• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC VIÊN THÔNG QUA VIỆC TỔ CHỨC THI, KIỂM TRA, LÀM TIỂU LUẬN CUỐI KHÓA
Ngày xuất bản: 20/11/2020 3:11:00 CH
Lượt đọc: 17882

 

          Nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy học tập tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái là việc làm cừa cấp thiết, vừa lâu dài, liên quan đến nhiều hoạt động. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cần được xem xét toàn diện từ nhiều khía cạnh: Cơ sở vật chất cho việc dạy và học; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng; chế độ, chính sách cho người dạy, người học; giáo trình, chương trình giảng dạy; phương pháp giảng dạy, quản lý, phục vụ dạy và học; đánh giá kết quả dạy và học…Từ ý nghĩa đó, xin được trao đổi về phương pháp đánh giá kết quả học tập của học viên thông qua việc tổ chức thi, kiểm tra, làm tiểu luận cuối khoa của người học.

Việc thi, kiểm tra hết môn, hết phần học, thi tốt nghiệp... đối với các lớp đào tạo theo chương trình Trung cấp lý luận chính trị - Hành chính, bồi dưỡng công chức, viên chức đã được hệ thống học viện, bộ, ngành qui định và hướng dẫn cụ thể. Trên cơ sở qui chế, qui định hướng dẫn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ nội vụ, trường Chính trị tỉnh Yên Bái chọn một trong hình thức: thi, kiểm tra viết vì các văn bản hướng dẫn không quy định bắt buộc tổ chức thi, kiểm tra bằng hình thức nào.

            Thi, kiểm tra viết thường là những vấn đề: yêu cầu học viên trình bày, phân tích một phần nội dung trong phần học, môn học, bài học cụ thể nào đó, thang điểm cho phần này từ 5 đến 7 điểm, số điểm còn lại là liên hệ, vận dụng với thực tiễn công tác. Thực tế cho thấy, học viên chỉ trình bày, phân tích một nội dung trong bài học cụ thể mà rất ít đặt ra vấn đề mang tính tổng hợp cho một phần hay một chương học nào. Phương pháp thi, kiểm tra này giúp học viên rèn luyện kỹ năng viết, phương pháp trình bày một vấn đề nghị luận chính trị. Cách thi, kiểm tra này phàn nào đó cũng phát huy được năng lực tư duy sáng tạo của học viên, đặc biệt trong phần liên hệ với thực tiễn. Cách thi, kiểm tra này giúp học viên liên hệ, kết hợp giữa lý luận với thực tiễn, phát huy năng lực, tư duy tổng hợp, liên hệ, vận dụng, phân tích làm rõ vấn đề.

Hình thức thi, kiểm tra nêu trên có những ưu điểm như vừa nêu, nhưng từ lâu đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm mà việc khắc phục vẫn chưa có hiệu quả. Đó là, việc sao chép lại những nội dung trong giáo trình hoặc những nội dung mà thầy, cô cho ghi trên lớp. Nội dung ôn tập lại thường cho theo bài hoặc phần, nội dung có trong giáo trình và hệ quả là tình trạng học viên xử dụng tài liệu trong khi thi, kiểm tra. Trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã bàn nhiều biện pháp; yêu cầu giảng viên coi thi, kiểm tra phải thực hiện đúng quy chế thi, kiểm tra đã được ban hành và Hội đồng thi, Ban thanh tra Nhà trường tổ chức kiểm tra việc thực hiện những qui chế đó. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khác nhau hiện tượng vi phạm qui chế thi, kiểm tra vẫn tồn tại; Tình trạng này kéo dài gây nên tâm lý đối phó của cả người dạy lẫn người học, cả khi học lẫn khi thi, kiểm tra, đồng thời làm triệt tiêu động lực của học viên trong quá trình học tập, bồi dưỡng. Tình trạng trên kéo dài dẫn đến việc nhiều học viên coi nhẹ việc học tập, rèn luyện, thậm chí gây nên những bất bình khi báo cáo kết quả thi, kiểm tra.

