• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
QUẢN LÝ ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 27/10/2020 3:11:00 CH
Lượt đọc: 17496

            Quản lý đội ngũ giảng viên (ĐNGV) là một hoạt động có vai trò quan trọng đối với Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trường Chính trị tỉnh Yên Bái là đơn vị đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức địa phương về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác.

Để đáp ứng được chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng, đòi hỏi phải có một đội ngũ giảng viên đạt chuẩn về bằng cấp, có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, có phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, phải có kiến thức chuyên sâu trên mọi lĩnh vực mà nội dung chương trình yêu cầu.

            Hiện nay, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái có ĐNGV trình độ cao: 37/37 giảng viên có trình độ đại học (chiếm 100%), trong đó có 29 đồng chí có trình độ thạc sĩ (chiếm 78,4%), 27 đồng chí có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị (chiếm 72,9%). Có thể thấy, chính sách tuyển dụng, thu hút giảng viên của nhà trường tập trung vào đối tượng có trình độ thạc sỹ, tỷ lệ cử nhân có xu hướng giảm. Nhà trường xác định ĐNGV trình độ cao, chất lượng cao là yếu tố then chốt và là chiến lược quyết định sự phát triển của một Trường Chính trị. Do vậy, trường luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cho ĐNGV, tạo điều kiện cho giảng viên đi ĐTBD nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Trường cử nhiều lượt giảng viên đi đào tạo sau đại học. Nhà trường cũng tổ chức và cử giảng viên tham gia các hoạt động bồi dưỡng ngắn hạn.

            Do đặc trưng của nghề dạy học ở bậc cao đòi hỏi sự lao động trí tuệ và sự đầu tư công sức lớn, vì vậy, chế độ đãi ngộ và thu nhập cần tương xứng, tạo động lực cho giảng viên gắn bó và cống hiến. Việc đãi ngộ và tôn vinh ĐNGV có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm của nhà trường, đồng thời là cách thức giảng viên khẳng định được vị trí và khả năng. Đó chính là động lực quan trọng động viên khích lệ ĐNGV tiếp tục cống hiến hết mình.

            Đối với công tác đãi ngộ về vật chất, năm 2018, nhà trường thực hiện xét nâng lương cho 16 giảng viên (trong đó có 7 giảng viên vượt khung). Năm 2019, nhà trường xét nâng lương cho 15 giảng viên (trong đó có 8 giảng viên vượt khung). Việc chi trả lương, phụ cấp và phúc lợi được thực hiện kịp thời, bảo đảm quyền lợi và chế độ cho cán bộ. Tuy nhiên, mức lương theo hệ thống thang, bảng lương của Nhà nước chưa bảo đảm được mức sống và chưa đánh giá được mức độ đóng góp của giảng viên đối với công việc. Để bù đắp thu nhập cho giảng viên, nhà trường thực hiện chế độ chi trả thu nhập tăng thêm. Nguồn chi trả lấy từ nguồn thu sự nghiệp, nguồn thu dịch vụ và các nguồn thu khác ngoài ngân sách. Mặc dù vậy, so với các cơ sở đào tạo khác, mức thu nhập tại Trường Chính trị tỉnh Yên Bái chưa cao.

            Cùng với khuyến khích bằng lợi ích vật chất thì đãi ngộ về tinh thần là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng quản lý ĐNGV. Nhà trường tạo điều kiện cho các giảng viên tham gia viết bài nội san, bài website, làm đề tài khoa học, tham gia các hội thảo khoa học, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị bạn. Công tác quy hoạch cán bộ bổ nhiệm, điều động, thuyên chuyển phù hợp với năng lực, sở trường và nguyện vọng của giảng viên.

            Đối với đơn vị sự nghiệp công lập như Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, chính sách tiền lương của ĐNGV sẽ có nhiều thay đổi. Các loại phụ cấp như phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp ưu đãi… sẽ được bãi bỏ. Thay vào đó sẽ áp dụng bảng lương đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ với người không giữ chức vụ lãnh đạo. Đứng trước lộ trình phát triển trong tương lai và cải cách chính sách tiền lương, công tác quản lý ĐNGV cần có những giải pháp thiết thực và hiệu quả.

