• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân - giá trị cốt lõi, đặc sắc riêng của tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 12/08/2022 9:33:00 SA
Lượt đọc: 8877

  

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định: xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Trong đó, đặc biệt xác định mục tiêu phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao chỉ số hạng phúc cho Nhân dân. Đánh giá về vấn đề này đồng chỉ Đỗ Đức Duy - ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Đây là một điểm mới và đặc sắc mà Yên bái lựa chọn trong triết lý phát triển của nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Trong bài viết này tôi xin đề cập đến nội dung “nâng cao chỉ số hạnh phúc cho Nhân dân – giá trị cốt lõi, đặc sắc riêng của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộTỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025”.

Chỉ số hạnh phúc là cách lượng hóa giúp đánh giá khách quan mức độ hạnh phúc theo nhiều khía cạnh khác nhau. Yên Bái vận dụng cách tính chỉ số hạnh phúc dựa theo Tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội tại Vương quốc Anh (viết tắt là NEF). Theo đó, chỉ số hạnh phúc của người dân được đánh giá trên 3 tiêu trí chính:

- Sự hài lòng về cuộc sống (về điều kiện kinh tế - vật chất; về mối quan hệ với gia đình và xã hội; sự hài lòng về hoạt động của các cơ quan công quyền)

- Đánh giá về tuổi thọ trung bình.

- Sự hài lòng về môi trường sống (Sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng cảnh quan đô thị, làng xã; việc bảo vệ môi trường nước và xử lý nước thải, rác thải; việc bảo vệ rừng và môi trường cây xanh).

Là một tỉnh nghèo nhưng trong những năm qua, Yên Bái đã làm tốt công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp sửa chữa và làm mới nhiều công trình giao thông, thủy lợi, nước sạch, y tế, trường học. “Giai đoạn 2016 - 2020, Yên Bái đã giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc, cải thiện 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ; đứng thứ 11 trong khu vực). Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,03%/năm (bằng 125% kế hoạch đề ra đầu nhiệm kỳ). Riêng tại 2 huyện 30a Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước. Số xã đặc biệt khó khăn giảm 26,3%, (từ 81 xã, còn 59 xã); số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm 16,9% (từ 462 còn 383 thôn, bản) [1]

Cùng với đó thực hiện Chương trình, mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới “Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 88/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 58,7% (trong đó, năm 2021 công nhận 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới); 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới là huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ; 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

 2022, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 11 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, đưa số xã đạt chuẩn lên 99/150 xã, đạt 66%; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cùng với đó Yên Bái đã cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn tại 62 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới và duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí tại 88 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”[2].

Với sự đầu tư về nguồn nhân lực và cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của tỉnh đã thực hiện tốt công tác cấp cứu và khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là những bệnh dân nghèo và thuộc đối tượng chính sách xã hội. Hiện nay, 100% xã vùng cao của tỉnh có trạm y tế, 100% Trung tâm y tế có nữ hộ sinh; 130 xã đạt tiêu trí quốc gia về y tế xã; 70% trạn y tế đạt tiêu trí quốc gia và có bác sỹ làm việc. Trong thời gian qua tỉnh Yên Bái cũng thường xuyên quan tâm công tác bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể như: Lễ hội truyền thống dân ca, múa Xòe của đồng bào Thái Nghĩa Lộ, nghề truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số…góp phần gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Ngày 7/11/ 2020, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án hỗ trợ nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2020.

Theo phê duyệt tại Quyết định 806/QĐ-UBND của UBND tỉnh, tổng số được hỗ trợ làm nhà theo Đề án là 795 hộ, tuy nhiên sau khi điều chỉnh thì còn 780 hộ, giảm 15 hộ so với ban đầu (trong đó: 404 hộ người có công, 376 hộ nghèo đặc biệt khó khăn; xây mới 618 nhà, sửa chữa 162 nhà), với tổng kinh phí 27.900 triệu đồng. Sau 6 tháng triển khai thực hiện Đề án, đến nay, toàn tỉnh cơ bản đã hoàn thành xong việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ người có công với cách mạng, hộ nghèo đặc biệt khó khăn theo đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy. Đến hết ngày 31/10/2020 đã có 778/780 nhà hoàn thành, đạt 99,7% kế hoạch Đề án (777 nhà đã hoàn thành, 1 nhà khởi công tháng 10 đang triển khai thực hiện); trong đó: 616 hộ xây mới, 162 hộ sửa chữa. Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động thực hiện hỗ trợ ngoài Đề án 116 nhà với nguồn kinh phí được trích từ Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp huyện và nguồn xã hội hóa, nâng tổng số nhà được hỗ trợ toàn tỉnh lên 894 căn với tổng giá trị thực hiện trên 110 tỷ đồng, gấp 3 lần kinh phí hỗ trợ Đề án.

