• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
PHƯƠNG PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THẢO LUẬN CÁC MÔN HỌC TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ YÊN BÁI HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 02/11/2021 9:29:00 SA
Lượt đọc: 10612

 

Có thể khẳng định rằng, thảo luận là một trong những khâu quan trọng trong quá trình học tập. Ngoài hoạt động kiểm tra, thi,…để đánh giá khả năng tiếp thu kiến thức của người học thì thảo luận lại rất cần cho việc trao đổi, giải đáp những vấn đề mà giảng viên chưa có đủ thời gian làm rõ trong quá lên lớp. Buổi thảo luận chính là cơ hội tốt để giảng viên và học viên trao đổi, thảo luận, học tập, bổ sung cho nhau giữa lý luận và thực tiễn.

Trong những năm qua, các giảng viên ở Trường Chính trị tỉnh Yên Bái luôn chú trọng duy trì đạt chất lượng tốt hình thức thảo luận, xác định đây là một trong những phương pháp dạy học tích cực rất phù hợp với các đối tượng đang theo học các lớp trung cấp lý luận chính trị ở Nhà trường hiện nay. Bởi vì, lợi thế lớn nhất ở đây đó là đối tượng học viên về học tập tại Trường đều là những cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở hoặc tương đương, những người đã kinh qua động thực tiễn trên nhiều lĩnh vực ở nhiều cơ quan đơn vị khác nhau; trải nghiệm phong phú, kinh nghiệm dày dặn,… đó là điều kiện thuận lợi để thực hiện buổi thảo luận cả nội dung và phương pháp, đem lại chất lượng hiệu quả cho học viên.

Tuy nhiên, trong thực tế quá trình tổ chức các buổi thảo luận đối với chương trình trung cấp lý luận chính trị ở trường Chính trị tỉnh Yên Bái còn một số vấn đề đáng quan tâm đó là: do số lượng học viên quá đông, gây khó khăn trong việc chia nhóm và lấy ý kiến trả lời; một số học viên chưa thực sự tự giác chuẩn bị đề cương, chưa mạnh dạn phát biểu ý kiến, còn thụ động, thiếu sáng tạo; thậm chí chủ yếu tập trung ở một số ít học viên tích cực, có mục tiêu rõ ràng…còn lại phần lớn mang tính đối phó, chưa đi vào nền nếp chiều sâu... để khắc phục hạn chế này, theo tôi cần tập trung một số vấn đề cụ thể:

Một là, chú trọng đến khâu chuẩn bị thảo luận

 Chuẩn bị là khâu đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng đến tất cả các khâu trong quá trình thực hiện thảo luận. Vì vậy, cả người dạy và người học đều phải đặc biệt quan tâm đến khâu này.

Đối với giảng viên, muốn có một buổi thảo luận thành công, giảng viên cần chuẩn bị tốt các câu hỏi và đề cương thảo luận một cách chi tiết, cụ thể và khoa học.Trước khi chuẩn bị tiến hành xêmina, cần nêu câu hỏi gợi ý vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra, có thể đặt ra bài tập tình huống để tiến hành và triển khai phương pháp thảo luận trước, phân công người phát biểu. Để khắc phục tình trạng học viên có thái độ thờ ơ, ỷ lại, trông chờ vào một số thành viên tích cực, giảng viên cần kiểm tra phần chuẩn bị của học viên, đồng thời, nhận xét, đánh giá và phê bình nhắc nhở những trường hợp không chuẩn bị, hoặc có chuẩn bị nhưng làm theo kiểu hình thức, chống đối.

