• Loading...
Chào mừng bạn đến với trang Thông tin điện tử Trường Chính trị tỉnh Yên Bái!.
 
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY PHẦN NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN TRONG CHƯƠNG TRÌNH TRUNG CẤP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ MỚI
Ngày xuất bản: 16/12/2021 6:25:00 CH
Lượt đọc: 14617

 

Ngày 21/01/2021, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG về Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị) với những thay đổi trong khung chương trình Trung cấp lý luận chính trị mới. Là một môn học thuộc phần I trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị, phần Nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác -Lênin cũng có những thay đổi nhất định về giáo trình cũng như thời lượng chương trình.

Phần học Nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin được cấu thành từ 3 bộ môn thống nhất hữu cơ không thể tách rời của chủ nghĩa Mác-Lênin là: Triết học Mác  - Lênin, Kinh tế chính trị học Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học. So với giáo trình cũ, giáo trình mới được cấu thành bởi 24 bài. Trong đó, Triết học Mác - Lênin có 80 tiết từ Bài 1 đến Bài 11; Kinh tế chính trị học Mác - Lênin 64 tiết từ Bài 12 đến Bài 17; Chủ nghĩa xã hội khoa học 64 tiết từ Bài 18 đến Bài 24. Nội dung giáo trình dựa trên cơ sở kế thừa các cuốn giáo trình cũ, đồng thời có một số sự thay đổi như: về dung lượng nội dung bài nhiều hơn do số tiết học được tăng lên; cập nhật những nội dung mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; các bài được xây dựng trên cơ sở một buổi học 04 tiết và không có thời gian thảo luận riêng như trước.

Với những thay đổi như vậy, trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng giảng dạy của học phần Nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin phải kết hợp thực hiện nhiều biện pháp khác nhau như: nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; học viên cần nâng cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu và tích cực hợp tác với giảng viên trong quá trình dạy - học; tăng cường công tác quản lý học viên; đầu tư trang thiết bị, dụng cụ cho học viên và giảng viên… Là một giảng viên trực tiếp giảng dạy nội dung này, theo tôi để nâng cao chất lượng giảng dạy nội dung chương trình mới cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Trước tiên, giảng viên cần làm tốt việc giới thiệu cho học viên nắm được tính đặc thù của phần học; đối tượng, phương pháp nghiên cứu của từng môn học.

Mỗi phần môn thuộc Nội dung những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin đều có phương pháp học tập và nghiên cứu riêng. Đặc thù của Triết học là nghiên cứu những quy luật phổ biến nhất của sự tồn tại, vận động và phát tiển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Những quy luật này lại được phản ánh thông qua hệ thống nguyên lý, quy luật, phạm trù của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nghĩa là, một nhiệm vụ rất quan trọng của giảng viên là dạy cho người học tiếp thu, nắm vững những nguyên lý, quy luật, phạm trù của Triết học. Phần này định hướng cho học viên áp dụng kiến thức lý luận đã học vào trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Theo logic thì đây chính là phần cần thiết nhất, phục vụ trực tiếp cho người học. Học viên cần phải nắm vững và ghi nhớ phần này. Để làm được điều đó, giảng viên cần phải chỉ rõ cơ sở lý luận để rút ra ý nghĩa phương pháp luận đó, như thế học viên mới có cơ sở để thừa nhận ý nghĩa phương pháp luận đó bằng sự hiểu biết có cơ sở khoa học chứ không phải bằng sự áp đặt.

Đặc thù của Kinh tế chính trị là hệ thống tri thức về những quy luật chi phối quá trình sản xuất và trao đổi tư liệu sinh hoạt vật chất trong đời sống xã hội mà trọng tâm của nó là những quy luật kinh tế của quá trình vận động, phát triển, diệt vong tất yếu của hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa cũng như sự ra đời tất yếu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Chủ nghĩa xã hội khoa học là hệ thống tri thức chung nhất về cách mạng xã hội chủ nghĩa và quá trình hình thành, phát triển của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa; về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong sự nghiệp xây dựng hình thái kinh tế - xã hội đó.

Hai là, để giảng tốt một môn học dù là Triết học, Kinh tế chính trị hay Chủ nghĩa xã hội khoa học thì giảng viên đều phải nắm vững kiến thức cả phân môn Nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì các môn học có sự thống nhất hữu cơ không thể tách rời với nhau. Kiến thức của các bài liên hệ chặt chẽ với nhau. Việc nắm vững kiến thức toàn bộ môn học giúp cho giảng viên tự tin trong khi giảng. Hơn nữa, trong khi giảng rất có thể có những câu hỏi của học viên về kiến thức của các bài học trước, thậm chí cả những kiến thức liên quan đến các bài chưa học, nếu nắm vững kiến thức toàn bộ môn học, giảng viên sẽ làm chủ được tình huống như vậy. Hơn nữa rất nhiều vấn đề Triết học chỉ có thể được làm sáng tỏ nhờ sự trợ giúp của Kinh tế chính trị , Chủ nghĩa xã hội hoặc ngược lại.

Ba là, phải làm rõ những thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa trong giáo trình.

