• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
NHỮNG NHÂN TỐ CHỦ QUAN GÓP PHẦN HÌNH THÀNH NÊN BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ CỦA HỒ CHÍ MINH
Ngày xuất bản: 23/11/2020 8:07:00 SA
Lượt đọc: 15625

 

Bản lĩnh chính trị là tổng hợp những phẩm chất tích cực của một cá nhân hoặc một tổ chức được hình thành và bộc lộ trong đời sống chính trị, đảm bảo cho chủ thể đó giữ vững lập trường chính trị, kiên định mục tiêu lý tưởng trước mọi hoàn cảnh, vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ chính trị và tự khẳng định bản thân mình.

Bản lĩnh nói chung, bản lĩnh chính trị nói riêng không phải hình thành một cách ngẫu nhiên, tự phát, mà phải được rèn luyện một cách có ý thức trên cơ sở phát huy những nhân tố chủ quan kết hợp với các nhân tố khách quan. Sự hình thành bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh chính là qua con đường đó. Đó là quá trình tích hợp các nhân tố chủ quan và khách quan, quá trình Hồ Chí Minh không ngừng tự giác rèn luyện các phẩm chất cơ bản từ đạo đức, trí tuệ cho đến phương pháp, phong cách trên cơ sở phát huy các phẩm chất ưu việt của bản thân, đồng thời kết hợp với sự lựa chọn, kế thừa các giá trị tinh hoa của dân tộc, thời đại nhằm mục đích cao nhất là phục vụ hiệu quả sự nghiệp chính trị của Người.

Cả cuộc đời của chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng và bản lĩnh chính trị. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đối diện với những thời khắc đầy thử thách của lịch sử, gắn với vận mệnh sống còn của dân tộc, với bản lĩnh chính trị vững vàng, Người đã tìm mọi cách vượt qua và lãnh đạo thành công phong trào giải phóng dân tộc. Đó chính là những giá trị trường tồn, mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ sau này học tập và noi theo. Có thể thấy, bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh là tài năng, đức tính tự quyết định một cách độc lập thái độ, hành động, quan điểm của mình không vì áp lực bên ngoài mà thay đổi chính kiến với tinh thần dám chịu trách nhiệm trong toàn bộ quá trình tìm đường, mở đường, dẫn đường và thiết kế tương lai; là dám nghĩ đến những “nghịch lý táo bạo” trên cơ sở nhân cách và tài năng sẵn có, tạo cho Người có bản sắc riêng.

Bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh thể hiện:

- Bản lĩnh tìm đường, mở đường và dẫn đường, giải phóng dân tộc.

- Bản lĩnh giữ vững nền độc lập dân tộc.

- Bản lĩnh ngoại giao.

- Bản lĩnh thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng.

Sự hình thành bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh không thể thiếu vai trò của nhân tố chủ quan, xét đến cùng, đây là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành bản lĩnh chính trị của Hồ Chí Minh. Các nhân tố chủ quan tác động tới sự hình thành bản lĩnh chính của Hồ Chí Minh là:

Trước hết đó là tấm lòng yêu nước, thương dân vô bờ bến của Hồ Chí Minh. Tình cảm này sớm được hình thành ở Hồ Chí Minh khi người sinh ra và lớn lên trong một không gian văn hóa giàu bản sắc dân tộc của gia đình, quê hương và đất nước. Nó càng trở lên sâu sắc hơn khi Hồ Chí Minh sớm chứng kiến và dần hiểu được nỗi đau của dân tộc, của gia đình của đất nước, dân tộc đang bị chìm đắm trong đêm đen bởi ách thống trị của thực dân Pháp. Tinh thần yêu nước, thương dân ở Hồ Chí Minh thực sự là hành trang lớn nhất và động lực mạnh nhất để thôi thúc người ra nước ngoài để tìm đường cứu nước cứu dân. Cũng nhờ tinh thần yêu nước, thương nòi nồng nàn làm một điểm tựa vững chắc, Hồ Chí minh đã vượt qua bao khó khăn nguy hiểm trên hành trình tìm đường cứu nước, tái tạo lại hình ảnh đất nước và làm hồi sinh dân tộc. Tình yêu nước thương dân ở Hồ Chí Minh cũng là tiêu chí cơ bản để giúp Người phân biệt chân giá trị của các trào lưu tư tưởng, các học thuyết chính trị - xã hội trên hành trình tìm đường cứu nước, để đến được với học thuyết chân chính nhất, chắc chắn nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin. Yêu nước thương dân cũng là định hướng đúng đắn cho các chủ trương, chính sách mà Hồ Chí Minh đề ra. Cũng chính vì yêu nước, thương dân gắn bó mật thiết với nhân dân nên Hồ Chí Minh đã tổng kết những kinh nghiệm hay trong nhân dân, nắm bắt chính xác những yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân để đề ra các chủ trương biện pháp phù hợp trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bởi lẽ mục đích cao nhất của cuộc đời cách mạng Hồ Chí Minh không gì khác hơn là làm cho đất nước được độc lập, dân tộc được hưởng tự do hạnh phúc “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi, đấy là tất cả những gì tôi muốn; đấy là tất cả những gì tôi hiểu”[1]. Và trọn cuộc đời, Người đã nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi cho ham muốn tột cùng ấy.

