• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
QUY ĐỊNH VỀ XÓA ÁN TÍCH TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015
Ngày xuất bản: 15/10/2019 9:18:00 SA
Lượt đọc: 21125

            Xóa án tích là một chế định quan trọng, cơ bản của pháp luật hình sự Việt Nam, thể hiện nguyên tắc nhân đạo, dân chủ xã hội chủ nghĩa và tôn trọng quyền con người. Với chế định này, Nhà nước ta đã ghi nhận sự nỗ lực cải tạo của người phạm tội nhằm xóa bỏ đi quá khứ đã từng bị kết án của họ, từ đó giúp xóa bỏ thành kiến của xã hội đối với người phạm tội, giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội. Kế thừa và hoàn thiện Bộ luật Hình sự (BLHS) năm1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi đã tiếp tục sửa đổi, bổ sung chế định về án tích và đương nhiên xóa án tích cho phù hợp với thực tiễn.

Án tích là việc người đã bị kết án và thi hành hình phạt mà chưa được xóa án. Sau khi thi hành bản án hình sự một thời gian nhất định thì người bị kết án được mặc nhiên xóa án tích hoặc theo quyết định của tòa án. Khoản 1 Điều 69 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi đã quy định về xóa án tích: “Người được xóa án tích coi như chưa bị kết án”. Như vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi đã điều chỉnh định nghĩa về người được xóa án tích coi như chưa bị kết án và bỏ đi quy định về việc phải “được Tòa án cấp giấy chứng nhận” như trong Bộ luật Hình sự trước đây. Với quy định mới này, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi đã giải quyết được những khó khăn đối với người chấp hành xong bản án; rút bớt các thủ tục, đồng thời chuyển trách nhiệm cập nhật thông tin về án tích của người bị kết án sang cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp.

Tại khoản 2 Điều 69 và Điều 107 quy định rõ 05 trường hợp người bị kết án không bị coi là có án tích. Đó là: người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng; người được miễn hình phạt; người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; người dưới 18 tuổi phạm tội bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Như vậy, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi đã thu hẹp phạm vi đối tượng xác định mang án tích so với trước đây. Theo đó, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ khi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và bị áp dụng hình phạt mới phải mang án tích và đối với họ được áp dụng hình thức xóa án tích đương nhiên. Đối với người đã thành niên thì họ phải mang án tích trong trường hợp bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc bị kết án do lỗi cố ý về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

Xóa án tích được xác định theo 3 trường hợp:

-          Trường hợp đương nhiên được xoá án tích:

Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật hình sự  2015 sửa đổi (áp dụng với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình , chống loài người và tội phạm chiến tranh) nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau (được quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi):  

+  01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

+ 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

+ 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;          

+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Như vậy Khoản 2 Điều 70 quy định giữ nguyên thời hạn 01 năm để được xóa án tích đối với trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; rút ngắn thời hạn để được xóa án tích theo hướng còn 02 năm đối với trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 03 năm đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm và 05 năm đối với trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án. Đồng thời, quy định rõ hơn đối với trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn nêu trên thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Ngoài ra, trong thời hạn xóa án tích thì người bị kết án không được thực hiện hành vi phạm tội mới. Tội phạm mới này có thể là bất kỳ loại tội phạm nào cũng như có thể được thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý. Nếu như người bị kết án chưa được xóa án tích lại phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành (khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi).

-          Trường hợp xoá án tích theo quyết định của Toà án

Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI (áp dụng với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ luật Hình sự về xóa án tích.

Căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án. Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây (được quy định  tại khoản 2, điều 71 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi):

+ 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;

+ 03 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

+ 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;

+ 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.

Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định trong các trường hợp trên thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.

Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích.

-          Trường hợp xoá án tích trong trường hợp đặc biệt

Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định.

Chế định xoá án tích có ý nghĩa trong việc thể hiện sự công nhận coi như chưa bị kết án đối với người trước đó đã bị Toà án xét xử, kết tội. Khi một người được xoá án tích phạm tội mới thì Toà án không được căn cứ vào tiền án đã được xoá để xác định là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm. Người đã được xóa án được coi như chưa có bị kết án và không phải tiếp tục gánh chịu bất cứ hậu quả nào do việc kết án mang lại. Như vậy, kể từ thời điểm được xóa án, họ trở thành người hoàn toàn bình thường về mặt tư pháp và không ai có thể căn cứ vào sự kiện họ đã bị kết án trước đây để hạn chế quyền lợi của họ. Sau khi đã được xóa án, họ được coi là “không có án tích” và nếu người đó lại phạm tội mới thì cũng coi như phạm tội lần đầu.  Mặt khác, xóa án tích thể hiện sự nhìn nhận của pháp luật vào chiều hướng thay đổi tích cực của người phạm tội, khích lệ, động viên họ nhìn nhận ra điều sai trái mà mình đã từng mắc phải, đồng thời cho họ một cơ hội làm lại cuộc đời, giúp cho những người đã từng lầm lỡ có cơ hội làm lại cuộc đời, xóa đi cảm giác mặc cảm, bởi quá khứ tội lỗi của mình và tránh được kì thị của người khác, dễ dàng hơn khi hòa nhập với cộng đồng.

Ngoài ra, việc này còn mang tính phòng ngừa tội phạm cao. Bởi lẽ, xóa án tích đã góp phần động viên người bị kết án tích cực cải tạo, học tập, lao động và ngăn ngừa họ phạm tội mới để nhanh chóng trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội./

Bùi Thị Bích Ngọc

Giảng viên khoa Nhà nước – pháp luật