• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆC NGHIÊN CỨU, VẬN DỤNG NỘI DUNG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG, VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH YÊN BÁI LẦN THỨ XIX VÀO GIẢNG DẠY CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH YÊN BÁI
Ngày xuất bản: 31/10/2022 3:24:00 CH
Lượt đọc: 7703

Tháng 9/2020 và tháng 2/2021 Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các văn kiện Đại hội được xây dựng trên cơ sở tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn; kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong các Nghị quyết Đại hội có ý nghĩa hết sức quan trọng, là những chỉ đạo, định hướng lớn cho sự phát triển của đất nước, của địa phương giai đoạn 2020 - 2025, và tầm nhìn đến 2030 và 2045. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân được quán triệt sâu sắc, những quan điểm, định hướng của Đại hội, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong toàn thể Nhân dân trong triển khai, thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng.

Quán triệt các quan điểm, định hướng của Trung ương và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; trên cơ sở chỉ đạo, định hướng của Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái, trường Chính trị tỉnh Yên Bái đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đưa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của luôn đề cao trách nhiệm trong công tác quán triệt, nắm vững các quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là những vấn đề mới của Nghị quyết Đại hội và các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Tỉnh để đưa vào bài giảng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.

Vận dụng văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học hiện nay nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu giảng dạy lý luận chính trị trong tình hình mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường không chỉ có kiến thức chuyên môn phong phú, phương pháp giảng dạy hiện đại mà còn biết vận dụng có hiệu quả các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào từng nội dung bài giảng cho phù hợp, từ đó gắn lý luận với thực tiễn và định hướng chính trị cho người học. Đây là quá trình biện chứng giữa nghiên cứu, học tập, quán triệt và trực tiếp tham gia tuyên truyền Nghị quyết của Đảng. Vì vậy, mỗi giảng viên cần ý thức được đây là công việc thường xuyên, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học để có được kết quả tốt nhất. Việc nghiên cứu, vận dụng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Văn kiện Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX vào giảng dạy ở trường Chính trị tỉnh Yên Bái chịu sự tác động của nhiều tố. Cụ thể như sau:

            Thứ nhất, về nội dung các môn học trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị ở trường Chính trị tỉnh Yên Bái.

Về cơ bản nội dung các chuyên đề trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị đều đề cập những vấn đề liên quan đến các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại… Đồng thời, phân tích, đánh giá thực trạng việc thực hiện các nội dung đó trong thời gian qua và đưa ra phương, hướng, nhiệm vụ, giải pháp định hướng của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực hiện trong thời gian tới. Vì vậy, các chuyên đề của các môn học trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị có sự đồng nhất về nội dung, gắn kết chặt chẽ với nhau, đặc biệt là đề cập đến nhiều vấn đề thực tiễn quan trọng, thiết thực đối với nước ta và từng địa phương, cơ sở trong giai đoạn hiện nay. Việc vận dụng nội dung Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX vào công tác giảng dạy trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị ở trường Chính trị tỉnh Yên Bái là đòi hỏi tất yếu. Điều đó không chỉ giúp học viên nắm vững kiến thức, mà còn có thể vận dụng vào quá trình rèn luyện, công tác của bản thân, góp phần thực hiện các chính sách ở địa phương hiệu quả hơn theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước từng bước xây dựng địa phương phát triển về mọi mặt.

Thứ hai, về nội dung của Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX.

Văn kiện Đại hội Đảng các cấp là tài liệu mang tính chất ổn định trong nhiệm kỳ. Bởi vậy, việc nghiên cứu, vận dụng nội dung Văn kiện vào giảng dạy tương đối thuận lợi và ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết và các nội dung trên tất cả các lĩnh vực thì sẽ có những văn bản, chính sách, Luật, Nghị định, chương trình… nhằm cụ thể hóa, chi tiết hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần chú ý cập nhật liên tục, kịp thời những nội dung có liên quan tới bài giảng, môn học để đảm bảo tính thời sự trong quá trình giảng dạy, cung cấp và thông tin đến người học những nội dung mới nhất, chính xác nhất liên quan đến nội dung của bài học.

Thứ ba, số lượng, trình độ, tinh thần, thái độ học tập và nhận thức chính trị của học viên.

Hiện nay học viên của các lớp còn tương đối đông, trình độ học viên ở các lớp tương đối cao, nhưng cũng có lớp trình độ không đồng đều, trình độ chuyên môn phong phú, độ tuổi chênh lệch… nên nhãn quan chính trị cũng có sự khác nhau, có học viên chỉ chuyên sâu kiến thức chuyên ngành những kiến thức lý luận ít quan tâm. Mặt khác, học viên vừa học vừa làm nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự chuyên tâm đầu tư học tập và nghiên cứu, thời gian để nghiên cứu học tập không nhiều… Điều đó phần nào gây khó khăn cho giảng viên trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị nói chung và giảng dạy các môn học trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị nói riêng.

Dạy học là quá trình tương tác giữa người dạy và người học, người học là đối tượng tiếp nhận thông tin mà người dạy hướng đến. Nếu người học có tinh thần, thái độ học tập tốt, tích cực tương tác, trao đổi ý kiến, bầu không khí học tập sẽ sôi nổi, việc tiếp thu kiến thức hiệu quả và ngược lại.

Khi học các môn học trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị nếu học viên có nhận thức chính trị tốt, có sự nghiên cứu sâu về các văn kiện đại hội của Đảng, đặc biệt là Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX sẽ dễ dàng tiếp thu bài học; giúp nâng cao hiệu quả việc vận dụng của giảng viên.

Hiện nay, đối tượng tham gia học chương trình Trung cấp lý luận chính trị là cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương đa số là đảng viên. Vì vậy, nhìn chung học viên có nhận thức chính trị tốt, đã được tham gia học tập, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, trong đó đặc biệt chú ý nội dung Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX. Đây là kiến thức nền tảng giúp học viên thuận lợi trong quá trình học tập.

Thứ tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học.

Cơ sở vật chất và phương tiện dạy học có tác động nhất định đến quá trình dạy học. Cơ sở vật chất tốt tạo môi trường thoải mái cho cả người dạy và người học. Phương tiện dạy học tốt, đặc biệt là phương tiện hiện đại giúp giảng viên tăng thêm sự hấp dẫn của bài học, lôi cuốn học viên qua những hình ảnh, video minh hoạ hoặc những sơ đồ hoá kiến thức nội dung bài giảng giúp học viên dễ ghi nhớ.

Nhà trường cần quan tâm việc tăng cường cơ sở vật chất; đầu tư sửa chữa, mua sắm trang thiết bị phòng học theo hướng ngày càng đồng bộ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn công nghệ số, nhà trường phải đầu tư các loại trang thiết bị máy móc tốt, hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy, học tập đạt kết quả tốt nhất.

Thứ năm, sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Yên Bái.

Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả, hoạt động dạy và học ở Trường Chính trị tỉnh Yên Bái nói chung và hoạt động giảng dạy các môn học trong chương trình Trung cấp Lý luận chính trị nói riêng. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường không chỉ mang tính định hướng mà còn là cơ sở quan trọng để giảng viên thực hiện chức năng nhiệm vụ giảng dạy. Đồng thời, sự kiểm tra, giám sát góp phần tạo nên trật tự, kỷ cương, kỷ luật cũng như là cơ sở để đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng giảng viên nhà trường.

Trong những năm qua, Nhà trường luôn tổ chức và triển khai quán triệt, học tập nghiêm túc các Văn kiện của Đảng. Đặc biệt, ngay sau khi Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX được ban hành, Nhà trường đã tổ chức học tập, quán triệt đến toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường. Trên cơ sở tiếp thu các văn bản hướng dẫn của cấp trên, Đảng ủy nhà trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng nhằm tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện sâu rộng, hiệu quả tới từng cán bộ, giảng viên và nhân viên nhà trường bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và thiết thực. Từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên được nghiên cứu, tìm hiểu, học tập các Văn kiện hiệu quả, thiết thực và sâu sắc hơn. Có nắm chắc, hiểu đúng, đủ các nội dung của các Văn kiện thì giảng viên mới có cơ sở để vận dụng vào quá trình giảng dạy lý luận chính trị một cách hiệu quả được.

Bên cạnh đó Đảng ủy nhà trường và các chi bộ thường xuyên chỉ đạo các giảng viên tích cực nghiên cứu, vận dụng, đưa nội dung văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX và các chuyên đề vào nội dung giảng dạy một cách phù hợp với từng bài giảng, từng môn học. Đặc biệt, đối với các môn học trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị luôn được quan tâm, quán triệt sâu sắc.

Đồng thời, thông qua hoạt động thao giảng, dự giờ, chấm giáo án sẽ giúp Ban giám hiệu nhà trường kiểm tra, giám sát được việc vận dụng nội dung của các văn kiện, văn bản của Đảng vào giảng dạy của giảng viên. Từ đó, sẽ có những biện pháp để lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả việc vận dụng các văn kiện vào giảng dạy lý luận chính trị của nhà trường.

Thứ sáu, năng lực, trình độ và trách nhiệm của giảng viên.

Đây là nhân tố giữ vai trò trụ cột, quyết định trực tiếp đến hiệu quả việc vận dụng nội dung Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX vào giảng dạy. Trong quá trình dạy học nói chung, giảng viên là người định hướng, dẫn dắt người học tiếp cận các tri thức, kiến thức theo mục đích của chương trình học. Năng lực, kinh nghiệm, nhiệt huyết… của giảng viên là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy; quyết định tính chính xác, tính khoa học, sinh động, tính thuyết phục, tính hấp dẫn, tính hiệu quả của bài giảng.

Trong việc vận dụng nội dung các Văn kiện vào giảng dạy, bên cạnh những yêu cầu chung của việc giảng dạy lý luận chính trị, đòi hỏi giảng viên phải nắm vững, hiểu sâu về nội dung của Văn kiện và các Nghị quyết chuyên đề; nêu cao ý thức thường xuyên vận dụng Văn kiện, Nghị quyết vào giảng dạy và xác định đây là đòi hỏi tất yếu của việc giảng dạy. Bên cạnh đó, giảng viên cần nghiên cứu, tìm tòi để có những phương pháp, cách thức vận dụng linh hoạt, khéo léo để đưa nội dung các Văn kiện vào bài học một cách tự nhiên, logic, khoa học, hợp lý sẽ đạt hiệu quả cao hơn trong quá trình giảng dạy. Nếu giảng viên vận dụng nhuần nhuyễn, phù hợp sẽ giúp nâng cao tính thực tiễn của bài học, đáp ứng mục tiêu chương trình trình Trung cấp lý luận chính trị, nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Trình độ, năng lực và ý thức trách nhiệm của giảng viên là những yếu tố tạo nên nền tảng cốt lõi trong việc vận dụng các Văn kiện vào giảng dạy lý luận chính trị. Bởi nếu chỉ có trình độ, năng lực mà thiếu ý thức trách nhiệm thì vận dụng cũng không hiệu quả, chất lượng và việc vận dụng chỉ mang tính chất đối phó, chiếu lệ; nhưng nếu như năng lực, trình độ mà hạn chế thì ý thức trách nhiệm có cao cũng sẽ vất vả, khó khăn mà cũng khó có thể tìm hiểu được sâu, đủ và tìm được cách vận dụng khéo, hay, hấp dẫn. Chính bởi vậy, yếu tố năng lực, trình độ và trách nhiệm của giảng viên là những yếu tố mang tính chất quyết định chất lượng, hiệu quả trong quá trình vận dụng các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng vào giảng dạy trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị.

Tóm lại, việc vận dụng Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX vào giảng dạy các môn học trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Yên Bái có sự tác động của nhiều yếu tố, mỗi yếu tố có tầm quan trọng và ảnh hưởng riêng. Việc đánh giá đầy đủ và phát huy đồng bộ các yếu tố tác động đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả việc dụng trong giảng dạy lý luận chính trị trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị ở trường Chính trị tỉnh Yên Bái./.

Hoàng Khắc Cương

Khoa Nhà nước và Pháp luật