Định nghĩa, khái niệm được coi là chìa khóa để nghiên cứu các vấn đề khoa học. Và đối với các môn lý luận Mác – Lênin nói riêng và các môn lý luận chính trị nói chung, giáo trình thể hiện rất nhiều từ, cụm từ, thuật ngữ kinh điển; các khái niệm, định nghĩa trừu tượng... Nên khi lên lớp giảng viên phải giải thích thật cụ thể, ngắn gọn và dễ hiểu, tức là phải đơn giản hóa các thuật ngữ, khái niệm đến mức có thể.     

Muốn vậy, rất cần sự hiểu biết sâu về kinh điển thông qua quá trình nghiên cứu của bản thân cũng như tham gia các lớp Bồi dưỡng kiến thức kinh điển về Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Cần lưu ý là không lạm dụng, trích dẫn kinh điển quá nhiều; chỉ trích kinh điển khi thật cần thiết để làm rõ vấn đề được đề cập tới; khi trích kinh điển thì phải giải thích rõ nội dung, ý nghĩa và liên hệ đến thực tiễn, tránh trường hợp trích xong câu nói của các nhà kinh điển rồi bỏ lửng, không giải thích. Bên cạnh đó, khi trích kinh điển phải chính xác, dẫn nguồn trích cụ thể; đặc biệt là không được cắt xén những câu nói của các nhà kinh điển, vì như thế rất dễ dẫn đến sự hiểu sai, hay hiểu không thấu đáo của học viên.

Bốn là, do giáo trình mới đã viết rất tỉ mỉ về nội dung, vì vậy giảng viên cần lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp để tránh việc trình bày lại giáo trình.

Thế giới thay đổi từng ngày, mỗi sự kiện, hiện tượng trong thế giới ngày nay cũng luôn thay đổi nhanh chóng. Thông tin trái ngược nhau tràn ngập trên internet, thì việc cung cấp, cập nhật kiến thức kịp thời cho mỗi bài giảng là hết sức cần thiết. Làm mới bài giảng không chỉ ở nội dung mà cần thiết làm mới cả phương pháp giảng, cách thức tiếp cận ở mỗi nội dung bài giảng. Ngay từ khâu soạn giáo án giảng viên cần đầu tư nguồn tư liệu về thực tiễn phong phú, sinh động để minh họa cho nội dung lý luận. Lý luận cần được diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Có thể minh họa bằng những câu chuyên thực tiễn. Chú trọng nội dung hướng dẫn học viên vận dụng lý luận cho thực tiễn công tác, dành thời gian phù hợp cho nội dung về đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Năm là, xây dựng và sử dụng đa dạng các loại bài tập để củng cố kiến thức bài học, môn học và phần học.Tùy theo nội dung mỗi bài mà giảng viên có thể chọn các dạng bài tập cho thích hợp. Bài tập có thể dưới dạng trắc nghiệm, bài tập tình huống hoặc bài tập tìm các biến như giá trị thặng dư, tỷ suất lợi nhuận đối với môn học Kinh tế chính trị. Thông qua bài tập giảng viên có thể nắm được mức độ hiểu bài của lớp, điều chỉnh phương pháp giảng cho phù hợp. Bài tập có thể sử dụng linh hoạt sau một số tiết học, sau mỗi buổi hoặc sau một bài. Tuy nhiên tốt nhất cuối mỗi buổi học giảng viên cần dành một khoảng thời gian khoảng 15-20 phút để có thể khảo sát kết quả buổi giảng bằng những bài tập nhanh dưới dạng trắc nghiệm hoặc bài tập tình huống dưới dạng đúng hoặc sai.

Việc làm bài tập nhanh có thể thực hiện thí điểm sau đó thực hiện rộng rãi trong tất cả các bài giảng và có thể tiếp tục sử dụng ở phần hệ thống môn học.  Điều đó sẽ tạo nên động lực để cả giảng viên và học viên đều phải cố gắng. Muốn làm được như vậy mỗi bài học, phần học đều phải có ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tình huống phù hợp.

Sáu là, đa dạng hóa các chủ đề thảo luận cho mỗi bài, nội dung thảo luận cho nhiều bài và cả môn học. Chủ đề thảo luận giảng viên có thể chuẩn bị trước, hoặc chọn lọc từ khảo sát nhu cầu của học viên. Chủ đề hướng đến vận dụng lý luận để giải quyết vấn đề thực tiễn, hoặc các tình huống trong cuộc sống.

Có thể thấy, đào tạo, bồi dưỡng lý luận nói chung, nâng cao chất lượng giảng dạy phần Nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng cho cán bộ, đảng viên đóng vai trò quan trọng tới sự nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện phát triển hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào cộng đồng thế giới. Muốn vậy cần phải nâng cao trước hết ý thức, sự tâm huyết với sự nghiệp giáo dục lý luận của đội ngũ giảng viên; trên cơ sở đó, phát huy hiệu quả một số yếu tố nói trên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy. 

 

                        Hà Tùng Dương

                                                                                                Khoa Lý luận cơ sở