           Yêu cầu của thi, kiểm tra là phải đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của từng học viên, để từ đó mỗi giảng viên, học viên có ý thức cao hơn, có phương pháp giảng dạy, học tập một cách khoa học hơn. Kết quả học tập, rèn luyện của học viên là một trong những tiêu chí để làm cơ sở cho việc bố trí, đề bạt, sắp xếp cán bộ sau khi ra trường. Do đó, nghiên cứu, đổi mới, cải tiến cách thi, kiểm tra là việc làm cần thiết.

            Xét từ tình hình, thực trạng của đội ngũ cán bộ cơ sở trên địa bàn tỉnh Yên Bái, chúng tôi nghĩ rằng tùy theo đối tượng học viên mà áp dụng hình thức, nội dung và thực hiện quy chế thi kiểm tra thật nghiêm, nếu vi phạm qui chế thì phải xử lý kỷ luật đúng và cũng tùy vào đối tượng học viên mà cho đề thi, kiểm tra tổng hợp phần học, chương học để học viên nâng cao tư duy, nhân thức vấn đề. Đối với những lớp phần đông là cán bộ cơ sở, cán bộ là người dân tộc thiểu số nên coi trọng việc thi vấn đáp để học viên có thêm năng lực liên hệ thực tiễn, kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra.

           Nên chăng chúng ta áp dụng phương pháp thi, kiểm tra trắc nghiệm, nghĩa là đề thi là những câu hỏi có đáp án sẵn, ngắn gọn, thường là 2,3,4 đáp án, trong đó chỉ có 1 đáp án đúng, yêu cầu học viên chọn 1 đáp án đánh dấu vào. Cách thi kiểm tra này buộc học viên huy động trí tuệ một cách tối đa mới trả lời đúng các câu hỏi, tránh cho việc “học tủ” gặp may trong khi thi, học viên cũng khó dùng tài liệu vì câu hỏi đưa ra phải trả lời ngay, nếu giành quá nhiều thời gian để xem tài liệu thì khó hoàn thành các câu hỏi khác. Cách thi này thời gian sẽ nhanh hơn cho việc chấm thi và độ chính xác cao, việc đánh giá chất lượng học viên cũng rất chính xác. Đây là phương pháp thi, kiểm tra mới chúng tôi mạnh dạn đưa ra có tính chất tham khảo, có thể áp dụng cho một số môn, có thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm và điều này hy vọng sẽ khắc phục được những vấn đề muôn thuở và việc thi cử hiện nay.

            Trong quy trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị - Hành chính và bồi dưỡng QLNN, học viên tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái không chỉ trải qua các kỳ thi, kiểm tra hết môn, hết phần mà còn phải tham gia làm tiểu luận tốt nghiệp.

            Tiểu luận tốt nghiệp là một công trình nghiên cứu nhỏ trong giai đoạn thử nghiệm làm đề tài khoa học, đó là việc kết hợp giữa lý luận mà học viên được trang bị trong nhà trường với thực tiễn cuộc sống đang diễn ra, đó là việc đưa lý luận vào phân tích, đánh giá và đề ra những giải pháp cho một vấn đề cụ thể nào đó ở cơ sở, đơn vị nơi học viên đang công tác. Nó kết tinh thành quả của một khóa học, thể hiện cụ thể về chất lượng cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng.

            Trong nhiều năm qua, trường Chính trị tỉnh Yên Bái rất coi trọng và quan tâm đến vấn đề làm tiểu luận cuối khóa cho học viên tại trường và lấy đó làm một trong những thước đo trong việc đánh giá khả năng, phân tích, việc đề ra những giải pháp tháo gỡ những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra, đồng thời đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Nhà trường.

