• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ hiện nay ở trường chính trị tỉnh Yên Bái
Ngày xuất bản: 31/10/2019 9:42:00 SA
Lượt đọc: 23846

          Thực hiện Chỉ thị 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương ngày 03/3/1012 về “Nội dung sinh hoạt chi bộ”;  Kết luận số 18 ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 10;  Đề án 07-ĐA/TU của Tỉnh ủy Yên Bái về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2012 – 2015”; Đặc biệt Nghị quyết số 06 – NQ/ĐUK của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh “Về nâng cao chất lượng công tác giáo dục, chính trị, tư tưởng, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2016 - 2020” khẳng định: Sinh hoạt chi bộ là một trong những nguyên tắc cơ bản của công tác xây dựng Đảng; đảm bảo cho tổ chức đảng và đảng viên không ngừng nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đảng, làm tròn trách nhiệm của người đảng viên, là cơ sở của sự tồn tại của tổ chức đảng. Quán triệt ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó, trong  thời gian vừa qua các chi bộ trong Đảng bộ Trường chính trị đã thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt chi bộ theo quy định của Điều lệ Đảng, hướng dẫn của cấp trên và nghị quyết của chi bộ. Nội dung sinh hoạt đảm bảo phát huy trí tuệ của đảng viên trong chi bộ; Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy đảng, nghị quyết chuyên đề, nghị quyết của chi bộ; Kịp thời phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản mới của Đảng và Nhà nước, các văn bản của Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối, Đảng ủy nhà trường.

            Việc sinh hoạt của các chi bộ trong thời gian qua đã có sự đổi mới nhất định và đã đi vào nề nếp, chất lượng sinh hoạt được nâng lên, nội dung sinh hoạt đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu trên tinh thần tự phê bình và phê bình, mang tính xây dựng. Các buổi sinh hoạt đều ghi chép biên bản, sổ nghị quyết, chấm điểm đánh giá chất lượng sinh hoạt theo quy định. Các chi bộ đã tổ chức được những buổi sinh hoạt chuyên đề với những nội dung sinh hoạt tập trung vào các chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chuyên đề Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6 khóa XII của Đảng; Những vấn đề về đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội ở cơ quan, đơn vị… đã từng bước đem lại chất lượng và hiệu quả của buổi sinh hoạt.

Tuy nhiên, việc sinh hoạt của các chi bộ thời qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập:

- Đôi khi chưa thực hiện sinh hoạt theo đúng lịch đã quy định theo nghị quyết chi bộ đề ra, chất lượng của buổi sinh hoạt chưa cao, nội dung sinh hoạt đổi mới chưa nhiều.

-  Trong sinh hoạt ở một số ít đảng viên chưa thực sự nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, còn có sự e rè, nể nang, ngại va trạm, ngại phát biểu;

-  Có những buổi sinh hoạt còn mang tính hình thức, nội dung sinh hoạt mang tích chất sinh hoạt chuyên môn.

 - Việc tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề còn ít.

- Chưa thực sự đổi mới về nội dung, phương thức sinh hoạt do đó tính giáo dục, thuyết phục chưa thật sự cao.

            Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập  nêu trên chủ yếu là do:

- Một số đồng chí mới tham gia cấp ủy chi bộ kinh nghiệm, kỹ năng, nghiệp vụ về công tác đảng, công tác chi bộ còn hạn chế;

- Đặc thù của các chi bộ đó là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chi bộ đều là hoạt động kiêm nhiệm, thường xuyên phải đi giảng dạy các lớp ở huyện.

- Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sinh hoạt chi bộ ở một số đảng viên nhất là đảng viên trẻ còn hạn chế.

            Từ thực trạng trên tôi mạnh dạn nêu ra một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ trong thời gian tới như sau:

            - Thường xuyên quán triệt cho cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của chi bộ cũng như vai trò của sinh hoạt chi bộ

- Không ngừng bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác đảng để nâng cao năng lực tổ chức, điều hành sinh hoạt chi bộ.

- Cần thực hiện một cách nghiêm túc các văn bản hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, tiếp tục thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU của Tỉnh ủy Yên Bái về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy và sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2012 - 2015” và những năm tiếp theo.

            - Đồng chí Bí thư và phó Bí thư chi bộ cần tập trung lãnh đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, cụ thể hóa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Tập trung xây dựng nội dung sinh hoạt chi bộ phù hợp với đặc thù của chi bộ, tuân thủ lịch sinh hoạt định kỳ.

            - Cải tiến việc ban hành nghị quyết, nâng cao chất lượng nghị quyết; nghị quyết phải xác định đúng vấn đề cần tập trung lãnh đạo, gắn với nhiệm vụ chính trị của Nhà trường, nhiệm vụ công tác của khoa trong từng thời điểm.

- Tổ chức nhiều hơn nữa những buổi hinh hoạt chuyên đề, lựa chọn nội dung sinh hoạt chuyên đề là những vấn đề đang nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên gắn với chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường, những vấn đề nổi cộm, những bức xúc, vướng mắc, những vấn đề liên quan đến tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên để tổ chức sinh hoạt, qua đó nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của chi bộ.

- Phân công đảng viên ghi biên bản, sổ nghị quyết trung thực, phản ánh đầy đủ nội dung; hạn chế lồng ghép sinh hoạt đảng với sinh hoạt chuyên môn.

            - Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, coi trọng công tác tự kiểm tra, giám sát. Lấy sinh hoạt chi bộ làm khâu đột phá, xây dựng chi bộ là nơi đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, quản lý và giáo dục đảng viên, đảm bảo chi bộ là hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Khoa, phòng.

    Bùi Văn Nghĩa  

TRƯỞNG KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