Một số địa phương cơ sở đã chủ động, có cách làm hay, biện pháp phù hợp, ứng nguồn vốn để hoàn thành kế hoạch từ rất sớm, tiêu biểu như các huyện Mù Cang Chải, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ… Đây là một đề án mang mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện quyết tâm chính trị của tỉnh để tri ân các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thực hiện mục tiêu giảm nghèo với phương châm "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đề án đã giải quyết căn bản tình trạng người có công với cách mạng còn khó khăn về nhà ở; cải thiện cơ bản tình trạng nhà ở cho hộ nghèo đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương năm 2020 và xây dựng Chương trình, mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”. [3]

            Để nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, thời gian qua tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, trong đó vấn đề môi trường sống và bảo vệ môi trường cũng được quan tâm hàng đầu. Nhiều phong trào bảo vệ môi trường được triển khai sâu rộng, thu hút sự vào cuộc của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

            Theo ông Hồ Đức Hợp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái: “nâng cao sự hài lòng về môi trường sống, là một trong ba trụ cột để đánh giá chỉ số hạnh phúc của người dân. Do đó, Sở Tài Nguyên và môi trường đang đẩy mạnh các hoạt động các dự án đầu tư, thực hiện khuyến khích, thu hút đầu tư các dự án công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường và kiên quyết không tiếp nhận dự án công nghệ cũ lạc hậu, dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, Sở cũng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm, không để phát sinh điểm nóng về môi trường, điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Lấy sự hài lòng của người dân về chất lượng môi trường làm thước đo hiệu quả, mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.”[4]

Từ những thành tích đạt được trên những mặt nêu trên, “để có cơ sở xây dựng chỉ tiêu về chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái đến năm 2025, Tỉnh uỷ Yên Bái đã chỉ đạo tiến hành cuộc điều tra xã hội học về chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ hài lòng về cuộc sống đạt 40,71%. Tiêu chí đánh giá về tuổi thọ trung bình hiện tại có 41,6% đánh giá tuổi thọ trung bình hiện tại của người dân Yên Bái là 70 tuổi (chiếm tỷ lệ cao nhất). Tỷ lệ hài lòng về môi trường sống đạt 31,8%. Bằng công thức tính chỉ số hạnh phúc dựa trên 3 tiêu chí trên thì chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái hiện tại là 53,3%.[5]

Để làm tốt điều này, các chuyên gia cũng chỉ rõ: Tỉnh yên Bái cần phát huy tối đa nhân tố con người; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng. Các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở cần thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, nhất là các chính sách đầu tư, dự án liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế. Đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. Về điều này đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Đây là một nhiệm vụ mới, chưa có tiền lệ, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia hưởng ứng tích cực của mỗi người dân. Là địa phương đi tiên phong trong cả nước, chúng ta xác định vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện theo từng năm, với mục tiêu nhất quán là nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân[6]

Có thể nói, nâng cao sự hài lòng và chỉ số hạnh phúc của người dân là một mục tiêu rất nhân văn và sâu sắc. Việc đưa chỉ số hạnh phúc vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên bái. Với tiềm năng và lợi thế, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của mỗi người dân, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, Đảng bộ tỉnh Yên Bái sẽ hoàn thành mục tiêu nâng cao sự hài lòng và chỉ số hạnh phúc của người dân trong nhiệm kỳ tới./.

                                                                            Bùi Văn Nghĩa

                                                                           Trường Chính trị tỉnh Yên Bái

 



[1] Hội nghị tổng kết  đánh giá kết quả thực hiện  Chương trình MTQG giảm ngèo bền vững giai đoạn 2016-2020 , ngày 26/11/2021 cuat tỉnh Yên bái.

[2] Theo Báo Yên bái (21.3/2022 ) – Hội nghị triển khai Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới ngày 17/3/2022 của  UBND tỉnh Yên Bái.

[3]  Báo Yên bái số ra ngày 07/11/2020

[4] Báo Dân tọc và phát triển – UBDT, ngày 14/6/2022

[5] Báo Pháp luật VN – Chỉ số hạnh phức từ khát vọng đến định hướng của Yên Bái, ngày 24/5/2022.