• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ KẾT QUẢ TRONG THỰC HIỆN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TẠI TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2011-2020
Ngày xuất bản: 13/10/2020 2:46:00 CH
Lượt đọc: 14574

            Quan điểm cải cách hành chính (CCHC) ở nước ta, mà xuất phát điểm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được đề ra lần đầu tiên tại Nghị quyết số 38/CP ngày 04/5/1994 của Chính phủ về cải cách một bước TTHC trong giải quyết công việc của công dân và tổ chức. Khi đó, cải cách nền hành chính nhà nước với tư cách là một hệ thống, đồng bộ đúng với ý nghĩa và tầm quan trọng của nó thực sự được quan tâm và trở thành chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Qua các giai đoạn khác nhau, cải cách TTHC đạt được một số thành tựu quan trọng. Với bước ngoặt là thành công của Đề án Đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30), Chính phủ đã đánh giá đúng vị trí, vai trò của TTHC trong CCHC và TTHC được tách ra khỏi thể chế thành một trong sáu nội dung nhiệm vụ của Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020.

Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước; Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 5/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước, giai đoạn 2011 - 2020, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái xác định rõ công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những nội dung quan trọng của một trong ba đột phá chiến lược, do vậy trên cơ sở mục tiêu, chương trình tổng thể về CCHC của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011 - 2020; đã thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc tham mưu chỉ đạo, triển khai, thực hiện công tác CCHC của tỉnh. Hàng năm, bố trí kinh phí, đầu tư trang thiết bị để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2015, đã tổ chức chấm điểm Chỉ số CCHC đối với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; triển khai đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh. Lấy kết quả thực hiện CCHC làm căn cứ để đánh giá năng lực lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính; mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xét thi đua, khen thưởng của các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Căn cứ Chương trình tổng thể CCHC theo nội dung Nghị quyết 30c/NQ-CP; Kế hoạch CCHC giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020, có thể khẳng định việc thực hiện nội dung cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được khái quát trên các mặt chủ yếu như sau:

* Một là: Về kiểm soát TTHC

UBND tỉnh Yên Bái đã tập trung chỉ đạo công tác rà soát; đánh giá TTHC, công bố TTHC, tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của công dân về TTHC, cụ thể là: Trong giai đoạn 2011-2020 đã ban hành 239 Quyết định công bố TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế, TTHC bị bãi bỏ, TTHC ban hành mới thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và UBND cấp xã, với tổng số: 6.318 TTHC. Các TTHC sau khi công bố được đăng tải công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, gắn với kết nối, tích hợp dữ liệu TTHC với 18 Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, 09 Trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện. Đồng thời, cập nhật lên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử; Ban hành 03 Quyết định kiến nghị các Bộ, ngành có liên quan xem xét sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định hành chính, TTHC không cần thiết với 29 TTHC; tiếp nhận, xử lý 03 phản ánh kiến nghị của cá nhân về TTHC. Đặc biệt là ban hành 11 Quyết định phê duyệt danh mục TTHC đưa ra thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh, Bộ phận PVHCC cấp huyện, cấp xã; 24 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ các TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã.

* Hai là: Về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC

Việc thực hiện cơ chế  một cửa và một cửa liên thông được triển khai tại 19/19 cơ quan chuyên môn của tỉnh; 9/9 huyện, thị xã, thành phố; 180/180 xã, phường, thị trấn (từ ngày 1/02/2020 là 173/173 xã, phường, thị trấn) và tại các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc tại địa phương.

Ngày 08/6/2018, Yên Bái đã thành lập và đưa Trung tâm PVHCC tỉnh đi vào hoạt động. Từ ngày 01/4/2019, thành lập và đưa vào hoạt động Bộ phận PVHCC cấp huyện, cấp xã theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.

Các TTHC đưa ra thực hiện tại Trung tâm PVHCC tỉnh, Bộ phận PVHCC cấp huyện đạt 96%, riêng cấp xã đạt 100%. Tính đến 31/3/2020, Trung tâm Phục vụ hành chính công (PVHCC) tỉnh đang thực hiện 1.655 TTHC; Bộ phận PVHCC cấp huyện đang thực hiện 411 TTHC; Bộ phận PVHCC cấp xã thực hiện 130 TTHC. Số lượng các TTHC được giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông cùng cấp là 56 TTHC; số TTHC được giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông giữa các cấp chính quyền là thủ tục 35 TTHC.

Kết quả tiếp nhận và giải quyết TTHC: Từ ngày 01/6/2018 đến ngày 31/3/2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận vào hệ thống 553.718 hồ sơ; Hồ sơ đã giải quyết 519.275 hồ sơ, trong đó hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn là 519.118 hồ sơ (đạt 99,97%), hồ sơ quá hạn là 157 hồ sơ (chiếm 0,03%), đặc biệt đối với tất cả các hồ sơ quá hạn đều có Thư xin lỗi gửi cho các tổ chức, cá nhân đúng quy định; ngoài ra không có trường hợp nào phản ánh, kiến nghị về việc giải quyết TTHC.

