• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Nhiệm vụ và giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Yên Bái đối với kinh tế ở địa phương hiện nay
Ngày xuất bản: 16/06/2022 2:59:00 CH
Lượt đọc: 8939

 

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế mới mẻ chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nó là kết quả của sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quy luật phát triển. Nhận thức và lựa chọn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là sự gán ghép chủ quan kinh tế thị trường với chủ nghĩa xã hội, mà là kết quả sáng tạo của sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quy luật phát triển. Đó là kết quả của một quá trình tìm tòi, thử nghiệm, suy tư, đấu tranh tư tưởng gian khổ, kết tinh trí tuệ và công sức của toàn Đảng, toàn dân ta trong nhiều thập kỷ. Đồng thời nó là kết quả của sự nắm bắt và nhận thức đúng quy luật phát triển, tính thời đại, có sự khái quát đúc rút kinh nghiệm phát triển kinh tế thị trường trên thế giới, đặc biệt là thực tiễn cải cách và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc. Có thể nói, sự nghiệp đổi mới hơn 35 năm qua đánh dấu giai đoạn mới về trình độ phát triển tư duy lý luận của Đảng ta và khẳng định được con đường và mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội trong thình hình quốc tế diễn biến hết sức phức tạp và có nhiều bất lợi.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định dứt khoát phải từ bỏ những nhận thức sai lầm, những quan điểm lỗi thời, lạc hậu về chủ nghĩa xã hội, phải nhận thức lại cho đúng những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội; phải căn cứ vào những điều kiện lịch sử mới của Việt Nam và thời đại để vận dụng sáng tạo và phát triển học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mà vấn đề trọng tâm là phải vượt qua mô hình chủ nghĩa xã hội cũ để xác lập mô hình chủ nghĩa xã hội mới ở Việt Nam, mô hình hướng sự phát triển của đất nước đi tới thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Như vậy, để khắc phục được khuyết điểm, chuyển biến được tình hình đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam trước hết phải thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy. Sự gợi mở ấy là hết sức quan trọng và có ý nghĩa quan trọng nhất đối với công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam bắt đầu chuyển sang vận hành theo cơ chế mới từ năm 1986. Sự kiện đánh dấu bước chuyển này là việc khẳng định đường lối đổi mới kinh tế của Việt Nam: Phát triển nền kinh tế hàng hóa có kế hoạch gồm nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội, coi chính sách kinh tế nhiều thành phần có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Kế thừa và phát triển nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua các kỳ đại hội Đảng từ khi đổi mới đến nay, Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII như sau:  Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với các yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới...

Tuy nhiên, Văn kiện Đại hội XIII khẳng định, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ. Luật pháp, cơ chế, chính sách còn những quy định chưa thống nhất, môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thông thoáng, minh bạch. Chưa tạo được đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Thể chế phát triển, điều phối kinh tế vùng chưa được quan tâm và cụ thể hóa bằng pháp luật nên liên kết vùng còn lỏng lẻo. 

Yên Bái là một tỉnh miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xuất phát điểm thấp, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương và các nghị quyết của Đảng bộ, tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật là:

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,64%/năm, cao hơn giai đoạn trước (5,71%/năm). Quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 đạt trên 33.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015. Chất lượng tăng trưởng được nâng lên, nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,13% (giảm 4,48%); tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 26,88% (tăng 1,43%); tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 47,21% (tăng 3,09%). GRDP bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đạt kết quả quan trọng, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tỉnh tập trung ưu tiên nguồn lực và tích hợp chính sách của Trung ương để ban hành bộ cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh nông nghiệp và kinh tế nông thôn, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, giảm nghèo bền vững ở vùng cao và nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng thấp. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm); cơ cấu nội ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp, thủy sản; giá trị sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản bình quân tăng khá, nhiều diện tích canh tác cho thu nhập khá cao.

Công nghiệp có bước phát triển khá, hình thành và mở rộng thị trường tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực, lợi thế. Ngành công nghiệp được cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 (giá so sánh 2010) đạt 13.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần năm 2015, đạt mục tiêu Nghị quyết; chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 8,6%, cao hơn giai đoạn trước.

Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh và khá đa dạng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt 20.500 tỷ đồng, gấp gần 2 lần năm 2015, vượt 10% mục tiêu Nghị quyết; tổng vốn đăng ký đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ gần 18.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần giai đoạn 2011 - 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân 6,07%/năm, cao hơn giai đoạn trước 1,06%. Mạng lưới kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn không ngừng được mở rộng đa dạng với nhiều tập đoàn, tổng công ty bán lẻ, ngân hàng, bảo hiểm lớn, có thương hiệu. Thị trường xuất khẩu sản phẩm hàng hóa không ngừng được mở rộng đến gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị năm 2020 đạt 210 triệu USD, gấp 3 lần năm 2015, vượt 5% mục tiêu Nghị quyết.

Tài chính, ngân hàng tiếp tục tăng trưởng khá, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt trên 3.600 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 23%, vượt 20% mục tiêu Nghị quyết. Cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, tăng chi đầu tư phát triển gắn với đẩy nhanh tiến độ thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công và tinh gọn tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế.

Nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng các nguồn lực đầu tư; phát triển mạnh các thành phần kinh tế. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt 62.500 tỷ đồng, gấp 1,5 lần giai đoạn trước, vượt 3,3% mục tiêu Nghị quyết; trong đó tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nhà nước giảm mạnh, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh; đầu tư công được cơ cấu lại theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bền vững, không để nợ đọng. Giai đoạn 2016 - 2020 đã thực hiện 78 dự án ODA và NGO với tổng mức đầu tư gần 2.100 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, nông nghiệp; thu hút được 11 dự án FDI, nâng số dự án FDI toàn tỉnh lên 27 dự án với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Yên Bái trong lãnh đạo kinh tế ở địa phương hiện nay

- Tiếp tục đổi mới tư duy đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hài hòa kinh tế - xã hội - môi trường.

- Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

- Phát triển mạnh dịch vụ, thương mại; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

- Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách.

- Tăng cường thu hút đầu tư, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, từng bước phát triển nền kinh tế số, xã hội số, thích ứng Cuộc cách mạng Công nghiệp.

- Tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển đô thị lần thứ tư.

- Quan tâm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

- Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Yên Bái, một tỉnh miền núi còn khó khăn trong phát triển kinh tế,trong giai đoạn hiện nay, Đảng bộ đã lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với kinh tế, trong đó việc xác định rõ đối tượng, nội dung nhiệm vụ và giải pháp sát hợp với yêu cầu thực tiễn là hết sức cần thiết để bảo đảm Đảng bộ tỉnh lãnh đạo được nền kinh tế phát triển đúng định hướng, đảm bảo sự tăng trưởng về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Đây là một công việc mới mẻ, đầy khó khăn, phức tạp, vì chưa có tiền lệ trong lịch sử. Vì vậy, trong quá trình này, Đảng bộ tỉnh Yên Bái vừa làm vừa học, vừa tổng kết thực tiễn vừa tham khảo kinh nghiệm của các tỉnh thành khác trong nước và bám sát quy định của trung ương, không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao trình độ tổ chức thực tiễn, kiên quyết đưa Yên Bái tiến tới mục tiêu phát triển “Xanh – Hài Hòa – Bản Sắc – Hạnh Phúc”.

Dương Thị Thuý Tài

Khoa Nhà nước và Pháp luật