và phát triển nhưng không vì thế mà công tác giáo dục lý luận chính trị bị xem là lỗi thời. Thực tiễn đặt ra cho Đảng Cộng Sản Việt Nam yêu cầu phải tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách vừa có tính chiến lược lâu dài. Do đó, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái xác định tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa nhằm nâng cao vị trí, vai trò của đội ngũ giảng viên để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; từ đó nâng cao uy tín, vị thế Nhà trường./.

 

Nguyễn Thu Hiền

Khoa Lý luận Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh