• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Những phẩm chất và năng lực đặc thù của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay
Ngày xuất bản: 15/04/2025 3:16:00 CH
Lượt đọc: 1324

 

Giảng viên Trường Chính trị tỉnh không chỉ là người thầy truyền dạy những tri thức lý luận chính trị cho người học, mà sâu xa hơn, còn là người hoạt động chính trị (nhà chính trị) một cách trực tiếp và gián tiếp thông qua việc cung cấp và phổ biến những quan điểm, đánh giá, nhận xét về các vấn đề lý luận chính trị và các hoạt động, lĩnh vực xã hội. Trong vai trò đó, giảng viên đồng thời, là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, người cung cấp thông tin và người phản hồi diễn biến tình hình tư tưởng - chính trị trong xã hội, trong Nhân dân đến Đảng và từ Đảng đến Nhân dân. Hơn nữa, giảng viên Trường Chính trị tỉnh còn tham gia vào công tác tham mưu lý luận chính trị cho Đảng thông qua các bài viết, công trình nghiên cứu khoa học và các nhận định mang tính lý luận. Do đó, bên cạnh các yêu cầu về trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm, giảng viên Trường Chính trị tỉnh còn cần đáp ứng các yêu cầu đặc thù về phẩm chất và năng lực sau để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trong bối cảnh hiện nay.

Thứ nhất, giảng viên Trường Chính trị cần sở hữu nền tảng tri thức lý luận chính trị vững chắc gồm: chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là cơ sở để giảng viên có thể nói đúng, viết đúng, hành động đúng theo thần nghị của Đảng, đồng thời sống và làm việc theo pháp luật. Cần tích luỹ vốn sống và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, thông qua việc cập nhật thông tin từ các phương tiện truyền thông đại chúng, tham gia các đợt nghiên cứu thực tế tại cơ sở, nhất là học hỏi ở phong trào quần chúng, ở cơ sở. Những hoạt động này không chỉ làm giàu thêm nội dung bài giảng, mà còn góp phần nâng cao tính sinh động, hấp dẫn và thực tiễn của mỗi tiết học. Một yêu cầu mang tính nguyên tắc đối với giảng viên Trường Chính trị tỉnh là phải quán triệt và vận dụng một cách sáng tạo nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn. Cụ thể:

Một là, giảng viên truyền đạt hệ thống tri thức lý luận chính trị bao gồm chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nghị quyết, của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết cấp ủy các cấp cần được thực hiện một cách phù hợp với đối tượng học viên, có minh hoạ bằng những ví dụ thực tiễn sinh động, có tính thuyết phục và gắn với bối cảnh thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị. Sự phù hợp trong cách tiếp cận và truyền đạt không chỉ giúp nâng cao hiệu quả tiếp nhận tri thức mà còn củng cố niềm tin và thái độ chính trị đúng đắn cho người học.

Hai là, giảng viên cần biết khơi dậy và phát huy tối đa cảm hứng học tập, sự chủ động và tinh thần tích cực của học viên trong suốt quá trình giảng dạy. Đây là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên môi trường học tập dân chủ, cởi mở, phát triển tư duy độc lập và năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác.

Ba là, để nâng cao chất lượng giảng dạy, giảng viên cần chuẩn bị hệ thống câu hỏi gợi mở, có tính định hướng nhằm kích thích tư duy của học viên. Đồng thời, phải biết tổ chức, phân chia thời lượng một cách hợp lý và khoa học khi sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, đảm bảo tính linh hoạt và hiệu quả trong việc truyền tải nội dung bài học.

Thứ hai, giảng viên Trường Chính trị tỉnh cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường, quan điểm, tư tưởng kiên định, nhất quán với mục tiêu, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Giảng viên phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Nhân dân và trước Đảng về lời nói, hành động. Đồng thời, không ngừng nỗ lực. Phấn đấu suốt đời vì lý tưởng cao cả của Đảng - lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Thứ ba, giảng viên cần tâm huyết với công tác giảng dạy, cùng với tinh thần trách nhiệm cao, lòng nhiệt tình và niềm say mê thực sự đối với sự nghiệp giáo dục lý luận chính trị. Đây chính là biểu hiện cụ thể của đạo đức nghề nghiệp - nền tảng tinh thần giúp người giảng viên Trường Chính trị tỉnh không ngừng nỗ lực, cống hiến suốt đời cho sự nghiệp “trồng người”, góp phần đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng kế cận cho Đảng và Nhà nước. Người giảng viên phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, nhất là đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đời tư trong sáng, giản dị. Bên cạnh đó, giảng viên cần xây dựng uy tín trong giảng dạy, trong nghiên cứu, đặc biệt là uy tín, liêm khiết khoa học, được học viên và đồng nghiệp đánh giá cao. Uy tín này không chỉ phản ánh năng lực chuyên môn mà còn là minh chứng cho phẩm chất, bản lĩnh và trách nhiệm chính trị - xã hội của người giảng viên trong môi trường đào tạo đặc thù như Trường Chính trị tỉnh.

Tóm lại, nâng cao phẩm chất và năng lực đặc thù cho đội ngũ giảng viên ở Trường Chính trị tỉnh là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa có tính lâu dài và bền vững. Đây là yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, từ đó góp phần trực tiếp vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy lý luận sắc bén và khả năng hành động thực tiễn hiệu quả. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này đòi hỏi mỗi giảng viên phải không ngừng tự rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, cần có sự quan tâm lãnh đạo sát sao, đầu tư thích đáng về điều kiện làm việc, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ giảng viên một cách hiệu quả từ  các cấp lãnh đạo, đặc biệt là Ban Giám hiệu Nhà trường. Có như vậy, mới tạo được chuyển biến thực chất, tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước trong tình hình mới./.

Ths. Lê Ánh Tuyết

   Phó Trưởng phòng TC, HC, TT, TL