• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC NÂNG CAO “TÍNH ĐẢNG” CHO ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN TRƯỜNG CHÍNH TRỊ YÊN BÁI TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 22/03/2021 2:54:00 CH
Lượt đọc: 12404

 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính đảng, thì việc gì cũng không làm nên”[1]. “Tính đảng” của đảng viên được hiểu là sự thừa nhận một cách tự nguyện và trung thành tuyệt đối với nền tảng tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng cách mạng mà Đảng ta đã lựa chọn; đó là sự tuân thủ một cách nghiêm ngặt tính tổ chức và tính kỷ luật của Đảng; là những chuẩn mực giữa lời nói và hành động trong các hoạt động xã hội. Các yếu tố cấu thành nên nội dung của “tính đảng” bao gồm các mặt tư tưởng, tổ chức và hoạt động xã hội. Đây là những yếu tố không thể tách rời, có mối quan hệ biện chứng, thống nhất với nhau.  Như vậy, “tính đảng” có ý nghĩa quyết định đến việc hình thành phẩm chất và năng lực làm việc của người đảng viên. Thực tiễn cách mạng đã chứng minh “tính đảng” là thuộc tính căn bản, cốt lõi và bản chất của Đảng Cộng sản. Nâng cao “tính đảng” là xuất phát từ yêu cầu giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Kém về tính đảng, không chỉ kéo theo “hỏng người”, mà còn gây “hỏng việc” của tổ chức, tổn hại thanh danh của Đảng; ngoài ra, còn tác động tiêu cực tới đạo đức xã hội. Kém tính đảng liên quan tới nhiều căn bệnh. Nếu không kịp thời chữa bệnh, hậu quả sẽ khôn lường.

Trường Chính trị tỉnh Yên Bái với chức năng, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ công chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch của Tỉnh ủy. Tăng cường rèn luyện, nâng cao “tính đảng” cho đội ngũ giảng viên Nhà trường có ý nghĩa rất quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ và là yêu cầu cấp thiết, gắn liền với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng Đảng trong Đảng bộ Nhà trường.

Hiện nay, tuyệt đại đa số giảng viên của Nhà trường đều giữ được “tính đảng”, điều này được thể hiện trên ba phương diện: Về tư tưởng chính trị,luôn có lập trường tư tưởng vững vàng, trung thành với đường lối đổi mới của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; chấp hành và thực hiện đúng theo quan điểm, chủ trương đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước; tích cực tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến“, “tự chuyển hoá”. Vphẩm chất đạo đức, lối sống, có lối sống trong sáng lành mạnh, giữ gìn phẩm chất tư cách đạo đức; luôn thực hiện tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên. Có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí quan liêu và các biểu hiện tiêu cực khác, thực hành và vận động gia đình và nhân dân thực hiện lối sống tiết kiệm, thường xuyên tham gia và thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; luôn có ý thức xây dựng tập thể đoàn kết trong các hoạt động ở chi bộ Đảng và cơ quan, luôn giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng; đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng nói không đi đôi với việc làm, xây không đi đôi với chống; giữ gìn tư cách, phẩm chất, đạo đức cách mạng và phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người đảng viên; chấp hành Quy định của BCH Trung ương về những điều Đảng viên không được làm; tạo mối quan hệ thân thiện hoà nhã với nhân dân địa phương, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; chấp hành nghiêm Quy định số 47-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ của cơ quan, đơn vị; không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Vthực hiện nhiệm vụ được giao, đối với công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, luôn chấp hành nghiêm quy chế, quy định và chương trình, kế hoạch công tác của Nhà trường; nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực, sáng tạo trong công việc; chủ động việc nghiên cứu tài liệu, soạn giảng, tham gia viết bài trao đổi khoa học đăng nội san, website; dự giờ các giảng viên trong Trường để rút kinh nghiệm đứng lớp, tác phong sư phạm. Nghiên cứu đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức, rèn luyện tác phong làm việc, năng lực chuyên môn, kỹ năng giảng dạy; tích cực tham gia viết bài đăng website, nội san, hội thảo khoa học cấp trường, báo địa phương; tích cực tham gia nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường; xây dựng kế hoạch và tham gia nghiên cứu thực tiễn tại địa phương, cơ sở; tham gia tương tác trên trang fanpage Ánh Dương của trường; là thành viên nghiên cứu đề tài khoa học cấp trường; xây dựng kế hoạch và tham gia nghiên cứu thực tiễn tại địa phương, cơ sở. Đối với xây dựng quan hệ với học viên, quan tâm giúp đỡ học viên và nhiệt tình truyền đạt kiến thức để học viên có cơ sở vận dụng vào công tác tại đơn vị, cơ sở. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để học viên phát huy năng lực sáng tạo trong mỗi tiết học; luôn công bằng, dân chủ trong đánh giá kết quả của học viên.