            Thứ nhất, hoàn thiện công tác tuyển dụng theo hướng hiệu quả, tiết kiệm, gọn nhẹ, kịp thời cập nhật các quy định mới về tuyển dụng viên chức nói chung và giảng viên nói riêng. Nhà trường cần tiếp tục tiến hành rà soát và hoàn thiện quy trình tuyển dụng theo quy định mới. Tăng cường chính sách thu hút người tài về giảng dạy tại trường, nhất là người có trình độ tiến sỹ. Chính sách thu hút cần đảm bảo các tiêu chí như: mức thu nhập cạnh tranh với các cơ sở đào tạo khác; có cơ hội phát triển nghề nghiệp; tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiên cứu khoa học; có môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp. Ngoài ra, cần có chính sách hiệu quả, xây dựng lộ trình cho các giảng viên mới để họ phấn đấu và gắn bó với nhà trường.

            Thứ hai, hoàn thiện công tác bố trí, sử dụng ĐNGV, trong đó đẩy mạnh hoạt động kèm cặp, hướng dẫn nâng cao hoạt động nghề nghiệp cho giảng viên mới vào nghề. Việc hỗ trợ giảng viên mới vào nghề là cần thiết, bởi đây là giai đoạn tối quan trọng để giúp giảng viên mới gắn bó với môi trường làm việc, thúc đẩy họ giảng dạy tốt hơn. Hoạt động này cần tập trung vào các nội dung cơ bản: giúp giảng viên mới nắm vững các quy định và chính sách đối với giảng viên; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; phát triển các kỹ năng tự phát triển bản thân; tăng mức độ gắn bó với môi trường làm việc.

            Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động ĐTBD giảng viên. Nhà trường cần xây dựng kế hoạch ĐTBD theo ngắn hạn, dài hạn căn cứ vào tầm nhìn chiến lược của nhà trường, gắn quy hoạch với ĐTBD. Các mục tiêu đặt ra cần xác đáng và khả thi dựa trên những nguồn lực của nhà trường. Đối tượng ĐTBD phải được xác định đúng, phù hợp. Đứng trước yêu cầu về đổi mới phương pháp giảng dạy, nhà trường cần chủ động và tích cực hơn nữa trong việc xây dựng lộ trình, thiết kế các năm học. Định kỳ, nhà trường và các khoa, phòng có giảng viên tham gia bồi dưỡng cần tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng hoạt động cho các năm sau.

            Thứ tư, hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với ĐNGV, kết hợp tạo lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, thúc đẩy giảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, khẳng định năng lực nghề nghiệp của bản thân.

            Đối với đãi ngộ về vật chất, bám sát chính sách tiền lương mới, xây dựng kế hoạch, giải pháp hỗ trợ giảng viên tạo nguồn kinh phí chính đáng, nâng cao mức thu nhập cá nhân. Ban hành quy định về chế độ đãi ngộ giảng viên mang tính thống nhất, đồng bộ. Sử dụng kết quả đánh giá tình hình thực hiện công việc của giảng viên làm căn cứ chi trả thu nhập tăng thêm, thưởng và các khoản phúc lợi khác. Xây dựng chính sách lương, thưởng, tạo động lực thúc đẩy giảng viên cống hiến và gắn bó với nhà trường trên cơ sở công bằng, làm nhiều hưởng nhiều.

            Đối với ĐNGV trình độ cao, có thâm niên công tác thì việc đãi ngộ tinh thần càng cần được coi trọng. Bởi lẽ, họ luôn muốn được khẳng định bản thân, muốn cống hiến để được ghi nhận, muốn thăng tiến, muốn được mọi người tôn trọng. Các nhu cầu về thu nhập, an toàn khi đã được đáp ứng thì việc đãi ngộ về vật chất không quan trọng bằng việc được tôn trọng và được khẳng định bản thân. Vì vậy, nhà trường cần đa dạng hóa hệ thống phúc lợi nhằm đáp ứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho ĐNGV.

            Ghi nhận và khen thưởng kịp thời, xây dựng lộ trình thăng tiến, phát triển các hoạt động nghề nghiệp; nâng cao chất lượng môi trường làm việc, tạo lập bầu không khí văn minh, dân chủ; phát triển cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy, nghiên cứu, tạo cơ hội cho giảng viên được tiếp cận với điều kiện làm việc hiện đại. Bên cạnh đó, nâng cao văn hóa đơn vị thông qua công tác xây dựng chiến lược phát triển, tầm nhìn, xây dựng truyền thống và thương hiệu của nhà trường, xây dựng văn hóa ứng xử của nhà trường. Tạo điều kiện để giảng viên tham gia góp ý xây dựng nhà trường, nhất là các quyết định liên quan đến quyền lợi tập thể của giảng viên.

            Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thì ĐNGV đủ năng lực, trình độ và nhiệt huyết đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ, nhất quán, phối hợp chặt chẽ với nhau để mang lại hiệu quả cao nhất trong công tác quản lý ĐNGV.

Hán Mạnh Hùng

Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng