• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ LIÊN HỆ THỰC TẾ TRONG GIẢNG DẠY LỊCH SỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TẠI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ YÊN BÁI
Ngày xuất bản: 12/10/2022 2:46:00 CH
Lượt đọc: 8396

 

Liên hệ thực tế là một yêu cầu hết sức quan trọng trong giảng dạy các bộ môn lý luận chính trị tại các trường chính trị tỉnh. Việc liên hệ thực tế giúp cho người học dễ hiểu, áp dụng vào công tác của mình trong hoạt động thực tiễn. Liên hệ thực tế trong giảng dạy không chỉ giúp cho giảng viên có được một tiết giảng lôi cuốn, sinh động và hấp dẫn mà còn giúp cho học viên rút ngắn được khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế, nâng cao khả năng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, giúp học viên nắm được bài một cách nhanh hơn và hiệu quả cao.

Bộ môn Lịch sử Đảng có chức năng nhận thức và chức năng giáo dục. Từ nhận thức quá khứ để suy nghĩ, hành động hiện tại và góp phần dự báo sự phát triển trong tương lai. Nhận thức hiện thực khách quan của lịch sử lãnh đạo, đấu tranh của ĐCS Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt để đi tới phát hiện, nhận thức quy luật và những vấn đề có tính quy luật của quá trình vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam. Nhận thức đúng đắn và hành động theo quy luật có ý nghĩa quyết định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí trong hoạch định đường lối, cương lĩnh và tổ chức, chỉ đạo thực tiễn.

Với vai trò quan trọng đó của bộ môn Lịch sử Đảng, yêu cầu người giảng viên trong quá trình giảng dạy cần phải gắn liền nội dung lịch sử Đảng của các giai đoạn, thời kỳ với thực tế của địa phương và của đất nước.

Trong thời gian vừa qua, việc giảng dạy bộ môn Lịch sử Đảng đã có nhiều cố gắng trong việc vận dụng và liên hệ vào trong thực tế. Nhiều giảng viên đã tích cực lồng ghép nội dung của giáo trình qua các thời kỳ, giai đoạn lịch sử của đất nước với thời kỳ, giai đoạn của lịch sử địa phương mình giảng dạy, đồng thời đã đánh giá và liên hệ được các bài học kinh nghiệm của Đảng đối với giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên với nhiều lý do như thời lượng bài giảng quá dài trong khi thời gian để chuyển tải nội dung không có, hay một số giảng viên còn chưa có điều kiện nghiên cứu lịch sử địa phương đầy đủ của tỉnh nhà nói chung và của từng địa phương trong tỉnh nói riêng. Chính vì vậy, nhiều tiết dạy, bài giảng chưa được liên hệ một cách rõ ràng, cụ thể vào trong thực tế địa phương, đất nước. Điều này đã làm hạn chế hiệu quả trong công tác dạy và học. Bài giảng chỉ dừng lại ở giáo trình, lịch sử Đảng của dân tộc qua các thời kỳ của đất nước mà không thấy được giá trị của bài học kinh nghiệm đó được vận dụng vào hiện nay như thế nào.

Để góp việc giảng dạy môn Lịch sử Đảng được hiệu quả và để việc nâng cao việc liên hệ thực tiễn trong giảng dạy bộ môn này chúng ta cần:

Thứ nhất, người giảng viên cần nắm chắc nội dung bài giảng để truyền tải đến học viên đầy đủ trong thời gian thích hợp. Đặc biệt người giảng viên cần nắm chắc bài học kinh nghiệm của từng giai đoạn lịch sử để từ đó đánh giá và liên hệ vào trong hiện tại bài học kinh nghiệm đó có giá trị như thế nào.

Thứ hai, nhà trường thường xuyên tạo điều kiện cho các giảng viên được đi nghiên cứu thực tế. Qua quá trình nghiên cứu thực tế ở cơ sở mỗi giảng viên sẽ tích lũy được những tình huống thực tế nhất định phục vụ cho quá trình giảng dạy.

Thứ ba, mỗi bản thân người giảng viên phải tự nỗ lực để có được phông kiến thức thực tế. Muốn có được phông thực tế rộng rãi, người giảng viên phải tự mình trải nghiệm trong công việc, đọc, tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử địa phương, lịch sử tỉnh nhà, sự kiện thực tế liên quan đến bài giảng.

 Thứ tư, lãnh đạo Khoa cung cần phân công cụ thể cho mỗi giảng viên thu thập các mảng lịch sử Đảng của từng địa phương khác nhau, sau đó tổng hợp thành cơ sở dữ liệu chung để các thành viên trong Khoa có thể khai thác và sử dụng. Hoạt động này không chỉ xây dựng cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy mà còn tạo ra được thói quen thường xuyên cập nhật thông tin, đọc và nghiên cứu của mỗi giảng viên. Từ đó giảng viên sẽ lồng ghép vào từng phần mục cụ thể để liên hệ thực tế, nâng cao hiệu quả bài giảng của mình...

Với đặc thù của bộ môn là hầu hết các sự kiện, bài học lịch sử đều bất biến, trong khi đề mở yêu cầu thường xuyên thay đổi để học viên phải giành thời gian nghiên cứu, liên hệ. Vì vậy, xây dựng đề mở phải theo hướng khai thác những giai đoạn lịch sử nhỏ hoặc cùng một nội dung câu hỏi nhưng cách đặt vấn đề khác nhau yêu cầu học viên phải suy nghĩ, linh hoạt, nhạy bén khi làm bài. Hệ thống đề mở được xây dựng nên đánh giá cao phần liên hệ thực tiễn bằng điểm số một cách phù hợp nhất. Kết hợp hai dạng thức tổng hợp kiến thức và liên hệ thực tiễn với nhau thành hệ thống đề mở đa dạng sẽ rèn luyện cho học viên kỹ năng tổng hợp kiến thức và liên hệ, vận dụng tốt trong công việc và cuộc sống.

Có thể nói nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị nói chung, chất lượng giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng có vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện tốt nhiệm vụ trên không những góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, rèn luyện bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin của đội ngũ đảng viên vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc; đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Yên Bái phát triển khá, toàn diện, bền vững, nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030 như được đề cập tại Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

ThS. Nguyễn Quý Dũng 
Khoa Xây dựng Đảng