• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
NGHIÊN CỨU THỰC TẾ, GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY CHO ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI
Ngày xuất bản: 14/03/2025 3:33:00 CH
Lượt đọc: 1094

 

Tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta. Một trong những nội dung cốt lõi, xuyên suốt trong Tư tưởng Hồ Chí Minh đó là nguyên tắc lý luận gắn liền với thực tiễn. Trong diễn văn khai mạc lớp học Lý luận, khóa I trường Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Người từng nói “lý luận phải liên hệ với thực tế”, “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[1]. Thấm nhuần lời dạy của Người, hiện nay nghiên cứu thực tế (NCTT) được xác định là một trong những nhiệm vụ của giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung và Trường Chính trị tỉnh Yên Bái nói riêng.

1. Lợi ích từ hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên đối với công tác giảng dạy

Nghiên cứu thực tế là một trong những nhiệm vụ cần thiết và quan trọng đối với giảng viên. Bởi hoạt động này sẽ giúp giảng viên có thể bổ sung kiến thức thực tiễn cho mỗi bài giảng của mình, gắn lý thuyết và thực tế, giúp bài giảng trở nên sinh động, thu hút.

Một trong những yêu cầu trong hoạt động giảng dạy của giảng viên ở trường chính trị tỉnh, thành phố là phải thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức mới, số liệu xác thực để bổ sung vào nội dung bài giảng và xử lý tốt các tình huống trong hoạt động chuyên môn. Do đó, thực hiện NCTT hiệu quả sẽ vừa đảm bảo nguyên tắc trong dạy và học lý luận là gắn lý luận với thực tiễn, vừa làm phong phú thêm các nội dung lý luận của bài giảng. Bởi thực tiễn ở cơ sở sẽ cung cấp cho giảng viên những tư liệu sống động, giúp cho người giảng viên nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn của mình, qua đó đối chứng, so sánh giữa thực tiễn với lý luận để bổ sung trong quá trình giảng dạy. Từ đó giúp cho giảng viên tự tin hơn khi đứng trên bục giảng.

Mặt khác, giảng dạy lý luận mà không gắn kết với thực tiễn sẽ tạo ra sự nhàm chán đối với người học. Trong giảng dạy nếu giảng viên kết hợp được giữa lý luận với tình hình và diễn biến thực tế ở các ngành, các địa phương, ở trong nước và có sự so sánh để minh họa, chứng minh, làm sáng tỏ những nguyên lý, nguyên tắc, quan điểm, lý luận thì sẽ giúp học viên tiếp thu được một cách hiệu quả nhất lượng kiến thức mà giảng viên truyền đạt. Khi kết hợp như vậy học viên sẽ cảm thấy dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn vì nó gắn liền với hoạt động thực tế, với công việc hàng ngày của học viên. Qua đó tạo được niềm tin và sự hưng phấn cho người học, tạo cho buổi lên lớp thêm hứng thú, hấp dẫn.

2. Thực tiễn hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên Trường Chính trị tỉnh Yên Bái

Việc nghiên cứu thực tế của giảng viên luôn được Ban Giám hiệu trường Chính trị tỉnh Yên Bái quan tâm và xem đây vừa là nhiệm vụ đồng thời là tiêu chí để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giảng viên hằng năm. Điều này được quy định ngay trong Bộ Quy chế quản lý đào tạo của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái. Trên cơ sở đó, hằng năm, Trường tổ chức cho đội ngũ giảng viên đi nghiên cứu thực tế cơ sở nhằm bổ sung kiến thức thực tiễn vào bài giảng.

Từ đầu năm, mỗi giảng viên căn cứ vào nhiệm vụ được giao để xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu thực tế của năm đó. Kế hoạch phải xác định được mục đích, nội dung, thời gian, địa điểm, cách thức, phương pháp… nghiên cứu, gửi về phòng Quản lý Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học tổng hợp trình Hiệu trưởng phê duyệt. Sau khi kế hoạch được phê duyệt, các Khoa, phòng triển khai và xây dựng kế hoạch của đơn cho giảng viên của đơn vị đi nghiên cứu thực tế.

Về hình thức đi NCTT của trường hiện nay khá linh hoạt: có năm giảng viên sẽ đăng ký đi theo khoa, có năm sẽ đăng ký đi theo nhóm do đồng chí lãnh đạo khoa, phòng làm trưởng nhóm, hoặc tự đi cá nhân trong trường hợp không bố trí được thời gian phù hợp đi với đoàn theo kế hoạch đã được phê duyệt. Mỗi nhóm, đoàn đi nghiên cứu thực tế chia thành 02 đợt, 01 đợt đi thực tế ở các xã đặc biệt khó khăn, 01 đợt  đi thực tế các xã còn lại. Sau khi kết thúc thời gian nghiên cứu thực tế trong vòng 15 ngày, mỗi giảng viên phải có báo cáo thu hoạch gửi về Phòng Quản lý Đào tạo và Nghiên cứu Khoa học để Ban giám hiệu đánh giá theo quy định.

