• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Nghị định số 123/2016/NĐ-CP, sự đột phá mới trong việc cải cách thể chế hành chính nhà nước để xây dựng chính phủ kiến tạo, hành động
Ngày xuất bản: 06/10/2017 1:57:00 CH
Lượt đọc: 24479

Thể chế hành chính nhà nước là các quy định chung do Nhà nước xác lập trong Hiến pháp, Luật và các văn bản pháp quy tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước để thực hiện quản lý xã hội. Cải cách thể thế hành chính nhà nước có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Một quốc gia phát triển, thịnh vượng, xã hội ổn định, dân chủ và tiến bộ phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc thể chế hành chính nhà nước. Do đó, muốn đạt tới thịnh vượng và phát triển thì cải cách thể chế hành chính nhà nước là chìa khóa của sự thành công.

Ở nước ta trong bối cảnh hiện nay, các động lực cải cách thể chế hành chính nhà nước sau 30 năm đổi mới đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển. Cải cách thể chế hành chính nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật đang trở thành đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn. Đây là lúc chúng ta cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế vượt trội, mang tính đột phá, phù hợp để tạo ra động lực cho sự phát triển trong mọi lĩnh vực của đất nước.

Có thể nhận thấy, sự quyết tâm cao của chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 là xây dựng mô hình “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân”. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, thì việc xóa bỏ rào cản về thể chế hành chính nhà nước, khắc phục những lạc hậu về thể chế, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật được coi là ưu tiên hàng đầu và là một yếu tố quan trọng nhằm tạo tiền đề, nền tảng cho mọi hoạt động của chính phủ kiến tạo, hành động.

Xác định được vai trò quan trọng của việc cải cách thể chế hành chính nhà nước, ngay sau khi Chính phủ nhiệm kì mới được kiện toàn, trong phiên họp Chính phủ thường kì tháng 5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng thể chế hành chính, tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, pháp luật. Thủ tướng đề nghị, cần kiểm điểm xem Chính phủ còn nợ đọng gì về thể chế hành chính nhà nước, hướng khắc phục ra sao, còn vướng mắc gì cần tháo gỡ…. Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục chú trọng công tác xây dựng thể chế, pháp luật, khắc phục tình trạng xin lùi hoặc rút dự án Luật ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; khắc phục tình trạng luật ống, luật khung hay những Thông tư, Nghị định được ban hành không sát thực tế. Việc xây dựng thể chế phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn thông qua việc nhận phản ánh, thông tin của xã hội, qua kiến nghị của cử tri, qua phản ánh của doanh nghiệp, báo chí, công tác kiểm tra nắm tình hình của bộ máy nhà nước. Từ đó, chúng ta đánh giá những vấn đề thực tiễn đặt ra để thiết kế về chính sách. Có thiết chế chính sách phù hợp với yêu cầu thì từ đó mới đề ra đề cương, trưng cầu ý kiến, đánh giá tác động. Làm thế nào để Luật, văn bản hướng dẫn đi vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Trên tinh thần đó, với phương châm chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ, ngày 01/9/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ thay thế cho nghị định số 36/2012/NĐ-CP trước đây. So sánh với Nghị định số 36/2012/NĐ-CP, Nghị định số 123/2016/NĐ-CP đã có nhiều điểm mới quan trọng, là nền tảng, cơ sở pháp lý cho mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân.

Thứ nhất, Đã xác định rõ hơn về vị trí, chức năng của Bộ so với Nghị định số 36/2012/NĐ-CP trước đây. Cụ thể, trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đã chỉ rõ một Bộ có thể “quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực”, khác Nghị định số 36/2012/NĐ-CP chỉ quy định chung là “thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực”.

Thứ hai, Bổ sung quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Bộ. Cùng với việc xác định rõ hơn về vị trí chức năng của Bộ, Nghị định số 123/2016/NĐ-CP đã bổ sung 01 điều mới quy định 04 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Bộ (Điều 5), gồm: (1) Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ, Bộ trưởng; đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng trong mọi hoạt động của Bộ; (2) Tổ chức bộ máy của Bộ theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập tổ chức mới khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật; (3) Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ bảo đảm không chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ; (4) Công khai, minh bạch và hiện đại hóa hoạt động của Bộ.