Đối với học viên, để buổi thảo luận có chất lượng, người học bắt buộc phải nắm vững chủ đề giảng viên đưa ra, tìm đọc, nghiên cứu giáo trình, tài liệu liên quan, trong đó chú ý sưu tầm một số Nghị quyết của Đảng, Nhà nước hiện hành, các báo cáo của đơn vị… gắn với nội dung bài học, từ đó xây dựng đề cương xêmina chi tiết và cụ thể.Tránh mất thời gian trong quá trình thảo luận, học viên khi làm đề cương cần rõ ràng, ngắn gọn, xúc tích, đầy đủ nội dung nhưng không quá khái quát, cũng không nên dài dòng; trong đề cương, nên gắn nội dung với những ví dụ cụ thể, liên hệ kiến thức thực tiễn và có thể đặt câu hỏi để trao đổi, thảo luận đối với những nội dung còn vướng mắc, chưa hiểu rõ.

Thứ hai tiến hành thảo luận

Đối với giảng viên, trước khi tiến hành thảo luận, giảng viên kiểm tra chất lượng đề cương của từng học viên, kiểm tra sỹ số học viên; quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, phương pháp tiến hành thảo luận,… trong quá trình thảo luận, các ý kiến phát biểu cần nêu rõ nội dung theo phần, mục, gắn liên hệ thực tiễn, tránh tình trạng trùng lắp gây mất thời gian. Nếu buổi thảo luận thiếu sinh động, giảng viên cần gợi mở, đặt vấn đề, có thể tách từng nội dung nhỏ gợi ý trao đổi, có thể nêu tình huống để yêu cầu học viên giải quyết tình huống, liên hệ thực tiễn tại cơ sở nơi học viên công tác.

            Trong quá trình tiến hành, giảng viên phải luôn giữ thái độ cởi mở động viên, khuyến khích học viên tích cực phát biểu nhằm tạo bầu không khí sôi nổi, môi trường dân chủ để thảo luận. Đối với những trường hợp học viên phát biểu lan man, sai chủ đề hoặc phát biểu mang tính chất tiêu cực, thiếu tính xây dựng thì giảng viên cần tế nhị ngắt lời và xử lý bằng cách giới thiệu các tài liệu liên quan đến vấn đề đang thảo luận hoặc hẹn riêng học viên đó để trao đổi, làm rõ thêm vấn đề, tránh mất thời gian của các thành viên khác trong lớp học. Ngoài ra, khi điều hành buổi thảo luận, giảng viên cũng nên tránh áp đặt ý kiến cá nhân, phô trương kiến thức, tránh những nhận xét và phản ứng gay gắt gây tâm lý căng thẳng cho học viên. Đối với những nội dung chưa nắm chắc, giảng viên hẹn trả lời sau và phản ánh lại khoa chủ quản. Cuối buổi thảo luận, giảng viên đánh giá chất lượng, kèm theo sự khích lệ, biểu dương những học viên hăng hái phát biểu ý kiến xây dựng bài, tích cực soạn đề cương tốt.

Đối với học viên, Trên cơ sở chuẩn bị đề cương tốt, học viên phát biểu, liên hệ thực tiễn công tác tại địa phương cơ sở, soi chiếu vào vấn đề giữa lý luận và thực tiễn, nêu những vướng mắc, kinh nghiệm trong quá trình công tác, theo dõi ý kiến, trao đổi với nhau và trao đổi với giảng viên về những vấn đề liên quan đến bài giảng, ghi chép để nắm bắt nội dung sâu sắc hơn, đây là nguồn tài liệu tốt phục vụ thi hết phần học, thi tốt nghiệp.

Nhìn chung, thảo luận là một hình thức dạy học mang tính tích cực và có rất nhiều ưu điểm. Trong hoạt động giảng dạy lý luận chính trị, thảo luận đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thảo luận là một trong những phương pháp giảng dạy tích cực góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong Nhà trường. Để phát huy tính tích cực của phương pháp này cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng của giảng viên và tính tích cực của học viên, chỉ có như vậy mới nâng cao được chất lượng dạy và học trong chương trình trung cấp lý luận chính trị tại trường Chính trị Yên Bái hiện nay.

Từ Thị Thoa – Khoa Lý luận cơ sở