• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT VÀI SUY NGHĨ TRONG VIỆC SỬ DỤNG GIÁO ÁN ĐIỆN TỬ ĐỂ GIẢNG DẠY TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ YÊN BÁI HIỆN NAY
Ngày xuất bản: 10/12/2021 12:06:00 CH
Lượt đọc: 13124

Trong thời đại ngày nay là thời đại của thông tin và nền kinh tế tri thức đã tạo ra những biến đổi to lớn trong mọi mặt hoạt động của con người và xã hội. Đặc biệt với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và nó đã trở thành công cụ mạnh mẽ len lõi vào tất cả các mặt của đời sống xã hội. Trong giáo dục cũng không nằm ngoài đều đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giáo dục đã được thực hiện hầu hết các quốc gia trên thế giới và cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Vai trò và hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin (sử dụng giáo án điện tử) vào trong giảng dạy đã được chứng minh bằng thực tiễn giáo dục trong nước trong những năm qua, qua đó cũng cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin và quá trình giảng dạy cũng là xu hướng tất yếu trong giáo dục hiện nay.  Ngày nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin, soạn giáo án điện tử vào trong giảng dạy lý luận chính trị ở các trường chính trị cũng là vấn đề cần thiết, giúp cho học viên lĩnh hội kiến thức, kỹ năng cơ bản, phát huy khả năng tư duy, khả năng nhận thức, xử lý thông tin, giải quyết tình huống. Qua đó, giúp cho học viên dễ dàng nắm vững những kiến thức lý luận để áp dụng vào trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các phương tiện hiện đại trong các hoạt động tại Trường Chính trị Yên Bái đã có nhiều chuyển biến và những bước phát triển mạnh. Trong đó, ứng dụng công nghệ, phương tiện hiện đại vào giảng dạy được nhà trường hết sức quan tâm, ủng hộ. Thực tế cho thấy, ứng dụng công nghệ, phương tiện hiện đại gắn với việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực đã không ngừng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại Trường Chính trị Yên Bái trong năm vừa qua.

Tuy nhiên, cần nghiêm túc nhìn nhận là việc đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường vẫn chưa tương xứng với yêu cầu ngày càng cao của người học. Một trong những bất cập đó là kỹ năng sử dụng các công nghệ, phương tiện hiện đại của nhiều giảng viên vẫn còn hạn chế. Đa số giảng viên chưa được đào tạo bài bản mà chủ yếu là “tự mò mẫm” và sử dụng theo thói quen. Có thể nói, công nghệ, phương tiện hiện đại không phải là yếu tố quyết định mà chỉ yếu tố hỗ trợ đảm bảo quá trình dạy học đạt hiệu quả cao hơn mà thôi. Thậm chí, công nghệ phương tiện hiện đại sẽ có tác dụng phụ nếu giảng viên quá lạm dụng hoặc không có đủ kỹ năng cần thiết.

Để việc sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy lý luận chính trị tại trường Chính trị Yên Bái đạt kết quả cao trong thời gian tới, tôi có một số đề xuất như sau:

  Thứ nhất: Lựa chọn nội dung bài giảng hoặc phần bài giảng phù hợp với giáo án điện tử

Giảng viên lựa chọn những kiến thức cơ bản, trọng tâm, có tính khái quát và chắt lọc cao để sắp xếp chúng vào các slide. Trình chiếu nhằm hỗ trợ bài giảng, thể hiện nội dung tóm tắt và những điểm trọng tâm của bài giảng. Trên các slide không nên viết theo kiểu toàn văn, giảng viên không nên giảng theo kiểu đọc slide. Thông tin trên mỗi slide phải đơn giản, khái quát chủ yếu là các tiêu đề và dàn ý cơ bản để người học không bị mất nhiều thời gian vào việc đọc thông tin trên slide làm giảm chú ý đến nghe giảng từ giảng viên.

                Không nên sử dụng quá nhiều slide trong một tiết học vì có thể gây lấn thời gian giảng trực tiếp và phân tán sự tập trung chú ý của học viên. Slide cuối cùng của mỗi bài trình chiếu nên chốt lại các nội dung về kiến thức của phần giảng tương ứng. Khi trình bày slide nên sử dụng các sơ đồ khối để học viên thấy ngay được cấu trúc logic của những nội dung cần trình bày và tăng hiệu quả ghi nhớ của học viên.

Thiết kế slide nên lựa chọn phông chữ, cỡ chữ, màu chữ, màu nền cho các Slide bài giảng cho học viên dễ theo dõi. Sử dụng các phông chữ đơn giản, rõ ràng, không nên chọn các phông chữ quá cầu kỳ, phức tạp. Chọn cỡ chữ phù hợp, theo tôi, thiết kế cho mỗi Slide chỉ nên đặt cỡ chữ khoảng 30-40. Cần chọn màu chữ phù hợp với màu nền của các Slide, theo nguyên tắc tương phản, chỉ nên sử dụng chữ màu sậm (đen, xanh đậm, đỏ đậm,…) trên nền trắng hay nền màu sáng. Nên hạn chế sử dụng màu nền là các màu quá chói hoặc quá tương phản nhau vì dễ gây khó chịu, ức chế khi theo dõi.

