• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
Một số vấn đề về công tác cán bộ trong sự nghiệp đổi mới hiện nay
Ngày xuất bản: 01/12/2020 2:49:00 CH
Lượt đọc: 16159

 

Công tác cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm sâu sắc và dày công đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ Đức, đủ Tài để phục vụ cách mạng và xây dựng đất nước.

Từ khi Đảng ta ra đời cho đến nay, trong mỗi giai đoạn cách mạng cụ thể công tác cán bộ của Đảng ta đã góp to lớn vào thành công của sự nghiệp cách mạng. Điều đó tạo đà cho đất nước vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phải nói rằng, công tác cán bộ nói chung được Đảng Và Nhà nước thực sự quan tâm và coi đây là nhiệm vụ then chốt dẫn đến thành công của công cuộc đổi mới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đảng ta đã kết luận, xây dựng Đảng là then chốt thì chính công tác cán bộ là chốt của then chốt.

Chúng ta thấy rằng, muốn xây dựng thế nước mạnh thì Nhà nước phải mạnh, Nhà nước mạnh là nhà nước tập trung được nhiều hiền tài, được xã hội và nhân dân quan tâm tin tưởng ủng hộ. Thực tế công tác cán bộ hiện nay còn nhiều vấn đề bàn tới. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XII đã đánh giá: “Đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ còn bộc lộ không ít những hạn chế yếu kém… Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩn chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thất sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm…tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội,…chậm được ngăn chặn và đẩy lùi.” (1).

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên căn dặn: “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thực sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”(2). Những lời Bác dặn còn nguyên tính thực tiễn, tính chân lý được khẳng định ở mọi giai đoạn. Trong giai đoạn hiện nay để phát huy hơn nữa vai trò của công tác cán bộ góp phần vào công cuộc đổi mới, chúng ta cần quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nâng cao hơn nữa công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đây là nội dung giáo dục quan trọng hàng đầu đối với cán bộ, đảng viên, là cơ sở của sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Để nâng cao công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Trước tiên cần xuất phát từ chính truyền thống “yêu nước, thương nòi” của dân tộc ta, chỉ ra cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiểu sâu sắc rằng, trong công việc, trong cuộc sống dù có làm việc gì cũng xuất phát từ điều nhân, “nhân là thật thà, thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào. Vì thế mà cương quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến Nhân dân. Vì thế, mà không ham điều sang, không e cực khổ, không sợ uy quyền”(3). Qua đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức biết sống vì mọi người, biết hy sinh, công tâm trong công việc, lập trường tư tưởng vững vàng, không bị cám dỗ bởi địa vị và vật chất.

Giáo dục tư tưởng, đạo đức là nhiệm vụ hết sức nặng nề và phức tạp vì nó liên quan đến con người cụ thể và phụ thuộc vào nhận thức của mỗi người. Dù khó song không có nghĩa là chúng ta không làm được, chúng ta tạo điều kiện cho họ hoàn thiện về mặt nhận thức các vấn đề về đạo đức trên phương diện truyền thống, phong tục tập quán, tư tưởng tình cảm…và chủ động đến việc xây dựng các kỹ năng cần thiết giúp cán bộ xử lý đúng tình huống trong công việc sao cho có lý, có tình.

Việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay cần tăng cường giáo dục ý thức tôn trọng nhân dân, ý thức phục vụ nhân dân, làm cho cán bộ hiểu và luôn xác định được rằng: Nhân dân là đối tượng phục vụ của mình “cán bộ là công bộc của dân”. “phải hết lòng phục vụ nhân dân”, “việc gì có lợi cho dân thì dù nhỏ nhất cũng gắng sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”

Thứ hai, nâng cao chất lượng đào tạo và phát huy hiệu quả công tác sử dụng cán bộ.

Vấn đề đào tạo cần xác định rõ đối tượng đào tạo, chuyên ngành đào tạo và phương pháp đào tạo. Đào tạo cần xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn của tổ chức. Đào tạo dựa trên mục tiêu xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người rồi mới đào tạo chuyên môn.

Bên cạnh đó, sự quan tâm đúng mức, kịp thời của Đảng và Nhà nước về chính sách tiền lương, hỗ trợ kinh phí đào tạo cũng là một trong những đòn bẩy quan trọng góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ.

 Trong công tác sử dụng cán bộ đòi hỏi phải “khéo dùng cán bộ”. Trước tiên phải xắp xếp cán bộ làm việc đúng chuyên môn “vì tài mà dùng người” chứ không phải vì yêu, ghét, vì thân thích, nể nang. Cốt lõi của khâu này là cần có chính sách tuyển dụng “chiêu hiền, đãi sỹ” một cách dân chủ, khách quan tránh tình trạng công tác tuyển dụng chỉ “lưu hành nội bộ”. Khi đã hoàn thành tất cả các khâu trên thì một nhân tố quyết định thành quả của việc sử dụng cán bộ là biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thông qua tổ chức Đảng, đoàn thể để kịp thời phát hiện những biểu hiện sai lệch vi phạm nội quy, quy chế hoạt động của cơ quan, đơn vị nhằm kịp thời nhắc nhở, uấn nắn và qua đó có những động thái biểu dương khích lệ, tạo bầu không khí thật sự dân chủ. Làm tốt những nhiệm vụ trên sẽ tạo sự ổn định đi lên về chất, tạo cơ sở để hoạch định kế hoạch luân chuyển, chính sách dự nguồn cán bộ, tạo ra sự liên hoàn trong công tác cán bộ.

Hiện nay Đảng, Nhà nước cùng Nhân dân đang đồng tâm hiệp lực thực hiện sự nghiệp đổi mới. Vì vậy, cần xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài công tác cán bộ trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và xuất phát từ chính thực tiễn công cuộc xây dựng đất nước mà trước hết là yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với hội nhập quốc tế hiện nay.

(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII, VP TW, trang 8-9.

(2) Hồ Chí Minh: toàn tập, NXB CTQG HCM, 2000, tập 12, tr.15.

(3) Hồ Chí Minh: toàn tập, NXB CTQG HCM, H 2000 tập 5, tr 251-252.

 

Bùi  Văn Nghĩa

Khoa Lý luận cơ sở