• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
PHÁT TRIỂN TƯ DUY PHẢN BIỆN CỦA GIẢNG VIÊN TRẺ TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI
Ngày xuất bản: 21/10/2024 4:07:00 CH
Lượt đọc: 764

 

Tư duy phản biện có vai trò đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu khoa học, có thể nói nếu không có tư duy phản biện thì các ngành khoa học không thể phát triển được từ đó sẽ kìm hãm sự tiến bộ của xã hội. Trong vai trò là người thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, việc rèn luyện tư duy phản biện đối với các giảng viên trường chính trị là vô cùng cần thiết, nhất là các giảng viên trẻ - những người bước đầu bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học - rèn luyện và phát triển tư duy phản biện sẽ giúp họ tiếp tục đi sâu, mở rộng các vấn đề lý luận, vận dụng vào nâng cao chất lượng giảng dạy.

Tại sao tư duy phản biện trong nghiên cứu khoa học lại cần phải liên tục được phát triển?

Về cơ bản, tư duy phản biện là tư duy phân tích, đánh giá thông tin về một vấn đề đã có theo những cách nhìn khác nhau nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Như vậy, tư duy phản biện trái ngược với tư duy thụ động, cứng nhắc, dập khuôn, máy móc; tư duy phản biện giúp người nghiên cứu phát hiện ra cái mới, khích lệ sự sáng tạo, thúc đẩy nhận thức phát triển chứ không giới hạn, bó hẹp con người trong những nhận định, suy nghĩ phiến diện một chiều, từ đó giúp tạo ra các đột phá trong khoa học.

Ở Việt Nam, trước khi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành hệ tư tưởng định hình ý thức xã hội mới, thì trong lịch sử hệ tư tưởng phong kiến với Nho giáo là chủ đạo đã thống trị xã hội hàng nghìn năm. Lối tư duy kiểu phong kiến là tư duy đóng, kìm hãm tư tưởng con người trong giáo điều cứng nhắc, học tập theo lối “tầm chương, trích cú”. Cách học tập và tư duy đó đã ảnh hưởng rất lớn tới tư tưởng bao thế hệ và hiện nay vẫn còn đâu đó dư âm của nó. Vì vậy, con người của xã hội mới, hệ tư tưởng tiến bộ mới cần liên tục rèn luyện để xóa bỏ lối tư duy lạc hậu, hình thành tư duy phân tích hay tư duy biện chứng để thúc đẩy sự phát triển của khoa học cũng như xã hội.

Tại sao giảng viên trẻ cần phát triển tư duy phản biện trong nghiên cứu khoa học?

Giảng viên tại các trường chính trị có nhiệm vụ nghiên cứu các bộ môn thuộc khoa học lý luận chính trị. Lý luận chính trị bao gồm những tri thức tổng hợp, liên ngành mang tính đảng, tính giai cấp rõ rệt, có tính khái quát hóa, trừu tượng hóa và tính dự báo khoa học cao. Đồng thời, nó cho thấy sự khó khăn, phức tạp của quá trình sáng tạo, nhận thức và vận dụng lý luận chính trị. Bởi vậy, nếu không tiếp tục đi sâu nghiên cứu lý luận môn mình giảng dạy thì sẽ không thể hiểu sâu về bộ môn và không liên hệ được lý luận với thực tiễn đang diễn ra, từ đó khiến cho việc giảng lý luận trở nên khô cứng, thiếu thuyết phục, thậm chí còn liên hệ lệch lạc, không đúng thực tiễn.

Nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nên cách thức, con đường, giải pháp xây dựng đất nước có những đặc thù khác với các nước khác. Các thế lực thù địch đang ngày đêm rao giảng những luận điệu xuyên tạc về công cuộc đổi mới của đất nước, so sánh sự phát triển của các nước tư bản với hiện trạng kinh tế - xã hội trong nước. Nếu các giảng viên trẻ vốn chưa sâu sắc về lý luận, chưa am tường thực tiễn, không chịu tìm tòi, suy ngẫm, nhìn nhận đánh giá vấn đề từ nhiều chiều hướng, không soi xét vấn đề từ lý luận nền tảng để gắn với thực tiễn của đất nước thì rất dễ rơi vào hoang mang, dao động, tin vào lý luận mà thế lực thù địch đưa ra.

Ngoài ra, lý luận cần được liên tục cập nhật, đổi mới để đáp ứng yêu cầu đi trước thực tiễn, chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Nếu chỉ lặp đi lặp lại những nội dung cũ mà không có đổi mới phát triển thì lý luận sẽ mất đi vai trò của mình. Giảng viên trẻ trong quá trình nghiên cứu khoa học sẽ được mở rộng tư duy, phát hiện ra những vấn đề mới nảy sinh để đóng góp vào sự phát triển của lý luận.

Trước những đòi hỏi của thực tiễn, của sự phát triển lý luận, để phát triển tư duy phản biện của giảng viên trẻ có thể thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần trang bị thế giới quan và phương pháp luận khoa học cho các giảng viên trẻ.

Thế giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận biện chứng duy vật chính là điều kiện cần thiết để hình thành tư duy phản biện nhưng nó không tự hình thành mà cần phải rèn luyện thông qua việc học tập, nghiên cứu, vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn. Để trang bị thế giới quan và phương pháp luận khoa học này thì các giảng viên trẻ cần nắm rõ những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin qua các chương trình học lớp trung cấp lý luận chính trị, cao cấp lý luận chính trị và các lớp bồi dưỡng chính trị cũng như các chương trình học khác có liên quan.

