• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ Ý KIẾN TRAO ĐỔI NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SOẠN VÀ GIẢNG CHUYÊN ĐỀ “TỔNG QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC THEO NGÀNH VÀ LÃNH THỔ” TRONG CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NGẠCH CHUYÊN VIÊN
Ngày xuất bản: 30/09/2021 2:51:00 CH
Lượt đọc: 10774

 

Bản thân tôi không có tham vọng làm thế nào để có được một khung bài giảng hoàn chỉnh, từ đó nâng cao chất lượng bài giảng “Tổng quan quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ”, bởi đây là một vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, mỗi một giảng viên khi tiếp cận ở những góc nhìn khác nhau đều có những cách khác nhau để bài giảng đạt chất lượng cao nhất. Tuy nhiên, ở góc độ nghiên cứu, tôi cũng mạnh dạn đưa ra một số ý kiến trao đổi để đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng bài giảng “Tổng quan quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ”, gắn lý luận với thực tiễn, phù hợp với đối tượng học viên ở các lớp chuyên viên đa phần là các công chức trẻ, mới vào nghề, còn ít kinh nghiệm công tác và phù hợp với nội dung chương trình chuyên viên.

            Đầu tiên, theo tôi để có một bài giảng chất lượng thì công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu là hết sức quan trọng. Đối với bài giảng “Tổng quan quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ, ngoài những tài liệu cơ bản như giáo trình, tài liệu tham khảo thì những kiến thức thực tiễn về công tác quản lý nhà nước ở các ngành là hết sức cần thiết. Điều này giảng viên có thể có được nhờ chắt lọc qua những lần đi nghiên cứu thực tế, tăng cường cán bộ theo những chủ trương đúng đắn của Trường và của Tỉnh.

            Sau khi đã có trong tay các tài liệu cần thiết và xử lý thô, xử lý tinh nhiều lần để có được một đề cương bài giảng chi tiết ưng ý, người giảng viên bắt đầu bắt tay vào khâu truyền tải những kiến thức có được thông qua những phương pháp tích cực và truyền thống tới người học. Điều cần chú ý là soạn và giảng cho đối tượng học viên đa phần là các công chức trẻ, mới vào nghề, còn ít kinh nghiệm công tác nên có đôi chút khác biệt so với đối tượng là học viên cán bộ, công chức là lãnh đạo, đã có nhiều thâm niên công tác. Vì vậy, nội dung càng chắt lọc, ít lý luận, ngôn từ càng đơn giản, dễ hiểu, ít dàn trải, chủ yếu là giới thiệu hệ thống văn bản để học viên tự nghiên cứu thì chất lượng bài giảng càng được nâng cao.

            Khi giảng tới nội dung chính gồm 2 phần, với thời gian dành cho bài là 8 tiết nên giảng viên cần phân bổ thời gian hợp lý, tránh dàn trải cho tất cả các phần mà chỉ  tập trung vào các phần là: Quản lý nhà nước theo ngành; Quản lý nhà nước theo lãnh thổ. Ngoài ra, giảng viên có thể giới thiệu thêm các nội dung như: Mối quan hệ giữa Quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ; Một số mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới để học viên tham khảo.

            Trong phần I: Quản lý nhà nước theo ngành, cần đi sâu phân tích khái niệm “Ngành” và khái niệm “Lĩnh vực” theo Đại từ điển Tiếng việt và giới thiệu khái quát các quan niệm khác về Ngành và Lĩnh vực hiện nay. Sau đó nêu khái quát sự phân biệt ngành với các thành phần kinh tế; xu hướng phát triển của các ngành hiện nay. Nêu rõ cách phân chia ngành trong quản lý nhà nước: bộ đơn ngành, bộ đa ngành và yêu cầu cần thiết phải tuân thủ các nguyên tắc phân chia ngành trong quản lý nhà nước, có thể lấy ví dụ về sự ra đời và phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc các ngành khác qua các thời kỳ để làm rõ. Đồng thời, giảng viên giới thiệu về lịch sử hình thành các bộ quản lý nhà nước theo ngành ở Việt Nam để học viên tự nghiên cứu. Từ đó rút ra một số nhận xét về sự phân chia ngành theo bộ. Đối với mục 3: Quản lý nhà nước theo ngành, giảng viên cần làm rõ khái niệm “Quản lý nhà nước theo ngành”; phân tích sâu các nội dung pháp luật về quản lý nhà nước theo ngành, lấy các Bộ luật như: Luật Giáo dục, Luật Y tế, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Hải quan, Luật Doanh nghiệp... làm căn cứ để phân tích về nội dung quản lý nhà nước; xác định chủ thể quản lý nhà nước theo ngành; phân định trách nhiệm các chủ thể... Đối với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cần phân định rõ các cơ quan ở cấp Trung ương là Chính phủ, các Bộ và địa phương là UBND (tỉnh, huyện), điều này được căn cứ vào Luật tổ chức Chính phủ (năm 2015) và Nghị định số 24/2014/NĐ-CP, Nghị định số 37/2014/NĐ-CP. Đặc biệt, với những nội dung cơ bản về quản lý nhà nước theo ngành, giàng viên cần phân tích, làm rõ các nội dung, đồng thời lấy ví dụ cụ thể về một số ngành như: ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Giao thông vận tải... để làm sinh động bài giảng.

            Trong phần II: Quản lý nhà nước theo lãnh thổ. Giảng viên cần phân tích rõ khái niệm “Lãnh thổ” theo Đại từ điển Tiếng Việt và các quan niệm khác hiện nay trên thế giới, từ đó gắn với quan niệm về lãnh thổ ở Việt Nam, giới thiệu cho học viên một số cách tiếp cận về phân chia vùng kinh tế theo lãnh thổ, căn cứ vào các bản Hiến pháp (năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013) và Luật tổ chức chính quyền địa phương (năm 2015). Ngoài ra, giảng viên cần phân tích tổng quan bộ máy hành chính nhà nước theo lãnh thổ, trong đó ở Trung ương là Chính phủ, các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; ở địa phương là UBND các cấp (tỉnh, huyện, xã), các sở, phòng, ban; làm rõ vấn đề thực thi quyền hành pháp nói chung và thực thi hành pháp ở địa phương, làm rõ vai trò của ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và tính chất, mô hình tổ chức quyền hành pháp ở Việt Nam; làm rõ vai trò của chính quyền địa phương, trong đó HĐND và UBND. Đặc biệt, trong vấn đề phân cấp quản lý nhà nước theo lãnh thổ, giảng viên cần phân tích, làm rõ cơ chế phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa cơ quan Trung ương và địa phương được quy định trong Hiến pháp (năm 2013) và Luật tổ chức chính quyền địa phương (năm 2015) và các văn bản khác có liên quan. Vấn đề tự quản ở địa phương cũng đang là vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều người, vì vậy khi giảng nội dung về tự quản địa phương, giảng viên cần nêu bật được lưu ý tự quản nhưng không được phép vua thua lệ làng, tự quản ở địa phương phải thông qua bộ máy nhà nước và pháp luật của Nhà nước, văn bản quản lý nhà nước do địa phương ban hành. Muốn vậy, phải có sự đổi mới nhận thức về về vị trí, vai trò của chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp cơ sở.

            Mặt khác, giảng viên có thể giới thiệu nội dung: Mối quan hệ giữa quản lý nhà nước theo ngành với quản lý nhà nước theo lãnh thổ để học viên hiểu rõ thực chất quản lý nhà nước theo ngành, quản lý nhà nước theo lãnh thổ hay mối quan hệ giữa quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ đều là cách nói khác nhau nhưng bản chất của nó đều là quản lý các vấn đề thuộc đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội xảy ra trên từng lãnh thổ. Ở phần này, giảng viên có thể giới thiệu những vấn đề cơ bản về mối quan hệ trong hoạt động quản lý nhà nước, về cơ chế kết hợp, các hình thức kết hợp quản lý... Phân tích các điều kiện để xây dựng mối quan hệ giữa quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ; lợi ích của việc thực hiện mối quan hệ này; các nguyên tắc thực hiện mối quan hệ; bộ máy quản lý nhà nước ngành gắn với lãnh thổ ở cấp Trung ương và địa phương. Có thể lấy ví dụ ở các cơ quan Trung ương như Chính phủ, Bộ, các cơ quan đặc thù theo ngành dọc nhưng đặt tại địa phương như Thuế, Công an, Bảo hiểm, Kho bạc, Ngân hàng... Ngoài ra, cần phân tích rõ các nội dung mối quan hệ giữa quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ: xác định thể chế; phương thức; thẩm quyền; nguồn lực; cơ chế phối hợp...

            Điều cần chú ý khi giảng chuyên đề là để gắn lý luận với thực tiễn, do tài liệu chương trình chuyên viên có một số nội dung đã lạc hậu (năm 2018), vì vậy giảng viên cần liên tục cập nhật các văn bản mới chưa có trong tài liệu như: các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của các Bộ, các văn bản, đề án của Tỉnh... để giảm bớt tính chung chung, tăng tính cụ thể, thực tiễn, phù hợp với địa bàn tỉnh Yên Bái.

            Về phương pháp giảng dạy chuyên đề này, cần xác định lấy người học làm trung tâm, khai thác triệt để kinh nghiệm của học viên, giảng viên là người hướng dẫn, tổng kết. Vì vậy, ngoài phương pháp truyền thống thuyết trình, giảng viên cần sử dụng các phương pháp tích cực như nêu ý kiến ghi lên bảng, hỏi – đáp, phỏng vấn nhanh, chia tổ, nhóm để thảo luận, cho học viên các câu hỏi trắc nghiệm về các ngành, lĩnh vực và nội dung quản lý nhà nước, mỗi phần để có các tiểu kết và tổng kết bài để định hướng người học, phân tích sâu các nội dung chính, khái quát, giới thiệu các nội dung khác để học viên tham khảo, nghiên cứu thêm... Ngoài ra, do kiến thức của chuyên đề rất rộng, giảng viên có thể sử dụng Powerpoint để khái quát những nội dung chính, thêm các video ngắn, hình ảnh minh họa để bài giảng thêm sinh động.

            Trên đây là một số ý kiến trao đổi xung quanh nội dung bài giảng “Tổng quan quản lý nhà nước theo ngành và lãnh thổ, chắc chắn còn nhiều vấn đề khác cần làm sáng tỏ hơn nữa, song ở phạm vi bài viết này tôi chỉ mong muốn nêu lên một số ý kiến cá nhân nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng bài giảng, qua đó góp phần nhỏ nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình chuyên viên và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của nhà trường, của tỉnh giao cho.

Hán Mạnh Hùng

Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng