• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Một vài yêu cầu góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy môn “Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở”
Ngày xuất bản: 06/01/2021 8:39:00 SA
Lượt đọc: 15821

Môn học “Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở” là môn học quan trọng trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Đây là một môn học được hình thành, chỉnh sửa, bổ sung xuất phát từ thực tiễn về yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, đạo quản lý. 

Môn học gồm 9 bài học, trang bị những kỹ năng cơ bản và hết sức cần thiết cho người cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở như hoạt động lãnh đạo và quản lý, phong cách lãnh đạo, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục, kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, kỹ năng xử lý tình huống chính trị - xã hội, kỹ năng đánh giá và xử dụng cán bộ, kỹ năng điều hành công sở và kỹ năng soạn thảo văn bản… Từ đó, giúp người học nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo quản lý tại cơ sở.

Với hệ thống kiến thức như vậy, để việc giảng dạy môn học Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở” đạt hiệu quả cao, cần:

Thứ nhất, giảng viên phải có kiến thức lý luận vững vàng. Mỗi bài học trước khi đi vào các quy trình, kỹ năng cụ thể đều có các nội dung khái quát kiến thức như các khái niệm, các nguyên tắc, phân loại, yêu cầu…  liên quan đến nhiều ngành khác nhau trong khoa học chính trị, khoa học xã hội và nhân văn. Ngay từ bài thứ nhất, phải hiểu lãnh đạo quản lý là một hiện tượng xã hội sinh ra trong lao động chung của mọi người, khi lao động chung của xã hội đạt tới một quy mô nhất định sẽ nảy sinh yêu cầu khách quan tiến hành hoạt động chỉ huy và điều hành lao động. Theo C.Mác, mọi lao động xã hội trực tiếp hoặc lao động chung có quy mô tương đối lớn ít nhiều cần có sự chỉ huy nhằm điều hòa hoạt động của các cá nhân và thực hiện các chức năng sinh ra trong vận động tổng thể của sản xuất… Bài 2, đòi hỏi các kiến thức tâm lý học. Ở bài 3, để giảng dạy học viên có được “kỹ năng ra quyết định” thì phải có “phông kiến thức” về khoa học hành chính…

Thứ hai, giảng viên phải được trang bị vốn kiến thức thực tiễn phong phú.

Người giảng viên cần trang bị cho mình nhiều hơn kiến thức sư phạm thông thường. Ngoài nền tảng tri thức rộng, kiến thức chuyên môn vững, để có thể tổ chức, điều khiển, lãnh đạo, quản lý và định hướng hoạt động nhận thức của học viên trong môn học về kỹ năng lãnh đạo, quản lý này, giảng viên phải tự trau dồi một hành trang kinh nghiệm thực tiễn phong phú để chủ động đưa vào bài giảng. Nếu bài giảng thiếu đi sự liên hệ thực tế, liên hệ vào công việc cụ thể chỉ nêu ra lý luận đơn thuần và không có sự phân tích, chứng minh bằng các hoạt động thực tiễn thì sức thuyết phục sẽ không cao. Ví dụ như, trong bài “Kỹ năng đánh giá và sử dụng cán bộ ở cơ sở” đặt ra yêu cầu học viên phải nắm vững các nguyên tắc trong quá trình đánh giá cán bộ. Giảng viên giảng một trong các nguyên tắc đó như “Đánh giá cán bộ phải khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển” và nếu lấy được các ví dụ về sự đánh giá không tuân theo nguyên tắc này hoặc chỉ được ra những hậu quả của việc không tuân theo nguyên tắc này trong thực tiễn đánh giá cán bộ sẽ làm cho nội dung sinh động, thu hút sự chú ý của học viên đồng thời, học viên từ đó cũng rút ra được bài học kinh nghiệm để không mắc phải khi thực hiện việc đánh giá cán bộ.

