• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ GIẢI PHÁP VẬN DỤNG HIỆU QUẢ NỘI DUNG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG VÀO GIẢNG DẠY CÁC PHẦN HỌC CỦA KHOA LÝ LUẬN CƠ SỞ
Ngày xuất bản: 02/11/2021 9:26:00 SA
Lượt đọc: 11086

 

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng, đất nước và dân tộc. Đại hội XIII là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai.Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là sự kết tinh trí tuệ, sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện sự quyết tâm, ý chí khát vọng phát triển của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Muốn đạt được những mục tiêu mà Đại hội đã đề ra thì việc học tập, quán triệt, tuyên truyền là yếu tố hàng đầu để Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống; trong đó các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giữ vai trò quan trọng trong công tác này.

Khoa Lý luận cơ sở là đơn vị trực thuộc Trường Chính trị tỉnh Yên Bái, có nhiệm vụ giảng dạy các môn về “Những vấn đề cơ bản Chủ nghĩa Mác – Lênin”, “Những vấn đề cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh”, “Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương”, Với những đặc thù của các môn do Khoa đảm nhiệm là cung cấp những kiến thức cơ bản về nền tảng tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở; từ đó vận dụng những tri thức đó vào thực tiễn công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở cơ sở, đồng thời, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, việc mỗi giảng viên khoa Lý luận cơ sở nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào từng môn học là vô cùng cần thiết.

Trong thời gian qua, ngay sau khi được học tập và quán triệt những nội dung cơ bản trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, toàn thể đội ngũ giảng viên Khoa lý luận cơ sở đã thấy được tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập và lồng ghép những nội dung trong Văn kiện vào từng bài giảng cho phù hợp với từng đối tượng học viên, đồng thời, định hướng cho người học vận dụng những nội dung cơ bản của Nghị quyết vào thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ đó, góp phần làm cho Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày càng được triển khai sâu rộng trong thực tiễn.

Để thời gian tới việc vận dụng Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII của Đảng có hiệu quả vào giảng dạy các môn trong Khoa lý luận cơ sở, tôi xin đưa ra một số đề xuất sau:

Thứ nhất, Tiếp tục nghiên cứu để hiểu sâu sắc Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và lựa chọn nội dung phù hợp với đặc thù với các môn học của Khoa

Trong quá trình nghiên cứu, giảng viên cần tập trung vào những nội dung từ khái quát đến chi tiết. Theo đó, giảng viên cần nắm được các nội dung chính, tinh thần chung của Văn kiện, chú trọng đến những điểm mới, nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Trong “Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII” cần nắm khái quát 8 kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, hạn chế, nguyên nhân và 5 bài học kinh nghiệm; kết quả nổi bật trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; về tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước cần nắm chắc 5 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, 3 nội dung định hướng, các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, 12 nội dung định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược… trong báo cáo “Những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030” cần nắm khái quát những thành tựu nổi bật, hạn chế, 5 quan điểm, 3 đột phá, 10 nhiệm vụ, giải pháp cơ bản. Báo cáo “Những nội dung cơ bản của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025” cần nắm khái quát những kết quả nổi bật, hạn chế, nguyên nhân, 5 bài học kinh nghiệm, các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản. Những nội dung cơ bản trong “Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng” cần nắm những ưu điểm cơ bản, hạn chế, nguyên nhân, 5 bài học kinh nghiệm, 6 phương hướng, 10 nhiệm vụ, giải pháp, 3 nhiệm vụ trọng tâm, 3 giải pháp đột phá. Để hiểu sâu và vận dụng linh hoạt nội dung Nghị quyết vào bài giảng, giảng viên có thể tham khảo các tài liệu do ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn ở dạng ngắn gọn, tóm tắt như: Tài liệu học tập các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (dùng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở), Tài liệu hỏi đáp về các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (dùng cho đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội và tuyên truyền trong nhân dân). Việc nắm khái quát các nội dung trong văn kiện sẽ giúp cho giảng viên có thể chủ động, linh hoạt để truyền đạt tinh thần của Văn kiện và làm cơ sở cho việc nghiên cứu sâu sắc, chi tiết các nội dung có liên quan trực tiếp đến từng bài giảng. 

 Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào thực tiễn

Đối với công tác nghiên cứu khoa học, khoa Lý luận cơ sở cần lựa chọn những vấn đề được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhưng khi thực hiện tại tỉnh Yên Bái, một tình miền núi còn nhiều khó khăn cần phải có những giải pháp hữu hiệu để thực hiện cho hiệu quả để lựa chọn làm đề tài nghiên cứu khoa học. Từ những vấn đề nêu ra trong Nghị quyết Đại hội XIII, khoa Lý luận cơ sở sẽ tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, khái quát và tổng kết các vấn đề nghiên cứu thực tế để chỉ ra sự phù hợp hoặc khó khăn trong chủ trương của Đảng khi áp dụng vào thực tiễn, những phương pháp, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong việc vận dụng Nghị quyết của Đảng ở cơ sở. Từ đó phân tích, đánh giá và khái quát thành các luận điểm, luận cứ trong các đề tài khoa học, bài báo, bài hội thảo, tọa đàm… Hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế sẽ góp phần bổ sung và nâng cao kiến thức của giảng viên để thực hiện tốt công tác giảng dạy và tuyên truyền Nghị quyết của Đảng; đồng thời cũng bổ sung các luận cứ khoa học trong những đề xuất, giải pháp để Nhà trường tham mưu cho tỉnh góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tại tỉnh Yên Bái.

Thứ ba, sử dụng đa dạng, linh hoạt các phương pháp trong giảng dạy để nâng cao hiệu quả tuyên truyền Nghị quyết XIII của Đảng

Trong quá trình vận dụng đưa Nghị quyết của Đảng vào bài giảng, giảng viên cần bám sát vào nội dung bài giảng để sử dụng phương pháp giảng dạy phù hợp. Giảng viên có thể sử dụng những thành tựu, kết quả đạt được để làm dẫn chứng chứng minh, minh họa cho những luận điểm của bài giảng,ví dụ: sử dụng các số liệu, kết quả về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong “Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng” làm dẫn chứng minh họa khi giảng dạy trong bài 3 (Hai nguyên lý của phép biện chứng duy vật); bài 4 (Các cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật); bài 5 (Những quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật) để thấy được rằng, để có được những thành tựu ấy là nhờ việc Đảng ta đã vận dụng và phát triển sáng tạo những nguyên lý, quy luật và các cặp phạm trù của chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện thực tiễn ở Việt Nam.

            Ngoài ra, giảng viên có thể sử dụng các phương pháp phân tích, hỏi đáp, phỏng vấn nhanh, nêu vấn đề để khai thác các nội dung về quan điểm chỉ đạo, các khâu đột phá, bài học kinh nghiệm để làm sâu sắc hơn các quan điểm của Đảng, đặc biệt khi khai thác các nội dung này giảng viên nên chỉ ra những điểm mới, sự sáng tạo, bước phát triển trong quan điểm của Đảng trong văn kiện gắn với nội dung bài giảng, ví dụ: khi giảng dạy phần 3.Thành tựu, thách thức và triển vọng của chủ nghĩa xã hội hiện thực từ 1991 đến nay, Bài 21.Cải cách, đổi mới chủ nghĩa xã hội từ 1991 đến nay, giảng viên có thể sử dụng những thành tựu 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới trong Văn kiện để phân tích và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong đó có vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới, hoặc đặt câu hỏi và phân tích những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cụ thể như: các thành tố trong chủ đề Đại hội XIII so với Đại hội XII có một số điểm mới, đáng chú ý là sự bổ sung xây dựng hệ thống chính trị vào nội dung xây dựng Đảng thành “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”; Nêu “khát vọng phát triển đất nước”; Xác định mục tiêu “đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”… để thấy được sự kế thừa, bổ sung, phát triển đường lối của Đảng qua các kỳ Đại hội và sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, từ đó củng cố niềm tin sâu sắc của học viên vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, tạo sự tin tưởng và đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thứ tư, mỗi giảng viên trong Khoa phải tự giác học tập, nghiên cứu; chủ động tiếp cận để nắm vững những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, những nội dung cốt lõi và vấn đề mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng một cách đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm.

Mỗi giảng viên cần xác định rõ trách nhiệm học tập, quán triệt Văn kiện không chỉ là thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên, mà cao hơn là tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng đến người học, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và biến quan điểm, đường lối thành hành động cách mạng cụ thể trong thực tiễn. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin, uốn nắn những lệch lạc, đấu tranh làm thất bại luận điệu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong tình hình mới hiện nay.

Thứ năm, Giảng viên phải rèn luyện kỹ năng lồng ghép có hiệu quả nội dung Văn kiện XIII của Đảng vào các chuyên đề giảng dạy, thảo luận được Khoa chủ quản phân công

Cần xác định việc quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội hội Đảng các cấp là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, giảng viên thông qua giảng dạy phải thực hiện tốt việc lồng ghép nội dung Văn kiện XIII của Đảng trong các bài giảng ở tất cả các lớp, các loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Trong quá trình giảng dạy, bên cạnh việc phân tích, giảng giải lấy ví dụ để học viên hiểu đúng, nắm rõ kiến thức bài học, giảng viên còn phải phân tích, so sánh, đánh giá để làm nổi bật giá trị bền vững về mặt lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từng bài giảng phải thể hiện được tính đảng sâu sắc, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, toát lên niềm tin mãnh liệt vào sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo. Đồng thời, phải tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường đối thoại, trao đổi, thảo luận để học viên được nêu lên quan điểm, suy nghĩ cá nhân, qua đó nắm bắt, định hướng kịp thời lập trường tư tưởng cho học viên. Muốn làm được điều này đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải là người vừa am hiểu lý luận, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa có kiến thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Do đó, cùng với việc không ngừng nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn trong trong công tác giảng dạy. Trên cơ sở đó, tích cực tham gia vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương; tham gia góp ý và phản biện vào các quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp, qua đó góp phần vào việc bảo vệ, phát triển nền tảng, tư tưởng của Đảng.

Tóm lại, nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào thực tiễn cuộc sống là nhiệm vụ của tất cả các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị. Đặc biệt, đối với đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Yên Bái nói chung và Khoa Lý luận cơ sở nói riêng thì việc nghiên cứu, vận dụng Nghị quyết của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Với những giải pháp đồng bộ và sáng tạo thì những tư tưởng cơ bản, quan điểm chỉ đạo, nội dung cốt lõi, những vấn đề mới của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng sẽ được thấm nhuần và vận dụng có hiệu quả trong giảng dạy ở Nhà trường, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên cho tỉnh nhà thời gian tới.

Từ Thị Thoa – Khoa Lý luận cơ sở