• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
PHÁT HUY DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, BẢO ĐẢM QUYỂN LÀM CHỦ CỦA NHÂN DÂN THEO TINH THẨN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG
Ngày xuất bản: 07/02/2023 1:35:00 CH
Lượt đọc: 8078

 

Dân chủ là một phạm trù lịch sử ăn khớp với các điều kiện và quá trình xã hội cụ thể, gắn liền với các thiết chế và quan hệ xã hội nhất định, đồng thời thông qua các lực lượng và phương tiện xã hội xác định. Tư tưởng về nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, về quyền tự do và bình đẳng đã hình thành như định hướng phát triển tối ưu cho xã hội loài người và thước đo trực tiếp chính là dân chủ. Đối với Việt Nam, lịch sử dân tộc và nhân dân đã tin cậy trao trọn vẹn sứ mệnh lịch sử, trọng trách lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước cho Đảng Cộng sản Việt Nam để thực hiện sứ mệnh cao cả và thiêng liêng: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người thiết kế lý luận dân chủ, vừa là người nêu gương mẫu mực về thực hành dân chủ. Theo Người, dân chủ là của quý báu nhất của Nhân dân và thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn. Hồ Chí Minh đưa ra hai khía cạnh: “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Đây là một quan niệm dân chủ cô đọng, súc tích, vừa khoa học, hiện đại, vừa kế thừa và phát triển những hiểu biết của nhân loại về dân chủ, phản ánh đúng thực chất của dân chủ ở thời đương đại. Coi trọng dân chủ thực chất là tôn trọng con người, coi con người là giá trị cao nhất. Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị của mình, Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm cho nước nhà độc lập, nhân dân được tự do, đồng bào có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Người đã làm tất cả để thực hiện Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho Tổ quốc, cho dân tộc và Nhân dân.

Kế thừa những tư tưởng dân chủ đó, trải qua các kỳ đại hội, đặc biệt Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục phát triển nhận thức về dân chủ với tầm cao hơn, toàn diện hơn, đi vào thực chất hơn. Từ xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân, làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản để tiến đến xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân thực chất là để đạt tới mục tiêu xây dựng nước dân chủ. Chỉ khi nào giành được độc lập, xây dựng và phát triển đầy đủ chế độ dân chủ thì người dân mới thực sự ở vào vị thế người chủ và làm chủ, được hưởng quyền tự do dân chủ để phát triển toàn diện nhân cách. Dân chủ, với ý nghĩa tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ và làm chủ Nhà nước và xã hội, chính là mục tiêu của sự phát triển. Khẳng định nhân dân là người chủ nước nhà không chỉ khẳng định về một quan điểm, một tư tưởng chính trị mà còn phải thể chế hóa thành luật, bằng luật, trước hết là Hiến pháp bộ luật cơ bản của Nhà nước. Vai trò của Hiến pháp là phải bảo đảm được quyền tự do, dân chủ cho các tầng lớp nhân dân, trên cơ sở liên minh công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo, đồng thời phải thực sự bảo đảm quyền bình đẳng giữa nam và nữ, bình đẳng giữa các dân tộc. về vấn đề này, Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” . Ngay từ Đại hội VI (1986), Đảng ta đã chỉ rõ việc xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động là một trong những bài học kinh nghiệm của cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội VIII, Đảng nhận định một trong những thành tựu của 10 năm đổi mới (1986-1996) là quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đến Đại hội IX (2001), Đảng chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn. Đại hội X (2006) khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân” .

Tiếp tục phát triển qua các kỳ đại hội, Đại hội XIII của Đảng xác định rõ hơn nhiệm vụ, giải pháp phát huy dân chủ: Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” . Như vậy, trong toàn bộ tiến trình mở rộng, thực hiện quyền dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, Đảng ta xác định khâu quan trọng và cấp bách là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.

Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội. Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của Nhân dân”. Có thể thấy trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng luôn đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước. Nhà nước của dân, do dân và vì dân, do đó đảng cầm quyền phải làm hết sức mình để quyền lực thuộc về nhân dân, mang lại những lợi ích chính đáng cho Nhân dân, bảo đảm quyền dân chủ, quyền làm chủ của Nhân dân.

Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định đảm quyền làm chủ của Nhân dân, đó là tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Quyền làm chủ của nhân dân được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đất nước như: tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức; phát triển kinh tế; quản lý và tự quản xã hội; xây dựng, quản lý, thụ hưởng văn hóa; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân. Việc thực hiện cơ chế dân chủ trực tiếp với dân chủ đại diện đảm bảo công khai, minh bạch, trách nhiệm, đặc biệt động viên nhân dân phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Quy chế dân chủ cơ sở; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan nhà nước phù hợp với nhiệm vụ chính trị được phân công.

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn, gian khổ đến đâu dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân chủ luôn luôn được phát huy rộng rãi, trở thành yếu tố tập hợp đoàn kết toàn dân tộc, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài nước tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ của đất nước, hình thành những điều kiện làm sâu rộng thêm nền tảng dân chủ, tạo cơ sở phát huy mọi tiềm lực xã hội, vượt qua mọi khó khăn, thách thức dưa đất nước tiến lên, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đinh Anh Tuấn: Phó khoa NN và Pháp luật