• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT VÀI SUY NGHĨ TRONG VIỆC TẠO HỨNG THÚ CHO NGƯỜI HỌC KHI GIẢNG DẠY CÁC MÔN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ
Ngày xuất bản: 10/12/2020 2:56:00 CH
Lượt đọc: 15934

 

Hứng thú là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với đối tượng nào đó, có khả năng mang lại động lực trong quá trình hoạt động. Hứng thú biểu hiện ở sự tập trung cao độ, ở sự say mê, hấp dẫn bởi nội dung hoạt động, ở bề rộng và chiều sâu của những hoạt động đó. Hứng thú làm nảy sinh khát vọng hành động, làm tăng hiệu quả của hoạt động nhận thức, tăng năng lực làm việc.

Hứng thú học tập có thể hiểu là thái độ của chủ thể đối với đối tượng của hoạt động học tập, vì sự lôi cuốn về tình cảm, ý nghĩa thiết thực trong quá trình nhận thức.

Hứng thú học tập bao gồm hai yếu tố sau:

Thứ nhất, yếu tố nhận thức: là thái độ nhận thức của cá nhân đối với nội dung môn học ở một mức độ nào đó. Cá nhân ý thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của kiến thức học tập, trong cuộc sống và đối với bản thân cá nhân, muốn hiểu biết về nó kĩ hơn, sâu sắc hơn.

Thứ hai, yếu tố cảm xúc: là thái độ cảm xúc tích cực, bền vững của cá nhân đối với nội dung, trí thức môn học.

Có thể thấy, hứng thú học tập là sự kết hợp giữa nhận thức, cảm xúc tích cực và hành động nhằm chiếm lĩnh nội dung môn học. Nếu không có hứng thú học tập, quá trình học sẽ mang tính chất đối phó, miễn cưỡng, người học sẽ chỉ tiếp thu được một lượng kiến thức rất ít, không sâu, không bản chất. Và vì thế dễ quên. Chính vì vậy, việc tạo hứng thú cho người học được xem là yêu cầu bắt buộc đối với bất cứ ai làm công tác giảng dạy, đối với bất cứ bộ môn khoa học nào.

Đối các môn lý luận chính trị, đây là những môn khoa học với những kiến thức khó, trừu tượng..., và vẫn thường được xem là khô khan, cho nên việc tạo hứng thú cho người học lại cần được quan tâm nhiều hơn, và dĩ nhiên cũng khó tạo sự hứng thú hơn. Vậy, làm thế nào để tạo hứng thú cho người học khi giảng dạy các môn lý luận chính trị? Đây là một vấn đề khó, không có một cách thức, con đường chung cho mọi người. Dưới đây, xin được đề xuất một số phương pháp để tạo hứng thú cho người học từ quá trình thực giảng dạy.

Một là, giảng viên cần nắm chắc chuyên môn. Việc nắm chắc chuyên môn sẽ giúp giảng viên “thiết kế” bài học tốt và vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực vào quá trình giảng dạy, có như vậy bài giảng mới sâu sắc, sinh động, mới gây hứng thú cho người học. Từ đó, khuyến khích được sự trao đổi đối thoại hợp tác giữa người dạy với người học, giữa người học với nhau. Muốn vậy, bản thân người giảng viên phải yêu thích công việc giảng dạy của mình. Bởi vì, khi yêu công việc, người giảng viên sẽ dồn vào đó tâm huyết, sự say mê, nhiệt tình trong nghiên cứu khoa học để lĩnh hội nhiều kiến thức hơn và luôn mong muốn tìm hiểu, đổi mới các phương pháp dạy học để giúp người học tiếp cận bài giảng dễ dàng hơn.

Hai là, phải gắn nội dung bài học các môn lý luận chính trị với hiện thực cuộc sống. Đây cũng là một nguyên tắc cơ bản của giáo dục. Trong giảng dạy lý luận chính trị, người dạy có thể đưa các kiến thức kinh điển, các nghị quyết, văn kiện… gắn với đời sống thực tiễn, liên hệ với thực tiễn bằng cách lấy các ví dụ. Việc lấy các ví dụ thành công cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người học hiểu bài và nhất là có thể tạo sự hứng thú cho người học. Muốn vậy, ví dụ trước hết phải phù hợp, phải đúng để giúp người học hiểu bài. Tiếp đến, ví dụ phải điển hình, phải hay. Và nếu có thể, thêm yếu tố hài hước. Như thế, tiết học sẽ trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ, giảm sự căng thẳng, dễ tạo hứng thú cho người học, đặc biệt là người học dễ nhớ bằng các liên hệ thực tiễn chứ không phải nhớ máy móc các kiến thức sách vở.

Ba là, giảng viên phải tìm cách để người học thực sự hiểu và vận dụng được bài học. Để làm được điều này, đòi hỏi giảng viên phải hết sức kiên nhẫn, luôn đặt mình vào vị trí của người học để cảm nhận được chính xác mức độ khó dễ của kiến thức mới. Đồng thời chú ý tới biểu cảm của người học để thực sự nắm được mức độ tiếp thu của người học, sau đó có sự điều chỉnh kịp thời trong giảng dạy.

 

Bốn là, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá. Tùy theo nhu cầu và tình hình thực tế để áp dụng các hình thức kiểm tra cho phù hợp và đánh giá được thực chất nhất chất lượng học tập của người học để tiếp tục điều chỉnh phương pháp dạy học

Năm là, tạo mối quan hệ gần gũi giữa giảng viên và người học. Phần lớn giữa giảng viên và người học luôn có một khoảng cách nhất định, nên thường thấy người học ít dám phản ứng hoặc thắc mắc khi gặp phải kiến thức chưa hiểu, chưa nắm chắc. Vì vậy, việc tạo không gian gần gũi, vui vẻ để khuyến khích người học chia sẻ ý kiến, sẵn sàng nêu thắc mắc với giảng viên cũng là vô cùng cần thiết.

Usinxki cho rằng: “Trong học tập không có hứng thú mà chỉ dùng sức mạnh của sự cưỡng ép, nó sẽ làm cho óc sáng tạo của người ta ngày thêm mai một, nó sẽ làm cho người ta ngày một thờ ơ với loại hình hoạt động này”. Có thể nói, hứng thú học tập có ý nghĩa rất lớn đến thành tích kết quả học tập của người học không chỉ ở trên lớp, mà cao hơn là tạo động lực để sau đó biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục để người học có thể tự học suốt đời. Chính vì vậy, mỗi bản thân người giảng viên phải luôn tự ý thức trách nhiệm của mình trong quá trình truyền đạt tri thức, để các môn lý luận chính trị nói riêng và các môn khoa học khác nói chung sẽ là niềm yêu thích của mọi người học.

Lương Thị Hải Yến

Khoa Lý luận cơ sở