Thực tiễn để đưa vào giảng dạy các bài kỹ năng rất phong phú: từ các văn bản lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước các cấp, nhất là của tỉnh Yên Bái và các địa phương trên địa bàn tỉnh; từ các phương tiện thông tin đại chúng, sách, báo, tạp chí… chính thống; thực tiễn có được từ chính quá trình công tác của giảng viên, từ các chuyến đi thực tế đến với cơ sở, các buổi trao đổi sinh hoạt chuyên môn…

Thực tiễn rất đa dạng và phong phú đồng thời luôn có sự thay đổi hàng giờ, hàng phút nên đòi hỏi khi giảng dạy người giảng viên phải lựa chọn sao cho sát với nội dung bài giảng và phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí, trình độ hiểu biết, nhận thức và tư duy của người học. Cũng cần lưu ý, việc giảng dạy luôn đặt ra mục tiêu là sau khi cung cấp kiến thức sẽ củng cố niềm tin, thúc đẩy sự chủ động, trách nhiệm của việc vận dụng những kỹ năng đó vào thực tiễn công tác nên việc lấy thực tiễn chứng minh cần có sự cân nhắc sao cho hợp lý tránh khuynh hướng thời sự hóa bài giảng, đơn thuần nêu thực tế mà không phân tích hoặc khuynh hướng chỉ nêu những tiêu cực, những hiện tượng xấu mà không thấy được những điển hình tiên tiến, những cách làm, mô hình hay, sáng tạo…

Thứ ba, giảng viên phải hiểu rõ đối tượng học viên để có kế hoạch bài giảng phù hợp.

Học viên của chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị có trình độ học vấn, độ tuổi, vị trí việc làm, chức vụ công tác khá đa dạng và phong phú. Họ là các cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở xã, phường, thị trấn hoặc là các cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan ban ngành cấp tỉnh, huyện. Với mỗi đối tượng học viên, việc thực hiện các kỹ năng sẽ có nội dung cụ thể khác nhau cho nên cần phải có những kiến thức thực tiễn phù hợp để họ có thể vận dụng giải quyết công việc trong quá trình công tác của họ. Ví dụ, trong bài “Phong cách của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở”, ở nội dung “phong cách dân chủ”, giảng viên phân tích, phát triển cho học viên liên hệ với bản thân để sửa đổi phong cách quan liêu, coi thường ý kiến nhân dân. Trong bài “Điều hành công sở ở cơ sở” với học viên là các cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan ban ngành cấp tỉnh, huyện thì nội dung là phối hợp trong quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã trong quan hệ với đảng ủy, mặt trận Tổ quốc và các đoạn thể, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, thanh tra nhân dân cấp xã chỉ cần giới thiệu không đi quá sâu, và dành thời gian vào các nội dung khác … Với học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở xã, thường là ở các lớp tại các huyện vùng cao thì việc cụ thể hóa nội dung, “cầm tay chỉ việc” là cần thiết, như dành nhiều thời gian hướng dẫn học viên soạn thảo mẫu một số văn bản của Đảng và Nhà nước ở cấp xã… khi thực hiện bài “Kỹ năng soạn thảo văn bản ở cơ sở”…

Môn Một số kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý…” là môn học hướng tới thực hành, vì vậy mỗi bài giảng, trong kế hoạch bài giảng nên xây dựng các bài tập tình huống, bài tập thực hành, phương pháp đóng vai phù hợp với đối tượng học viên… để đảm bảo “học đi đôi với hành. Ví dụ như ở bài “Kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục” nếu học viên là cán bộ xã, phường thị trấn sẽ có mức độ giao tiếp, tiếp xúc, trao đổi với nhân dân thường xuyên, gắn bó có thể lựa chọn phương pháp đóng vai để thực hiện gặp gỡ trực tiếp hoặc thăm tại nhà trong tuyên truyền, thuyết phục một vấn đề nào đó.

  
Giảng viên: Phạm Thị Lý

Khoa Nhà nước và pháp luật