• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY CỦA ĐẢNG VIÊN TRONG CHI BỘ KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ, TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 08/05/2020 8:26:00 SA
Lượt đọc: 18895

             Chất lượng giảng dạy được đánh giá thông qua chất lượng sản phẩm đào tạo. Chất lượng đào tạo không chỉ là điểm số mà học viên đạt được trong toàn khóa học, mà còn là sự vận dụng và hình thành các kỹ năng cơ bản để phục vụ trong công tác của mỗi người ở cơ quan, đơn vị sau khi kết thúc khóa học. Do đó, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Yên Bái là vấn đề mang tính cấp thiết, vì hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường liên quan trực tiếp đến chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh nhà. Để thực hiện tốt nội dung đó thì một trong những yếu tố không thể thiếu đó chính là nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên của Nhà trường.

Đối với Chi bộ Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái với tổng số 11/11 đồng chí đảng viên là giảng viên, trợ giảng. Do đó, công tác nâng cao chất lượng giảng dạy cho đội ngũ giảng viên, trợ giảng trong Chi bộ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn luôn được chi ủy Chi bộ quan tâm.

Trong thời gian qua, công tác giảng dạy của giảng viên, trợ giảng trong Chi bộ đã có những đổi mới tích cực theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, áp dụng những phương pháp dạy học tích cực vào trong quá trình giảng dạy,... đã làm thay đổi quan niệm của số đông học viên về sự trừu tượng, khô khan, kinh viện trong học tập lý luận chính trị. Những kết quả đạt được và sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của các đảng viên trong Chi bộ, đồng thời đóng góp vào việc nâng cao chất lượng và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh nhà.

Tuy nhiên, công tác giảng dạy của một số giảng viên, trợ giảng trong Chi bộ vẫn còn những hạn chế nhất định như: Việc nghiên cứu, luận giải một số vấn đề lý luận, công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới hiện nay; đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên trẻ tuy được đào tạo bài bản, chính quy nhưng lại ít có điều kiện được nghiên cứu, thâm nhập thực tế để làm phong phú thêm nội dung bài giảng. Mặt khác, đội ngũ giảng viên trẻ trong Chi bộ còn chiếm số lượng đông nên kinh nghiệm giảng dạy còn hạn chế ảnh hưởng phần nào đến chất lượng giảng dạy.

Nhằm phát huy kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tôi xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của đảng viên trong Chi bộ Khoa lý luận cơ sở, Trường Chính trị tỉnh Yên Bái hiện nay như sau:

Thứ nhất, Chi bộ tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ giảng viênđặc biệt là xây dựng lòng yêu nghề, tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và thực hiện nghiêm túc nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cho đảng viên trong Chi bộ.

Thứ hai, xây dựng được đội ngũ giảng viên trong Chi bộ có chất lượng cao thông qua việc nâng cao trình độ nhận thức, năng lực chuyên môn. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và là nhiệm vụ chính trị của Chi bộ. Đó phải là những người được đào tạo đúng với chuyên ngành giảng dạy, có trình độ lý luận chính trị và kiến thức thực tiễn, có kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ sư phạm. Mặt khác, cần quan tâm để đào tạo đội ngũ giảng viên trở thành chuyên gia trong lĩnh vực phụ trách giảng dạy.

Thứ ba, bên cạnh việc giảng viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức bằng cách tự tìm tòi, sưu tầm tài liệu, đi tập huấn, nghiên cứu khoa học; phải có đủ năng lực, sức khỏe để đáp ứng yêu cầu làm việc ở cường độ cao; biết cách đặt câu hỏi, xây dựng tình huống và động viên học viên phát biểu ý kiến, thảo luận trong quá trình giảng dạy. 

Thứ tư, tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra giáo án, thăm lớp, dự giờ, tham gia góp ý cho bài giảng của giảng viên. Bên cạnh đó, mỗi giảng viên trong Chi bộ tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, thường xuyên áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực trong các giờ giảng trên lớp. Bởi trong điều kiện hiện nay thì dạy học theo phương pháp truyền thống với hoạt động chủ yếu là nói - nghe, đọc - chép khó có thể đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực theo hướng lấy người học làm trung tâm nhằm khuyến khích học viên tự học, ghi nhớ lâu hơn và khả năng vận dụng vào thực tế công tác của mỗi học viên sẽ tốt hơn.

Thứ năm, hàng năm Nhà trường nên có kế hoạch bố trí thời gian cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở, học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các Trường Chính trị qua đó giúp cho đội ngũ giảng viên trong Chi bộ Khoa Lý luận cơ sở nói riêng và giảng viên Nhà trường nói chung nâng cao được năng lực giảng dạy qua đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của Nhà trường.

Trên đây là những điều mà bản thân tôi quan tâm trong công tác giảng dạy, chắc chắn còn phải bàn thêm nữa, bởi để giảng dạy tốt và nâng cao chất lượng giảng dạy là cả một quá trình luôn phát triển, cần phải nghiên cứu và luôn đổi mới. Đặc biệt trong tình hình hiện nay thì dạy và học tập lý luận tốt sẽ góp phần đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng.

                                                                                                                   GIẢNG VIÊN: HOÀNG THỊ LÊ

ĐƠN VỊ: KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