           Tuy nhiên vấn đề sự chênh lệch về trình độ nhận thức, điều kiện nghề nghiệp, công tác, cách tiếp cận môi trường..vv..gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình làm tiểu luận tốt nghiệp của từng học viên, như người thì mới thi tốt nghiệp THPT, người thì tốt nghiệp Đại học, sau Đại học, có người nắm cương vị lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở, được tiếp cận với nhiều chủ trương, chính sách, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, lại có người chưa giữ chức vụ gì... Chính sự thiếu đồng bộ này đưa lại những khó khăn cho học viên khi tham gia làm tiểu luận, dẫn đến tình trạng sao chép, cóp nhặt nguồn tư liệu rất khó kiểm tra.

Vì những lý do khác nhau, kết quả một số tiểu luận không đạt yêu cầu về nội dung, phương pháp, phạm vi từng phần, từng chương không rõ, lẫn lộn về nội dung, chất lượng...Lại có lúc việc tổ chức làm tiểu luận cuối khóa như chiếu lệ, thủ tục, hình thức, sao chép báo cáo, rườm rà và thiếu cân đối, thậm chí học viên dùng lại tiểu luận ở các khóa trước, chương trình khác, nhiều học viên viết giống nhau..v.v..

Thời gian cần thiết để làm một tiểu luận quá ngắn, khoảng 10 - 15 ngày ( kể cả đánh máy) với kiến thức và năng lực có hạn, vừa phải sưu tầm tài liệu, vừa viết, vừa công tác , đánh máy..v.v...thì khó có chất lượng cao cho một tiểu luận được. Để nâng cao hơn nữa chất lượng của một tiểu luận cuối khóa của học viên tại trường Chính trị tỉnh Yên Bái, chúng tôi nghĩ rằng:

Ban giám hiệu, phòng Quản lý Đào tạo và nghiên cứu KH - TL phải đi đến thống nhất những yêu cầu, qui định cụ thể về kết cấu, yêu cầu và nội dung, phương pháp để tiến hành cho một tiểu luận, chọn nội dung, đề tài và cho học viện tự đăng ký, sau đó chủ tịch Hội đồng làm tiểu luận quyết định và phân giảng viên hướng dẫn những đề tài đã được chọn, người nhận đề tài và giảng viên hướng dẫn  bàn bạc, trao đổi bàn bạc và thống nhất về bước đi, phương pháp, nội dung từng phần, cách huy động kiến thức, hướng tìm tư liệu nghiên cứu, tham khảo phục vụ cho đề tài, tiếp đến người viết tiểu luận làm đề cương tổng quát, đề cương chi tiết, cùng với sự bổ sung, chỉnh sửa của người hướng dẫn, tiến hành viết bản thảo, xem lại, chỉnh lý, thống nhất lại đi đến hoàn thành, phân công giảng viên hướng dẫn luôn theo sát người được hướng dẫn, không nên khoán trắng cho học viên từ khi nhận đề tài đến khi hoàn thành.

            Phải nhanh chóng bồi dưỡng năng lực, qui trình cho đội ngũ giảng viên tham gia hướng dẫn làm tiểu luận tốt nghiệp. Đội ngũ giảng viên hướng dẫn làm tiểu luận phải có lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp, thật sự tâm huyết, nhiệt tình hướng dẫn kỹ các khâu về nội dung, cách khai thác tư liệu, kiến thức.v.v...Người thực hiện tiểu luận cần nghiên cứu thiệt kỹ những nội dung, đề tài mà Ban giám hiệu giao, những vấn đề mà giảng viên hướng dẫn đề cập để có sự chủ động trong khi tiến hành các khâu theo dự tính của mình.

            Tóm lại, bàn về phương pháp đánh giá kết quả học tập của học viên thông qua việc tổ chức thi, kiểm tra, làm tiểu luận cuối khóa chúng tôi hy vọng sẽ đánh giá học viên một cách sát thực hiệu quả hơn. Xác định rõ mục tiêu là đào tạo, bồi dưỡng là tạo ra một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đầy đủ phẩm chất, năng lực để đảm đương công tác cho hiện tại và tương lai.

Đinh Anh Tuấn: Phó trưởng khoa NN và Pháp luật