• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
NGƯỜI GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ YÊN BÁI TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN THEO PHONG CÁCH DIỄN ĐẠT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐỂ HOÀN THÀNH MỌI NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO
Ngày xuất bản: 22/03/2021 2:55:00 CH
Lượt đọc: 12494

 

Phong cách Hồ Chí Minh xuất phát từ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của Người; là sự kết tinh của truyền thống văn hoá dân tộc với tinh hoa văn hoá của nhân loại, luôn là tấm gương cho chúng ta học tập và làm theo. Phong cách tư duy, phong cách diễn đạt, phong cách làm việc, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt là năm mặt chủ yếu tạo thành hệ thống phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, phong cách diễn đạt là một trong những nét đẹp riêng, độc đáo và có giá trị to lớn đối với việc tu dưỡng, rèn luyện phương pháp diễn đạt (nói và viết) của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và giảng viên Trường Chính trị Yên Bái   nói riêng.

Phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh thể hiện rõ nhất qua cách nói và viết. Phong cách diễn đạt của Người có một số đặc trưng như:

Thứ nhất, cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực. Cách diễn đạt trong các bài nói, bài viết của Người rất mộc mạc, ngắn gọn trong sáng, giản dị, khúc triết và dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người nghe. Người luôn căn dặn chúng ta, bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nói/viết để làm gì? và “Nói/viết cái gì?”. Hồ Chí Minh dạy rằng: “Chúng ta muốn tuyên truyền quần chúng, phải học cách nói của quần chúng. Vì cách nói của quần chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực, mà lại rất giản đơn. Anh em đi tuyên truyền chưa học cách nói đó, cho nên khi viết, khi nói khô khan, cứng nhắc, không hoạt bát, không thiết thực”.

Thứ hai, trong phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang đậm tính chân thực, cô đọng, hàm súc, có lượng thông tin cao. Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính chân thực trong mỗi bài nói, bài viết của mình đối với từng đối tượng. Những thông tin trong bài nói, bài viết của Người luôn có tính xác thực cao, có nhiều số liệu thực tế. Người luôn chọn lọc từ ngữ trong quá trình sử dụng để sao cho “lời ít nhưng ý nhiều”, đặc biệt Người ưu tiên lựa chọn và sử dụng những từ thuần Việt nhằm không ngừng làm trong sáng tiếng nói của dân tộc. Người thường nhắc nhở và khuyên mọi người phải chữa cho hết bệnh nói dài, viết rỗng. Bất kỳ làm việc gì cũng phải có chừng mực, viết và nói cũng vậy. Chớ ham dùng chữ, bệnh sính chữ nước ngoài, những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng, những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta.

Thứ ba, cách nói, cách viết sinh động, độc đáo, đa dạng về bút pháp, giàu hình ảnh, ngôn từ ngắn gọn, súc tích, gắn với những hình ảnh, sự ví von, so sánh cụ thể. Khi nói, khi viết, Bác Hồ thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần điệu, làm cho bài nói hay bài viết trở nên sinh động, gần gũi với lối cảm, lốì nghĩ của quần chúng. Người dùng hình ảnh “con đỉa hai vòi” để nói về bản chất của chủ nghĩa đế quốc; ví “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn”; “Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ”; người đọc nhiều lý luận mà không biết đem thực hành, vận dụng chỉ là “cái hòm đựng sách”...

Thứ tư, Phong cách diễn đạt luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng, lập luận chặt chẽ, lý lẽ đanh thép, luận điểm, luận cứ thuyết phục, giàu tính luận chiến dù đó là các bức thư, lời kêu gọi hay bài báo… Trong cách nói và viết, Người kết hợp hài hòa cái dân gian và cái bác học, cái cổ điển và cái hiện đại, giữa phong cách phương Đông và phong cách phương Tây. Những lời khuyên và chỉ bảo của Bác cũng như phong cách nói và viết đã vượt qua giới hạn của kỹ năng sử dụng ngôn ngữ đơn thuần, trở thành một nghệ thuật giàu khả năng chinh phục, thấm sâu vào lòng người đọc, người nghe. Đây chính là những bài học quý báu mà Người đã để lại cho các thế hệ cán bộ, đảng viên chúng ta, nhất là những người làm công tác giảng dạy lý luận chính trị trong trường Đảng.  Bởi lẽ, người giảng viên Trường Chính trị có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ sở, nếu không có kỹ năng diễn đạt thì công tác giảng dạy  sẽ rất hạn chế.

Trường Chính trị tỉnh Yên Bái với chức năng, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ công chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch của Tỉnh ủy. Đối tượng học viên của Nhà trường là các cán bộ lãnh đạo, quản lý nên mỗi cán bộ, giảng viên phải xây dựng phong cách diễn đạt của mình cho phù hợp.

 Học tập phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh phải trả lời được câu hỏi: nói, viết cái gì? cho ai? để làm gì và như thế nào? Sau khi xác định đúng đối tượng, phải đặt rõ chủ đề để từ đó xác định mục đích và cách thể hiện (phương pháp). Chủ đề, đối tượng, mục đích quyết định cách thể hiện, cách thể hiện làm cho nội dung nói và viết đúng chủ đề, đúng đối tượng và đạt mục đích của việc nói và viết. Nếu không xác định rõ đối tượng, chủ đề, mục đích và tìm được cách thể hiện phù hợp, thì bài giảng, bài viết đều không có tác dụng và trở thành vô nghĩa.Việc học tập và làm theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất thiết thực đối với đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, người giảng viên khi diễn đạt cần chân thực, nói đúng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; tìm kiếm thông tin chính thống, không tuyên truyền những thông tin trái chiều, thổi phồng sự thật của các thế lực thù địch, không nhìn hiện tượng đánh giá bản chất. Trong quá trình giảng dạy cần sử dụng ngôn ngữ cho phù hợp với đối tượng, không làm trừu tượng hóa, phức tạp hoá vấn đề, nghiên cứu kỹ về đối tượng phục vụ, nắm bắt những đặc điểm cơ bản của các địa phương để có những ví dụ phong phú tạo sự hưng phấn cho người học. Trong diễn đạt cần giản dị, nhưng không dễ dãi, cẩu thả, không nói cụt. Sử dụng ngôn ngữ cơ thể, học cách nói của quần chúng.

Phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng, dân tộc ta; là tấm gương sáng để mỗi người có thể học tập và noi theo. Vì vậy, việc tu dưỡng, rèn luyện theo phong cách của Bác có tính quyết định đến chất lượng của đội ngũ giảng viên Nhà trường. Vậy nên, bản thân mỗi giảng viên Trường Chính trị Yên Bái cần nâng cao trách nhiệm, nghiêm túc học tập, gắn với làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh nói chung, trong đó có phong cách diễn đạt để góp phần nâng cao năng lực giảng dạy, xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”.

Từ Thị Thoa – Khoa Lý luận cơ sở