* Ba là: Về tình hình, kết quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích

Việc triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng; việc thanh toán lệ phí, nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và có thể thực hiện trên môi trường mạng, giúp giảm chí phí và thời gian cho tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, bước đầu đã tạo nhiều thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và các cơ quan Nhà nước trong việc giảm chi phí, thời gian đi lại; giảm áp lực cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị, địa phương; góp phần đẩy mạnh công tác cải CCHC, giảm tỷ lệ tồn đọng kết quả giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được triển khai từ năm 2017 với tổng số 2.199 dịch vụ công, trong đó có 1.730 dịch vụ công mức độ 2; 322 dịch vụ công mức độ 3; 147 dịch vụ công mức độ 4.

Cụ thể, trong khoảng gần 300.000 hồ sơ TTHC của tỉnh được giải quyết trong năm 2019, tỷ lệ TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3 mới đạt 0,185%, mức độ 4 là 0,188% trên tổng hồ sơ tiếp nhận. Điển hình như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với 89 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó có 2 TTHC dịch vụ công mức độ 4 gồm: cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề thú y thuộc thẩm quyền cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh và cấp lại chứng chỉ hành nghề thú y. Huyện Văn Yên, cấp huyện có  30 TTHC mức độ 3 và  6 TTHC mức độ 4; cấp xã có 5 TTHC mức độ 3. Tuy nhiên, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện không phát sinh hồ sơ TTHC nào. Còn tại thành phố Yên Bái, có 28 TTHC thực hiện mức độ 3, 4; cấp xã, phường có 4 TTHC mức độ 3. Đến nay, thành phố Yên Bái đã triển khai TTHC mức độ 3, 4 lĩnh vực tài chính - kế hoạch; giáo dục - đào tạo (mức độ 3), tuy nhiên, số hồ sơ phát sinh trên mạng rất ít.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều người dân còn e ngại, có tâm lý không yên tâm sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; nhiều người dân cho rằng các biểu mẫu kê khai còn nhiều phức tạp, nhiều người không tự kê khai được, hoặc tự kê khai thường sai lệch thông tin nên hầu hết vẫn lựa chọn trực tiếp đến cơ quan công quyền để nộp TTHC. Chi phí thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích là 25.000 đồng/ lần vận chuyển, địa bàn nhiều nơi nhất là thành phố thuận tiện giao dịch, do đó người dân thường đi trực tiếp nhằm "yên tâm về tư tưởng” và giảm chi phí. Tính đến hết 31/3/2020, có tổng số 1.505.128 lượt hồ sơ được giải quyết, trong đó: hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ Bưu chính công ích đạt trên 15 nghìn lượt; số lượng chuyển trả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích đạt trên 100 nghìn.

* Bốn là: Về sáng kiến, giải pháp cải cách TTHC

Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã có 152 giải pháp, sáng kiến về TTHC được áp dụng qua đó đã góp phần giải quyết tốt các TTHC cho tổ chức, cá nhân, bảo đảm nhanh, gọn, rút ngắn thời gian. Các sở, ban, ngành, địa phương đã tiếp nhận kịp thời các thông tin, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC; niêm yết công khai TTHC tại các trụ sở cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp nhận và giải quyết TTHC theo đúng quy định..

Với kết quả đó, Chỉ số CCHC của tỉnh tăng đều qua các năm, từ thứ hạng 56/63 năm 2016 lên thứ hạng 26/63 tỉnh, thành phố năm 2019 (tăng 30 bậc) và nằm trong Top 30 tỉnh, thành phố (đạt chỉ tiêu Kế hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao).

Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã được quan tâm, chỉ đạo và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu với nhiều kết quả tích cực, nổi bật; được Văn phòng Chính phủ đánh giá cao và là điểm sáng trong công tác CCHC với việc thành lập và đưa vào hoạt động Bộ phận Phục vụ hành chính công 03 cấp. Việc kiểm soát TTHC được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, có chất lượng, các TTHC được công bố kịp thời, thường xuyên cập nhật các quy định về TTHC của các Bộ, ngành, Trung ương để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong công tác cải cách TTHC, UBND tỉnh Yên Bái cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện như  việc phát hiện các vướng mắc, bất cập về TTHC và chủ động kiến nghị, đưa ra phương án đơn giản hóa, sáng kiến cải tiến TTHC của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện còn chậm; Tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC mức độ 3, mức độ 4 và số lượng TTHC tiếp nhận, luân chuyển, trả kết quả qua dịch vụ Bưu chính công ích còn thấp.

Có thể khẳng định rằng, Nghị quyết số 30c/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 với những mục tiêu kỳ vọng về cải cách hành chính. Khác với giai đoạn 2001-2010, Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 đưa trở lại nội dung cải cách thủ tục hành chính như một trong sáu trụ cột của CCHC nhà nước. Nhìn lại kết quả trong 10 năm thực hiện TTHC theo Chương trình tổng thể giai đoạn 2011-2020, bài viết chỉ đề cập đến một số nét lớn trong kết quả cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đó là một hành trình của nỗ lực với những kết quả đáng ghi nhận và còn những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. Do đó, từ yêu cầu thực tiễn của nhiệm vụ CCHC (trong đó có nhiệm vụ cải cách TTHC) đỏi hỏi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái tiếp tục đề ra những định hướng  và cụ thể hóa  các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ cải cách TTHC nói riêng và CCHC nói chung mà tỉnh phải triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2030.

Âu Phương Thảo

Khoa Nhà nước và pháp luật