• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Phát triển nông nghiệp xanh ở Yên Bái trong giai đoạn hiện nay
Ngày xuất bản: 06/11/2024 11:39:00 SA
Lượt đọc: 1720

 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế toàn cầu, đầu tư cho phát triển xanh là xu hướng tất yếu. Những năm qua, tại Việt Nam nói chung cũng như tỉnh Yên Bái nói riêng đã có những bước chuyển mới hướng tới một nền kinh tế xanh, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh để bảo đảm bền vững các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường.

 

Sống xanh, tiêu dùng xanh đang dần trở thành xu thế của thời đại. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nông nghiệp xanh là mô hình phát triển tối đa nguồn nông nghiệp sạch, từ đó cho ra một mô hình nông nghiệp phát triển một cách bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường xanh, sạch. Mô hình này đem lại cho người nông dân những năng suất, hiệu quả vượt trội và đồng thời cũng giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân một cách tốt hơn[1].

Việt Nam, từ năm 1986 đến nay, ngành nông nghiệp đã có sự phát triển mạnh mẽ giúp Việt Nam cải thiện đáng kể an ninh lương thực, góp phần giảm nghèo, ổn định kinh tế - xã hội và trở thành một trong 5 nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới.

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng nông nghiệp của Việt Nam hiện nay còn bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng và tính bền vững. Mô hình tăng trưởng của nông nghiệp dựa vào sản lượng và năng suất đã gần chạm ngưỡng, trong khi dễ dẫn tới tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Để đảm bảo được mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh.

Tháng 12/2021, tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong đó có 2 nội dung liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp là tiền đề thực hiện nền nông nghiệp phát triển bền vững: (1) Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” đến năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí mêtan toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; (2) Việt Nam cùng 141 quốc gia tham gia “Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất”.

Để thực hiện những cam kết đó, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về tăng trưởng xanh. Tại Yên Bái, Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng đã đề ra định hướng phát triển đến năm 2030 đó là: Phát triển nhanh, toàn diện, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Với 85% diện tích đất nông nghiệp, 80% dân số và gần 60% lao động sống tại khu vực nông thôn[2]. Yên Bái luôn quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực và xác định vai trò, vị trí quan trọng của phát triển nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tỉnh đã ban hành đồng bộ cơ chế, chính sách, đề án phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm chủ lực, lựa chọn các sản phẩm đa dạng, phù hợp với các vùng miền; hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã góp phần tích cực trong thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh để nông nghiệp tỉnh Yên Bái phát triển bền vững theo hướng phát triển xanh.

Cụ thể, với vùng cao, tỉnh xác định bảo đảm vững chắc sinh kế cho người dân; chuyển mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa đối với những sản phẩm chủ lực, ưu tiên những sản phẩm đặc sản, hữu cơ gắn với phát triển nhanh các sản phẩm OCOP như: lúa nếp Tú Lệ, sơn tra ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu, chè Shan hữu cơ tại các xã: Suối Giàng, Nậm Mười, Sùng Đô, huyện Văn Chấn và xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu; gà đen, lợn bản địa ở huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên; vịt bầu Lâm Thượng, huyện Lục Yên; quế hữu cơ của huyện Văn Yên, Trấn Yên…

Với vùng thấp, hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh nông sản theo chuỗi giá trị với một số sản phẩm chủ lực, có cấp mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng VietGAP, GlobalGAP, gắn với các khu, cụm công nghiệp chế biến và hệ thống vận chuyển, kho bãi.

Giai đoạn vừa qua, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh bình quân đạt 4,8%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước. Sau 5 năm triển khai Chương trình OCOP, đến hết tháng 4/2024, toàn tỉnh đã có 237 sản phẩm OCOP; trong đó, có 25 sản phẩm 4 sao, 212 sản phẩm 3 sao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thực hiện giới thiệu, chào hàng đối với trên 30 sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP sang thị trường các nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức,...). Sản phẩm của tỉnh đã nhận được phản hồi tốt về phía khách hàng châu Âu, bước đầu lựa chọn được 10 sản phẩm nông sản chủ lực tiêu biểu đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Anh quốc[3].

Khởi đầu của nông nghiệp xanh tại Yên Bái trong trồng trọt được thực hiện thông qua các mô hình sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn như VietGAP, hữu cơ, GACP-WHO, Rainforest… Nhờ đó đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung tại các địa phương.

Như tại huyện Yên Bình là một trong những địa phương có thế mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh. Toàn huyện có trên 20.000ha mặt nước hồ Thác Bà, tận dụng diện tích mặt nước hồ lớn, lưu lượng dòng chảy lưu thông liên tục, hợp tác xã thủy sản Hoàng Kim (xã Hán Đà, huyện Yên Bình) đã đầu tư khoảng 300 lồng cá với các giống cá lăng, diêu hồng... Bằng hình thức nuôi cá lồng trên hồ tự nhiên, hợp tác xã đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong chăn nuôi, tận dụng được nguồn thức ăn, nguồn nước sạch nên cá ít bị nhiễm bệnh. Để bảo vệ an toàn sức khỏe người tiêu dùng, hợp tác xã đã áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn, sử dụng các phương pháp phòng bệnh sinh học nên chất lượng cá được đảm bảo, đầu ra ổn định.

Hay như phương pháp canh tác lúa cải tiến (SRI) trên diện tích 260 ha, tại 19 xã trên địa bàn huyện Trấn Yên. Đây là phương pháp canh tác lúa tiên tiến, thực hiện tổng hợp các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý dinh dưỡng và quản lý nguồn nước. Kết quả cho năng suất lúa tăng ít nhất 20 kg/sào, tăng 10% so với canh tác truyền thống.

Huyện Văn Yên là nơi có diện tích trồng quế lớn nhất cả nước, đạt hơn 80 nghìn ha. Để tạo sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu các thị trường cao cấp, từng bước nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế, thương hiệu, vị thế cây quế trên thị trường trong nước và quốc tế, những năm qua, việc trồng quế an toàn, hữu cơ trên địa bàn Văn Yên đã trở thành xu hướng bắt buộc. Nhờ đó mà chất lượng tinh dầu quế luôn dẫn đầu cả nước, giá bán thường cao hơn từ 20-30% so với quế trồng ở các nơi khác.

Có thể nói, trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng nông sản, việc chuyển đổi phương thức, tư duy canh tác theo hướng nông nghiệp xanh của Yên Bái là giải pháp hữu hiệu giúp các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch và bảo vệ sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc triển khai phát triển nông nghiệp ở tỉnh Yên Bái theo định hướng phát triển xanh trong thời gian qua vẫn còn tồn tại một số “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ, đó là:

- Nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn hẹp; chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp chủ yếu tập trung hỗ trợ hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất, chưa chú trọng hỗ trợ các khâu liên kết sau sản xuất; một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

- Kết quả thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị còn hạn chế, giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp còn thấp

- Quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang là “rào cản” cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn.

- Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản xuất hàng hóa chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ. Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng và chưa có kinh nghiệp phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác.

- Trình độ, năng lực tiếp cận khoa học và công nghệ của người nông dân nhất là những vùng cao, vùng xa, vùng dân tộc ít người còn nhiều hạn chế, dẫn tới quá trình phát triển nông nghiệp xanh còn chậm.

- Người nông dân hiện vẫn còn những thói quen, tư duy cũ trong sản xuất vẫn chưa được xoá bỏ, như: sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, lạm dụng thuốc trong chăn nuôi - thú y - thuỷ sản, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… đang ngày càng trở thành vần đề nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người, môi trường sinh thái và uy tín sản phẩm.

Từ đó, vấn đề đặt ra đối với phát triển nông nghiệp ở tỉnh Yên Bái theo định hướng phát triển xanh trong thời gian tới đó là:

- Thứ nhất: Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường… Cùng với đó là tận dụng tối đa ưu thế tự nhiên của các vùng miền cho phát triển nông nghiệp, bảo đảm sự tương tác với môi trường sinh thái. Phát triển nhanh về quy mô sản lượng, chất lượng các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, hữu cơ gắn với quảng bá, giới thiệu hình ảnh để phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Thứ hai: Trong các nguồn lực để phát triển kinh tế xanh, thì vốn là nguồn lực quan trọng. Việc hình thành và phát triển các mô hình sản xuất theo hướng "xanh" đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn hơn so với mô hình sản xuất thông thường, do đó cần có sự hỗ trợ nguồn vốn cho việc phát triển. Vì vậy cần có chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp với các hộ gia đình để họ đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, phương thức, thủ tục cho vay, thu nợ cần phù hợp với đặc điểm của từng loại mô hình sản xuất. Các thủ tục phải đơn giản, thuận tiện, cơ chế cho vay và thu nợ theo thời vụ của cây trồng, vật nuôi giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Thứ ba: Mặc dù lĩnh vực nông nghiệp xanh ở tỉnh Yên Bái có rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng hiện nay các doanh nghiệp tham gia đầu tư vẫn còn ít. Chính vì vậy, để thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp cho nông nghiệp xanh, tỉnh Yên Bái cần tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, thủ tục hành chính… Đối với lĩnh vực có nhiều rủi ro như nông nghiệp, việc ban hành các chính sách thu hút là chưa đủ mà cần phải tạo dựng lòng tin cho doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước phải xác định quan tâm hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư và hoạt động, để khó ở đâu cùng gỡ ở đó; việc thi hành các chính sách phải thông suốt, nhất quán…

Thứ tư: Về khoa học, công nghệ, cần tập trung nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho dân thông qua mạng lưới khuyến nông, giúp người dân chủ động trong sản xuất dựa trên những kiến thức của bản thân; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất.

Thứ năm: Để giải quyết vấn đề thị trường cho nông dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, các cấp chính quyền địa phương cần xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản; định hướng tổ chức sản xuất tại địa phương, hoàn thiện hạ tầng vùng sản xuất; hỗ trợ xây dựng quảng bá thương hiệu nông sản và tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức của người dân khi tham gia vào các chuỗi liên kết; đóng vai trò trung gian điều phối tổ chức sản xuất, đại diện bảo vệ quyền lợi cho nông dân khi giao dịch với doanh nghiệp; đồng thời chuyển đổi số để khớp nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đây chính là yếu tố hàng đầu để định vị một nền nông nghiệp xanh.

Thứ sáu: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của các loại hóa chất bảo vệ thực vật đối với môi trường cũng như sức khỏe con người, từ đó có ý thức sử dụng một cách hợp lý, không nên quá lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích, mở rộng việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chương trình canh tác lúa cải tiến, đẩy mạnh chương trình khuyến nông, sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP… Qua đó, giúp nông dân phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Có thể nói, trong bối cảnh thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng nông sản, việc chuyển đổi phương thức, tư duy canh tác theo hướng nông nghiệp xanh của Yên Bái là giải pháp hữu hiệu giúp các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới, đồng thời góp phần để đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc", trở thành tỉnh khá vào năm 2025, nằm trong nhóm 5 tỉnh phát triển hàng đầu của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đề ra./.

 

Ths.Nguyễn Thị Ngọc

Khoa Nhà nước và pháp luật