• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN CHỦ VÀ SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Ngày xuất bản: 15/06/2021 9:40:00 SA
Lượt đọc: 17863

          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Đảng, đất nước ta di sản tư tưởng quý báu với nhiều nội dung cốt lõi và sinh động, trong đó có vấn đề dân chủ. Kế thừa và phát triển các quan điểm tiến bộ về dân chủ trong lịch sử tư tưởng nhân loại, Hồ Chí Minh đã giải thích khái niệm dân chủ một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Theo Người, dân chủ có nghĩa dân là chủ và dân làm chủ. Dân là chủ và dân làm chủ trong quan niệm của Người luôn gắn với vấn đề Nhà nước. Người viết: “chế độ của ta là chế độ dân chủ. Nhân dân là chủ”; “nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” ; “bây giờ chúng ta là dân chủ. Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ”. Trong tác phẩm Dân vận, Người giải thích thêm:

“Nước ta là nước dân chủ

Bao nhiêu lợi ích đều vì dân

Bao nhiêu quyền hạn đều của dân

Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân

Chính quyền từ xã đến Chính phủ do dân cử ra

Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên

Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[1]

Với quan điểm dân là chủ và dân làm chủ, Người đã khẳng định đồng thời vị thế và năng lực của dân với tư cách chủ thể, là người chủ xã hội, chủ nhà nước. Quan điểm này cũng thể hiện bản chất của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa là vì con người, phục vụ con người. Người tiếp cận vị thế và năng lực làm chủ của Nhân dân trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội.

Trong lĩnh vực chính trị: Hồ Chí Minh khẳng định: “nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”; “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”[2]. Dân là chủ thì bộ máy Nhà nước do Nhân dân tổ chức, xây dựng nên. Bộ máy Nhà nước đó phải là người phục vụ dân, chịu sự kiểm tra, giám sát, đánh giá, bãi miễn của Nhân dân theo pháp luật. Đảm bảo dân chủ trong lĩnh vực chính trị còn phải chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu trong bộ máy Nhà nước, thực hành dân chủ trong Đảng, các đoàn thể và toàn xã hội.

Trên lĩnh vực kinh tế: Hồ Chí Minh cho rằng, Nhân dân phải được làm chủ tư liệu sản xuất, quản lý kinh tế và phân phối sản phẩm lao động. Người viết: “từ làm chủ tư liệu sản xuất, họ phải được làm chủ việc quản lý kinh tế, làm chủ việc phân phối sản phẩm lao động”[3]. Thực hiện dân chủ trong kinh tế, phải bảo đảm sự tồn tại và phát triển của nhiều thành phần kinh tế. Nhà nước thực hiện nguyên tắc phân phối công bằng, hợp lý “làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng, những người già yếu, tàn tật sẽ được nhà nước giúp đỡ chăm nom”[4] .

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội: Hồ Chí Minh cho rằng, văn hóa phải biết phục vụ Nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng. Người chủ trương xây dựng nền văn hóa khoa học, dân tộc, đại chúng làm cơ sở tinh thần cho nền dân chủ. Quan điểm đó làm cho sự phát triển dân chủ một cách bền vững. Theo Hồ Chí Minh, muốn phát huy dân chủ trong văn hóa phải thực hiện giải phóng tư tưởng, bảo đảm tự do tư tưởng, khuyến khích thói quen biện luận, tranh luận. Người coi trọng tự do tư tưởng để tạo động lực cho sáng tạo.

Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh vai trò của dân chủ: “có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của Nhân dân đưa cách mạng tiến lên”, thực hiện dân chủ là phương thức để giành chính quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhận thức rõ vai trò của dân chủ, Người đặc biệt coi trọng việc thực hành dân chủ trong xây dựng chế độ dân chủ mới, xây dựng nhà nước, phát triển kinh tế, xây dựng Đảng, cũng như các tổ chức quần chúng xã hội, xây dựng khối đoàn kết toàn dân... Theo Người, “thực hành dân chủ là chìa khoá vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”[5].

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện sự vận dụng sáng tạo quan điểm của Hồ Chí Minh về dân chủ.

Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra quan điểm lấy dân làm gốc, thực hiện dân chủ với phương châm dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Tại Đại hội này, vấn đề Nhân dân làm chủ trong thực tiễn bắt đầu được coi trọng.

Đại hội VIII, Đảng ta đã tiến thêm một bước, hiện thực hóa quyền làm chủ thật sự của Nhân dân thông qua việc xây dựng cơ chế để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” với thực hiện tốt các cơ chế làm chủ của Nhân dân: “xây dựng cơ chế cụ thể để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở đã mở ra giai đoạn mới về thực hiện các quyền công dân trong đời sống xã hội.

Đại hội IX, vấn đề dân chủ được đề cập với tư cách là mục tiêu phát triển “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước.

Đến Đại hội X (2006), quan điểm về dân chủ của Đảng tiếp tục được rộng mở, cụ thể là thực hiện “dân chủ hóa” tất cả các mặt của đời sống xã hội, trước hết là dân chủ về kinh tế. Chủ trương của Đại hội là, đảng viên được làm kinh tế tư nhân, góp phần làm cho nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, mạnh hơn. Đồng thời, bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam được Đại hội X xác định rất rõ: “Nhà nước là đại diện quyền làm chủ của Nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều phản ánh lợi ích của đại đa số Nhân dân”[6].

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã có sự nhận thức đúng hơn về tầm quan trọng và vai trò của dân chủ khi đưa mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trở thành một trong những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà Nhân dân ta xây dựng, đồng thời đặt dân chủ trước công bằngvăn minh. Bên cạnh đó, Cương lĩnh cũng tiếp tục khẳng định: “dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực”[7].

Tới Đại hội XIII, Đảng bổ sung thêm nội dung, phương châm thực hiện dân chủ, như thêm” dân giám sát, dân thụ hưởng” trong phương châm mới lần này là: “ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[8]. Tiếp tục cụ thể hoá, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ, theo tinh thần Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Làm tốt, có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng sâu sắc đối với cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Quán triệt những nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng đã kế thừa, vận dụng và không ngừng phát triển sáng tạo tư tưởng của Người nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đưa đất nước tiến lên CNXH. Đây là mục tiêu xuyên suốt, mục tiêu cao cả và là điểm tựa về đường lối, chủ trương, chính sách để đoàn kết toàn dân thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thực hiện mục tiêu xuyên suốt đó cũng chính là vận dụng và phát triển những kiến giải sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ.

Th.s Tạ Thị Hảo - Khoa Xây dựng Đảng

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2005, tập 5, tr.698

[2]  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, tập 6, tr.515

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, tập 12, tr.568

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, tập 12, tr. 75

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2000, tr. 254

 

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr.44

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.100