Nắm được những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là phần triết học sẽ giúp các giảng viên trẻ biết được 5 nguyên tắc trong nhận thức và hành động (đó là các nguyên tắc khách quan, phát triển, toàn diện, lịch sử - cụ thể, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn), từ đó biết vận dụng những kiến thức đã học vào giải quyết các nhiệm vụ chính trị cũng như các vấn đề nảy sinh trong đời sống. Tuy nhiên, không phải nắm được các nguyên tắc đã nêu trên là xong mà cần liên tục nghiên cứu và vận dụng những nguyên tắc đó vào thực tiễn và rút ra các bài học kinh nghiệm cần thiết để hiểu sâu hơn và ứng dụng hiệu quả hơn các nguyên lý đó vào từng trường hợp cụ thể. Hơn nữa, đây cũng là thế giới quan, phương pháp luận cần có của người cộng sản trong chế độ mới. Nếu thiếu vắng đi thế giới quan, phương pháp luận này thì dễ đi chệch hướng trong nghiên cứu và dễ xa rời lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, cần trang bị tri thức toàn diện cho các giảng viên trẻ, đặc biệt là các khoa học về tư duy.

Tư duy phản biện đòi hỏi kĩ năng đánh giá nhiều chiều về sự vật, hiện tượng nên không thể đánh giá đúng sự vật, hiện tượng nếu chỉ có hiểu biết hạn hẹp về một lĩnh vực, một chuyên ngành. Lý luận chính trị bao gồm nhiều bộ môn liên quan đến nhau vì vậy giảng viên trẻ không chỉ đào sâu kiến thức bộ môn của mình mà còn phải nghiên cứu những bộ môn liên quan cùng tổng thể những môn trong chương trình giảng dạy. Ví dụ, giảng viên chuyên ngành triết học cần nắm vững kiến thức kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh, ngoài ra cần tìm hiểu thêm các bộ môn thuộc khoa xây dựng Đảng, Nhà nước pháp luật….Có như vậy mới liên kết được các vấn đề với nhau và xem xét tính đúng sai, mặt ưu điểm, hạn chế của vấn đề đang nghiên cứu hoặc giảng dạy.

Bên cạnh đó, để phát triển tư duy phản biện thì không thể không bổ sung kiến thức về khoa học tư duy như logic học, phương pháp luận nghiên cứu khoa học, các khóa học giúp tăng cường khả năng tư duy, hình thành kĩ năng đánh giá, phân tích, tổng hợp…. Đó là những kiến thức hết sức cần thiết để rèn luyện tư duy hệ thống, giúp giảng viên có phương hướng tự học tập và rèn luyện.

Thứ ba, tạo môi trường dân chủ trong nghiên cứu khoa học.

Tư duy phản biện chỉ có thể đem lại hiệu quả thực tế khi chủ thể tư duy được trình bày ý tưởng, kết quả nghiên cứu của mình trước tập thể đánh giá và đem ý tưởng đó ứng dụng vào thực tế. Điều này được thực hiện trong sinh hoạt tổ bộ môn, các câu lạc bộ tri thức trẻ, câu lạc bộ giảng viên trẻ, các công trình nghiên cứu được giao phó, các bài viết nghiên cứu khoa học, hội thảo các cấp….Cần tạo ra các hoạt động phong phú thúc đẩy giảng viên tích cực nghiên cứu, khám phá các vấn đề mới, tạo điều kiện cho giảng viên trẻ trình bày ý tưởng, kiến nghị của mình và hỗ trợ về các điều kiện vật chất cần thiết để hiện thực hóa ý tưởng.

Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi để các giảng viên trẻ được tham gia vào các hoạt động thực tiễn.

Khám phá ra cái mới trong lý luận chỉ hữu ích khi cái mới đó được kiểm nghiệm trong thực tiễn và cải tạo được những vấn đề còn tồn đọng trong thực tiễn. Các giảng viên trẻ sẽ không thể nảy sinh được ý tưởng nào nếu không tham gia vào hoạt động thực tiễn vô cùng phong phú đa dạng. Trong quá trình tham gia vào các khâu của hoạt động thực tiễn, họ phát hiện ra các vấn đề và tìm cách giải quyết nó. Nên các giảng viên trẻ cần được tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động thực tiễn như đi thực tế cơ sở, tham quan nhà máy, xí nghiệp, các mô hình kinh tế, tham gia vào các sự kiện chính trị - xã hội của đất nước, của tỉnh…. Qua đó hiểu hơn về các quá trình kinh tế - xã hội đang diễn ra, kiểm nghiệm những tri thức đã được học, soi chiếu lý luận với thực tế của địa phương, đất nước, từ đó giúp giảng viên nhận thức rõ vị trí vai trò, tầm quan trọng của công tác giảng dạy, nghiên cứu lý luận chính trị.

Con đường nghiên cứu khoa học thường không hề dễ dàng, bằng phẳng, đòi hỏi người nghiên cứu phải luôn tự vượt khó đi lên. Giảng viên trẻ trường chính trị cần ý thức sâu sắc về vị trí, vai trò của mình trong việc tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Để thực hiện vai trò ấy thì rèn luyện tư duy phản biện trong nghiên cứu khoa học cũng là một nhiệm vụ chính trị mà bất cứ giảng viên trẻ nào cũng cần phải thực hiện thật tốt.

Ths. Nguyễn Thu Hương

                                                                                    Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở