• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Một số yếu tố tác động đến giảng dạy môn Kỹ năng lãnh đạo của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở
Ngày xuất bản: 18/10/2017 8:55:00 SA
Lượt đọc: 25974

Trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị, có rất nhiều yếu tố tác động đến sự thành công hay thất bại của một bài giảng. Dưới đây tác giả chỉ đưa ra một số yếu tố cơ bản có tác động, ảnh hưởng đến quá trình giảng dạy bộ môn Kỹ năng lãnh đạo của cán bộ lãnh đạo quản lý  ở cơ sở.

Phần học: Một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo quản lý cấp cơ sở trong chương trình trung cấp LL CT - HC,  là phần học nhằm cung cấp cho người học những tri thức lý luận cơ bản về việc hình thành các kỹ năng cần thiết của người cán bộ lãnh đạo,quản lý cấp cơ sở. Mặc dù không phải bộ môn đi sâu nghiên cứu một vấn đề cụ thể nhưng nếu thiếu phần học này học viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hình  thành các kỹ năng cơ bản trong lãnh đạo, quản lý. Bởi thực tế và thói quen xưa nay của không ít cán bộ cán bộ cấp cơ sở là chỉ làm việc bằng kinh nghiệm mà ít theo khoa học, vì vậy hiệu quả công việc thường không cao, nếu người  cán bộ không thay đổi phương pháp làm việc thì khó đảm đương được công việc trong giai đoạn hiện nay. Ngược lại, nếu được trang đầy đủ tri thức lý luận, nắm vững vàn vận dụng tốt kiến thức của phần học này sẽ giúp cho người cán bộ đạt được kết quả tốt trong bất kỳ hoàn cảnh nào mà Đảng và nhân dân giao phó. Đây là một phần học rất cần đối với người cán bộ cơ sở, phần học cần thiết phải gắn lý luận với thực tiễn trong cả hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của trò. Chính vì vậy, muốn giảng tốt phần học này đòi hỏi người giảng viên phải có những tri thức cơ bản của khoa học quản lý, tri thức về tâm lý con người và một phông kiến thức rộng về các lĩnh vực trong đời sống chính trị.

Về phía giảng viên: Vì bộ môn yêu cầu và đòi hỏi giảng viên phải hướng dẫn học viên thực hiện và vận dụng các kỹ năng về công tác lãnh đạo, quản lý trong thực tiễn làm việc của học viên nên đòi hỏi chính bản thân mỗi giảng viên trước tiên phải là người sâu về lý luận để lựa chọn và đưa ra các phương pháp giải quyết vấn đề tổng thể và ví dụ thực tiễn điển hình; cũng như giảng viên phải nhuần nhuyễn các kỹ năng của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở để hướng dẫn cho học viên.

VD: Khi giảng bài: Kỹ năng tuyên truyền thuyết phục của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, giảng viên cần nắm chắc, hiểu sâu về công tác tuyên truyền, thuyết phục cũng như vận hành thành thạo được các kỹ năng này thì mới có thể giảng giải và hướng dẫn cho học viên; hay như khi giảng bài: Kỹ năng xử lý tình huống chính trị xã hội ở cơ sở: giảng viên phải hiểu sâu về tình huống chính trị xã hội, điểm nóng chính trị xã hội, lấy được những ví dụ cụ thể, điển hình từ đó hướng dẫn học viên những kỹ năng để nhận biết, phân loại và giải quyết các tình huống chính trị xã hội và điểm nóng chính trị xã hội khi xảy ra.

Về thời lượng giảng dạy: Khó khăn lớn nhất đối với giảng viên khi giảng dạy môn này, đó là thời gian nghiên cứu lý thuyết và vận dụng từ lý thuyết vào thực tế đến khi thành thục kỹ năng cho chính giảng viên là tương đối dài; bộ môn đòi hỏi phải cập nhật kiến thức mới có tính thời sự liên tục; tính sát thực cao; nội dung kiến thức nhiều khi còn nặng trong khi thời lượng giảng bài có hạn, kiến thức toàn môn học rất rộng bao hàm toàn bộ các kỹ năng cơ bản trong quá trình lãnh đạo quản lý của cán bộ lãnh đạo quản lý,  nên nhiều vấn đề giảng viên buộc phải đi lướt hoặc hướng dẫn học viên tự nghiên cứu. VD: Khi giảng bài Kỹ năng tuyên truyền, thuyết phục cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở; những kỹ năng cần phải hình thành cho học viên ở đây: Kỹ năng tuyên truyền thuyết phục cá nhân; kỹ năng tuyên truyền thuyết phục nhóm. Chỉ kỹ năng tuyên truyền thuyết phục nhóm, đã có tới 2 kỹ năng đó là Kỹ năng thuyết phục nhóm nhỏ và kỹ năng diễn thuyết trước công chúng. Để hình thành được một kỹ năng là diễn thuyết trước công chúng cho học viên, thông thường giảng viên sẽ phải cho học viên xây dựng đề cương bài diễn thuyết, sửa đề cương sau đó giúp  từng học viên hoàn  thiện bài diễn thuyết và cho từng học viên và cho học viên thực hành diễn thuyết bài đã chuẩn bị của mình trước lớp rồi giảng viên sẽ nhận xét và giúp học viên sửa những lỗi khi nói trước đông người. Lặp đi lặp lại nhiều lần, như vậy học viên mới có thể nhuần nhuyễn được kỹ năng này. Nhưng, thời lượng cho bài này chỉ có thời lượng trong 4 tiết…như vậy rất khó để hình thành được những kỹ năng trong quá trình tuyên truyền thuyết phục cho học viên, mà chỉ riêng việc giới thiệu lý thuyết đã hết thời gian.

Trong khi đó, không phải giảng viên nào cũng có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý ở tất cả các lĩnh vực. Đây cũng chính là những hạn chế đối với những giảng viên ít kinh nghiệm khi giảng dạy phần học này vì để vận hành phương pháp tốt đòi hỏi người người giảng viên phải sâu về nội dung và nhuần nhuyễn, làm chủ được những kỹ năng trong chuyên đề mình giảng dạy.

Đối với học viên: Khi đi học, mỗi học viên có trình độ là không đồng đều trong cùng một lớp học, nên khi giảng bài, giảng viên khó áp dụng phương pháp để tất cả các học viên đều tiếp nhận bài học một cách tốt nhất, mà thường thì giảng viên sẽ lựa chọn những phương pháp để phù hợp với đa số học viên, nhiều khi lựa chọn của giảng viên ở đây không phải là tốt nhất, phù hợp nhất với nội dung bài học mà sẽ đổi lại lại là an toàn và phù hợp hơn đa số người học.

Số lượng học viên quá đông cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn phương pháp giảng dạy của giảng viên, VD: Khi áp dụng một số phương pháp giảng dạy hiện đại như hỏi đáp, hay thảo luận nhóm thì sẽ tập trung vào một số học viên tích cực, còn một số học viên vẫn còn tâm lý dựa dẫm, ỷ lại bạn mình, hoặc mang tâm lý lớp đông, nhóm đông thế này chưa chắc thầy cô đã gọi mình; hoặc sử dụng phương pháp trực quan bằng hình ảnh thì cũng chỉ một số học viên ngồi phía trên gần vị trí hình ảnh tiếp nhận được còn những học sinh ngồi xa rất khó quan sát được bài học…Đặc biệt đối với môn học, mỗi bài sẽ gắn với những kỹ năng cụ thể và khi học viên thấy nội dung bài học không gắn trực tiếp với công việc của mình thì sẽ ngại tiếp nhận, ngại học, VD: như nhiều học viên là nhân viên, chưa giữ chức vụ trong cơ quan hay học viên đang là  cán bộ nguồn được địa phương cử đi học, nên nghĩ rằng những kỹ năng này chỉ dành cho lãnh đạo, còn mình chưa cần học…Thái độ học tập của học viên, số lượng học viên trong mỗi lớp học cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn phương pháp giảng dạy của giảng viên: VD: số lượng học viên vừa phải, không quá đông; học viên chủ động, tích cựa tham gia vào hoạt động Học giảng viên rất dễ áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực như: hỏi đáp, thảo luận nhóm, trực quan, phương pháp chuyên gia….và ngược lại.

Như vậy, khi giảng dạy môn học này, những yếu tố chi phối đến bài giảng bao gồm cả những yếu tố từ phía người thầy, người học, cả về thời lượng và nội dung chương trình học. Nếu người thầy nhuần nhuyễn về kỹ năng trong bài giảng và vận dụng linh hoạt, hợp lý các phương pháp dạy học sẽ phần nào khắc phục được những tác động chưa tích cực từ những yếu tố xuất phát từ phía nội dung, thời lượng, và người học.

 

Dương Thị Thúy Tài

Khoa Dân Vận