• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
NGÀY QUỐC KHÁNH 2/9: GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, Ý NGHĨA TRƯỜNG TỒN CỦA TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
Ngày xuất bản: 26/08/2024 10:44:00 SA
Lượt đọc: 899

 

 

          Ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân và toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước do nhân dân làm chủ đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Bản Tuyên ngôn độc lập có giá trị lịch sử to lớn, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. 

            Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua các cao trào cách mạng (1930-1931; 1936-1939) cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ về lực lượng do vậy “khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”, “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”. Đó là thực tế lịch sử vô cùng oanh liệt, hào hùng của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Tuyên ngôn độc lập đã tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với thực dân Pháp xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký ở Việt Nam, những đặc quyền mà Pháp yêu cầu ở Việt Nam đã không còn có hiệu lực. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”. Đó là một sự khẳng định cho tinh thần đấu tranh anh dũng, quật cường của nhân dân ta, không chỉ đứng lên đấu tranh giải phóng mình mà còn góp phần trong cuộc đấu tranh chung của nhân loại chống phát xít. Do vậy “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Sự khẳng định ấy thể hiện ý chí và khát vọng của cả một dân tộc quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập, tự do của dân tộc, đó cũng là sự thể hiện rõ nét truyền thống đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam

 Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập có ý nghĩa khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tức là tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới về sự hiện hữu của một nhà nước mới, một giá trị mới, thành quả của cuộc cách mạng giành chính quyền. Từ đây, Chính phủ lâm thời Việt Nam đã có được một địa vị hợp pháp trong điều hành, quản lý đất nước và Việt Nam với Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng về quyền của các dân tộc có giá trị đóng góp vào sự phát triển nền pháp lý tiến bộ của loài người.

           Toàn văn bản "Tuyên ngôn độc lập" chỉ có 1120 từ, sắp xếp trong 49 câu, nhưng hàm chứa một nội dung to lớn và sâu sắc. Đó là sự đúc kết cao nhất, cô đọng nhất nội dung cuộc Cách mạng Tháng Tám - cuộc cách mạng đã đem lại một biến đổi chưa từng có trong lịch sử nhằm xây dựng một xã hội tương lai không có áp bức bóc lột, đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước tự do độc lập. "Tuyên ngôn độc lập" mang giá trị lịch sử và thời đại to lớn, được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:

            Thứ nhất, "Tuyên ngôn độc lập" là sự nối tiếp truyền thống yêu nước của dân tộc, thể hiện khát vọng độc lập tự do của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta".[1] Truyền thống yêu nước được thể hiện ở tình yêu quê hương, đất nước, là sự khẳng định lịch sử riêng và bản sắc văn hoá riêng của dân tộc, khẳng định về độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia..., truyền thống yêu nước này chính là những tư tưởng nền tảng, tư tưởng nội sinh góp phần hình thành nên tư tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do được khái quát trong bản Tuyên ngôn bất hủ.

"Tuyên ngôn độc lập" là kết quả của sự phấn đấu, hy sinh, bất khuất của dân tộc Việt Nam hơn 80 năm qua, là kết tinh thành quả của tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững tự do và độc lập ấy"[2].

Thứ hai, "Tuyên ngôn độc lập" đã đặt cơ sở pháp lý cho sự ra đời nhà nước  Việt Nam mới -  nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc .

Sau khi giành được chính quyền trong cả nước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố với quốc dân đồng bào và với thế giới về sự khai sinh của nhà nước Việt Nam mới, qua đó biểu dương lực lượng và ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm giữ vững nền tự do, độc lập của mình. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên để xây dựng nhà nước hợp hiến và hợp pháp. Đồng thời là cơ sở để các nước trên thế giới công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định với thế giới cơ sở pháp lý về quyền được hưởng tự do độc lập của dân tộc Việt Nam, đồng thời qua đó đóng góp vào sự phát triển nền pháp lý dân chủ và tiến bộ của loài người trong thời đại ngày nay.

  Thứ ba, “Tuyên ngôn độc lập” là sự tiếp nối hành trình đấu tranh vì quyền con người, quyền của dân tộc và sự phát triển, tiến bộ của nhân loại.

Trong “Tuyên ngôn độc lập” Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn và trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ 1776: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”và trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Và người khẳng định:  “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.[3]  Như vậy, Người đã nâng quyền tự nhiên của con người lên quyền dân tộc và gắn chặt chẽ quyền con người với quyền dân tộc. Với bản “Tuyên ngôn Độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền tảng cho một trật tự và pháp lý quốc tế mới về quyền con người, quyền dân tộc và sự bình đẳng giữa các quốc gia - dân tộc.  Đây chính là sự khẳng định về con đường của cách mạng Việt Nam, đó là giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc khỏi áp bức bất công.

Trong giai đoạn hiện nay, trước sự biến đổi to lớn của tình hình trong nước và thế giới, những nội dung cơ bản của Tuyên ngôn độc lập vẫn còn nguyên giá trị. Phát huy tinh thần của “Tuyên ngôn Độc lập”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững nền độc lập, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa[4].Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta cũng luôn quan tâm thực hiện, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, thể hiện nhất quán trong từng chủ trương và chính sách phát triển. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng chỉ rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.[5] 

Đất nước ta đã trải qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, góp phần tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức với những âm mưu diễn biến hòa bình, các chiêu bài dân tộc, dân chủ, tôn giáo, nhân quyền, chủ quyền… nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới ở nước ta… hơn lúc nào hết chúng ta vẫn thấy được tinh thần của Tuyên ngôn độc lập để Việt Nam tiếp tục kiên định lập trường trước sau như một trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Đó chính là sự kế thừa và tiếp nối ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam, của những giá trị mà Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”. Vì thế, các thế hệ người Việt Nam hôm nay luôn tự hào về những thành quả cách mạng của cha ông đã giành được, đồng thời phải có nghĩa vụ, trách nhiệm đem hết tâm trí và sức lực để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Tóm lại, "Tuyên ngôn độc lập"  thực sự là một bản Tuyên ngôn bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, kết tinh yếu tố truyền thống của dân tộc với yếu tố thời đại. Hiện nay thế giới đã trải qua rất nhiều biến động, đất nước ta cũng đã đổi thay sâu sắc sau 78 năm kể từ ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thế nhưng, những giá trị cốt lõi mà Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 khẳng định vẫn giữ nguyên sức sống và ý nghĩa thời đại. Tư tưởng về quyền tự do, độc lập, hạnh phúc của mỗi cá nhân và dân tộc, về sự bình đẳng giữa các dân tộc, về tinh thần đoàn kết, yêu nước... vẫn là ngọn lửa soi sáng cho con đường đi lên của dân tộc ta. Tuyên ngôn không chỉ là bản tuyên bố lịch sử, mà còn là kim chỉ nam cho các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hướng tới một tương lai tươi sáng, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."

 

Ths. Nguyễn Quý Dũng

Giảng viên khoa Xây Dựng Đảng

 

 



[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004 t.6, tr.171

[2]Hồ Chí Minh toàn tập,Nxb Chính trị quốc gia, 2004, t.4, tr.4

[3]Hồ Chí Minh toàn tập,Nxb Chính trị quốc gia, 2004, t.4, tr.1

[4]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.147