• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP, VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở KHOA NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 07/02/2023 1:36:00 CH
Lượt đọc: 8440

 

Đại hội XIII của Đảng họp từ ngày 25-01-2021 đến ngày 01- 02-2021 tại Thủ đô Hà Nội. Sau Đại hội XIII của Đảng, công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết là một trong những nhiệm vụ quan trọng là đưa chủ trương, đường lối của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, để Nghị quyết của Đảng thấm sâu vào cuộc sống. Bài viết này sẽ trình bày nghiên cứu các quan điểm, đường lối của Đảng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng để liên hệ, vận dụng vào công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Khoa Nhà nước và Pháp luật, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới ở Trường Chính trị tỉnh Yên Bái hiện nay. Nghiên cứu, học tập và vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng giúp đội ngũ giảng viên của Khoa thấy rõ tính định hướng chính trị, giá trị, ý nghĩa của Nghị quyết và vận dụng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu, học tập, vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào từng phần học, bài học cụ thể; vận dụng những điểm mới trong Nghị quyết để bổ sung vào nội dung bài giảng theo hướng chọn lọc, thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng người học; tránh hiện tượng vận dụng chung chung, trích dẫn một cách hình thức, không sát với nội dung bài giảng. Bên cạnh đó, chú trọng tính định hướng chính trị, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết tình huống thực tiễn cho học viên.

            1. Những điểm mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng liên quan đến nội dung các phần học do Khoa Nhà nước và Pháp luật phụ trách giảng dạy trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị

Khoa Nhà nước và Pháp Luật với chức năng nhiệm vụ là tham mưu cho Ban Giám hiệu và trực tiếp giảng dạy phần học; Những vấn đề cơ bản về hệ thống chính trị, nhà nước, pháp luật; Quản lý hành chính nhà nước; Kỹ năng lãnh đạo quản lý. Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn địa phương phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Ban Giám hiệu Nhà trường.

    Từ ngày 15-5-2021, để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện chương trình đào tạo hệ Trung cấp lý luận chính trị mới do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành, Chi bộ và lãnh đạo Khoa Nhà nước và Pháp luật đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo trường phân công bài giảng cho giảng viên, chỉ đạo hướng dẫn giảng viên soạn giáo án để thẩm định và trình lãnh đạo trường phê duyệt; trong quá trình soạn giảng, việc nghiên cứu và vận dụng nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là rất quan trọng và cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị của trường.

Hiện nay, đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, yêu cầu, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân đặt ra rất cấp bách. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh việc cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục xây dựng nền hành chính nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là quyết tâm chính trị đã được Đại hội XIII của Đảng khẳng định, cần được quán triệt đầy đủ từ nhận thức đến hành động trong thời gian tới. Trong đó, trọng tâm là xây dựng bộ máy hành chỉnh nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chỉnh, phục vụ Nhân dân.

Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ là hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh; cải cách tư pháp, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội... Trong tổ chức và hoạt động của một nhà nước, ở các mức độ khác nhau đều có sự phân cấp, phân quyền. Nhà nước càng hiện đại, thì phân cấp, phân quyền càng hoàn thiện. Đây cũng là xu hướng chung, xu hướng này càng phát triển, khi năng lực quản trị của Nhà nước được nâng lên, nền kinh tế thị trường hiện đại dần được hoàn thiện, quyền làm chủ của người dân được đảm bảo trên thực tế, quyền tự chủ của cơ sở được mở rộng, đó cũng là quá trình hoàn thiện. Đây cũng là một đặc điểm của Nhà nước pháp quyền nói chung và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nói riêng.

            2. Vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Khoa Nhà nước và Pháp luật hiện nay

Một là, đối với cấp ủy chi bộ và cán bộ quản lý của Khoa cần nhận thức đúng, xác định rõ nhiệm vụ của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, chủ trì và chịu trách nhiệm về chất lượng công tác tuyên truyền, học tập, quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chi bộ ra nghị quyết hàng tháng, nghị quyết chuyên đề về công tác nghiên cứu, học tập, vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Giao cho cán bộ quản lý của Khoa chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết chi bộ. Chi bộ tổ chức động viên, khuyến khích đồng thời kiểm tra, giám sát đảng viên, giảng viên trong việc thực hiện nghị quyết đề ra. Quản lý của Khoa chịu trách nhiệm tổ chức cho giảng viên thực hiện nội dung nghị quyết bằng kế hoạch cụ thể, hướng dẫn rõ ràng, kiểm tra đánh giá hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ giao cho các giảng viên.

Để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện chương trình đào tạo hệ Trung cấp lý luận chính trị mới do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành, Chi bộ và lãnh đạo Khoa Nhà nước và Pháp luật đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo trường phân công bài giảng cho giảng viên, chỉ đạo hướng dẫn giảng viên soạn giáo án để thẩm định và trình lãnh đạo trường phê duyệt; trong quá trình soạn giảng, việc nghiên cứu và vận dụng nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là rất quan trọng và cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị của trường.

Hai là, đối với giảng viên của Khoa, cần nhận thức rõ vai trò của mình trong việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập, vận dụng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào giảng dạy. Để nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học yêu cầu giảng viên phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận sâu sắc, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm sống phong phú, hiểu biết rộng, am hiểu công nghệ thông tin để có đủ năng lực nghiên cứu, học tập, vận dụng Nghị quyết Đại hội vào bài giảng của mình. Bên cạnh đó, giảng viên còn phải tìm hiểu, nghiên cứu những nội dung của Nghị quyết thật công phu, cẩn trọng; tìm tòi những điểm mới so với những nghị quyết của các đại hội nhiệm kỳ trước. Ví dụ như: những điểm mới trong chủ đề Đại hội XIII đáng chú ý là: (1) bổ sung xây dựng hệ thống chính trị vào nội dung xây dựng Đảng thành “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”; (2) nêu “khát vọng phát triển đất nước”; (3) xác định mục tiêu “đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; những điểm mới trong dự báo tình hình thế giới và trong nước; điểm mới trong hệ quan điểm chỉ đạo; điểm mới trong cách tiếp cận xác định mục tiêu; điểm mới trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.... Bên cạnh đó phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, những nội dung cốt lõi, những vấn đề tinh túy nhất, hồn cốt nhất của Nghị quyết để sát với nội dung bài giảng, của phần học mà giảng viên được phân công như các phần học “quản lý hành chính nhà nước”, “nhà nước và pháp luật”, “kỹ năng lãnh đạo quản lý”, cũng như sát với thực tế của ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn, phù hợp với đối tượng học viên của trường hiện nay đang công tác ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Ba là, đối với học viên các lớp Trung cấp lý luận chính trị, giảng viên của Khoa trong quá trình lên lớp thực hiện bài giảng của mình cần tổ chức hướng dẫn học viên chủ động nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng, đó vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của mỗi học viên. Đây không chỉ là khâu đầu tiên mà còn là điều kiện, là tiền đề để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Để nâng cao chất lượng dạy và học, giảng viên ngoài giảng lý thuyết, lý luận thì cần định hướng vào hoạt động thực tiễn của học viên gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị, cơ sở... từ đó giúp cho học viên xây dựng được phương hướng hành động và thấy được trách nhiệm của mỗi học viên trong việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

Bốn là, đối với việc triển khai bài giảng tại các lớp đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị của trường. Việc sử dụng nội dung và lựa chọn phương pháp giảng dạy nhất thiết phải phù hợp với từng đối tượng học viên. Với mỗi đối tượng học viên có trình độ học vấn khác nhau; nghề nghiệp khác nhau; giới tính, lứa tuổi khác nhau; nhu cầu, động cơ, thái độ học tập cũng có điểm khác nhau nên khả năng vận dụng nội dung bài giảng phục vụ cho nhu cầu công việc cũng khác nhau. Nội dung giảng dạy dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cần phân tích sâu về lý luận và định hướng vận dụng vào thực tiễn nhưng cũng cần thiết thực, ngắn gọn sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Làm tốt những nội dung trên, việc vận dụng hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ở khoa Nhà nước và Pháp luật vào các bài giảng và hoạt động nghiên cứ khoa học sẽ nâng cao chất lượng đào tạo chương trình Trung cấp lý luận chính trị góp phần xây dựng Nhà trường ngày càng phát triển; xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng giàu mạnh và văn minh.

Đinh Anh Tuấn: Phó khoa NN và Pháp luật