Để nâng cao “tính đảng” cho đội ngũ giảng viên trường Chính trị Yên Bái hiện nay theo tôi, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Về phía Đảng bộ Nhà trường

Một là, cần quan tâm hơn nữa việc tổ chức tốt việc học tập, nghiên cứu lý luận, nhất là chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ giảng viên

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, trau dồi lý luận. Người chỉ rõ: “… có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình...”.Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, bởi vì nhận thức là cơ sở của hành động. Nhận thức đúng sẽ giúp cho giảng viên Trường Chính trị có hành động đúng đắn. Do đó, các cấp uỷ, tổ chức Đảng phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, qua đó giúp cho giảng viên nâng cao nhận thức, rèn luyện bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng; củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng; xác định tốt ý thức trách nhiệm, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Hai là, đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ cấp ủy, tổ chức Đảng

Công tác kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng trong việc giữ vững và nâng cao “tính đảng" cho mỗi đảng viên, giảng viên, thông qua kiểm tra, giám sát đội ngũ giảng viên thì cấp ủy, chi bộ mới có thể xem xét, đánh giá, phân tích, kết luận chính xác về phẩm chất, trình độ, năng lực của từng giảng viên. Để nâng cao “tính đảng” trong mỗi người giảng viên thì công tác kiểm tra, giám sát cần phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục và chặt chẽ hơn. Phải kiểm tra, giám sát toàn diện, từ việc giảng viên thực hiện Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến việc thực hiện 19 điều đảng viên không được làm và việc giữ gìn phẩm chất, tư cách của đảng viên...

Cấp ủy phải nắm chắc diễn biến tư tưởng, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xem xét xử lý đúng nguyên tắc, quy trình, kỷ luật nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; giữ nghiêm kỷ luật Đảng, gắn kiểm tra, giám sát với đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; những biểu hiện cơ hội, thực dụng, trung bình chủ nghĩa...

Về phía giảng viên

Một là, thường xuyên tự tu dưỡng, tự rèn luyện, thực hành tự phê bình và phê bình.

Mỗi giảng viên cần nêu cao tính tích cực tự tu dưỡng, tự rèn luyện, phấn đấu về mọi mặt.Việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên chỉ có kết quả tốt khi chính họ có ý thức tự giác. Để làm được điều này, mỗi giảng viên phải xác định rõ động cơ tự học tập, tự rèn luyện là để phục vụ cho công tác cách mạng, biết khắc phục mọi khó khăn để phấn đấu vươn lên. Phát huy tinh thần tự chủ trong mọi hoạt động, phấn đấu vươn lên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; tự tu dưỡng, rèn luyện, tự chủ trong tự phê bình và phê bình.

Để thực hiện tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả, mỗi giảng viên trước hết phải trung thành và thẳng thắn. Bởi vì, “trung thành, thẳng thắn là đạo đức cách mạng mà cũng là cái động lực giúp chúng ta công tác có hiệu quả hơn cho Đảng, cho nhân dân”[2]. Chỉ có trung thành và thẳng thắn, người đảng viên, giảng viên trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào “bao giờ cũng đặt lợi ích chung của Đảng của cách mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Vì Đảng, vì cách mạng, vì dân mà ra sức phấn đấu, dù phải hy sinh cả tính mệnh của mình cũng vui lòng”[3]. Chỉ có trên cơ sở quán triệt tư tưởng đó, tinh thần tự phê bình và phê bình mới đảm bảo tính khách quan, hiệu quả nhằm chiến thắng chủ nghĩa cá nhân và thông qua đấu tranh chính trị để rèn luyện bản lĩnh, khẳng định “tính đảng”, đấu tranh với những biểu hiện hủ hóa, phản cách mạng.

Hai là, ra sức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sáng tạo trong hoạt động chuyên môn.

Mỗi giảng viên thường xuyên học tập chính là để có đủ năng lực làm chủ, năng lực tổ chức, có tư duy độc lập và sáng tạo, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng công tác. Ra sức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ phải được coi là một tiêu chuẩn, một giá trị đạo đức của người đảng viên, giảng viên. Học tập phải trở thành nhu cầu, thói quen, hành vi hàng ngày của mỗi người. Ai lười học, lười suy nghĩ, không thường xuyên tiếp nhận, cập nhật thông tin mới, những hiểu biết mới cũng là một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức. 

Ba là, phát huy vai trò gương mẫu trong mọi hoạt động

Bản thân mỗi giảng viên phải cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, thường xuyên trau dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là người tiên phong làm trước, làm gương, không những hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, mà còn là những mẫu mực trong cuộc sống hàng ngày.

Giữ vững và nâng cao “tính đảng” cho người giảng viên trường Chính trị hiện nay là yếu tố mang tính then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng; việc rèn luyện "tính đảng" đội ngũ giảng viên hiện nay cần phải gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII “về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh",điều đó đặt ra đòi hỏi mỗi giảng viên của Nhà trường phải ra sức tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện, đoàn kết, khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, để trường Chính trị luôn vững mạnh toàn diện, xứng đáng là địa chỉ đào tạo đáng tin cậy của Tỉnh nhà.

Từ Thị Thoa – Khoa Lý luận cơ sở

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.307

[2] Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.275.