Tư tưởng Hồ Chí Minh là kho tàng quý báu của Đảng và dân tộc Việt Nam, được hình thành và phát triển, đáp ứng đòi hỏi tất yếu khách quan của dân tộc và thời đại, trong tình hình thực tiễn hiện nay những tư tưởng đó vẫn là một trong những giá trị bền vững và đúng đắn, góp phần tạo nền tảng tư tưởng, cơ sở khoa học để Đảng ta quán triệt, vận dụng trong công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo cách mạng, bảo đảm cho Đảng ta luôn xứng đáng là lực lượng chính trị lãnh đạo toàn xã hội, nhân tố có ý nghĩa quyết định để cách mạng thắng lợi.
Một trong những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đội ngũ cán bộ, các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước phải nắm vững chính là nghệ thuật dùng người. Trong nghệ thuật dùng người, điều đầu tiên Người nêu ra đó là phải biết đào tạo họ, bởi vì, năng lực cán bộ tầm cao trí tuệ của họ do bẩm sinh thì ít, do giáo dục và tự giáo dục qua trường lớp, qua thực tiễn thì nhiều. Chủ tịch Hồ Chí Minh không xem nhẹ yếu tố tự giáo dục của mỗi người, nhưng xuất phát từ góc độ trách nhiệm lãnh đạo của Đảng, Người thường đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải dạy dỗ, giáo dục cán bộ để nâng cao phẩm chất, tư cách đạo đức, năng lực trí tuệ, năng lực hành động cho cán bộ.
Nghệ thuật dùng người còn ở chỗ: “Xem người ấy xứng đáng việc gì. nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc”[1]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người có đức, có tài trong nhân dân không thiếu. Nơi nào mà cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt thì có nhiều cán bộ mới năng lực và công việc rất dễ phát triển. Trái lại, nơi nào cán bộ cấp trên không biết lựa chọn, dìu dắt thì thiếu người mà công việc cứ luộm thuộm. Yêu cầu sử dụng cán bộ chỉ đạt được khi người lãnh đạo nắm bắt được sở trường và sở đoản của từng cán bộ trong phạm vi lãnh đạo của mình. Cùng với điều đó, Đảng cần có chính sách để mỗi cán bộ yên tâm, phấn khởi, phát huy hết năng lực của mình trong lĩnh vực mà cán bộ đó có khả năng làm việc tốt nhất. Nghệ thuật dùng người trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở chỗ biết cất nhắc cán bộ đúng lúc và đúng chỗ, kinh nghiệm thực tế cho thấy được cất nhắc đúng lúc và đúng chỗ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ phát huy năng lực của mình. Vấn đề không được giải quyết kịp thời sẽ có thể biến cán bộ tốt thành xấu, kìm hãm năng lực sáng tạo của mình. Tức là cán bộ lãnh đạo, phải thấy rõ được mặt mạnh, mặt yếu của cán bộ. “Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ”[2]. Do vậy, thái độ cầu toàn cũng như việc tuyệt đối hóa mặt mạnh hay mặt yếu của cán bộ đều xa lạ với quan điểm dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một khi đã sa vào một trong những sai lầm đó sẽ làm xuất hiện tình trạng thiếu cán bộ một cách giả tạo, làm giảm năng lực trí tuệ của Đảng cũng như hạn chế tối đa hiệu quả lãnh đạo đối với tiến trình cách mạng, nhất là trong thời đại hiện nay khi đất nước ta đang thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thì việc sử dụng đúng cán bộ sẽ càng làm tăng năng xuất hiệu quả lao động và sáng tạo trong việc thực hiện những mục tiêu trước mắt và lâu dài của Đảng.
Tin tưởng vào cán bộ, mạnh dạn giao việc cho cán bộ cũng là một nhân tố quan trọng trong nghệ thuật dùng người. “Thả cho họ làm, thả cho phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ”[3]. Lãnh đạo, dìu dắt cán bộ để nâng cao năng lực trí tuệ, năng lực chỉ đạo thực tiễn của họ hoàn toàn không đồng nghĩa với việc dắt tay cán bộ dẫn họ đi từng bước một, bày vẽ quá chi tiết những thao tác cụ thể…làm như vậy lâu dần sẽ hình thành ở cán bộ tính ỷ lại, trông chờ, đẩy họ vào tình trạng hoàn toàn thụ động, tiềm năng sáng tạo của họ sẽ không được phát huy. Tuy nhiên nói như vậy, chúng ta không nên hiểu sai trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ‘thả cho họ làm” không có nghĩa là buông trôi, bỏ mặc một cách vô trách nhiệm mà, phải biết định hướng công tác cho họ, bồi dưỡng cho họ phương thức làm việc để họ phát triển năng lực và sáng kiến của mình.
Vận dụng nghệ thuật dùng người của Bác, trong các Đại hội gần đây, Đảng ta đều khẳng định sự cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện cơ chế sử dụng nhân tài. Đến Đại hội XIII, Đảng chủ trương “có cơ chế đột phá thu hút, trọng dụng nhân tài”[4]. Người đứng đầu phải chú trọng xây dựng môi trường làm việc dân chủ, chuyên nghiệp, thân thiện, không đố kỵ, có chế độ thông tin kịp thời, sử dụng đúng người, đúng việc. Tạo môi trường làm việc phù hợp, thuận lợi cho những người tài phát huy năng lực. Người lãnh đạo cũng phải biết bảo vệ nhân tài, phải có cơ chế kiểm soát và ràng buộc trách nhiệm để người đứng đầu không thể lợi dụng chính sách thu hút nhân tài mà vụ lợi cá nhân.
Công tác quy hoạch cán bộ cần tiếp tục đổi mới theo hướng xây dựng “Thị trường nhân tài” dồi dào, phong phú từ nhiều nguồn trong xã hội. Quy hoạch đúng để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí điều động, luân chuyển, bổ nhiệm… sử dụng đúng người đúng việc, đúng lúc đúng tầm. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Chú trọng cơ cấu hợp lý, sớm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số ở các cấp nhất là cơ sở”[5]. Cơ cấu, biên chế cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý vừa khai thác được những yếu tố đặc thù, sở trường, thế mạnh của cán bộ; sự phù hợp giữa cá nhân, tổ chức, đặc điểm môi trường làm việc, tính chất công việc; vừa đảm bảo sự công bằng, bình đẳng, đa dạng, đoàn kết, hài hòa giữa các lĩnh vực, các vùng miền, dân tộc; vừa đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác phát triển đội ngũ cán bộ công chức…
Trong giai đoạn đổi mới đất nước hiện nay, vấn đề bồi dưỡng, sử dụng phát triển nhân tài là một trong những nhân tố quan trọng có tính chất quyết định đến sự thành công của các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra. Quan điểm về nghệ thuật dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bài học vô giá trong thực tiễn để Đảng ta có những chủ trương, chính sách đúng trong thực hiện công tác cán bộ thời kỳ hội nhập quốc tế.
Ths. Đặng Ngọc Bích
Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia , H.2000, t.5, tr.274
[2]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, t.5, tr.274
[3]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Chính trị quốc gia, H. 2000, t.5, tr.175
[4]ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.110
Tin khác