Nội dung báo cáo nêu rõ những kết quả thu hoạch được, cụ thể: Đánh giá thực trạng vấn đề nghiên cứu (kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân); đề xuất giải pháp kiến nghị với địa phương, cơ quan, đơn vị; vận dụng kết quả NCTT vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Qua hoạt động NCTT ở cơ sở đã giúp cho đội ngũ giảng viên của Trường tiếp cận được nhiều thông tin sinh động từ thực tiễn, kịp thời bổ sung, cập nhật vào bài giảng và hoạt động nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu gắn lý luận với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của chính bản thân người giảng viên nói riêng và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường nói chung. Cũng chính thông qua những lần đi NCTT đã giúp cho giảng viên có điều kiện tiếp xúc với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ sở, qua đó nắm bắt và chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn mà cơ sở gặp phải trong hoạt động thực tiễn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác NCTT của giảng viên ở Trường Chính trị tỉnh Yên Bái vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định:

Thứ nhất, do yêu cầu của công tác giảng dạy và điều kiện của nhà trường nên việc sắp xếp và thực hiện nghiên cứu thực tế của giảng viên chưa đảm bảo về thời gian đi NCTT theo quy định của Quy chế. Thời gian nghiên cứu còn ít, mỗi giảng viên trong từng nhóm, đoàn đi NCTT lại đăng ký nhiều chủ đề nghiên cứu khác nhau nên giảng viên hầu như nghe báo cáo tổng hợp tình hình kinh tế - xã hội từ địa phương là chủ yếu, theo đó việc nắm được các thông tin chi tiết cụ thể cho từng chủ đề mà giảng viên đã đăng ký còn hạn chế và chưa đảm bảo sự bao quát, chi tiết. Chưa dành thời gian cần thiết để trao đổi thông tin, đối chứng lý luận với thực tiễn tại địa phương.

Thứ hai, một số giảng viên vì nhiều lý do không thể sắp xếp, bố trí đi NCTT theo đoàn phải lựa chọn đi NCTT theo hình thức cá nhân. Do đó, việc tự đi NCTT tới những địa phương nhất là các địa phương ở khu vực vùng sâu vùng xa sẽ gặp khó khăn trong việc đi lại và thu thập thông tin.

Thứ ba, sau thời gian đi nghiên cứu thực tế, mỗi giảng viên phải có báo cáo thu hoạch và Ban giám hiệu nhà trường đánh giá. Tuy nhiên, chất lượng một số báo cáo chưa cao và phải chỉnh sửa nhiều mới đạt yêu cầu.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả nghiên cứu thực tế, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Yên Bái

Qua thực tiễn trên, để nâng cao hiệu quả NCTT, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Yên Bái cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên về công tác nghiên cứu thực tế. Xuất phát từ những đòi hỏi ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là không chỉ trang bị cho học viên những hệ thống kiến thức lý luận mà quan trọng hơn là từ hệ thống lý luận đó để vận dụng vào giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tế công việc. Có như vậy bài giảng mới trở nên thu hút, hấp dẫn. Vì vậy, mỗi giảng viên cần phải nhận thức rằng chính mình vừa là chủ thể của hoạt động nghiên cứu thực tế vừa là người hưởng thụ kết quả tổng kết thực tiễn đó để phục vụ cho nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mình. Từ đó, mỗi giảng viên cần chủ động ngay từ khâu đăng ký, xây dựng kế hoạch của cá nhân trong năm, chủ động đề xuất nội dung, địa điểm, thời gian NCTT... Giảng viên cần có tinh thần, thái độ nghiên cứu nghiêm túc, cầu thị trong quá trình NCTT, nhất là đội ngũ giảng viên trẻ cần rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, thu thập thông tin. Kết thúc hoạt động NCTT, giảng viên chủ động làm báo cáo kết quả NCTT, tổng kết thực tiễn của cá nhân, tránh cách làm hình thức, qua loa.

Thứ hai, cần thiết đánh giá phân hạng các mức chất lượng của báo cáo NCTT thay vì chỉ đánh giá đạt như hiện nay. Việc đánh giá phân hạng chất lượng báo cáo NCTT sẽ có tác dụng khích lệ giảng viên thi đua, đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng, chất lượng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, góp phần nâng cao uy tín của Nhà trường.

Thứ ba, kết thúc việc đi NCTT, ngoài báo cáo cá nhân của giảng viên, hằng năm Ban giám hiệu Trường cần tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm đối với hoạt động NCTT của năm. Thông qua đó, cán bộ, giảng viên nhận thức được những mặt được và chưa được của mỗi đợt đi NCTT; giúp cho giảng viên được trao đổi kinh nghiệm, trình bày những thuận lợi, khó khăn trong quá trình đi NCTT và đề xuất giải pháp khắc phục hoặc đề đạt, kiến nghị nguyện vọng với Ban Giám hiệu Nhà trường, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhằm nâng cao chất lượng công tác NCTT.

Hoạt động nghiên cứu thực tế là một nhiệm vụ có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với giảng viên. Thông qua hoạt động nghiên cứu thực tế giúp cho giảng viên có thêm nhiều kiến thức thực tiễn, từ đó gắn kết kiến thức lý luận với thực tiễn làm cho bài giảng ngày càng sinh động hơn, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên.

ThS. Phạm Thị Ngọc Ánh

Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng