• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ Ý KIẾN TRAO ĐỔI TRONG VIỆC SOẠN VÀ GIẢNG BÀI “CẤP ỦY CƠ SỞ VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY” TRONG CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG CẤP ỦY CƠ SỞ NĂM 2021
Ngày xuất bản: 30/09/2021 2:49:00 CH
Lượt đọc: 10015

 

            Trong bài viết này, bản thân người viết không có tham vọng làm thế nào để có được một khung bài giảng hoàn chỉnh, từ đó nâng cao chất lượng bài giảng “Cấp ủy cơ sở với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay” bởi đây là một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, mỗi một giảng viên khi tiếp cận ở những góc nhìn khác nhau đều có những cách khác nhau để bài giảng đạt chất lượng cao nhất. Tuy nhiên, ở góc độ nghiên cứu, người viết cũng mạnh dạn đưa ra một số ý kiến trao đổi để nâng cao chất lượng bài giảng như sau.

            Để có một bài giảng đạt chất lượng thì công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu là hết sức quan trọng. Đối với bài giảng “Cấp ủy cơ sở với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay”, ngoài những tài liệu cơ bản như tài liệu bồi dưỡng, sách tham khảo thì những kiến thức thực tiễn về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là ở cấp cơ sở là rất quan trọng. Điều này người giảng viên có thể có được nhờ chắt lọc ở những tài liệu hoặc trực tiếp tham gia công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

            Sau khi đã có trong tay các tài liệu cần thiết và xử lý thô, xử lý tinh nhiều lần để có được một đề cương bài giảng chi tiết ưng ý, người giảng viên bắt đầu bắt tay vào khâu truyền tải những kiến thức có được thông qua những phương pháp tích cực và truyền thống tới người học. Điều cần luôn chú ý là soạn và giảng phải gắn chặt mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn. Đảm bảo sau khi giải thích rõ phần lý luận thì cần có ví dụ minh họa sâu, sát với lý luận đã đưa ra, bởi đây là nguyên tắc chung để có một bài soạn và giảng lý luận chính trị có chất lượng.

            Bởi nội dung chính của chuyên đề gồm 4 phần lớn, giảng viên cần phân phối thời gian và sử dụng phương pháp sao cho hợp lý để tránh trùng lặp các nội dung. Cụ thể là:

            Đầu tiên, phải làm rõ sự cần thiết phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được xuất phát từ 03 lý do chính: (1) từ vị trí, vai trò của công tác tư tưởng, lý luận đối với chính đảng cách mạng; (2) từ bối cảnh quốc tế và trong nước trong giai đoạn hiện nay; (3) từ sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội. Giảng viên có thể sử dụng nội dung về công tác đào tạo cán bộ của viện quản trị Masta (Nhật Bản); tác phẩm “Thế giới phẳng” của Thomas L.Friedman; những tác động của các cuộc chiến tranh công nghệ cao; ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 tới kinh tế thế giới; khái quát những phương thức, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta mà các thế lực thù địch hay sử dụng… làm ví dụ minh họa.

            Để nhận diện các lực lượng thù địch, giảng viên cần làm rõ 03 nhóm lực lượng chính là: (1) những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản; (2) lực lượng cực đoan người Việt ở nước ngoài luôn lôi kéo, kết hợp với số chống đối, bất mãn ở trong nước lập ra các tổ chức như Việt Tân, Việt Nam phục quốc, Triều đại Việt...; (3) một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như Chu Hảo…

            Về nội dung chống phá của các thế lực thù địch, giảng viên cần phân tích sâu về các vấn đề các thế lực thù địch hay sử dụng như: (1) phủ định chủ nghĩa Mác – Lênin; (2) phủ nhận hoặc tách tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chủ nghĩa Mác – Lênin; (3) chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực; (4) phủ nhận những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử chúng ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là từ khi Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới đến nay; (5) các thế lực thù địch, phản động tiến hành móc nối, xâm nhập vào nội bộ của ta, tìm cách phân hóa tổ chức, hòng dựng lên “ngọn cờ” tập hợp lực lượng; (6) các thế lực thù địch, phản động phá hoại đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa trong hội nhập quốc tế của Đảng ta. Ở nội dung này, giản viên có thể lấy các ví dụ như: Các tác phẩm của Dương Thu Hương như “Thiên đường mù”, “Bên kia bờ vọng”, “Trống vắng”… để học viên thấy sự xuyên tạc của các thế lực thù địch. Hoặc một trong những nguyên nhân sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực của Liên Xô là xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ… Đồng thời, giảng viên có thể sử dụng những video clip làm tăng tính sinh động cho bài giảng.

            Về phương thức chống phá của các thế lực thù địch, giảng viên cần tập trung làm rõ các phương thức các thế lực thù địch hay dùng như sử dụng truyền thông đại chúng, báo chí, mạng xã hội, băng đĩa, hội thảo… thông qua một số cơ quan nước ngoài chuyên chống phá Việt Nam như VOA tiếng Việt, RFA, RFI, BBC Việt ngữ... Cùng với đó là các nội dung, phương thức mà chủ thể thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần tập trung như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân; thông qua hình thức đấu tranh bằng ngoại giao, pháp lý; sử dụng hệ thống pháp chế của Nhà nước; thông qua các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; tổ chức lễ hội và kỷ niệm ngày truyền thống của địa phương, quốc gia; thông qua không gian mạng.

            Đồng thời, giảng viên cần khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của cấp ủy cơ sở đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và chỉ rõ những nhiệm vụ cụ thể của cấp ủy cơ sở phải thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, giảng viên có thể sử dụng phương pháp phát vấn hoặc sàng lọc để nêu những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân về công tác lãnh chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và Đảng bộ tỉnh Yên Bái nói riêng hiện nay.

            Về giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của cấp ủy cơ sở. Giảng viên cần tập trung làm rõ nội dung trong 8 giải pháp chủ yếu sau: (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; (2) Đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; (3) Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị; (4) Tăng cường hoạt động quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội; (5) Xây dựng lực lượng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; (6) Tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm; (7) Chủ động trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng thông qua phản biện xã hội và các buổi sinh hoạt chuyên đề, các buổi tọa đàm…; (8) Tăng cường cơ sở vật chất, đặc biệt là về khoa học công nghệ để đủ sức đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch ngày càng tinh vi, hiện đại. Thông qua đó, định hướng tư tưởng trong thời gian tới cho cán bộ, đảng viên. Giảng viên có thể sử dụng những số liệu, bài viết tại các trang fanpage Ánh Dương, Tâm Sáng, Hương Sen Việt, Thịnh vượng Việt Nam… để minh họa thêm. Điều cần lưu ý là sau mỗi nội dung, giảng viên cần neo chốt kiến thức để học viên nhận thức rõ hơn các nội dung.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi cụ thể trong việc soạn và giảng bài “Cấp ủy cơ sở với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay”, chắc chắn còn nhiều vấn đề khác cần làm sáng tỏ hơn nữa, song ở phạm vi bài viết này người viết chỉ mong muốn nêu lên một số ý kiến cá nhân nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng bài giảng, qua đó góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay của cấp ủy cơ sở.

            Ths. Hán Mạnh Hùng

Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng