• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Một vài suy nghĩ về viêc vận dụng phương pháp luận triết học Mác - Lênin vào nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị trong trường Chính trị Yên Bái hiện nay
Ngày xuất bản: 10/12/2020 8:25:00 SA
Lượt đọc: 18300

 

Nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay. Những kiến thức cơ bản về triết học, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được trang bị và dần thẩm thấu vào cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên, thông qua đó thể hiện quan điểm của mình như một trách nhiệm với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thông qua nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, góp phần hình thành thế giới quan, phương pháp luận khoa học và phẩm chất chính trị cần thiết, đồng thời định hướng tư duy, hành động cho các chủ thể liên quan. Theo đó, để việc nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị trong trường Chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu đề ra, cần vận dụng tổng hợp nhiều phương pháp, cách thức khác nhau, trong đó phù hợp nhất là phương pháp luận triết học Mác - Lênin, bởi phương pháp này thể hiện rõ đặc trưng cơ bản, tính ưu việt, thế mạnh quyết định nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị trong Trường Chính trị.

sự vận dụng phương pháp luận triết học Mác - Lênin vào nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị thực chất là:

Thứ nhất, thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị phải được soi đường dẫn dắt, chỉ đạo, định hướng bởi một lý luận khoa học cách mạng, nếu không thực tiễn ấy chỉ là thực tiễn mù quáng.

Trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, những nguyên tắc, phương pháp luận triết học Mác - Lênin như: nguyên tắc khách quan, toàn diện, phát triển; nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn... có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thực tiễn nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết, đòi hỏi một lý luận khoa học, tiến bộ dẫn dắt. Có như vậy, mới đảm bảo nội dung, phương pháp, cũng như mục tiêu cần hướng tới, nhằm tạo cảm hứng cho người dạy và khả năng tiếp thu tốt nhất của chủ thể nghiên cứu, học tập.

Thực tế, các môn lý luận chính trị có tính trừu tượng và khái quát cao, đòi hỏi người dạy phải nắm vững, sâu sắc tri thức lý luận thông qua hệ thống khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật của nó. Đồng thời, phải có vốn sống thực tế phong phú. Đối với người học, để nắm vững tri thức đó, họ phải có trình độ tư duy trừu tượng và khái quát nhất định, cùng với trình độ học vấn, kiến thức tự nhiên, xã hội sâu rộng.

Xuất phát từ đặc trưng của các môn học lý luận chính trị, việc đảm bảo các nguyên tắc phương pháp luận như: sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để hoạt động nghiên cứu, giảng dạy tránh rơi vào tình trạng mò mẫm, giải thích câu chữ vụn vặt, nó cần phải được dẫn dắt, định hướng bởi một lý luận khoa học, có tính hệ thống. Trong giảng dạy lý luận chính trị, phải luôn quán triệt các nguyên tắc này, theo đó, vấn đề áp dụng trong bài giảng cần có sự thống nhất chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, đảm bảo tính khách quan và sáng tạo chủ quan, tính toàn diện, lịch sử - cụ thể, phát triển.

Trên cơ sở xác định phương châm, nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị nhằm trang bị thế giới quan khoa học cho chủ thể, phải lấy chính lý luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, cũng như lý luận dạy học hiện đại làm nền tảng lý luận, từ đó, đặt ra yêu cầu đối với chủ thể nghiên cứu, giảng dạy, học tập phải tuân thủ những cách thức, phương pháp nhất định trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy và học tập lý luận chính trị.

Đối với người dạy, ngoài việc trang bị tri thức lý luận chính trị thuần túy, phải gắn với thực tiễn, bám sát thực tiễn để giúp người học hiểu và nắm chắc tri thức. Quan trọng hơn, điều đó sẽ giúp người học biết cách vận dụng lý luận chính trị vào thực tiễn. Điều này chỉ có được khi người dạy nắm chắc lý luận dạy học và nguyên lý, nguyên tắc giáo dục khoa học, hợp lý.

Đối với người học, cần thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong học tập, tiếp thu tri thức lý luận chính trị. Để làm được điều này, người dạy có vai trò hết sức quan trọng, họ phải thấm nhuần những lý luận dạy học khoa học, tích cực để áp dụng, định hướng cho hoạt động giảng dạy của mình. Chính điều này sẽ lan tỏa tới người học, tạo nên một sự thống nhất trong toàn bộ hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị.

Thứ hai, những nguyên lý khoa học của triết học Mác - Lênin phải được trình bày gắn liền với thực tiễn đất nước, được chứng minh bằng thực tiễn sinh động của đất nước, nếu không sẽ trở thành sách vở, kinh viện, giáo điều.

Nếu lý luận xa rời thực tiễn thì sớm muộn cũng dẫn tới bệnh giáo điều, sách vở; theo cách nói của Hồ Chí Minh đó là lý luận suông.

Những điều đó càng đúng với việc giảng dạy lý luận chính trị trong Trường Chính trị hiện nay. Bởi lý luận chính trị hết sức trừu tượng, nếu không gắn lý luận với thực tiễn, sẽ trở nên sách vở, sáo rỗng. Điều đó đòi hỏi, một mặt, giảng dạy lý luận chính trị phải gắn với đời sống thực tiễn. Mặt khác, thông qua giảng dạy lý luận chính trị, những vấn đề thực tiễn được giải đáp và làm sáng tỏ. Lý luận chính trị phản ánh đời sống xã hội, vì vậy, khi đời sống xã hội biến đổi, nội dung của lý luận chính trị cũng cần được bổ sung cho phù hợp.

Một khía cạnh quan trọng khác, xuất phát từ trong chính nội dung các môn học lý luận chính trị đòi hỏi phải luôn được minh họa, bổ sung, phát triển bằng những ví dụ thực tiễn điển hình nhất, mới nhất. Trong từng nội dung lý luận chính trị, thông qua những kiến thức, đối tượng, mục tiêu cụ thể mà chủ thể, giảng viên cần lựa chọn phương pháp nghiên cứu, giảng dạy phù hợp sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Để làm được điều đó, cần vận dụng linh hoạt các nguyên tắc phương pháp luận triết học Mác - Lênin.

Thực chất của sự vận dụng các nguyên tắc phương pháp luận triết học Mác - Lênin thể hiện trong từng nội dung nghiên cứu, giảng dạy của môn học. Chẳng hạn, vận dụng nguyên tắc thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị. Nguyên tắc này yêu cầu lý luận phải đi liền với thực tiễn, phản ánh đời sống thực tiễn, khi thực tiễn thay đổi thì lý luận cũng phải thay đổi theo. Điều đó đòi hỏi người dạy cần không ngừng thâm nhập vào thực tiễn, kịp thời khái quát những vấn đề của thực tiễn để có sự lý giải lý luận cho phù hợp. Bởi lý luận triết học Mác - Lênin không phải là cái gì chết cứng, mà nó là những vấn đề sống động của cuộc sống. Trong từng nội dung bài giảng, sự thống nhất này cần được thể hiện tối ưu nhất, lý luận triết học cần được minh họa bởi những vấn đề của thực tiễn, ngược lại, những vấn đề của thực tiễn cần luôn được soi tỏ bằng lý luận triết học Mác - Lênin.

Đối với người học, thông qua những nội dung tiếp thu được từ môn học, cần áp dụng phù hợp vào thực tiễn công tác và cuộc sống. Những vấn đề của thực tiễn công tác cần được soi rõ bằng quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, trong thực tiễn công tác, cũng có thể sẽ là những vấn đề đòi hỏi triết học phải có những giải đáp kịp thời, từ đó góp phần làm rõ hơn vai trò của triết học Mác - Lênin.

Như vậy, thực chất của sự vận dụng các nguyên tắc phương pháp luận triết học Mác - Lênin trong giảng dạy lý luận chính trị đó chính là việc đảm bảo tính khách quan, chủ động sáng tạo, tính toàn diện, lịch sử - cụ thể và phát triển, là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong chính nội dung môn học, trong việc áp dụng những lý luận khoa học vào việc nghiên cứu, giảng dạy, triển khai những nội dung của môn học.

Biểu hiện của sự vận dụng các nguyên tắc phương pháp luận triết học Mác - Lênin vào nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị

Việc bảo đảm các nguyên tắc phương pháp luận này, trên thực tế luôn hòa quyện với nhau, thống nhất biện chứng với nhau và được thể hiện thông qua các khía cạnh chủ yếu: Chương trình, nội dung lý luận chính trị phù hợp với đối tượng và yêu cầu nghiên cứu, đào tạo; Phương pháp giảng dạy lý luận chính trị phù hợp với đối tượng học; Nội dung nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị phù hợp với thực tiễn Việt Nam, thực tiễn địa phương và thực tiễn ngành.

Trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, linh hồn cho sự thành công, cho việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả, cho việc nâng cao tính sinh động, hấp dẫn, chính là việc đảm bảo các nguyên tắc phương pháp luận triết học Mác - Lênin. Hiệu quả của điều đó chính là việc chủ thể lĩnh hội được lý luận và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống cũng như công tác.

Cùng với đó, việc đảm bảo tính khách quan, chủ động, sáng tạo, tính toàn diện, lịch sử - cụ thể và phát triển, sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị sẽ đảm bảo vững chắc cho việc ngăn ngừa bệnh kinh nghiệm, bệnh giáo điều, chiết trung, cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị hiện nay.

Triết học Mác - Lênin kế thừa và phát triển những thành tựu quan trọng nhất của tư duy triết học nhân loại. Sự thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng, làm cho chủ nghĩa duy vật trở nên triệt để và phép biện chứng trở thành lý luận khoa học. Nhờ đó, triết học Mác - Lênin có khả năng nhận thức đúng đắn cả thế giới tự nhiên cũng như đời sống xã hội và tư duy con người. Sự thống nhất ấy còn tạo nên một hệ thống tri thức khoa học hoàn bị, được tạo bởi thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng.

Nhiệm vụ đặt ra cho các nhà nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị là phải quán triệt tốt các nguyên tắc phương pháp luận triết học Mác - Lênin, đặc biệt là trong công tác nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị trong Trường Chính trị Yên Bái lại càng cần thiết hơn. Chỉ khi quán triệt việc vận dụng phương pháp luận triết học Mác - Lênin mới thực sự góp phần làm nên thành công, giúp cho chủ thể có cái nhìn biện chứng, một phương pháp luận khoa học; đồng thời, tạo nên khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn của học viên là nhờ có quá trình nghiên cứu, giảng dạy và học tập, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị mà chủ thể thấm nhuần các nguyên tắc phương pháp luận triết học Mác - Lênin một cách đầy đủ, sâu sắc nhất.

Từ nhận thức đến hành động cần có sự thống nhất biện chứng, đòi hỏi chủ thể luôn tích cực trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị. Đối với hoạt động giảng dạy lý luận chính trị trong Trường Chính trị Yên Bái, không quy định một hướng xuôi chiều, tức là người dạy chủ động hoàn toàn mà chính xác hơn phải là tích cực hóa được tính chủ động của người học càng nhiều thì người dạy càng thành công trong việc truyền bá tri thức lý luận chính trị. Thực hiện đúng quy trình này là biểu hiện sự vận dụng hiệu quả phương pháp luận triết học Mác - Lênin vào nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị trong Trường Chính trị Yên Bái hiện nay.

 

Hà Tùng Dương

Khoa Lý luận cơ sở