• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
QUYỀN CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH – GÓC NHÌN TỪ QUYỀN CON NGƯỜI
Ngày xuất bản: 30/10/2019 10:57:00 SA
Lượt đọc: 20804

          Việc được sống thực với giới tính của mình không chỉ là nguyện vọng của mỗi người, mà còn được pháp luật bảo vệ như các quyền cơ bản khác của con người.

Ngày 1/1/2017 Bộ luật dân sự năm 2015 chính thức có hiệu lực với nhiều điểm tiến bộ so với Bộ luật dân sự 2005 trong đó có quyền chuyển đổi giới tính được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Cụ thể:

Điều 36. Quyền xác định lại giới tính

“1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Điều 37. Chuyển đổi giới tính

“Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Trước khi Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2017) thì vấn đề xác định lại giới tính đã được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005.

Theo đó thì xác định lại giới tính là thuật ngữ để chỉ thủ tục để điều chỉnh lại giới tính của một người do người đó có khuyết tật cơ thể về giới tính hoặc bộ phận sinh dục chưa được định hình chính xác. Và Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 05/8/2008 của Chính phủ về xác định lại giới tính quy định nghiêm cấm “thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính”. (Khoản 1 Điều 4)

Từ góc độ pháp lý, có thể thấy đây là một quyền nhân thân có điều kiện. Một người chỉ được quyền yêu cầu xác định lại giới tính của mình khi họ có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Khi và chỉ khi đáp ứng được một trong hai điều kiện trên họ mới có quyền yêu cầu y học xác định lại giới tính chính xác.

Như vậy, thuật ngữ  “chuyển đổi giới tính” và “xác định lại giới tính” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đối với những người muốn xác định lại giới tính về cơ bản họ chỉ bị khuyết tật về bộ phận sinh dục, nên nhu cầu thực sự của họ không phải là chuyển đổi giới tính sinh học thực chất của họ mà họ chỉ muốn có cấu tạo bên ngoài và bên trong cơ thể thống nhất.

Còn những người chuyển đổi giới tính là người có cơ thể bình thường, vì bản thân họ luôn coi giới tính thực sự của mình là giới tính trái ngược với giới tính sinh học hiện có nên khao khát trở về giới tính thực của họ cháy bỏng, thường trực, họ muốn trở về giới tính thực của mình, để được thực hiện quyền mưu cầu hạnh phúc một trong những quyền cơ bản của con người.

Trước đây pháp luật nước ta nghiêm cấm việc chuyển đổi giới tính nhằm ngăn chặn những hành vi chuyển đổi giới tính nhằm phục vụ cho các quan niệm tâm sinh lý lệch lạc, băng hoại đạo đức hoặc vì các mục đích khác như trốn tránh trách nhiệm pháp lý như nghĩa vụ quân sự, gian lận trong thể thao…

Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, vấn đề chuyển đổi giới tính không còn là một hiện tượng xa lạ. Một bộ phận cá nhân sinh ra đã định hình rõ giới tính về mặt sinh học nhưng trải qua những thay đổi về tâm sinh lý, họ lại có mong muốn thay đổi giới tính. Tâm lý của những người này cảm nhận rằng giới tính của họ không giống với giới tính mà thể xác của họ đang có và hầu hết những người này đều mong muốn vai trò xã hội của họ phải phù hợp với giới tính mà tâm lý của họ tự xác định.

Có thể nói, việc quyền chuyển đổi giới tính được luật hoá trong Bộ luật Dân sự 2015 đã có một ý nghĩa vô cùng quan trọng:

Thứ nhất: Thể hiện sự thay đổi trong tư duy lập pháp và phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013 về tôn trọng quyền con người

Luật hóa quyền chuyển đổi giới tính là sự điều chỉnh kịp thời của cơ quan lập pháp đối với những quan hệ pháp luật mới phát sinh trong đời sống xã hội. Đó là bước tiến quan trọng trong  thay đổi tư duy và cách nhìn của nhà làm luật về công nhận quyền của người chuyển giới - một nhóm người chiếm số lượng không lớn trong xã hội. Qua đó giúp cho những người chưa định hình được giới tính một cách chính xác có được sự bảo vệ của pháp luật.

Thứ hai: Bộ luật dân sự  năm  2015 cho phép cá nhân có quyền chuyển đổi giới tính khi có nhu cầu mang tính nhân văn. Bởi việc giới tính về tâm lý khác với sinh lý là điều không ai mong muốn. Nếu quyền lợi chính đáng của họ không được Nhà nước và xã hội quan tâm một cách đúng mực, dẫn đến việc nhiều người phải sống trong sự kỳ thị của xã hội và chính gia đình họ; không được sống với bản chất con người thật của mình, đó là một điều thiệt thòi cho họ.

Thứ 3: Việc thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính thể hiện sự tiến bộ và phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện có 61 quốc gia hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính. Việt Nam là quốc gia thứ 62 trên thế giới, thứ 11 tại châu Á cho phép việc thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân.

Song song với việc thừa nhận chuyển đổi giới tính, Bộ luật Dân sự 2015 cũng có những quy định để đảm bảo các quyền nhân thân cho người chuyển đổi giới tính. Người đã chuyển đổi giới tính được thay đổi họ tên và cải chính hộ tịch, cũng như có những quyền nhân thân khác phù hợp với giới tính đã được chuyển như kết hôn, nhận nuôi con nuôi…

         Bộ luật Dân sự 2015 thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính nhưng để thực thi quyền thì phải chờ luật cụ thể. Đây là bước mở ra để đạo luật riêng về vấn đề chuyển giới được xây dựng, ban hành. Khi nào luật có hiệu lực thì việc chuyển giới mới được thực hiện bởi vì việc chuyển đổi giới tính sẽ kéo theo nhiều vấn đề xã hội phức tạp như hôn nhân gia đình, bảo hiểm y tế cũng như các chính sách an sinh xã hội khác nên để phù hợp với các thông lệ quốc tế cũng như truyền thống đạo đức của dân tộc, tránh sự định hướng lệch lạc về giới tính, đặc biệt là đối với bộ phận thanh thiếu niên ở độ tuổi nhận thức về giới tính còn chưa sâu sắc và dễ bị ảnh hưởng lẫn nhau, bởi xu hướng, phong trào; Tránh sự lạm dụng để thực hiện các hành vi vi phạm hoặc trốn tránh pháp luật hoặc việc chuyển đổi giới tính có thể sẽ xảy ra tràn lan, gây khó khăn trong việc quản lý nhà nước về trật tự công cộng cũng như an toàn về sức khỏe, tính mạng của người chuyển đổi giới tính…Đây đều là những vấn đề lớn cần được điều chỉnh bằng một luật riêng.

                                                       Nguyễn Thị Mai

                                                           Khoa Nhà nước pháp luật