Thứ hai, đó là trí tuệ minh mẫn, tư duy độc lập, sáng tạo, tinh thần ham hiểu biết, ham học hỏi của Hồ Chí Minh. Chính trí tuệ minh mẫn mà Hồ Chí Minh dù rất khâm phục những hành động xả thân cứu nước của các bậc tiền bối nhưng không tán thành về cách làm của họ, từ chối không tham gia vào phong trào Đông Du - một niềm vinh dự to lớn mà thanh niên thời đó không phải ai cũng có được, để rồi lựa chọn cho riêng mình một con đường - sang phương Tây đến tận sào huyệt của kẻ thù để tìm hiểu các kiến thức đánh bại kẻ thù, theo phương thức dùng văn hóa kẻ thù để chiến thắng kẻ thù. Cũng bởi trí tuệ minh mẫn và tinh thần ham hiểu biết ham học hỏi, Hồ Chí Minh đã kế thừa xuất sắc chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc và các giá trị truyền thống tốt đẹp khác, biết chắt lọc những tinh hoa, gạt bỏ những hạn chế trong tư tưởng yêu nước, giành độc lập tự do, hạnh phúc của các dân tộc phương Đông và phương Tây để làm phong phú thêm kho tàng tri thức của mình. Đồng thời sự nhạy cảm trong tư duy của Người cũng góp phần quan trọng cùng với việc xác định rõ tiêu chí cứu nước, cứu dân giúp Người tránh được những cơ hội cạm bẫy của các trào lưu tư tưởng cơ hội chủ nghĩa khi nó vẫn đang tồn tại khá phổ biến ở các nước Châu Âu và tìm đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn - điều mà nhiều nhà yêu nước Việt Nam thời đó dù đã cố công tìm kiếm ở phương Đông hay Phương Tây nhưng đã không làm được.

Trí tuệ sắc bén của Hồ Chí Minh càng được tiếp thêm sức mạnh vượt trội khi được phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác-Lênin soi sáng. Sự kết hợp này giúp cho Người luôn có sự phân tích, đánh giá đúng về bản chất của các sự vật, hiện tượng hay quá trình lịch sử, nhìn nhận chúng một cách toàn diện đang trong quá trình vận động và phát triển, trong mối quan hệ biện chứng giữ tính quy luật chung và tính cụ thể, đặc thù. Điều này giúp cho Người chẳng những định ra được những đường lối, chủ trương đúng đắn, phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của cách mạng Việt Nam mà còn luôn giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng, sự kiên định, vững vàng và ung dung, tự tại trong mọi tình huống. Người không bị khuất phục trước cường quyền hay những gian khó trong cuộc sống, đồng thời không nản lòng, hay lo ngại bị quy chụp, hiểu lầm từ những người bạn, người đồng chí, vì đã vượt qua những giáo điều không phù hợp với điều kiện cụ thể của dân tộc.

Thứ ba, đó là ý chí và nghị lực phi thường của Hồ Chí Minh. Truyền thống bất khuất của đất nước, quê hương, gia đình, tấm gương giàu ý chí và nghị lực của  người cha đã sớm hình thành lên ý chí và nghị lực của Hồ Chí Minh. Đặc biệt sự trải nghiệm qua bao đau thương, mất mát của gia đình ngay từ tuổi thơ ấu, khi mẹ và em bị mất sớm, cha bị triều đình cắt chức và bị triệu hồi về kinh đô Huế sau khi  xử phạt đòn roi đối với một tên cường hào tại địa bàn huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, thêm tôi luyện và tạo nên ở Hồ Chí Minh một ý chí và nghị lực phi thường. Ý chí và nghị lực phi thường càng được thổi bùng trong con người Hồ Chí Minh khi gắn kết chặt chẽ với tinh thần yêu nước nồng nàn và lòng thương dân sâu sắc. Trong hoàn cảnh một người dân thuộc địa trắng tay không được một sự hỗ trợ vật chất nào, không có bạn đồng hành trên đất khách quê người, nhưng Người vẫn quyết ra đi tìm đường cứu nước, dù biết rằng con đường phía trước là vô cùng chông gai. Ý chí và nghị lực này đã giúp Hồ Chí Minh đứng vững và vượt qua những khó khăn thử thách tưởng chừng như quá sức chịu đựng khi phải làm phụ bếp trên tàu thủy, hay khi phải đi cào tuyết giữa mùa đông giá lạnh để duy trì cuộc sống trên hành trình tìm đường cứu nước. Cũng nhờ ý chí và nghị lực này dù phải trải qua gần 10 năm tìm đường cứu nước đầy gian khổ, nhưng Người vẫn giữ vững niềm tin vào quyết định ban đầu của bản thân, không giao động, không bi quan, chản nản, để rồi cuối cùng đến được với chủ nghĩa Mác-Lênin - chân lý của thời đại tìm ra con đường cứu nước cứu dân. Trên tất cả, ý chí và nghị lực phi thường đã giúp Hồ Chí Minh vượt qua gian khổ của cuộc sống thường ngày, những hiểm nguy rình rập do sự lùng bắt của chính quyền thực dân và cả những thách thức do bị hiểu lầm, để lãnh đạo toàn đảng, toàn dân tộc làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng 8/1945 lịch sử, làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đến quốc Mỹ, viết lên những trang sử vẻ vang của dân tộc trong thể kỷ XX.

                                                       Th.s Tạ Thị Hảo

                                                       Khoa Xây dựng Đảng