Thứ ba, Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tại khoản 2 Điều 3 quy định: “Bộ trưởng làm việc theo chế độ thủ trưởng và Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ”. Đây là điểm quan trọng thể hiện việc đề cao trách nhiệm, quyền hạn cá nhân của Bộ trưởng, trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, ngành. Điều này đã được bổ sung, thể hiện rõ tại khoản 1 Điều 24 về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng đối với Bộ, đó là: “Lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm cá nhân về mọi mặt công tác của Bộ” và khoản 1 Điều 27 về trách nhiệm của Bộ trưởng đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là: “Chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ngành, lĩnh vực được phân công quản lý; về kết quả, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Bộ; về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao”.

Thứ năm, Mở rộng quyền hạn của Bộ trong việc thực hiện quản lý nhà nước. Theo đó Nghị định đã bổ sung thêm một số quy định mới, quan trọng của Bộ như: Trong thực hiện cải cách hành chính, Bộ được bổ sung thêm việc “Quyết định phân cấp hoặc ủy quyền cho chính quyền địa phương thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của Bộ” (Khoản 2 Điều 9). Trong quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực, Bộ được bổ sung thêm quyền hạn: “Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công; quy định về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực quản lý” và “Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý” (khoản 3, khoản 4 Điều 10). Về tổ chức bộ máy, biên chế công chức và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ được bổ sung quyền hạn: “Hướng dẫn việc phân loại, xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý”, “Hướng dẫn danh mục vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý” và “Quyết định danh mục vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng viên chức trong tổng số viên chức được giao của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ theo quy định của pháp luật; quyết định giao biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức thuộc Bộ” (khoản 4, khoản 7, khoản 8 Điều 13)….

Thứ sáu, Bổ sung mới nhiều nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ trưởng như: Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, đình chỉ công tác đối với Tổng cục trưởng sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; Quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, phương tiện làm việc và tài chính, ngân sách nhà nước được giao; quyết định biện pháp tổ chức phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong ngành, lĩnh vực được phân công; Lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành, lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ; Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội; giải trình về những vấn đề Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội quan tâm; trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội về những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý… (khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12, 13 Điều 24; khoản 1, 2 Điều 25; khoản 2, 3, 4 Điều 26).

Nghị định số 123/2016/NĐ-CP cũng đã bổ sung trách nhiệm của Bộ trưởng đối với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nhân dân, cụ thể là: “Báo cáo, giải trình, trả lời chất vấn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội” và “Báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý” (khoản 1, khoản 4 Điều 28).

Ngoài ra, Nghị định số 123/2016/NĐ-CP cũng có nhiều những điểm mới khác như: bổ sung đơn vị sự nghiệp công lập vào cơ cấu tổ chức của Bộ (điểm e khoản 1 Điều 17); quy định “Không tổ chức phòng trong vụ. Riêng trường hợp vụ có nhiều mảng công tác hoặc khối lượng công việc lớn, Bộ trình Chính phủ quyết định số lượng phòng trong vụ tại Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ” (khoản 3 Điều 18); số lượng phòng trong Văn phòng thuộc Bộ và Thanh tra thuộc Bộ cùng với cơ cấu tổ chức của Cục thuộc Bộ được quy định trong Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ (khoản 3 Điều 19, khoản 3 Điều 20 và khoản 4 Điều 21)…

Trên cơ sở Nghị định số 123/2016/NĐ-CP, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đang khẩn trương rà soát và xây dựng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mới. Như vậy, với việc đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP như trên, nhất là việc quy định rõ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Bộ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và bổ sung thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ cũng như Bộ trưởng, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm thay đổi căn bản phương thức quản lý, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; thực hiện nguyên tắc Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật, tuân thủ, thượng tôn pháp luật; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, từ đó, hướng đến việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân.

 

Hoàng Khắc Cương

Khoa Nhà nước và Pháp luật