  Thứ hai, lập dàn ý trình bày và liên kết hợp lý các Slide nội dung bài giảng

Trong lúc hình thành dàn ý bài soạn dưới dạng các Slide cần chú ý mối liên hệ hữu cơ về nội dung giữa các slide. Nếu không, giáo án điện tử có thể trở thành một tập các chữ và ảnh hơn là một bài soạn. Khi giáo viên trình chiếu Power Point, để học viên có thể ghi chép kịp thì nội dung trong mỗi slide không nên xuất hiện dày đặc cùng lúc. Ta nên phân dòng hay phân đoạn thích hợp, cho xuất hiện theo hiệu ứng thời gian tương ứng. Trường hợp có nội dung dài mà nhất thiết phải xuất hiện trọn vẹn cùng lúc, ta trích xuất từng phần thích hợp để giảng, sau đó đưa về lại trang có nội dung tổng thể, học viên sẽ dễ hiểu và dễ ghi chép hơn.

Thứ ba: Lựa chọn phông chữ, cỡ chữ, màu chữ, màu nền cho các Slide bài giảng

     Sử dụng các phông chữ phổ biến, đơn giản, rõ ràng, không nên chọn các phông chữ quá cầu kỳ. Việc sử dụng phông chữ không hợp lý có thể vừa làm cho học viên khó theo dõi, vừa làm mất đi tính nghiêm túc, chính thống của một bài giảng lý luận chính trị.

     Chọn cỡ chữ phù hợp, không nên quá to hoặc quá nhỏ. Theo chúng tôi, đối với các lớp học có số lượng tương đối đông (khoảng  từ 70 học viên trở lên), hội trường rộng, chúng ta nên thiết kế đặt cỡ chữ sao cho mỗi Slide chỉ nên bao gồm từ 7 đến 9 dòng (Font size khoảng 36-40). Cần chọn màu chữ (Font color) phù hợp với màu nền (Fill color) của các Slide, tạo điều kiện thuận lợi cho sự theo dõi của người học. Trong một số trường hợp, chúng ta cũng có thể trình chiếu các Slide lên bảng xanh, bảng đen thông thường nếu biết thiết kế hợp lý giữa màu chữ và màu nền. Về màu sắc của nền hình: cần tuân thủ nguyên tắc tương phản (Contrast), chỉ nên sử dụng chữ màu sậm (đen, xanh đậm, đỏ đậm…) trên nền trắng hay nền màu sáng. Ngược lại, khi dùng màu nền sậm thì chỉ nên sử dụng chữ có màu sáng hay trắng.

     Thứ tư: sử dụng hợp lý hình ảnh, âm thanh, các đoạn video, lập sơ đồ, bảng biểu trong các Slide bài giảng

            Có thể thấy, các Slide chỉ thực sự phát huy được ưu thế của nó so với bảng phấn khi khai thác được các yếu tố đặc thù như hình ảnh, video hoặc các sơ đồ, bảng biểu gắn với nội dung bài giảng. Các tư liệu này hiện nay chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm trên Internet, các đĩa CD, DVD hoặc sao chụp từ sách, báo… Tuy nhiên, một điều lưu ý là hình ảnh và âm thanh đưa vào bài giảng nhất thiết phù hợp với mục tiêu học tập mà người học cần đạt, hướng đến trọng tâm kiến thức của bài. Việc lạm dụng hoặc sự thiếu chọn lọc hình ảnh, âm thanh trong khi biên soạn sẽ gây nhiễu cho quá trình lĩnh hội kiến thức của học viên. Chúng ta cũng nên lưu trữ và tổ chức hệ thống tư liệu nói trên một cách khoa học để có thể sử dụng chúng lâu dài cho các bài soạn khác.

Những nội dung bài giảng phù hợp chúng ta nên sơ đồ hóa hoặc thể hiện dưới dạng bảng biểu. Điều này qua thực nghiệm đã chứng minh có khả năng hiệu quả ghi nhớ cho học viên.

     Thứ năm, cần nắm được kỹ năng sử dụng và khắc phục sự cố trình chiếu

Khi sử dụng giáo án điện tử, giảng viên có thể gặp phải những sự cố nhất định xuất phát từ một số nguyên nhân như: sự không tương thích giữa máy tính và Projector; thiết đặt chế độ trình chiếu không đúng, góc chiếu, tiêu cự không hợp lý… Vì vậy, trước khi tiến hành giảng dạy bằng giáo án điện tử, bạn cần phải được người có chuyên môn hướng dẫn cụ thể về kỹ năng sử dụng các thiết bị, máy móc và cách khắc phục các sự cố thông thường.

Dương Thị Thúy Tài

Khoa Nhà nước và pháp luật