• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG CÔNG CHỨC CẤP XÃ
Ngày xuất bản: 07/09/2021 10:56:00 SA
Lượt đọc: 13771

 

          Công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Đây là đội ngũ thường xuyên tiếp xúc với người dân, có vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, công chức cấp xã còn là những người trực tiếp truyền đạt, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Đồng thời, giải quyết các vấn đề phát sinh, mâu thuẫn cho Nhân dân, góp phần vào việc duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

          Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của công chức cấp xã trong công cuộc xây dựng, bảo về và phát triển đất nước. Trong những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng công chức cấp xã, vì đây là đội ngũ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng và đổi mới của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

          Chất lượng công chức cấp xã có thể được hình thành bằng nhiều cách thức khác nhau, trong đó có nhiều yếu tố đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công chức cấp xã. Một số yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến chất lượng công chức cấp xã như:

          Thứ nhất, yếu tố đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã.

          Đây là yếu tố có tầm quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công chức cấp xã, thông qua đào tạo, bồi dưỡng sẽ giúp công chức cấp xã tiếp thu được tri thức, kinh nghiệm, các quy luật vận động của tự nhiên, xã hội để tư duy vào thực tiễn. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ cho công chức cấp xã, góp phần xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, có đủ năng lực xây dựng nền hành chính tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

          Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong bối cảnh đó có những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức mới. Nhiệm vụ chính trị rất nặng nề, phức tạp đặt ra nhiều vấn đề cho công tác cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở ngang tầm, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng, có năng lực thực tiễn góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

          Cấp ủy đảng và chính quyền địa phương các cấp cần nhận thức sâu sắc rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong việc quyết định đến chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở. Do đó, đào tạo, bồi dưỡng công chức cấp xã không chỉ là khoa học mà còn là một khoa học về con người, vì vậy cần được quan tâm, đầu tư xứng đáng. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng sẽ tạo tiền đề cho quá trình đổi mới và phát triển.

          Trên thực tế, nếu công chức cấp xã không được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, chuyên sâu sẽ rất khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, nếu công tác này không được quan tâm, chú trọng sẽ dẫn đến việc công chức cấp xã không được trang bị, cập nhật được những kiến thức mới; tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước…dẫn đến hạn chế trong tư duy, nhận thức khi thực hiện nhiệm vụ.

          Thứ hai, yếu tố đánh giá công chức cấp xã.

           Đánh giá để làm rõ năng lực, trình độ, kết quả công tác, phẩm chất đạo đức…của công chức cấp xã. Kết quả đánh giá đối với công chức cấp xã là cơ sở cho việc bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật…. công chức của cơ quan, địa phương. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để xác định nhu cầu, nội dung, chương trình đào tạo, chế độ đãi ngộ… phù hợp, nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ công chức cấp xã. Do đó, đánh giá đội ngũ cán bộ công chức cấp xã cần phải đặt trong các mối quan hệ cơ bản như: với chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; với các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể; với chức trách, nhiệm vụ được giao; với quần chúng nhân dân… Bất cứ người cán bộ, công chức nào cũng bị ràng buộc và phải giải quyết tốt các mối quan hệ đó. Tuy vậy, trước hết cần xem xét mức độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao, coi đây là căn cứ thực tiễn quan trọng để đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn của người công chức cấp xã. Sau đó, đặt họ trong các mối quan hệ còn lại để xem xét, đánh giá phẩm chất đạo đức, tư tưởng chính trị của người công chức cấp xã.

          Việc đánh giá công chức cấp xã cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát công chức cấp xã sẽ giúp phát hiện được những điểm mạnh, mặt tiêu cực, bất cập nảy sinh trong quá trình hoạt động. Qua đó, giúp cho việc kịp thời khen thưởng những nhân tố tích cực, xử lý những sai phạm nhằm phát huy nhân tố tích cực, đẩy lùi hạn chế, yếu kém tạo lập lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và chính quyền. Làm tốt công tác này sẽ nắm được thực trạng chất lượng công chức cấp xã để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hợp lý.

          Thứ ba, yếu tố chế độ, chính sách đối với công chức cấp xã.

          Chế độ, chính sách là công cụ điều tiết cực kỳ quan trọng trong quản lý xã hội, nó tác động mạnh mẽ đến hoạt động của con người. Chế độ, chính sách có thể mở đường, là động lực thúc đẩy tính tích cực, tài năng, sáng tạo, nhiệt tình, trách nhiệm của mỗi con người, nhưng cũng có thể kìm hãm hoạt động của con người, làm thui chột tài năng, sáng tạo, nhiệt tình trách nhiệm của mỗi con người. Vì vậy, chế độ chính sách là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công chức cấp xã. Có thể nói trong tình hình hiện nay việc đổi mới chế độ và chính sách đối với công chức cấp xã là khâu quan trọng có tính đột phá. Chế độ, chính sách đảm bảo về lợi ích vật chất bao gồm: tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy sự tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân cũng là động lực, điều kiện đảm bảo để họ phấn đấu nâng cao trình độ, năng lực trong việc hoàn thành tốt công việc được giao.

          Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên chăm lo tới quyền lợi chính đáng của công chức cấp xã, cần sử dụng đồng bộ các biện pháp khuyến khích cả về vật chất và tinh thần nhằm tạo động lực cho cán bộ công chức để họ yên tâm công tác và đem hết tài năng, sức lực cho công tác. Nếu chế độ, chính sách và vị thế quá thấp sẽ làm cho người công chức cấp xã không yên tâm trong công tác, không có nhiệt huyết với công việc, không có chí tiến thủ...

          Thứ tư, yếu tố quản lý, kiểm tra, giám sát.

          Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất công chức cấp xã. Thông qua công tác này có thể phát hiện được những tiêu cực, bất cập nảy sinh từ của công chức cấp xã trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời nắm chắc thông tin, diễn biến về tư tưởng, hoạt động của công chức giúp cho cấp ủy và người đứng đầu phát hiện các vấn đề nảy sinh để kịp thời điều chỉnh và tác động làm cho công chức cấp xã luôn hoạt động đúng mục tiêu, định hướng, đúng nguyên tắc nâng cao hiệu quả hoạt động. Thông qua quản lý, kiểm tra, giám sát sẽ giúp cơ quan có hình thức khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, ngăn chặn cái xấu, cái tiêu cực, phát huy những nhân tố tích cực; đồng thời nắm vững thực trạng chất lượng công chức và là cơ sở để làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng bố trí… công chức cấp xã một cách phù hợp. Đây chính là một trong những yếu tố có sự ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công chức cấp xã.

          Tóm lại, hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy nhà nước nói chung và chính quyền cơ sở nói riêng phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng công chức cấp xã. Do đó, việc nâng cao chất lượng cho công chức cấp xã là việc làm quan trọng, cần thiết. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần thực hiện tốt các hoạt động như: đào tạo, bồi dưỡng; đánh giá, chế độ chính sách; quản lý, kiểm tra, giám sát.. công chức cấp xã, vì đây là những yếu tố có sự ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công chức cấp xã./.

 

Hoàng Khắc Cương

Khoa Nhà nước và Pháp luật