• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ CNXH VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG TA HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 23/02/2021 2:38:00 CH
Lượt đọc: 13955

Quan điểm Hồ Chí Minh về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam bắt nguồn từ lý tưởng về một xã hội công bằng, bình đẳng, nhân dân được sống trong tự do và hạnh phúc. Người cho rằng các vấn đề dân tộc cơ bản chỉ có thể được giải quyết triệt để trong CNXH, ngược lại, CNXH chỉ có thể trở thành hiện thực trên cơ sở những quyền cơ bản của dân tộc được giải quyết một cách triệt để. Đó là hai mặt của một sự nghiệp cách mạng chân chính nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người.

Đây cũng chính là thực chất của CNXH theo cách hiểu của Hồ Chí Minh, cho nên khi định nghĩa CNXH là gì, Người đã giải thích một cách dễ hiểu: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, CNXH trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát khỏi bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”[1]. Tóm lại, “chủ nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh”[2]. Đó là những luận điểm tuy giản dị nhưng sâu sắc, phản ánh những đặc trưng bản chất nhất của CNXH mà nhân dân ta đang phấn đấu để đạt tới. Có thể khái quát những nét cơ bản quan điểm của Hồ Chí Minh về CNXH trên các khía cạnh:

Về kinh tế: Nền kinh tế chúng ta xây dựng là nền kinh tế XHCN, nhưng trong thời kỳ quá độ. Quá độ nghĩa là chưa hoàn chỉnh, nhưng về nội dung, nền kinh tế đó vẫn phải đảm bảo các mặt về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, cơ chế quản lý, cơ cấu kinh tế, chế độ phân phối,… Mục tiêu của nền kinh tế đó là nhằm cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

Về chính trị: Hồ Chí Minh cho rằng, cái lớn nhất, điều không gì có thể so sánh từ thắng lợi của cuộc cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng là mang lại quyền dân chủ cho người dân; cuộc cách mạng đó đã biến người nô lệ thành người tự do. Tiêu ngữ của nước Việt Nam mới: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” phản ánh thành quả lớn nhất, bản chất của chế độ chính trị mới chưa hề có trong lịch sử Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân, Chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương do dân cử ra”[3]. Chế độ chính trị do dân làm chủ là làm chủ bằng nhà nước thông qua nhà nước và thể hiện ở nhà nước. Vì vậy, phải xây dựng nhà nước theo đúng tiêu chí là nhà nước dân chủ. Trong mục tiêu chính trị của xã hội XHCN, cùng với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của nhà nước, một nội dung quan trọng là phải giữ vững, phát huy vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Cùng với xây dựng Đảng, nhà nước là củng cố, tăng cường sức mạnh của Mặt trận dân tộc thống nhất, vì đây là hình thức tổ chức của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra động lực chủ yếu của sự nghiệp cách mạng.

Về văn hóa - xã hội: Mục tiêu xây dựng văn hóa XHCN theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải giữ gìn được cốt cách dân tộc và tiếp thu tinh hoa của nhân loại. Trong cốt cách dân tộc thì hàng đầu là chủ nghĩa yêu nước mà hạt nhân là tinh thần độc lập, tự cường, tự chủ, tiếp đến là luân lý, tức là những khía cạnh về đạo đức như biết hy sinh vì lợi ích của quần chúng, rồi đến khía cạnh về xã hội như vấn đề phúc lợi xã hội, vấn đề dân quyền.

Về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, làm cho “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[4]. Người đặc biệt quan tâm tới các chính sách xã hội như chăm lo cho thương binh và các gia đình liệt sĩ; quan tâm việc học hành, chữa bệnh của nhân dân, đặc biệt là người già, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật. Người chú trọng văn hóa tâm linh, quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số, người theo đạo. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng của Người là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người. Để có được chủ nghĩa xã hội thực sự vì con người, trước hết phải có con người XHCN. Người nhiều lần nhấn mạnh: “Muốn có chủ nghĩa xã hội phải có người xã hội chủ nghĩa. Muốn có người xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa”[5]. Việc xây dựng con người mới - con người XHCN đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, từng cá nhân không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng bản thân về mọi mặt, có như vậy mới thực sự góp phần của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Ngay từ khi ra đời (3/2/1930), Đảng ta đã xác định rõ ràng và dứt khoát con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, là con đường XHCN. Vận dụng sáng tạo những tư tưởng của Hồ Chí Minh, qua hơn 30 năm đổi mới, nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn. Nhưng, trong quá trình xây dựng CNXH, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, nước ta đang phải đối đầu với hàng loạt thách thức, khó khăn cả trên bình diện quốc tế, cũng như từ các điều kiện thực tế trong nước tạo nên. Trong bối cảnh đó, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và con đường quá độ lên CNXH, chúng ta cần tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng:

Một là, kiên định mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, đó là khoảng thời gian đủ để mỗi người Việt Nam kiểm nghiệm và rút ra kết luận về sự đúng đắn, sáng tạo của mục tiêu, con đường độc lập dân tộc và CNXH mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta đã lựa chọn. Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua cho thấy, độc lập dân tộc và CNXH đã được Đảng ta xác định là mục tiêu, đích phải đến của cách mạng Việt Nam ngay từ Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng (năm 1930). Từ đó cho đến nay, độc lập dân tộc và CNXH luôn luôn là ngọn cờ dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Hai là, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tất cả các nguồn lực, trước hết là nội lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng CNXH là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, phải đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân, nghĩa là phải biết phát huy mọi nguồn lực vốn có trong dân để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, ngày nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải dựa vào nguồn lực trong nước là chính, có phát huy mạnh mẽ nội lực mới có thể tranh thủ sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên ngoài. Trong nội lực, nguồn lực con người là vốn quý nhất.

Ba là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Xây dựng CNXH phải biết tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi, tận dụng tối đa sức mạnh của thời đại. Ngày nay, sức mạnh của thời đại tập trung ở cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, xu thế toàn cầu hóa. Chúng ta phải tranh thủ tối đa các cơ hội do xu thế đó tạo ra để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phải có cơ chế, chính sách đúng để thu hút vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý và công nghệ hiện đại, thực hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bốn là, chăm lo xây dựng Đảng vững mạnh, làm trong sạch bộ máy nhà nước, đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thực hiện cần kiệm xây dựng CNXH.

Có thể thấy, công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nâng cao năng lực dự báo, xử lý có hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển. Đặc biệt tại Đại hội XIII của Đảng, tổng kết 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Bổ sung, phát triển năm 2011), nhiều vấn đề được tổng kết để nhận thức rõ hơn và giải quyết những yêu cầu bức thiết do thực tiễn đặt ra nhất là khi kết thúc thời kỳ quá độ, xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của CNXH với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp. Đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN. Đó là mục tiêu, định hướng phát triển với tầm nhìn chiến lược kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2045).

                                                                       Th.s Tạ Thị Hảo - Khoa Xây dựng Đảng

 



[1]  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, tập 10. Tr.17.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.226.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.232

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 187.